Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 16-01-2020] Gần đây, tôi nghe nói có một số học viên vay tiền của các học viên khác, từ 50 đến 200 nghìn tệ (tương đương với từ 7.000 đến 30.000 USD). Hầu hết các học viên này đều cần tiền để kinh doanh. Khi kinh doanh thua lỗ, họ không trả lại số tiền đã vay, thậm chí sau rất nhiều năm. Tôi biết rằng không phải ngẫu nhiên mà tôi nghe thấy điều này.

Tất cả chúng ta đều học Pháp. Lý do tại sao Sư phụ yêu cầu chúng ta duy trì việc học Pháp là vì đó là tham chiếu cho suy nghĩ, lời nói và hành vi của chúng ta.

Sư phụ đã giảng rõ rằng:

“Nợ thì phải hoàn [trả]” (Bài giảng thứ baChuyển Pháp Luân)

Tất cả các học viên đều biết Pháp lý này. Không chỉ các học viên mà cả những người chưa tu luyện cũng đều phải hoàn trả những gì mình nợ. Khi bạn trở thành một học viên, điều này không có nghĩa là bạn không phải hoàn trả những món nợ của mình. Đối với một người thường, nếu không trả hết nợ ở đời này thì đời sau sẽ phải trả. Các học viên Pháp Luân Công chúng ta sẽ không có kiếp sau. Nếu chúng ta muốn viên mãn và trở về nhà cùng với Sư phụ, nhất định chúng ta phải hoàn trả các khoản nợ của mình.

Các đồng tu sao có thể trì hoãn việc hoàn trả nợ của mình như vậy? Chẳng phải mục tiêu của chúng ta là loại bỏ tất cả các nhân tố bất chính của chúng ta từ bao đời trước cho đến đời này hay sao? Chẳng phải nợ nần cũng là một trong các nhân tố bất chính này? Chúng ta thậm chí còn cần phải trả những món nợ mà chúng ta vô tình tạo ra. Đối với những món nợ chồng nợ mà chúng ta biết rõ thì sao? Chẳng phải chúng ta đang đặt thêm những khổ nạn vào quá trình tu luyện của chúng ta? Vậy mà một số người lại còn không có ý hoàn trả.

Đối với một học viên, đề cao tầng thứ là điều quan trọng nhất. Từng bước trong quá trình tu luyện đều nhờ vào sự trợ giúp của Sư phụ. Tại sao chúng ta không trân quý cơ hội tu luyện này. Khi Chính Pháp kết thúc mà chúng ta vẫn mắc nợ, lúc đó hối tiếc cũng quá muộn mất rồi.

Trả nợ từ đời trước

Năm 1992, bạn trai của chị tôi hỏi mượn tôi 30.000 tệ, là một khoản tiền lớn vào thời điểm đó. Chẳng bao lâu sau, hai người chia tay. Ba năm sau đó, tôi bắt đầu bước vào tu luyện. Khi chị tôi biết rằng anh ấy vẫn chưa trả tiền cho tôi, chị đã dẫn tôi đến nhà anh ấy. Khi đó, anh ấy không có nhà, nên chúng tôi đã nói chuyện với bố mẹ anh ấy. Bố anh ấy bị đột quỵ, còn mẹ anh ấy cũng bị ốm. Hoàn cảnh kinh tế nhà anh ấy rất bi đát, vì thế tôi quyết định không đề cập đến khoản nợ này với họ.

Mặc dù tôi không phàn nàn gì về điều này nhưng tôi vẫn cảm thấy không được thoải mái. Nhưng là một người tu luyện, tôi biết mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân. Tôi nói với chị mình rằng tôi không cảm thấy tiếc bởi vì có lẽ tôi đã nợ anh ấy từ đời trước.

Đêm đó, tôi mơ rằng mình là con trai trong một gia đình giàu có. Một lần, một người thợ săn đem bán những con thỏ mình săn bắt được và ghé qua nhà chúng tôi. Tôi mua một con và quay vào nhà mà không trả tiền cho người ấy. Người thợ săn đó chính là bạn trai của chị gái tôi ở đời này.

