Bài viết của Chương Vận, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-12-2020] Ngày 9 tháng 12 năm 2020, một ngày trước lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Nhân quyền Quốc tế, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg đã tổ chức hội thảo trực tuyến về những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Ông Alex Neve, cựu Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tại Canada, đã có bài phát biểu và lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công hơn 21 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

5bdff79f2a72e539b829b6acc9b09146.jpg

Ông Alex Neve, cựu Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Canada

Ông Alex Neve vừa nghỉ hưu sau 20 năm làm việc tại Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Canada để vận động cho nhân quyền. Ông cho biết đã 22 Ngày Nhân quyền trôi qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, nhưng cuộc bức hại vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc.

Ông nói rằng trong suốt thời gian đó, năm này qua năm khác, vi phạm nhân quyền liên miên, tàn nhẫn và có hệ thống của chính phủ Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công và người nhà của họ chỉ ngày càng nghiêm trọng, mãi không dứt.

Ông nói: “Trong những năm qua, tôi thường xuyên tham gia cùng các học viên Pháp Luân Công ở Canada, họ tập trung trên Đồi Nghị viện và trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa để thu hút sự chú ý về cuộc bức hại nhân quyền tàn khốc và dai dẳng này. Tôi đã đứng cùng rất nhiều người ở Canada đây, những người lo lắng khôn nguôi cho số phận của người thân đang bị giam cầm ở Trung Quốc. Tôi luôn bị thuyết phục trước niềm tin và sự thuần khiết của các học viên và thân nhân của họ, trước sự bền bỉ và kiên định tiến về phía trước, và tất nhiên là cả bởi sức mạnh và lòng quả cảm vô song của họ khi không chịu khuất phục mà im lặng.”

Ông ghi nhận rằng mọi người có quyền được sống, và tất cả những hành vi vi phạm nhân quyền này phải chấm dứt. Ông nói: “Điều đó có nghĩa là chính phủ Canada phải tăng cường nỗ lực cả song phương và đa phương nhằm gia tăng áp lực mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc để giảm bớt việc bức hại.”

“Điều đó cũng có nghĩa là nhân quyền phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc, là trọng tâm của mọi cam kết trong toàn chính phủ và mọi giao dịch thương mại của chúng ta. Điều đó có nghĩa là nhân quyền không thể đứng sau thương mại và đầu tư.”

Ông nói thêm rằng cuộc bức hại đã diễn ra quá lâu. “Chúng ta cần phải thấy những nỗ lực ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong việc làm việc với nhiều chính phủ, càng nhiều càng tốt, để làm rõ rằng hồ sơ nhân quyền tàn bạo của Trung Quốc cần được xử lý.”

Ông cho biết chính quyền cộng sản Trung Quốc đã trở nên khét tiếng với việc đàn áp người dân, trong đó có hai thập kỷ bức hại Pháp Luân Công, tình hình xấu đi ở Hồng Kông, các trại tập trung giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, các vụ ngược đãi người Tây Tạng và Mông Cổ, cũng như việc liên tục đàn áp các luật sư, các nhà vận động và hoạt động nhân quyền. Ông cũng đề cập đến bà Tôn Thiến, học viên Pháp Luân Công người Canada gốc Hoa, đang phải thụ án tám năm tù ở Trung Quốc, và nói rằng ông lo lắng về những tra tấn và ngược đãi mà bà Tôn chắc chắn phải trải qua ở nhà tù Trung Quốc.

Ông Neve cũng cho biết trong ba năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở rộng việc đàn áp và ngược đãi trên lãnh thổ Canada, và tất cả các cộng đồng và nhóm nhân quyền ở Canada, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và luật sư nhân quyền đều cảm nhận được điều này.

Ông nói: “Các học viên Pháp Luân Công trên khắp Canada đã phải bị quấy nhiễu và tấn công dưới đủ các hình thức.”

“Các vụ đe dọa còn mở rộng ra người ở Canada, cũng như người nhà của họ đang sống ở Trung Quốc. Nó diễn ra trên mạng truyền thông xã hội thông qua việc theo dõi, giám sát và đánh cắp dữ liệu trên điện thoại, máy tính và trang web; trên báo giấy, đài phát thanh ở các trường đại học, cao đẳng, tại các cuộc mít-tinh và sự kiện văn hóa công cộng.”

Thủ phạm của các vụ đe dọa này thường ẩn danh hoặc lén lút. Nhưng rõ ràng là họ được “các quan chức, viên chức Trung Quốc chỉ đạo, hậu thuẫn hoặc cổ động”, ông nói. Có những hình thức đe dọa như bắt nạt, kỳ thị, miệt thị; một số trường hợp bị đe dọa bằng bạo lực, kể cả bạo lực tình dục, thậm chí bị giết hại.

Trước những hành vi quấy rối, đe dọa và can thiệp như vậy, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ban hành một báo cáo vào tháng 5 năm 2020, trong đó nêu chi tiết các vi phạm bạo lực đối với những người bảo vệ nhân quyền ở Canada. Báo cáo cũng ghi lại hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ của Trung Quốc.

Ông Neve cho biết có những thách thức về địa chính trị trong việc buộc chính quyền Trung Quốc kiềm chế các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhưng những thách thức đó không bao giờ có thể trở thành cớ cho việc không hành động hoặc tiếp cận nửa vời và lẻ tẻ trong việc giải quyết các vi phạm nhân quyền ở Canada với các mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với chính quyền Trung Quốc. Ông nói: “Đã đến lúc hành động.”

Ông cho biết đảng đối lập ở Canada đã đề xuất một kiến nghị để yêu cầu chính phủ phản ứng trước những thách thức trước mắt. “Điều mà chúng tôi chắc chắn muốn thấy là chính phủ phải có phản ứng với sự tham vấn của các nhóm và cá nhân đang bị lạm dụng và đe dọa. Cần phải kết hợp với cải cách luật… [hoặc] một số thay đổi về thể chế và chính sách.”

“Đã đến lúc thế giới lên tiếng về hồ sơ nhân quyền khủng khiếp của Trung Quốc”, ông nói.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/13/416437.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/15/188800.html

Đăng ngày 18-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share