Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 15-06-2020] Vì cuộc bức hại đối với đức tin của họ vào Pháp Luân Công, bà Phùng Tiểu Mai đã mất cha, chồng và em gái trong vòng ba năm. Em rể của bà bị bỏ tù không lâu sau tám năm phải thay đổi chỗ ở thường xuyên để tránh bị bức hại. Chỉ còn người mẹ già và bà Phùng chăm sóc cho con trai của bà là Vương Bác Như, mất cha ở tuổi 13 và cháu trai, Vương Thiên Hành đã mất mẹ khi chưa đầy hai tuổi. Khi bà Phùng bị bắt lại vào năm 2009, mẹ của bà đã rụng hết tóc chỉ trong một đêm. Bác Như phải bỏ học và làm việc vặt để hỗ trợ gia đình. Thiên Hành suýt bị đưa đến một trại mồ côi.

Bà Phùng Tiểu Mai nói: “Tôi thường nghĩ rằng chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn không làm phiền bất cứ ai. Chẳng phải là lãng phí nhân lực khi bức hại chúng tôi sao. Vì bị bức hại, chúng tôi đã mất ba người thân trong đại gia đình. Cuộc đời tôi đã trôi qua hơn một nửa và tôi chỉ là một người phụ nữ yếu đuối. Khi nào thì cuộc bức hại này kết thúc? Nếu một ngày khi công lý được thực thi, người dân Trung Quốc sẽ đối diện với giai đoạn lịch sử này như thế nào? Còn vô số gia đình phải chịu đựng những bi kịch tương tự thì sao?”

455aed477de7925a407c99ea84b9940c.jpg

Ba gia đình hạnh phúc

bcfd9ab8bf4954a728fb1b07fc8f7318.jpg

Bà Phùng Tiểu Mai, con trai là Vương Bác Như và chồng là ông Vương Hồng Bân

Bà Phùng Tiểu Mai và chồng là ông Vương Hồng Bân tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Viễn thông thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông Trường Xuân vào năm 1987. Sau khi tốt nghiệp, họ đều làm việc tại Nhà máy Thiết bị Điện thoại Hà Bắc ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc và là những kỹ sư kỹ thuật quan trọng trong nhà máy. Họ có một con trai là Vương Bác Như. Đây là một gia đình hạnh phúc.

Bà Phùng Tiểu Mai sinh ra ở vùng đông bắc Trung Quốc và là chị cả trong gia đình. Bà là Phó Kỹ sư trưởng của nhà máy. Bà làm việc chăm chỉ và coi nhẹ lợi ích cá nhân. Bà hoà đồng với đồng nghiệp và được cấp trên tin tưởng. Chồng bà ông Vương Hồng Bân là một người khiêm tốn và chưa bao giờ có xung đột với ai tại nhà máy trong suốt thời gian ông làm việc ở đó. Ông siêng năng nghiên cứu và làm việc chăm chỉ. Ông được công nhận danh hiệu là “công nhân điển hình” trong nhiều năm. Câu chuyện của ông được đưa vào hồ sơ thành tích của Nhà máy Thiết bị Điện thoại Hà Bắc.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994, ông Vương có nhiều vấn đề về sức khoẻ và phải dùng thuốc thường xuyên. Tháng 3 năm 1994, ông nhận được một tờ rơi về Pháp Luân Công từ Hiệp hội Khí công Tỉnh Hà Bắc và rất quan tâm đến nó.

Ông đã đến công viên mỗi buổi sáng để luyện công cùng các học viên khác, và ông luôn cảm thấy sảng khoái, minh mẫn và làm việc hiệu quả trong cả ngày. Ông sớm hồi phục hoàn toàn. Ông sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và trở nên ân cần và chu đáo hơn. Khi lãnh đạo nhà máy giao cho ông căn hộ phúc lợi, ông đã nhường cơ hội đó cho những người có nhu cầu cấp thiết hơn mình.

Bà Phùng và con trai Vương Bác Như, một cậu bé thông minh và đáng yêu, cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công sau khi chứng kiến sự thay đổi của ông Vương. Mỗi buổi tối, họ cùng nhau đọc các bài giảng của Pháp Luân Công.

