Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Đông Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-08-2020] Mẹ tôi là một đệ tử Đại Pháp. Đây là bài viết về cuộc đời của mẹ tôi, cảm tạ ân cứu độ và cảm tạ ân từ bi hồng đại của Sư tôn.

Người mẹ kém may mắn

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền núi. Khi bà ngoại hạ sinh mẹ, trong thời gian ở cữ, có một con rắn lớn chui vào trong chăn của bà ngoại làm bà sợ phát khiếp và qua đời đột ngột.

Vậy là ông ngoại phải dùng nước gạo để nuôi em bé sơ sinh chưa đầy một tháng tuổi này. Những năm tháng đầu đời của mẹ thiếu thốn trăm bề nên bà đen nhẻm, gầy gò và khô đét, cột sống quá yếu không nâng nổi đầu nên bà bị gù lưng từ nhỏ. Mọi người nhìn thấy mẹ đều ngạc nhiên nói: “Con gái thứ hai của nhà lão Lý vẫn còn sống ư? Mệnh lớn thật nhỉ!” Về sau ông làm thêm một cái phòng, mang về một cô con gái nữa, và dì ấy đã sống cùng mẹ.

Về sau, mẹ tôi rời vùng núi hẻo lánh, bà được tuyển vào làm công nhân trong một nhà máy đay ở thành phố, sau khi mẹ kết hôn với bố thì chuyển về tỉnh sống, mẹ bán hàng ở hợp tác xã. Định mệnh kết nối bố mẹ lại với nhau, thêm bội phần trân quý! Bố tôi là một người con hiếu thảo có tiếng trong vùng, từ nhỏ được mẹ góa nuôi dưỡng, được đi học đôi chút và làm việc trong cơ quan tỉnh. Bố mẹ tôi sống hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, rồi gia đình có thêm nhân khẩu, ấy là tôi, em trai và em gái. Bà nội làm chủ gia đình, tuy không giàu có nhưng trong nhà hài hòa, thuận lợi và êm ấm, hàng xóm đều rất ngưỡng mộ.

Không lâu sau, tai họa đầu tiên trong gia đình là “nạn đói ba năm”, kinh tế gia đình vốn khó khăn, lại thêm nạn đói, bà nội và mẹ đều đau ốm, mắc bệnh lao và viêm gan. Nhưng mẹ được hỗ trợ cho đi làm, còn bà nội ở nhà chăm sóc gia đình. Sắc mặt của bà và mẹ đều vàng như sáp, kèm theo tiếng ho “khụ khụ” suốt ngày. Cả gia đình ai cũng gầy gò. Điều mà tôi nhớ rõ nhất trong mấy năm ấy chính là đói! Bụng tôi luôn có tiếng cồn cào, như một chiếc thùng rỗng kêu to. Khi bà nội nấu cơm, tôi đứng bên cạnh, nhìn nước cháo loãng trong nồi rồi nói với bà: “Bà ơi, liệu có thể nấu thêm một chút nữa không, cháu đói lắm rồi!”

Bà nội thở dài, rắc thêm một chút gì đó trắng trắng vào nồi. Nhiều năm sau tôi mới biết cái màu trắng trắng ấy chính là phần lõi (thịt) trong thân cây ngô, bố đi đến cánh đồng ngô ở ngoại thành, chẻ thân cây ngô ra rồi cạo lấy phần lõi trắng bên trong cây, đem về trộn vào nồi cháo, nhờ vậy mới có thể no bụng qua ngày. Coi như gia đình tôi may mắn, cuối cùng thì cũng có thể bước qua được giới tuyến của tử thần.