Qua sự việc này tôi hiểu rằng một người phải hoàn trả bất kỳ thứ gì đã nợ người khác. Bạn trai của chị gái tôi đã không trả nợ cho tôi vào đời này, nhưng đó là bởi vì tôi đã nợ anh ấy từ đời trước.

Sư phụ đã dùng mọi cách để loại bỏ nghiệp lực của chúng ta và giúp chúng ta đề cao. Sư phụ thật quá từ bi! Sao chúng ta có thể không trân quý cơ hội tu luyện này?

Trả lại tiền của các đồng tu

Năm 2007, tôi bị cảnh sát bắt cóc và bị kết án phi pháp 5 năm tù giam. Khi tôi bị giam trong tù, con gái tôi bắt đầu vào học cấp ba. Cháu học 3 năm cấp ba và 2 năm cao đẳng khi tôi vắng nhà. Phần lớn chi phí sinh hoạt và học hành của cháu trong vòng 5 năm đó là do các đồng tu ở địa phương chi trả.

Sau khi được thả ra vào năm 2012, chị gái tôi cho biết các đồng tu đã chi khoảng 40.000 tệ (khoảng 6.000 USD). Tôi rất xúc động. Tôi biết rằng họ đã tiết kiệm tiền để giảng chân tướng cứu độ chúng sinh. Nhưng họ đã giúp đỡ con gái tôi một cách vô tư vô ngã như vậy.

Tôi muốn mở xưởng sản xuất và cần có tiền. Nhưng tôi biết rằng tôi cần phải tập trung trả tiền các học viên trước. Sư phụ giảng rằng:

“Tố đáo thị tu.” (Thực tuHồng Ngâm)

Do vậy, thay vì mở xưởng sản xuất, tôi dùng tiền đó để trả nợ cho các học viên. Tôi biết rằng họ cần tiền để cứu chúng sinh. Chúng ta cần chi các khoản tiền cho những việc quan trọng nhất. Nếu lãng phí tiền thì chúng ta có thể đang tạo nghiệp.

Hoàn trả nợ ngay lập tức

Sau khi ra khỏi nhà tù vào năm 2012, tôi muốn mở một xưởng may quần áo. Khi ở trong tù, tôi gặp một đồng tu và cô ấy đồng ý làm đối tác của tôi. Cô ấy đã giúp tôi thuê xe tải, lắp đặt máy móc và sửa lại trang thiết bị.

Việc này khiến tôi bận rộn trong vòng vài tháng và tôi thực sự không có đủ thời gian để làm ba việc. Sư phụ giảng: “[coi] tu luyện là ‘duy có việc này lớn’” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999]). Tôi nhận ra rằng mình cần phải dừng truy cầu kiếm được nhiều tiền. Thay vào đó, tôi cần tập trung vào việc tu luyện và cứu độ chúng sinh.

Tôi chia sẻ suy nghĩ này với người đồng tu kia. Tôi đề xuất rằng cô ấy mở một cửa hàng quần áo nhỏ. Cô ấy nói rằng cô ấy không có đủ tiền thuê địa điểm, mặc dù tiền thuê chỉ có 500 tệ/tháng (tương đương 70 USD). Tôi nhận ra rằng cô ấy thậm chí còn chẳng có thu nhập hay chút tiền tiết kiệm nào. Thỏa thuận giữa của chúng tôi là cô ấy sẽ làm trong nhà máy của tôi và tôi sẽ bố trí ăn ở cho cô ấy. Cô ấy khiến tôi cảm thấy rất có lỗi vì tôi đã không nghĩ gì đến việc trả lương cho cô ấy.

Tôi nhớ lại việc các học viên địa phương đã hỗ trợ con gái tôi về tài chính khi tôi ở trong tù. Tại sao tôi lại không giúp cô ấy. Cô ấy đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc thành lập xưởng. Cô ấy xứng đáng được nhận lương. Tôi cảm thấy xấu hổ vì lúc đầu thậm chí đã không muốn trả công cho cô ấy. So với những đồng tu đã giúp đỡ con gái tôi, tôi thực sự rất ích kỷ.