Bà Phùng Hiểu Mẫn là em gái của bà Phùng Tiểu Mai. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tề Tề Cáp Nhĩ ở tỉnh Hắc Long Giang, bà chuyển đến thành phố Thạch Gia Trang và làm việc tại Nhà máy Bông Quốc gia Số 6. Thấy gia đình của chị tu luyện Pháp Luân Công, bà quyết định thử để cải thiện sức khoẻ yếu kém vào năm 1996.

Sau đó bà gặp một học viên Pháp Luân Công khác là ông Vương Hiểu Phong, tốt nghiệp Đại học Trùng Khánh. Họ yêu nhau và kết hôn. Mỗi buổi sáng, họ cùng nhau luyện công trước khi đi làm. Vào buổi tối họ cùng nhau học các bài giảng.

Hai gia đình thỉnh thoảng gặp nhau hoặc về thăm bố mẹ vào cuối tuần. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc và thanh thản.

Các vụ bắt giữ và giam cầm khi cuộc bức hại bắt đầu

Ngày 19 tháng 7 năm 1999 là ngày sinh nhật lần thứ 10 của Vương Bác Như, con trai của bà Phùng Tiểu Mai và ông Vương Hồng Bân. Cả gia đình cùng nhau mở tiệc. Bà Phùng đã chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn. Ông Vương đã mua một cái bánh sinh nhật. Vợ chồng cô em gái mua đào và một quả dưa hấu. Họ thắp nến, hát bài hát mừng sinh nhật và chụp ảnh. Họ tận hưởng một ngày hạnh phúc bên nhau mà không biết rằng đó có thể là bữa tối gia đình cuối cùng của họ.

Sáng ngày 20 tháng 7 năm 1999, hơn 20 cảnh sát xông vào nhà của bà Phùng Tiểu Mai. Họ lục soát nhà và bắt giữ vợ chồng bà Phùng. Con trai họ bị bỏ lại một mình trong ngôi nhà bị lục soát với cái bánh sinh nhật còn sót lại và một quả dưa hấu.

Bà Phùng Hiểu Mẫn phải bỏ việc. Bà đưa cháu trai Vương Bác Như đến các văn phòng chính quyền khác nhau để tìm kiếm cha mẹ cậu và yêu cầu thả người. Họ được cho biết rằng chỉ có Văn phòng Thỉnh nguyện Quốc gia ở Bắc Kinh mới có quyền ra lệnh thả người. Họ đã quyết định đến Bắc Kinh. Vì cảnh sát ở khắp mọi nơi để ngăn người dân đến Bắc Kinh, hai người phải đi bộ, thỉnh thoảng đi xuyên qua các cánh đồng ngô để tránh bị chặn lại. Chân họ phồng rộp và quần áo thì bẩn. Họ mệt mỏi và đói.

Ở Bắc Kinh, cảnh sát thường phục ở khắp nơi để bắt người. Một cảnh sát trên Quảng trường Thiên An Môn đã đánh vào cổ bà Hiểu Mẫn và đưa bà lên xe buýt. Bác Như bị tách khỏi bà và mất tích trong một thành phố lớn.

Bà Hiểu Mẫn bị hộ tống trở về Thạch Gia Trang và được thả một ngày sau đó. Bà vẫn không biết vợ chồng chị gái bị giam ở đâu. Đồng thời chồng con bà đang mất tích. Hoá ra chồng bà, ông Vương Hiểu Phong cũng đã bị bắt.

Sau khi bà Hiểu Mẫn giải cứu được chồng bà, họ phát hiện cháu trai Bác Như ở nhà một người hàng xóm cũ. Tại thời điểm đó, cậu bé 10 tuổi đã mất đi sự hồn nhiên và hoạt bát. Hai mắt cậu đờ đẫn. Không ai biết những gì cậu đã trải qua trong thời gian đó và vì sao cậu có thể trở về lại Thạch Gia Trang từ Bắc Kinh, cách đó khoảng 290 km.

Cùng lúc đó, vợ chồng bà Phùng Tiểu Mai đã bị kết án bí mật và bị ngược đãi.