Sức khỏe vừa mới hồi phục được đôi chút thì bố tôi bị phái đến một làng quê rất xa để thực hiện cái gọi là “Bốn cuộc thanh trừng”, mẹ đã dẫn tôi đến nơi xa xôi hẻo lánh đó thăm bố. Ngay sau đó thì “Cách mạng Văn hóa” bắt đầu, bầu không khí tường hòa và bình yên trong nhà bỗng chốc trở nên đặc nghẹt mùi thuốc súng, tâm “tranh đấu” bài xích bộc lộ ngay trên bàn ăn: Một bữa nọ, bố mẹ cãi cọ nhau, y như một cuộc cách mạng đỏ, hai tổng bộ tranh cãi, cãi đến gân xanh và mặt đỏ cả lên, bà nội có khuyên thế nào cũng không hạ hỏa. Tiếp theo là “đấu tranh vũ trang”, một quả đạn pháo ném ngay cửa nhà tôi khiến 13 người bị thương. Gia đình may mắn thoát chết, bèn chạy đến miếu lánh nạn. Sau đó, bố tôi không thể về nhà, bị giam ở trường đảng để phản tỉnh (tự kiểm điểm).

Vào mùa đông năm 1968, mẹ tôi bất ngờ nhận được tin: Ông ngoại qua đời vì xuất huyết não, tôi cùng mẹ về quê dự đám tang. Dãy núi tuyết rộng lớn và trắng xóa, con đường mẹ đã đi hàng chục năm vậy mà nay vẫn lạc, chúng tôi đi thẳng đến mộ ông, vì về muộn nên mọi người đã chôn cất ông xong rồi. Quay về nhà thì cũng gần Tết. Cuối tuần, bố về nhà, mặt mày ủ dột nói với bà nội và mẹ rằng: “Tẩu tư phái” (phái chủ trương đi theo con đường tư bản) bị phê phán, đội mũ cao, bị dẫn đi bêu rếu, ngồi “máy bay phản lực”… “sẽ nhanh đến phiên tôi thôi!” Bố lo sợ! Sáng sớm hôm sau bố nhảy lầu tự vẫn, ông ra đi để lại mấy mẹ con chúng tôi và bà nội.

Chưa đầy một tháng mà hai người thân đột ngột qua đời. Tôi và em trai đều đang học tiểu học, chỉ cảm thấy man mác rằng gia đình sụp đổ trong vòng nửa ngày, chúng tôi cũng còn quá nhỏ nên không thể hiểu được sự bi thương trong lòng của mẹ và bà. Đối với mẹ tôi mà nói, phía trên là một người già, bên dưới là ba đứa con thơ, trên lưng lại bị gán tội danh “gia đình phản cách mạng”. Dưới áp lực và trách nhiệm nặng nề như vậy, mẹ tôi chỉ có thể lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong.

Gánh nặng cuộc sống của năm nhân khẩu đè lên thân mẹ tôi, trong cửa hàng, mẹ bị “chiếu cố”, bị giao thêm việc, nào là dán thùng giấy, đơm khuy, may túi đường, cả nhà tôi trở nên bận rộn, dẫu tốt hay xấu gì cũng dán miệng lại không dám nói năng gì.

Mẹ tôi nghỉ hưu lúc 50 tuổi. Vì phải nuôi và cấp dưỡng cho chúng tôi lên đại học, mẹ lại đẩy xe đi bán hàng: Trên xe chất hàng cao cao, dưới chân cũng là những con dốc cao cao, dù trời nắng hay mưa, mẹ vẫn không nghỉ một bữa nào, mãi đến năm 1979 thì bố tôi được “bình phản” (Chú thích: bình phản tức là công bố gỡ tội, trả lại thanh danh. Đàn áp rồi bình phản là một thủ đoạn lặp đi lặp lại nhiều lần của ĐCSTQ, vừa trấn áp, vừa lừa đảo người dân).

Áp lực tinh thần nặng nề bấy lâu cũng giảm bớt, nhưng mẹ tôi lại mắc bệnh từ đầu đến chân, một năm thì nhập viện hết chín tháng. Bà bị khí phế thũng, bệnh tim phổi, ban đêm nằm ngủ không yên giấc, ôm cái gối kéo qua kéo lại sột soạt như tiếng gió rít hộp gỗ vậy. Thầy tướng số nói bà “sống không quá 66 tuổi.”

