Bài viết của Thẩm Dung, phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan

[MINH HUỆ 19-09-2020] Mái tóc bạc, dáng vẻ ung dung, da mặt hồng hào, và nụ cười ấm áp, đó chính là bác sĩ tuổi đã thất thập Hồ Nãi Văn. Ông coi bệnh nhân như thân nhân, y thuật lại rất giỏi, rất nhiều bệnh nhân dù đã đi khắp nơi tìm người chữa trị, đến khi gặp ông mới được chẩn đoán ra nguyên nhân thực sự của căn bệnh. Nhiều năm qua, những bệnh nhân mến mộ danh tiếng, từ xa tới gặp ông để xin trị bệnh rất đông. Nhưng bác sĩ Hồ Nãi Văn vẫn nói, đứng trước Pháp Luân Đại Pháp, ông chỉ là một học sinh mẫu giáo, ông hoàn toàn tin vào Đại Pháp và nghe lời dạy của Sư phụ.

3f408cd5769693c84fc7208ea877d563.jpg

Bác sĩ Hồ Nãi Văn coi việc chữa trị cho bệnh nhân là một quá trình đề cao tâm tính và ông đã thể ngộ được mối quan hệ giữa tu tâm và tu mệnh, cũng như giữa đạo đức và sức khỏe

Bác sĩ Hồ Nãi Văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh học và cao học ngành thần kinh học và nội tiết. Sau khi ra trường, ông công tác trong lĩnh vực dược lý học. Công ty đã cử ông tới Hoa Kỳ tham gia khóa học về khoa học đời sống tại SRI International, một viện nghiên cứu phi lợi nhuận thuộc Đại học Stanford. Khi tìm hiểu những nghiên cứu mới nhất trong thư viện của viện nghiên cứu, ông quan tâm đến mối liên hệ giữa châm cứu và hệ thần kinh.

Sau khi trở về Đài Loan, ngạc nhiên trước sự uyên thâm của nền văn hóa 5.000 của đất nước Trung Hoa, ông đã tìm hiểu sâu hơn về một lĩnh vực hoàn toàn mới đó là châm cứu và Trung y. Ông được cấp phép hành nghề Trung y khi đã ngoài 40 tuổi.

“Từ nhỏ thân thể tôi đã không khỏe. Thậm chí ở giai đoạn khỏe mạnh nhất của tuổi thanh niên, sắc mặt của tôi vẫn vàng vọt, không có sức lực. Tôi thường bị đau dạ dày vì hay lo lắng. Học Tây y giúp tôi biết đến thực phẩm chức năng, nhưng nó cũng không giúp được gì nhiều. Sau khi tìm hiểu Trung y, tôi dùng thuốc Trung y để cải thiện sức khỏe. Sức khỏe của tôi có vẻ ổn hơn, nhưng nhìn chung tôi vẫn không được khỏe lắm”, bác sĩ Hồ cho biết.

Bước ngoặt của cuộc đời

Với hy vọng sức khỏe được cải thiện, ông chuyển sang tập một vài môn khí công. “Tôi đã tìm kiếm khắp nơi và cuối cùng một ngày nọ, tôi nghe nói tới cụm từ ‘Pháp Luân Công‘ tại một lớp học khí công. Khi ấy tôi đã gần 50 tuổi. Thời gian đó có rất ít người biết đến Pháp Luân Công. Tôi tiếp tục tìm hiểu xung quanh và cuối cùng gặp được một vị cao niên tu luyện Pháp Luân Công”.

Bác sĩ Hồ đã tham gia lớp học 9 ngày của Pháp Luân Công vào đầu năm 1997 và tham dự khóa giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí vào tháng 11 năm 1997. Sự từ bi rộng lượng và khí phách chính trực của Sư phụ Lý đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bác sĩ Hồ.

“Tôi tham dự lớp giảng Pháp của Sư phụ ở trường tiểu học Tam Hưng, thành phố Đài Bắc, được chứng kiến phong thái điềm đạm, nhân từ của Sư phụ trong môi trường náo nhiệt, ồn ào. Sư phụ luôn dặn dò chúng tôi chiểu theo Chân – Thiện – Nhẫn trong công việc và cuộc sống, bắt đầu từ việc trở thành một người tốt và tuân theo các nguyên lý cao tầng để tu luyện đạt đến viên mãn”, ông Hồ nhớ lại.