Ông Vương Hồng Bân bị giam trong một căn phòng nhỏ ở Đồn Công an Thạch Cương Đại Nhai. Ở đó không có máy điều hoà và rất ẩm ướt. Những người bị giam phải dùng chung một cái chậu vì ở đó không có nhà vệ sinh. Cảnh sát thường xuyên thẩm vấn những người khác vào ban đêm nên ông Vương không thể ngủ được. Bản thân ông cũng bị thẩm vấn cả ngày. Sau 50 ngày khốn khổ ở đó ông đã được thả. Ông bị phạt 200 nhân dân tệ với tội danh “gây rối trật tự xã hội.”

Lúc đầu bà Phùng Tiểu Mai bị giam riêng bốn ngày ở Đồn Công an Triệu Lăng Phô trong một căn phòng nhỏ. Phòng không có cửa sổ và rất nóng. Bà không được cung cấp xà bông hay bàn chải đánh răng và không được thay đồ. Vào ngày thứ tư, chấp nhận yêu cầu của lãnh đạo công ty của bà, cảnh sát đã chuyển bà đến một khách sạn nhưng bà vẫn bị thẩm vấn liên tục. Bà cũng được thả sau 50 ngày và đã trở về nhà khoảng cùng thời điểm với chồng.

Sau đó, hai vợ chồng trở nên rất thận trọng khi liên lạc với người thân, bạn bè và đồng nghiệp, sợ rằng họ có thể bị liên luỵ trong cuộc bức hại. Đôi khi, cảnh sát và nhân viên uỷ ban dân cư sách nhiễu họ và cảnh báo họ không được ra khỏi thị trấn trong những ngày lễ, thậm chí không được thăm bố mẹ ở quê nhà hay đưa con họ đi chơi trong những ngày nghỉ.

Cuối tháng 6 năm 2000, khi kỷ niệm một năm cuộc đàn áp bắt đầu đang đến gần, họ bị lệnh phải báo cáo các hoạt động hàng ngày cho bộ phận an ninh nhà máy. Nhiều quản lý nhà máy đã nói chuyện với họ và cố gây áp lực để họ từ bỏ tu luyện. Đối mặt với sự sách nhiễu không ngừng, họ đã quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Tại Bắc Kinh, họ thấy nhiều cảnh sát mặt thường phục bắt giữ và đánh đập các học viên Pháp Luân Công ở khắp nơi gần Văn phòng thỉnh nguyện Quốc gia và trên Quảng trường Thiên An Môn. Không có hy vọng để tiếng nói của mình được lắng nghe, họ đã trở về nhà trong thất vọng và đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ lãnh đạo công ty để ép họ phải từ bỏ đức tin. Họ không còn sự lựa chọn nào khác là phải nghỉ việc.

Khoảng 11 giờ tối ngày 19 tháng 7 năm 2000, cảnh sát đã lục soát nhà họ và bắt bà Tiểu Mai vì “gây rối trật tự xã hội.” Bà hỏi: “Làm sao mà tôi có thể gây rối trật tự xã hội khi đang ở nhà?” Một cảnh sát trả lời: “Bất kỳ ai tu luyện Pháp Luân Công đều đang gây rối trật tự xã hội.”

Dù được thả sau chín ngày bị giam, bà đã bị văn phòng dân cư địa phương giám sát. Bà phải báo cáo cho văn phòng dân cư mỗi khi rời khỏi nhà, kể cả khi đi ra ngoài mua sắm. Bà không được rời khỏi thị trấn nếu không cảnh sát sẽ đưa bà danh sách truy nã.

Cảnh sát địa phương cũng đưa ra một quy định: “Nếu ba học viên bị phát hiện ở cùng nhau, đó sẽ là một vụ tụ tập bất hợp pháp.” Vì cả hai vợ chồng bà Phùng đều tu luyện Pháp Luân Công, họ sẽ có nguy cơ bị bắt thậm chí khi em gái họ đến thăm.

Tháng 9 năm 2000, ông Vương Hồng Bân đi công tác sau khi tìm được một công việc mới. Ông bị bắt trên xe lửa vì đọc một cuốn sách Pháp Luân Công. Lần này, ông bị giam bốn ngày và nhà ông bị lục soát sau khi nhân viên an ninh tàu hoả thông báo cho đồn công an địa phương về việc bắt giữ ông.

