Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại Úc

[MINH HUỆ 12-12-2020] Ngày 8 tháng 12, Quốc hội Úc đã thông qua một dự luật ngoại giao cho phép chính quyền liên bang chấm dứt những thỏa thuận mà các trường đại học, chính quyền cấp bang và địa phương, hay các hội đồng địa phương, ký kết với các thế lực nước ngoài.

Đạo luật này cũng được áp dụng với các thỏa thuận hiện có, cho thấy thỏa thuận Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) đã ký giữa Bắc Kinh với chính quyền bang Victoria có thể bị hủy bỏ.

Sự thù địch và hình ảnh giả mạo của ĐCSTQ

Sau khi đại dịch virus corona phát tán ra toàn thế giới, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của chủng virus này. Điều này đã chọc giận Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và một cuộc chiến thương mại đã bắt đầu không lâu sau đó.

Từ việc đánh thuế cao đối với rượu và lúa mạch cho tới việc hạn chế nhập khẩu thịt, tôm hùm, gỗ xẻ, than và bông từ Úc, ĐCSTQ đã áp đặt một loạt các biện pháp trả đũa Úc. Hơn nữa, sáu nhà cung cấp thịt của Úc đã bị cấm và bị liệt vào danh sách đen mà không có lý do.

Ngày 30 tháng 11, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đăng một bức ảnh đã chỉnh sửa lên Twitter, cho thấy một người lính Úc tươi cười tay cầm một con dao dính máu kề vào cổ họng một em bé Afghanistan mà trên đầu em phủ một lá cờ Úc.

Thông qua Twitter, Thủ tướng Morrison đã gọi cái tweet này là “thật sự đáng ghê tởm”. Ông đã nói với các phóng viên: “Đây là là sự sỉ nhục sâu sắc đối với mỗi người Úc, những người đã phục vụ trong quân ngũ. Chính quyền Trung Quốc nên cảm thấy hổ thẹn vì bài đăng này. Nó đã làm xấu đi hình ảnh của họ trong con mắt của thế giới”.

Sự việc không đáng có này đã chọc giận người dân Úc, và một số người đã bắt đầu tẩy chay nhiều sản phẩm của Trung Quốc. Trong một khảo sát được thực hiện bởi tờ The Daily Telegraph, có 86% trong số 175.000 người được hỏi cho biết họ sẽ tẩy chay các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc bởi điều quan trọng là phải gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng Úc sẽ không dễ bị bắt nạt.

Dự luật ngoại giao

Bên cạnh những căng thẳng về thương mại, Trung Quốc còn khiếu nại với Úc về hơn 14 vấn đề, bao gồm dự luật ngoại giao từ khi dự luật này được ban hành.

Sau khi biên bản ghi nhớ về Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) được ký kết giữa Trung Quốc và chính quyền bang Victoria vào năm 2018, chính quyền liên bang Úc đã lo ngại về tham vọng thống trị thế giới của Bắc Kinh. Một số nghị sỹ quốc hội cũng nhìn nhận những thỏa thuận giữa Trung Quốc và các trường đại học của Úc là tạo điều kiện cho “các công cụ tuyên truyền” được triển khai, chẳng hạn như các Viện Khổng Tử.

Bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Úc và là người ủng hộ dự luật này, cho biết các bang và vùng lãnh thổ đang “hợp tác thường xuyên hơn ở cấp cao với các chính phủ và các tổ chức mước ngoài, với những tác động hữu hình về các mối quan hệ ngoại giao của Úc”.

“Chính điều này đã gia tăng sự ràng buộc và tính phức tạp về chiến lược trong thế kỷ 21, mang tới những rủi ro lớn hơn, đòi hỏi phải có sự tham vấn và thẩm tra nhiều hơn”, bà giải thích.

Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc

Ngày 7 tháng 12, một tiểu ban thuộc Ủy ban Thường trực Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại của Quốc hội Úc, đã công bố một báo cáo với tựa đề “Tội phạm, tham nhũng và miễn trừng phạt: Úc có nên tham gia vào phong trào Magnitsky toàn cầu?” (Criminality, corruption, and impunity: Should Australia join the Global Magnitsky movement?)

Báo cáo dài 192 trang này đã đề xuất 33 khuyến nghị. Đứng đầu danh sách các khuyến nghị này, “Tiểu ban đề xuất chính phủ Úc ban hành một đạo luật trừng phạt nhằm vào mục tiêu cụ thể nhằm giải quyết các vi phạm nhân quyền và tình trạng tham nhũng, tương tự như Đạo luật Magnitsky 2012 của Hoa Kỳ.”

Ngoài các biện pháp khác, “tiểu ban này đề xuất các biện pháp trừng phạt bao gồm hạn chế thị thực/nhập cảnh, giới hạn quyền tiếp cận tài sản và hạn chế tiếp cận các hệ thống tài chính của Úc.”

Nhiều đạo luật mới dự định sẽ được áp dụng vào đầu năm 2021. Điều này được nhìn nhận là một bước tiến lớn của Úc đối với các vấn đề nhân quyền trong mấy thập kỷ qua.