Hồi sinh từ cửa tử

Tôi đắc Pháp vào năm mẹ tôi 66 tuổi, đồng thời mẹ, em gái, con gái tôi cũng bước vào tu luyện Đại Pháp. Gia đình chúng tôi tu Đại Pháp được vài tháng thì dường như tất cả đều thay đổi thành một con người khác.

Đặc biệt là mẹ tôi, bà thật sự hồi sinh từ cửa tử, bà là nhân chứng sống cho sự tốt đẹp của Đại Pháp. Bệnh khí phế thũng, bệnh tim phổi và bệnh suyễn của bà đều trở lại bình thường, huyết áp cũng hạ, nhiều tổn thương và bệnh ở chân, bàn chân trong nhiều năm cũng khỏi lúc nào không hay, bà đi bộ nhẹ như gió, đôi chân trở nên nhanh nhẹn, thậm chí tôi cũng không bắt kịp bà.

Mẹ tôi vứt hết thuốc, mỗi ngày học Pháp luyện công, sống đầy nhiệt huyết và khỏe mạnh. Trong nhà có một bức ảnh, chụp cảnh mẹ và đồng nghiệp cũ dùng bữa cùng nhau, mẹ tôi cười rất vui vẻ! Trước khi đắc Pháp, mẹ tôi được ví như “cái giỏ bệnh”, khá nổi tiếng, hầu hết đồng nghiệp trong cửa hàng đều giúp mẹ tôi tìm những phương thuốc gia truyền, mẹ tôi mua thuốc, gửi thuốc trên toàn quốc, hóa đơn mua thuốc gom lại thành một xấp, lắm lúc phải xếp hàng để cầu xin hoàn trả tiền thuốc.

Niềm vui trở lại với gia đình tôi chưa được bao lâu thì một tai họa lớn hơn ập đến, trong không khí hít thở tràn ngập những lời dối trá, bạo lực của khủng bố đỏ! Mẹ tôi bước ra từ hai cuộc vận động trước đây nên biết cách đối diện với nó như thế nào. Ngày “20 tháng 7”, chúng tôi theo các học viên ở điểm luyện công đến thỉnh nguyện tại chính quyền tỉnh, trong đám đông lớn như vậy mà mẹ tìm được con gái tôi, bà nói: “Bà ngoại đem thức ăn cho cháu này!”

Ngay sau đó tôi bị bắt đưa đến trại lao động cải tạo, trường học không cho con gái tôi đi học, mẹ và em gái đối diện với áp lực từ nhiều phương diện, nhưng tất cả đều thanh tỉnh hơn và kiên định hơn.

Khi bắt đầu bức hại, tôi và mẹ đều đối diện với vấn đề Trung Cộng không cho phép đảng viên luyện Pháp Luân Công. Tôi đề xuất thoái đảng với Đảng ủy trường đại học, nhưng họ không đồng ý, về sau đích thân Bí thư Đảng ủy đến trại lao động cải tạo tìm tôi để thông báo khai trừ đảng tịch. Tuổi đảng của mẹ còn lớn hơn tuổi tôi, bà nghỉ hưu nhiều năm rồi, nhưng thủ tục giấy tờ vẫn lưu ở văn phòng khu phố, họ vẫn muốn mẹ tôi làm thư ký và các công tác đảng vụ khác, mỗi tháng vẫn phát lương cho bà. Mẹ nói với tôi: “Mẹ đề xuất tuổi tác cao rồi không làm nữa. Nhưng họ không đồng ý. Nên mẹ nghĩ đến một biện pháp là chuyển nhà, chuyển đến sống với con gái của con. Vậy là họ hết cách. Mẹ mượn cơ hội chuyển nhà để thoát khỏi mối liên hệ với tổ chức, vứt bỏ nó, cũng không đóng đảng phí nữa. Về mặt này không hiểu sao lại có thể cắt đứt nhanh đến vậy! Hai mẹ con mình đều gọn lẹ nhỉ!”