Trong lễ kỷ niệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2000, cảnh sát đã thực hiện một đợt truy quét khác đối với các học viên Pháp Luân Công. Để tránh bị bắt, họ và con trai đã rời khỏi nhà trong vài tuần.

Ông Vương lại bị bắt tại nhà vào ngày 5 tháng 12 năm 2000. Bà Tiểu Mai đã cố gắng trốn thoát. Vì mẹ bà đã chuyển đến sống cùng họ, bà lão kinh hãi khi cảnh sát xông vào và liên tục run rẩy. Bà nằm trên giường và không thể cử động. Sau vụ này, bà bị hồi hộp và hai chân yếu đi mỗi khi nghe tiếng gõ cửa.

Bà Tiểu Mai lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị cảnh sát Bắc Kinh đánh đập tàn bạo. Nửa cơ thể của bà bị bầm tím. Bà nôn ra máu và có máu trong phân hơn ba tuần. Cả người bà sưng phồng. Mặt bà thâm tím và chân không vừa với giày. Bà bị giam ở một đồn công an tại Bắc Kinh và không được đi vệ sinh trong hai ngày. Sau khi bị chuyển đến Trại tạm giam Khu Sùng Văn, bà bị cho ăn thuốc không rõ nguồn gốc. Khi ở trong tình trạng nguy hiểm, bà bị đưa trở về Thạch Gia Trang và bị giam một ngày tại trại tạm giam Loan Thành trước khi được thả.

Sau khi hồi phục được một chút, bà đã nỗ lực rất nhiều để thỉnh nguyện cho chồng được thả, chỉ để bị đe doạ rằng chính bà và con trai cũng sẽ bị bắt. Sợ bị bắt lần nữa, bà đã bỏ việc và rời xa khỏi nhà cùng con trai.

Trước khi đi ngủ, con trai luôn ôm chặt bà. Cậu thường khó ngủ và chỉ một tiếng động nhẹ cũng làm cậu bé thức giấc. Cậu sợ rằng mẹ sẽ bị bắt đi lần nữa.

Cái chết của ông Vương Hồng Bân

ffe52c90b381905c84be754d53ff75ed.jpg

Ông Vương Hồng Bân

Sau khi ông Vương Hồng Bân bị bắt vào tháng 12 năm 2000, ông đã bị thẩm vấn trong một khách sạn. Công an đã cố buộc ông ký vào một biên bản đã chuẩn bị trước, với nội dung rằng ông đã đưa ba đĩa CD Pháp Luân Công cho một học viên khác vào tháng 9 năm 2000. Ông đã từ chối hợp tác vì đó là cảnh sát bịa đặt để vu khống học viên khác.

Cảnh sát rất tức giận. Họ ép ông phải đứng chân không trên sàn. Sau đó họ còng tay ông ra sau lưng, với một tay bắt chéo qua vai và tay kia chéo qua sau lưng. Thỉnh thoảng những cảnh sát khác đánh đập và lăng mạ ông. Họ không cho ông ăn gì và sau đó cáo buộc ông tuyệt thực để bức thực ông.

Nhiều học viên bị bắt cùng thời điểm với ông Vương Hồng Bân cũng bị đánh đập tàn bạo. Vợ ông Lữ Tân Thư mất đi thính lực và run rẩy liên tục. Mặt bà Dương Kiến Mỹ bị bầm tím. Ông Lữ Tân Thư thì gào thét.

Sau đó ông Lữ và bà Dương bị kết án lần lượt tám và 12 năm tù. Ông Lữ gầy đi với chân sưng phồng và một cái bụng lớn do bị tra tấn. Ông không thể ăn hay nằm xuống để ngủ. Ông đã qua đời vào ngày 23 tháng 5 năm 2009.

Ông Vương Hồng Bân bị kết án ba năm ở Trại Lao động Cưỡng bức Thạch Gia Trang. Mã Văn Sanh, trưởng Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công, đã nhận được 50.000 nhân dân tệ tiền thưởng sau khi vụ án của ông Vương đóng lại.

Ông Vương bị tra tấn cả tinh thần lẫn thể chất trong trại lao động cưỡng bức. Ông bị cấm ngủ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Có lần khi ông đang ngủ, lính canh đã lệnh cho một tù nhân dùng bật lửa đốt móng tay của ông. Lần khác, ông bị treo lên cửa sổ với hai chân không chạm đất trong ba ngày.