Khi bác sĩ Hồ áp dụng Chân – Thiện – Nhẫn vào cuộc sống, sức khỏe của ông đã được cải thiện, bệnh đau dạ dày kinh niên dần dần biến mất. Cơ thể ông trở nên tràn đầy năng lượng và trí huệ được khai mở. Ông hiểu được nội hàm thâm sâu hơn của các sách y học cổ được viết bằng ngôn ngữ khó hiểu. “Mãi cho đến khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mới nhận ra rằng trí tuệ của nền văn minh Trung Hoa cổ đại, châm cứu, y học Trung Hoa, v.v., thực sự tiến bộ hơn so với khoa học và y học phương Tây tiên tiến nhất, và Pháp Luân Đại Pháp còn vượt xa tất cả những điều này. Đó không phải là một môn khí công hay một tôn giáo. Đây là một môn tu luyện uyên thâm có lịch sử từ rất xa xưa của văn minh nhân loại“.

Bác sĩ Hồ nhận ra rằng Pháp Luân Đại Pháp trình bày một cách rõ ràng các nguyên lý vũ trụ và sinh mệnh. Thông qua liên tục tu luyện, ông đã thấy được mối liên hệ trực tiếp giữa việc tu tâm tính và sự cải thiện về mặt sức khỏe.

Bệnh do tâm tạo, cảnh tùy tâm chuyển

Bác sĩ Hồ đã có một trải nghiệm thú vị với một nữ bệnh nhân lớn tuổi sau khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

“Bà ấy nói với tôi rằng bà ấy là tín đồ Cơ đốc giáo và bà cầu nguyện mỗi ngày. Tôi hỏi bà ấy về nội dung lời cầu nguyện của bà. Bà kể rằng bà đã thú nhận với Chúa về việc hôm nay nóng giận với người này, ngày mai cãi nhau với người khác”, ông nhớ lại.

Những lời của bà ấy khiến bác sĩ Hồ nhớ lại những gì Sư phụ Lý đã giảng:

“Có người nói: ‘Nhẫn đến như thế khó làm lắm, tính tôi vốn nóng nảy’. Nóng tính thì phải sửa; người luyện công nhất định phải Nhẫn”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Bác sĩ Hồ nhận ra rằng việc giải khai khúc mắc trong tâm có thể là chìa khóa giúp sức khỏe của bà ấy được cải thiện. “Tôi nói với bà ấy rằng, cái gọi là sám hối của chúng ta, sẽ không có hiệu quả nếu chúng ta chỉ ‘sam’ mà không ‘hối’, ‘hối’ mà không ‘cải’. Bà ấy nghe lời tôi nói và chảy nước mắt. Khi quay lại vào lần sau bà đã mang theo một món quà cảm ơn và nói rằng bà đã bỏ được thói quen xấu là mất bình tĩnh. Và bệnh của bà cũng hoàn toàn biến mất! Đây là câu chuyện có thật đã chứng minh rằng cái gọi là bệnh tật chẳng là gì cả nếu chúng ta áp dụng các nguyên lý của Đại Pháp vào cuộc sống hàng ngày”, ông nói.

Ông nói: Bệnh tật bắt nguồn từ tâm tính và sẽ cải biến khi suy nghĩ của chúng ta thay đổi. Chìa khóa để thoát khỏi khổ đau là đề cao cảnh giới tư tưởng và loại bỏ các chấp trước của chúng ta.

“Theo Trung y, một số bệnh, bao gồm cả ung thư, có thể là hậu quả của cảm xúc thái quá, như quá vui, giận giữ, lo lắng, buồn bã, hoảng sợ và sợ hãi,” bác sĩ Hồ nói. “Sự thăng trầm cảm xúc là do con người chấp trước vào danh lợi, và chúng biểu hiện trong cơ thể chúng ta dưới dạng các loại bệnh tật. Khi bệnh nhân của tôi kể về các triệu chứng của họ, tôi nói với họ rằng những triệu chứng này là hậu quả của lối sống không lành mạnh. Nếu đề cao cảnh giới tư tưởng và buông bỏ các chấp trước, thì ‘bệnh’ của họ sẽ biến mất”.

Bác sĩ Hồ kể lại trải nghiệm cá nhân về bệnh tật để cho thấy suy nghĩ của một người đóng vai trò quan trọng như thế nào.