Rồi mẹ tôi lại thở dài nói: “Trải qua nhiều năm như vậy, cũng mấy thế hệ rồi! Thật thảm độc!” Đây là những chuyện xảy ra trong năm 2000.

Trong hai năm đầu tiên của cuộc bức hại, mẹ tôi vẫn có thói quen nói giảng chân tướng thành “hồng Pháp”, trong tâm mẹ luôn nghĩ về rất nhiều người, mẹ thường nói rằng: “Mẹ phải đi hồng Pháp cho mọi người.” Vì hồng Pháp, mẹ đã đến nhà của những người thân khá nhiều lần, và hiệu quả rất tốt. Thứ nhất là, trong họ hàng đều khen mẹ tôi có bản tính tốt, có thể tin tưởng được; thứ hai là, sức khỏe mẹ tôi chuyển biến tích cực chính là một nhân chứng sống, bản thân mẹ chưa cần nói Đại Pháp hảo thì ai ai cũng đều tin rồi. Đầu tháng 10 năm đó có một kỳ nghỉ dài nên tôi dẫn mẹ đi đến một thị trấn nhỏ trong khu rừng phía Đông Bắc.

Chú tôi lớn tuổi, chân yếu, đi đâu cũng không thể thiếu cây gậy, một hôm chú bị té ngã. Chú nói với mẹ tôi rằng: “Nếu mà là trước đây thì tôi phải hô to người đến đỡ đứng dậy. Nhưng lần này, tôi tin chị nên liền niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!’ và tôi đã tự đứng dậy được! Tốt! Thật tốt!”

Chị dâu họ làm hiệu trưởng, mẹ tôi căn dặn chị: “Trong trường có luyện Pháp Luân Công, mọi người nhất định sẽ được bảo hộ, đều là người tốt! Không phải là người tốt cũng không luyện được công này đâu. Nếu cấp trên có đến kiểm tra, con phải duy hộ điểm luyện công này, đừng bao giờ vì bản thân mình làm quan mà hại người khác. Hại người, hại gia đình người ta gặp nạn, thì gia đình chúng ta cũng gặp báo ứng. Dì hai mà không luyện Pháp Luân Công thì cũng hết mệnh lìa đời từ lâu rồi.” Chị dâu họ nói: “Dạ dì hai, con hiểu rồi, con sẽ cân nhắc ạ.”

Mẹ tôi đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng bà luôn nghĩ đến những đồng nghiệp cũ trong cửa hàng, và bà đã lần lượt hồng Pháp cho họ. Sau khi về nhà, bà kể lại với chúng tôi rằng: Con dâu của quản lý Trần đang làm bác sĩ trong trại lao động cải tạo nơi con bị giam. Mẹ nói với quản lý Trần rằng: “Anh hãy nói với con dâu nên đối xử tốt với các học viên Pháp Luân Công một chút, những người luyện Pháp Luân Công đều là người tốt. Các đồng nghiệp cũ hẳn đều nhìn thấy quá trình con gái lớn của tôi trưởng thành, cháu bị ung thư trực tràng, sau khi luyện Pháp Luân Công thì khỏi bệnh. Hiện nay cháu đang bị giam phi pháp ở trại lao động cải tạo.” Quản lý Trần nghe xong, ông ngạc nhiên đến nỗi hai mắt mở to và không sao hình dung được chuyện lớn đến thế.

Mẹ tôi lại dặn dò: “Dì Trương của anh cũng tu Đại Pháp, dì vốn ở khá xa chỗ chúng ta nên hai chị em chúng tôi thường chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Bây giờ lại chuyển đi xa hơn nữa, anh và dì nhớ điểm này, đây là kinh văn mới của Sư phụ, nhờ anh chuyển cho dì ấy, đừng để thất lạc nhé. Hãy nghĩ cách để dì và các đồng tu cũ liên lạc với nhau nhé.”