Các tù nhân theo dõi và giám sát ông cả ngày, ngay cả khi ông dùng nhà vệ sinh. Bị ngược đãi cả tinh thần lẫn thể chất đã khiến sức khoẻ của ông suy giảm.

Trong hai năm, quản lý trại lao động không cho ông Vương gặp gia đình và không thông báo cho gia đình biết rằng ông bị bệnh. Có lần một lính canh đã đe doạ bắt giữ bà Phùng khi bà đến trại lao động để thăm ông.

Cuối cùng trại lao động cũng cho Bác Như vào thăm cha. Trước khi Bác Như được vào phòng thăm, lính canh liên tục hỏi cậu có tu luyện Pháp Luân Công không. Áp lực tinh thần to lớn của cuộc viếng thăm khiến mặt của cậu tái mét và cậu liên tục nôn trên đường về nhà.

Sau đó tình hình của ông Vương trở nên nguy kịch và ông được thả vào tháng 11 năm 2002, một năm trước khi hết hạn giam giữ. Tóc ông bạc trắng hoàn toàn. Ông đổ nhiều mồ hôi, không ngừng ho và không thể ngủ. Ông không dám nhìn mình trong gương. Những ngày tiếp theo, ông thường ở một mình và từ chối gặp bất kỳ ai. Ông trở nên ốm hơn và cơn ho tệ hơn. Ông sống trong sợ hãi và luôn căng thẳng khi có ai gõ cửa nhà.

Ngày 9 tháng 10 năm 2003, khoảng một năm sau khi được thả, ông Vương đã qua đời ở tuổi 39.

Cái chết của bà Phùng Hiểu Mẫn

d128648c34db564c11dadb9aaa861580.jpg

Bà Phùng Hiểu Mẫn

c8b64c520116d5b0ad2227c4f4ace87f.jpg

Vương Thiên Hành, con trai của bà Phùng Hiểu Mẫn

Ngày 1 tháng 5 năm 2001, bà Phùng Hiểu Mẫn bị bắt vì dán những miếng nhãn có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Do bị đánh đập và thẩm vấn trong đồn công an, bà đã bất tỉnh và được hồi sức nhiều lần. Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn đưa bà đến trại tạm giam Số 1 của thành phố Thạch Gia Trang.

Trong trại tạm giam, bà Phùng bị tát vào mặt cả chục cái và suýt ngất xỉu. Bà đã tuyệt thực hơn 20 ngày. Bà rất yếu và hấp hối. Sau khi trại lao động và trại tạm giam từ chối nhận bà do tình trạng sức khoẻ của bà, cảnh sát đã thả bà.

Trước khi bà Phùng hồi phục hoàn toàn, bà và chồng, người đã bỏ công việc làm đại diện bán hàng cho một công ty dược phẩm sau khi bị cảnh sát sách nhiễu, đã quyết định rời khỏi nhà để tránh bị bắt giữ lần nữa, và sau đó bị cảnh sát đưa vào danh sách truy nã.

Ngày 31 tháng 7 năm 2002, bà Phùng sinh cậu con trai là Vương Thiên Hành. Cảnh sát luôn tìm kiếm họ và thường xuyên sách nhiễu người thân của họ. Hai vợ chồng đã liên tục phải di chuyển để trốn cảnh sát.

Sau khi dịch SARS bùng nổ vào năm 2003, hầu hết mọi nơi bắt đầu kiểm tra thẻ căn cước. Vì túng thiếu nên họ chỉ có thể mua hai miếng sườn để cung cấp dinh dưỡng cho con trai. Vì cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi họ phải đi lang thang cùng con trai, bà Hiểu Mẫn đã gửi cậu bé cho chị mình là bà Tiểu Mai, và bà tiếp tục lẩn trốn, sống tách biệt với chồng mình.