“Một ngày nọ, tôi thức dậy và thấy mình không thể cử động một tay và một chân của mình. Chúng rất yếu. Đó chắc chắn là một tình huống xấu theo những kiến thức y khoa mà tôi được học. Lúc đầu, tôi thực sự lo lắng, nhưng tôi đã cố gắng hết sức để loại bỏ cảm giác này và khóc: “Sư phụ ơi, xin hãy cứu con!” Sau khi lặp lại một lúc, các triệu chứng ấy đã biến mất“.

Khi các triệu chứng ấy lại quay lại, bác sĩ Hồ đã nhớ lại lời giảng của Sư phụ Lý:

“Nợ thì phải hoàn [trả]; do vậy trên đường tu luyện có thể phải gặp một số điều nguy hiểm. Nhưng khi gặp những sự việc loại này, chư vị sẽ không sợ hãi, cũng không để cho chư vị thật sự gặp nguy hiểm”. (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Ông đã tự nhủ bản thân mình ổn và nhẹ nhàng vượt qua các khảo nghiệm này.

Tin tưởng vào Đại Pháp và hướng nội

Bác sĩ Hồ ngộ ra rằng các rào cản nghiêm trọng trên con đường tu luyện là để khảo nghiệm chính tín của các học viên, và họ cần nhớ tới Sư phụ và Đại Pháp bất kể tình huống khó khăn nào xảy ra. Ông nói rằng phản ứng đầu tiên khi đối mặt với một khảo nghiệm phản ánh rõ ràng tâm tính, chính niệm và đức tin của người ấy.

“Có một thanh niên trước đây phải đến gặp tôi hằng tuần. Người cậu lúc nào cũng thấy lạnh đến nỗi phải bịt kín cửa sổ nhà mình. Tôi nói với cậu ấy rằng thuốc sẽ không có tác dụng và khuyên cậu ấy thử tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cậu ấy đã nghe theo lời khuyên của tôi. Vào ngày thứ hai của khóa học chín ngày, cậu ấy bắt đầu ra mồ hôi và vấn đề sức khỏe của cậu ấy đã biến mất. Cậu ấy không bao giờ phải quay lại gặp tôi nữa.”

“Một bệnh nhân Lupus ban đỏ mỗi tuần thường bay từ Đài Nam đến gặp tôi để khám bệnh. Một ngày nọ, tôi hỏi rằng liệu anh ấy có muốn ở lại Đài Bắc trong vòng chín ngày để tham dự một khóa học Pháp Luân Công không. Anh ấy đã đồng ý. Sau khóa học, anh ấy trở nên khỏe mạnh và không bao giờ cần gặp tôi nữa. Một số bệnh nhân không sẵn sàng thử vì không thể từ bỏ quan niệm hoặc tôn giáo của mình, và họ tiếp tục phải chiến đấu với bệnh tật của mình trong 20 năm“.

Ông Hồ Nãi Văn chỉ ra rằng tâm thái khác nhau mang lại kết quả khác nhau, ông luôn ghi nhớ lời dạy của Sư phụ:

“Nếu người thứ ba nhìn thấy mâu thuẫn giữa hai người họ, thì tôi nói rằng người thứ ba cũng đều không phải là ngẫu nhiên để chư vị nhìn thấy, ngay cả chư vị cũng cần phải nghĩ xem: Vì sao để tôi nhìn thấy mâu thuẫn giữa họ? Có phải bản thân tôi còn có chỗ thiếu sót không”? (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 1999)

Bác sĩ Hồ tự hỏi: “Tại sao người này lại mắc bệnh này? Người đó có những chấp trước nào nhỉ? Mình có những chấp trước giống như vậy không?” Sau khi gặp một trăm bệnh nhân, bác sĩ Hồ sẽ tự hỏi các câu hỏi này cả trăm lần. Ông coi quá trình điều trị bệnh nhân là quá trình tu dưỡng bản thân.

Bác sĩ Hồ hiện đã ngoài 70 tuổi. Ông đã làm nhiều video về giáo dục, y tế, viết sách và thuyết trình trong nhiều năm. “Những việc này tôi đều không làm vì tiền hay danh tiếng,” ông nói. “Mọi thứ tôi làm là để mọi người tìm thấy mối liên hệ của họ với Pháp Luân Đại Pháp và biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tuyệt vời”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/19/411790.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/1/187239.html

Đăng ngày 03-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share