Một hôm tôi đến nhà mẹ, nhìn thấy mẹ trải cái áo khoác trên giường, ở giữa áo có tấm dán chân tướng chưa dán keo, từng xấp từng xấp, những tấm chưa dán keo được gấp góc lại, một chút nhỏ thôi để dễ bóc dán. Sau đó mẹ mặc áo vào, quàng một chiếc khăn cổ dài buông thõng xuống che phía trước ngực. Mẹ bỏ một cái giẻ nhỏ vào trong túi, và nói với tôi rằng: “Trên tường và trên cổng có bụi, phải lau, nếu không thì dán không dính. Con đợi mẹ nhé, mẹ đi một chút sẽ về ngay.”

Mẹ quay lại khá nhanh, trong tay còn cầm một tờ rơi chân tướng. Mẹ dùng khăn lau bụi trên mặt giấy rồi thở dài nói: “Ài, có quá nhiều người không hiểu chân tướng! Truyền đơn cứu người mà cũng vứt đi, tạo nghiệp lớn biết bao! Đây là những hàng xóm của mẹ, mẹ phải cứu họ.”

Hành động của mẹ là sự dạy dỗ cho con gái

Người thường nói: Gia đình là trường học đầu tiên của con trẻ. Mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ. Tôi cảm ơn gia đình, cảm ơn mẹ. Mẹ tôi từ khi sinh ra bản tính vốn chân thành, thiện lương, kiên trì và nhẫn nại, lúc nào ở đâu cũng ảnh hưởng tích cực đến tôi, trưởng thành cùng tôi, thậm chí theo tôi bước vào Đại Pháp.

Mẹ tôi bán hàng ở hợp tác xã bận rộn đến nỗi không thể rời được công việc để về nhà cho tôi bú sữa. Lần nào cũng nhờ bà nội ôm tôi đến, đứng đợi bên ngoài quầy, nhìn thấy vãn khách rồi thì đưa tôi vào trong quầy để mẹ cho tôi bú. Tôi không biết mẹ đã nói với tôi bao nhiêu lần về điều này, cảm ơn bà rất nhiều; bà nội cũng không ít lần kể với tôi chuyện này, đều là những lời khen dành cho mẹ. Thuận theo năm tháng, tôi trưởng thành và dần hiểu được hàm ý trong điều này, ấy là: “Cái tâm vì người khác.”

Tôi nhớ có lần dì dẫn chị đến cửa hàng, ở trước quầy, mẹ muốn mua cho chị và tôi một chiếc váy lụa. Tôi và chị đều chọn cùng loại hoa văn, nhưng tiếc là chỉ có một chiếc thôi. Nên hai chị em tôi tranh nhau. Dì bảo chị nhường cho tôi, nhưng mẹ nói: “Chị lớn, vai vế lớn hơn con nên ưu tiên chị trước.” Mẹ muốn tôi nhường cho chị. Điều này khiến tôi cảm thấy rất ủy khuất, nhưng bà nội và bố đều nói mẹ đúng, bố còn kể cho tôi nghe câu chuyện Khổng Dung nhường lê. Qua đó tôi hiểu được khái niệm của “nhường” là như thế nào.

Bà nội làm chủ gia đình, bố mẹ đều đưa cho bà một phần lương không nhỏ hàng tháng. Khi bố qua đời, mẹ vẫn làm như vậy, cho đến khi bà tự nói “Già rồi, không thể tính toán hay đếm tiền được nữa” thì mẹ tôi mới quản số tiền ấy.