Ngày 26 tháng 5 năm 2004, bà Hiểu Mẫn bị đưa đến nhà của bà Tiểu Mai trong tình trạng bất tỉnh. Họ đưa bà đến bệnh viện, tại đó bà bị chẩn đoán là viêm não mủ. Bác sỹ nghi ngờ ai đó đã đánh vào đầu bà dẫn đến chấn thương não nghiêm trọng. Sau khi tỉnh lại, bà không thể nhận ra ai trong gia đình. Bà ở trong trạng thái mê sảng và nghĩ mọi người xung quanh là cảnh sát sắp làm hại mình. Đến khi chồng bà nghe tin và đi đến bệnh viện thì bà đã rơi vào hôn mê.

Vài ngày sau, bà Phùng Hiểu Mẫn đã qua đời vào ngày 1 tháng 6 năm 2004, để lại người con trai chưa đầy hai tuổi. Bà hưởng dương 34 tuổi.

Cha của hai chị em qua đời

Cái chết của Hiểu Mẫn đã giáng một đòn nặng lên người cha già của bà, một giáo viên về hưu đã từng sống sót qua nhiều phong trào chính trị của ĐCSTQ. Ông bắt đầu lo lắng cho người con rể Vương Hiểu Phong, người vẫn đang phải chạy trốn sau khi Hiểu Mẫn qua đời, cũng sẽ bị bắt. Ông cũng lo lắng cho Tiểu Mai, người bị mất chồng, liệu có thể chăm sóc cho con trai mình và con của Hiểu Mẫn được hay không. Đồng thời, cảnh sát vẫn liên tục đến sách nhiễu gia đình ông.

Tháng 10 năm 2004, chỉ bốn tháng sau khi Hiểu Mẫn qua đời, người cha già đã bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối. Ông đã qua đời vào ngày 1 tháng 3 năm 2005.

Để nuôi gia đình, bà Phùng Tiểu Mai đã tìm một công việc trong một công ty nước ngoài với vị trí kỹ sư trưởng. Bà làm việc chăm chỉ và có đóng góp lớn cho công ty. Đồng nghiệp kính trọng bà và bà không quan tâm đến lợi ích cá nhân.

Bà nói rằng đức tin vào Pháp Luân Công đã giúp bà vượt qua những ngày đen tối khi phải mất đi những người thân của mình. Bà làm việc chăm chỉ để cho hai đứa bé có một cuộc sống tốt và an ủi mẹ già của mình. Nhưng đó chưa phải là sự kết thúc đau khổ của gia đình bà.

Bà Tiểu Mai bị bắt và án lao động cưỡng bức

Ngày 27 tháng 4 năm 2009, bốn năm sau cái chết của cha, bà Tiểu Mai lại bị bắt ở nơi làm việc. Bà bị giam 20 ngày trong một trung tâm tẩy não, sau đó bị kết án 1,5 năm ở Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hà Bắc.

Bà bị biệt giam ngay khi bị đưa vào trại lao động vào ngày 16 tháng 5 năm 2009. Biệt giam giống như một nhà tù trong một nhà tù. Nó hoàn toàn cô lập và người bị giam không được có bất kỳ tiếp xúc nào với bên ngoài.

Sinh hoạt hàng ngày của bà Tiểu Mai bị kiểm soát chặt chẽ và bị giới hạn. Bà bị giới hạn số lần đi vệ sinh và không được tắm rửa, giặt đồ hoặc mua giấy vệ sinh. Các tù nhân phụ trách theo dõi đã đánh đập và lăng mạ bà tuỳ ý. Lính canh viện đủ lý do để mắng bà, chẳng hạn như bà đứng dậy quá chậm hay giọng nói quá nhỏ khi điểm danh.

Bà nhớ lại: “Tôi bị kiểm soát chặt chẽ hơn 100 ngày trong trại lao động cưỡng bức. Tôi bị các tù nhân giám sát 24/24. Khi tôi không được đi vệ sinh cả ngày dài, tôi phải đi vào cái chậu rửa của mình. Các tù nhân bắt tôi phải đổ nước tiểu bằng cốc uống nước của tôi. Tôi không được rửa mặt, đánh răng hay tắm.

“Điều tệ hại nhất là tôi chỉ được đi nặng vài ngày một lần. Điều đó có nghĩa là tôi thường gặp khó khăn. Các tù nhân sẽ lôi tôi ra nếu tôi ở trong nhà vệ sinh lâu một chút. Tôi phải dùng tay để nạy nó ra. Vì không được mua giấy vệ sinh, tôi phải sử dụng nước trong bồn vệ sinh để rửa một cách đơn giản.”