Ông Bill Browder, một tỷ phú và là người ủng hộ đạo luật này cho biết đạo luật Magnitsky của Úc “không thể ra đời muộn hơn nữa, bởi thế giới đang xảy ra xung đột”. Trong khi những luật như vậy có thể đã được áp dụng cho các đối tượng vi phạm nhân quyền ở nhiều nước thì “câu hỏi lớn là phải làm gì với Trung Quốc, đây sẽ là một thách thức lớn.”

“Có nhiều quan chức ở Trung Quốc hiển nhiên cần phải bị trừng phạt vì vấn đề Tân Cương. Úc cần phải trừng phạt các quan chức Trung Quốc nhưng không nên thực hiện một mình mà cần phải phối hợp với Anh, Canada và Hoa Kỳ”, ông cho biết thêm.

Báo chí ngừng xuất bản những tuyên truyền của ĐCSTQ

Công ty truyền thông Úc Nine Entertainment gần đây đã ngừng đăng tải tám trang báo tháng của ĐCSTQ trên các tờ Sydney Morning Herald, the Age, và the Australian Financial Review. Dưới sự điều hành của những người chủ trước đây của Fairfax Media, những trang báo này đã bị gỡ bỏ từ năm 2016.

Với cái tên “China Watch” (Nhìn về Trung Quốc), những trang tuyên truyền này đã được China Daily biên soạn thành bản tin chính thức của ĐCSTQ và được lưu hành toàn cầu thông qua the Washington Post, the Telegraph Le Figarocủa Pháp.

Sau khi đại dịch virus corona tàn phá thế giới, tờ Daily Telegraph của Vương quốc Anh cũng đã dừng thỏa thỏa thuận với China Daily.

Vào tháng 2, những phụ trang này đã ca ngợi ĐCSTQ vì phản ứng trước Covid-19. Chris Uhlmann, biên tập viên chính trị của Nine News, đã nhận thấy những những phụ trang này là “cực kỳ đáng lo ngại”.

“Từ thời điểm quyết định này được đưa ra [vào năm 2016] để đăng tải phụ trang của China Daily trên Sydney Morning Herald, tôi đã nói rõ rằng tôi thấy một tiến triển cực kỳ đáng lo ngại, đó là tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã có được một tổ chức truyền thông Úc công khai tán thành”, ông nói.

Chấm dứt “Các thành phố kết nghĩa” với cộng sản Trung Quốc

Trước sự đe nẹt, chiến tranh thương mại, và những những bài tweet bôi nhọ với một bức ảnh giả mạo của ĐCSTQ, nhiều nghị sỹ Quốc hội Úc và ủy viên hội đồng thành phố đã kêu gọi xem xét lại các mối quan hệ “thành phố kết nghĩa” với Trung Quốc.

“Dòng tweet này gây chấn động nhưng không có gì đáng ngạc nhiên bởi Bắc Kinh vốn có lịch sử hiếu chiến và những hành động phạm pháp trên nhiều địa hạt”, Thượng nghị sỹ Concetta Fierravanti-Wells nhấn mạnh. “Điều này cho thấy những cảnh báo của tôi về ĐCSTQ suốt một thời gian dài cũng như việc tôi kêu gọi tách rời khỏi Trung Quốc là đúng.”

Bà đề xuất xem xét lại hoặc hủy bỏ các thành phố kết nghĩa với Trung Quốc. Một số quan chức địa phương cho biết mối quan hệ này chỉ tạo cớ cho một số quan chức đi nghỉ ở nước ngoài. Dự luật ngoại giao mới thông qua này còn cho phép rà soát kỹ lưỡng hơn các quan hệ của các thành phố kết nghĩa này.

Ông Marcus Cornish, ủy viên hội đồng thành phố Penrith, đề nghị chấm dứt thỏa thuận Qquan hệ Hữu nghị giữa thành phố này với thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc từ năm 2003 . Ông nói những dòng Tweet của Triệu Lập Kiên “là thứ độc hại đối với toàn thể đất nước và binh lính của chúng ta, trong các cuộc chiến lớn và các cuộc chiến gần đây.”

“Khi tiền của Trung Quốc đổ vào khu vực Penrith này, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quyết định ở khu vực Penrith – dù là do Tiểu bang và Liên bang hay Địa phương đưa ra – bằng áp lực thông qua những công ty của họ, có thể không phải vì lợi ích tốt nhất cho người dân Penrith”, ông Cornish giải thích.

Một ủy viên hội đồng thành phố ở Dubbo cũng kêu gọi chấm dứt mối quan hệ giữa thành phố này với thành phố Ngô Giang ở tỉnh Giang Tô, trong khi quan hệ giữa thành phố Sydney và thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cũng đang bị điều tra.

Hiện tại, Trung Quốc và Úc đã thiết lập 99 mối quan hệ thành phố kết nghĩa và đã ký kết 32 thỏa thuận Quan hệ Hữu nghị.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/12/416393.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/14/188784.html

Đăng ngày 19-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share