Sau khi kết hôn, tôi đều đưa tiền lương cho chồng, vào năm (nhà nước) tháo dỡ nhà, vợ chồng tôi phải chuyển đến ở nhà mẹ chồng, vợ chồng tôi đều đưa tiền lương cho bà, mãi đến khi không còn ở chung và quay trở về mới thôi. Bạn bè đều cười tôi ngốc, tại sao không tích lũy một chút “tiền riêng dự phòng”? Tôi ngạc nhiên không hiểu, là người một nhà sao phải “riêng tư” nhỉ? Cả đời tôi cho đến hôm nay vẫn không có cái gọi là tiền riêng dự phòng ấy.

Bố mất rồi, mẹ một mình nuôi cả nhà. Mẹ cũng luôn nói với tôi rằng: “Bây giờ con là trưởng nữ trong nhà, phải học cách gánh vác gia đình nhé.” Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, kỳ thi tuyển sinh đại học được tiếp tục vào năm 1977, đó là mong đợi bấy lâu của tôi! Nhưng mẹ tôi đã phải nhập viện vì sốc viêm phổi, nên tôi phải đảm đương chăm sóc mọi thứ. Kỳ thi bắt đầu vào ngày thứ ba sau khi mẹ tôi xuất viện, căn bản là tôi đã bước vào mùa thi mà không có chút thời gian ôn tập. Tôi cảm thấy mất tinh thần! Khi cầm trên tay tấm giấy báo nhập học cao đẳng, tôi không muốn đi, tôi nghĩ năm sau mình sẽ thi lại đại học. Mẹ gần như nài nỉ tôi: “Con là chị cả, năm sau đến em trai con thi, năm tới nữa là em gái… Nên con hãy nhập học nhé, trường Cao đẳng Sư phạm không cần tốn học phí.” Nói rồi mẹ đích thân đưa hành lý vào phòng ngủ của tôi. Bấy giờ tôi hiểu, không được từ bỏ trách nhiệm, điều tôi cần “từ bỏ” chính là ước muốn của bản thân.

Mẹ và bà thường nói một câu như thế này: “Trong mệnh có thì trước sau gì cũng có, nếu trong mệnh không có thì đừng cưỡng cầu”, vì vậy mà hai người phụ nữ ấy luôn chấp nhận số phận của mình. Những ai sống ở niên đại đó đều cho rằng cách nghĩ này là mê tín và rất tiêu cực, nhưng mẹ không bao giờ than thở, hơn nữa còn đối mặt với mọi sóng gió cuộc đời. Khi bố mẹ kết hôn, có một thầy tướng số toán mệnh cho hai người, ông nói có một quẻ khảm (một trong tám quẻ Bát quái, tượng trưng cho nước) vào năm bố tôi 39 tuổi, nếu vượt qua được thì vượt qua, nếu không vượt qua được thì… Lúc ấy dường như bà và mẹ đều biết sẽ xảy ra “tai nạn”, nhưng đều có thể bình tĩnh đối mặt với nó, “không có rào cản nào không thể vượt qua, không có ngọn núi nào không thể vượt qua”. Cả đời mẹ tôi đều tận tâm, tận lực để bước qua những chướng ngại này, và vượt qua những ngọn núi này, mẹ chưa bao giờ oán hận, lại còn cố gắng hết sức thích nghi. Tất cả những điều này đã hun đúc vào xương tủy tôi một niềm tin sâu sắc vào số phận, làm việc chăm chỉ và nhẫn chịu khổ cực. Chỉ khác một điều là, tôi tự hỏi ai đã an bài số mệnh ấy?

Tôi thật lòng cảm ơn mẹ, vì mẹ đã đặt định cho tôi khá nhiều nền tảng trước khi tôi bước vào tu luyện Đại Pháp.