Các lính canh thường xuyên lăng mạ Pháp Luân Công trước mặt bà và cố ép bà viết các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Một lính canh từng nói với bà: “Được rồi, chúng tôi có đủ mọi cách để tra tấn bà nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công.”

Bắt đầu từ ngày 5 tháng 6 năm 2009, lính canh khởi động một chiến dịch tẩy não nhắm vào bà. Đầu tiên họ nói những lời nhục mạ bà và nhắc lại những người thân đã qua đời của bà. Khi bà vẫn bất động, họ lệnh cho bà phải đứng suốt ngày đêm không được ngủ. Vào ban ngày, lính canh đọc những bài viết vu khống Pháp Luân Công cho bà nghe.

Khi bà kiệt sức và không thể đứng được nữa, lính canh trói bà lại với hai chân bắt chéo nhau. Một tù nhân ghì đầu gối vào lưng của bà và đẩy hai tay bà ra sau rồi nhấc lên. Hai tù nhân khác đứng hai bên và đè lên hai chân của bà.

Bà nói: “Đó là một làn sóng đau đớn và hoảng loạn. Nó đau đến nỗi tôi hét lên kinh hoàng và gần như ngất đi. Lính canh Kiều Hiểu Hà vẫn chưa thoả mãn. Cô ta gọi cho bác sỹ đến giám sát nhịp tim của tôi trong khi ra lệnh cho ‘những người giúp đỡ’ tiếp tục. Họ tra tấn tôi rất trắng trợn! Tôi đã kháng cự trong 40 ngày. Cơ thể và tâm trí tôi đang trên bờ suy sụp. Không thể chịu nổi nữa, tôi buộc phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của mình.”

Kết quả của việc bị tra tấn thể xác và áp lực tinh thần là bà Phùng bắt đầu có máu trong phân từ tháng 8 năm 2009. Ba tháng sau, lính canh bắt đầu ép bà phải lao động không lương với việc làm 500 phong bì hồ sơ mỗi ngày. Bà không được ngủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày.

Lao động nặng nhọc khiến bà Phùng ra máu nhiều hơn. Năm lần một ngày, mỗi khi bà sử dụng nhà vệ sinh, bà đều mất rất nhiều máu.

Đến tháng 3 năm 2010, bà yếu đến nỗi không thể tự đi được. Mặt bà tái nhợt và thường xuyên bị khó thở. Nhưng lính canh vẫn bắt bà phải lao động không công.

Bà Phùng được thả vào tháng 12 năm 2010 sau 19 tháng bị giam. Bà rất yếu vì bị chảy máu trực tràng liên tục, không thể làm bất kỳ việc gì trong nhà. Bà nói: “Tôi thật xót xa khi nhìn người mẹ già và hai đứa nhỏ và nghĩ về cuộc sống của họ khi tôi vắng mặt.”

Khi bà bị giam trong trại lao động, người mẹ 70 tuổi của bà phải chuyển từ quê lên để chăm sóc hai cháu trai. Không có nguồn thu nhập, mọi thứ trở nên tuyệt vọng. Người mẹ đau khổ đến nỗi rụng hết tóc chỉ trong một đêm.

Vương Bác Như, con trai bà Phùng Tiểu Mai, chưa đến 20 tuổi khi đó, đã phải bỏ học và bắt đầu làm việc tại một công trường xây dựng. Người em họ Vương Thiên Hành gần như bị đưa đến trại mồ côi.

Ông Vương Hiểu Phong bị kết án ba năm sau tám năm lang thang

Sau khi bà Phùng Hiểu Mẫn qua đời, ông Vương Hiểu Phong, người vẫn đang ở trong danh sách truy nã, phải nói lời từ biệt với con trai mới biết đi và lại đi trốn. Ông không thể tự mình nuôi con trai hay gặp con thường xuyên hơn. Ông lang thang khoảng tám năm khiến sức khoẻ bị tổn hại trầm trọng.

Tháng 10 năm 2011, ông bị co giật và bất tỉnh. Ông được đưa đến bệnh viện và bác sỹ ra những thông báo về tình trạng nguy kịch của ông.

Không có khả năng tiếp tục điều trị, ông đã xuất viện khi tính mạng qua cơn nguy hiểm.

Nhiều tuần sau, cảnh sát đã xoá tên ông ra khỏi danh sách truy nã. Cuối cùng ông đã trở về nhà vào tháng 11 năm 2011 sau tám năm vô gia cư. Cậu bé nhỏ Thiên Hành rất vui khi được đoàn tụ với cha. Sau giờ học, cậu chạy về nhà để lấy nước cho cha và giúp ông đi vệ sinh. Cậu cũng để dành thức ăn ngon cho cha. Với ông Vương, cuối cùng ông đã có thể thăm cha mẹ ở quê nhà và tham dự buổi họp phụ huynh của Thiên Hành ở trường và đưa con đi chơi vào những ngày lễ, ông đã làm tròn trách nhiệm của một người cha.

9fc282ebef04cf3f37972f7f7920751d.jpg

Ông Vương Hiểu Phong và con trai Vương Thiên Hành

Sáng sớm ngày 15 tháng 11 năm 2013, ông Vương bị bắt trong một đợt càn quét học viên Pháp Luân Công của cảnh sát. Cảnh sát nghi ngờ ông đã giúp các học viên khác làm lịch có thông tin về Pháp Luân Công.

Cảnh sát cũng cố bắt bà Phùng nhưng bà đã từ chối mở cửa. Cảnh sát đã đợi bên ngoài nhà bà 15 tiếng.

Nghe tin cha bị bắt, Thiên Hành sợ về nhà sau giờ học và đi lang thang bên ngoài trong giá lạnh. Bà Phùng phải gọi cho nhiều giáo viên để nhờ tìm kiếm cậu.

Vào buổi tối, mẹ bà Phùng lên cơn sốt cao sau một ngày chống trả với cảnh sát. Chỉ khi đó cảnh sát mới rời đi.

Bà Phùng vẫn bị bắt hai ngày sau đó khi rời khỏi nhà đi làm. Một chiếc xe hơi không có biển số đã chặn cổng ra vào khu dân cư của bà. Nhiều cảnh sát thường phục bước ra khỏi xe và lôi bà vào trong xe.

Mẹ bà và Thiên Hành tình cờ đi xuống cầu thang cùng bà nên họ đã hô lên nhờ giúp đỡ và cố ngăn cảnh sát đưa bà đi. Mẹ bà Phùng giữ chân của một cảnh sát và Thiên Hành ôm chân bà Phùng. Bà Phùng cũng vùng vẫy tại cửa xe hơi và cố không bị đẩy vào trong. Bất kể họ đã vùng vẫy thế nào, không có người dân địa phương nào bước ra để giúp họ. Rất nhanh, cảnh sát đã đẩy bà Phùng vào trong xe hơi và rời đi.

Lần này, bà Phùng bị giam một ngày và ông Vương bị giam 40 ngày.

Ngày 16 tháng 4 năm 2015, ông Vương lại bị bắt và sau đó bị kết án ba năm trong Nhà tù Số 1 của tỉnh Hà Bắc. Vì hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” mà ông bị còng vào một cái ghế kim loại và bị trói bằng dây đai kiềm chế, nó gần như làm ông ngạt thở. Còng tay chặt đến nỗi các dây thần kinh của ông bị huỷ hoại và ông mất cảm giác ở tay hơn một năm.

Các lính canh đã bức thực ông Vương sau khi ông bắt đầu tuyệt thực để phản đối bức hại. Họ cũng đẩy một cái ống vào mũi ông và rút ra để khiến ông đau đớn hơn. Hầu hết răng của ông bị hư do dụng cụ mở miệng.

Bài liên quan:

Trại lao động cưỡng bức nữ tỉnh Hà Bắc tra tấn tàn bạo bà Phùng Tiểu Mai

Mặc dù sau khi gia đình đã bị ĐCSTQ làm tan nát, bà Phùng Hiểu Mai vẫn bị bắt lại (Ảnh)

Bé Thiên Hành khóc trong ngày quốc tế thiếu nhi (Ảnh)

Nhân dịp Tết Nguyên đán, tưởng nhớ các gia đình học viên Pháp Luân Công bị ly tán


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/15/407517.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/13/186747.html

Đăng ngày 28-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share