Anh linh mãi mãi ở nơi đó

Vào tối mùng ba Tết năm 2003, sau một loạt tiếng gõ cửa thì có hơn 10 viên cảnh sát lao thẳng vào nhà, không nói một lời nào mà bắt cóc và đẩy tôi lên xe cảnh sát. Sau đó thì lục soát nhà cửa. Mẹ tôi tận mắt chứng kiến tất cả, và cảm thấy kinh sợ, hễ gặp người quen, bà liền nói: “Lục soát nhà! Y như thời Cách mạng Văn hóa, ngay cả khung hình cũng gỡ ra xem bên trong có thứ gì không.”

Nhờ sự bảo hộ của Sư phụ, tôi đã bước ra khỏi trại giam và trở về nhà sau 23 ngày. Mẹ sống cùng tôi, bà luôn hỏi tôi rằng trại giam và trại lao động cải tạo đã đối xử với tôi như thế nào. Trong những năm qua, tôi đã từng bị giam phi pháp trong đồn công an, trại cai nghiện ma tuý, trại tạm giam, nhà tù và trại lao động cải tạo, nhưng tôi chưa bao giờ nói với mẹ những gì tôi đã trải qua. Bởi một đời người già đã nếm trải quá nhiều điều, bây giờ cũng hơn 70 tuổi rồi, tôi không muốn bà lại lo lắng và sợ hãi thêm nữa. Nhưng lần này thì khác, bà không ngừng hỏi. Tôi nghĩ, đối diện với tình cảm gia đình như thế này thì không nói lời chân thật cũng không được, trái lại sẽ khiến bà lo lắng hơn. Nên tôi bèn kể với bà những chuyện đã xảy ra với tôi. Không ngờ rằng, sau khi nghe xong, mẹ thở phào nhẹ nhõm và nói: “Nghe con nói như thế mẹ cũng yên tâm! Con đã vượt qua được tất cả những điều này, không có gì có thể gây khó khăn cho con được nữa.” Tôi ngạc nhiên về sự nhẹ nhõm này của mẹ.

Nhẹ nhõm, ấy chính là sự nhẹ nhõm dưới sự chèo chống ngoan cường như thế! Mấy ngày sau thì mẹ tôi đã rời đi trước, khi ấy bà 74 tuổi …

Mẹ được chôn cất trong phần mộ tổ tiên trên núi. Cơn mưa phùn hôm đó trông như khói tỏa, con đường không chút bụi bay, đưa tiễn mẹ là một vùng non xanh nước biếc và những cánh sen hồng nở kín trên mặt hồ.

Có một điều kỳ diệu là, sau khi an táng xong, không biết từ đâu bay đến một đàn hạc tiên (sếu đầu đỏ), chúng ở bên hồ, ven sông và trên bãi cỏ, trông chúng rất tự nhiên nhàn nhã; ở ruộng lúa cũng có đôi chim uyên ương đang tự do tự tại, người ta nói rằng đây là điều chưa từng xảy ra ở ngôi làng nhỏ có lịch sử hơn 200 năm này.

Mọi người đứng xa xa nhìn, không có ai bước đến làm phiền hay tổn hại chúng, trong tâm chúng tôi chỉ có một ước nguyện thần thánh. Mong sao bầy hạc tiên này mang đến điềm tốt lành cho cho ngôi làng nhỏ trên núi, và người mẹ quá cố của tôi cũng bớt cô đơn lạnh lẽo. Điều tốt hơn hết là ngày càng có nhiều người thân xa gần có duyên bước vào Đại Pháp.

Sau đó, mộ phần của mẹ tôi được bao phủ bởi những cây vừng dại, sừng sững cao ngang người. Cây vừng lần lượt nở hoa cao đều! Tôi cảm nhận rằng anh linh của mẹ đang vẫy gọi con người thế gian bước vào Đại Pháp! Mẹ cũng khích lệ các đồng tu may mắn còn tại thế hãy tinh tấn, tinh tấn và tinh tấn nhiều hơn nữa!

Con cảm tạ ân Sư phụ! Cảm tạ ân Đại Pháp!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/29/我的母亲-407951.html

Đăng ngày 11-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share