Tôi đã đưa cô ấy 7.700 tệ (gần 1.100 USD). 7.000 tệ để trả cho 3,5 tháng lương, và 700 tệ để chi trả cho việc cô đã vận chuyển máy móc. Cô ấy đã từ chối nhận lương và chỉ nhận 700 tệ. Tôi khăng khăng không chịu và nói với cô ấy rằng cô ấy có thể nhận tiền để mở một cửa hàng nhỏ. Cuối cùng cô ấy cũng đồng ý. Tôi cảm thấy thoải mái và biết rằng mình đã đề cao trong tu luyện.

Đại Pháp đã thức tỉnh tôi. Tôi cảm thấy biết ơn vì những lời dạy của Sư phụ đã dẫn dắt cho lời nói và hành vi của mình.

Nhận khoản tiền mình không đáng nhận, lập tức bị báo ứng

Vào năm 2012, một ngày nọ, tôi đi mua đồ ăn tại siêu thị. Khi xếp hàng thanh toán tiền, đến lượt tôi mà người thu ngân lại tính tiền trước cho ba người bạn của cô ấy, mặc dù họ xếp hàng sau tôi. Lúc đó tôi đang vội, nhưng người thu ngân ấy còn tán chuyện với những người bạn kia. Tôi không nhận ra rằng Sư phụ muốn dùng cô ấy để giúp tôi loại bỏ tính thiếu kiên nhẫn của mình.

Khi đến lượt tôi, cô ấy đã tính tiền nhầm, và tính thiếu của tôi 5 tệ. Tôi nghĩ đó là cơ hội để tôi trả thù, vậy nên tôi đã không nói cho cô ấy biết điều đó và ra về. Vừa đi khỏi thì tôi nhận được cuộc gọi từ người phụ trách văn phòng tài chính của địa phương, yêu cầu tôi đến văn phòng của ông ấy ngay lập tức để xử lý vấn đề lương của tôi.

Vì khá gấp, nên tôi nghĩ rằng mình nên đi taxi thay vì đi xe buýt. Tôi mất 6 tệ khi đi taxi. Khi tới đó, tôi nhìn thấy tờ giấy viết gắn trên cửa, viết rằng anh ấy đi ra ngoài từ 8 giờ sáng. Tôi kiểm tra điện thoại và không phát hiện ra bất kỳ cuộc gọi nhỡ nào. Tôi bắt xe buýt về nhà, và mất 1 tệ tiền đi xe buýt.

Khi về đến nhà, tôi nhận ra rằng Sư phụ đã điểm hóa cho tôi chỗ bản thân cần phải đề cao. Sư phụ dùng người thường để giúp tôi loại bỏ các chấp trước như tranh đấu, oán hận và chấp trước vào tiền bạc. Hành vi của tôi thật bất hảo, nó đã phơi bày đủ loại chấp trước. Tôi đã không hề hướng nội! Tôi biết rằng tôi đã khiến Sư phụ thất vọng.

Chấp trước vào 1 tệ

Tôi bận với việc mở cửa hàng vào năm 2012 đến nỗi tôi không thể tập trung học Pháp và cứu chúng sinh. Dần dần, trong tôi lại khởi lên chấp trước muốn kiếm tiền. Sau đó đã xảy ra một sự việc.

Một lần, tôi và con gái bắt xe buýt để về nhà. Cháu trả 2 tệ cho hai mẹ con. Sau đó, tôi nhận thấy rằng mỗi hành khách phải trả 2 tệ. Cháu định đưa cho người lái xe thêm 2 tệ nữa nhưng tôi đã ngăn cháu lại. Tôi nói: “Được rồi. Chúng ta không biết nên đó không phải lỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ trả đủ tiền cho lần tới.” Cháu nói: “bất thất bất đắc”. Tôi đáp: “Ừ, mẹ biết.”

Sau đó, chúng tôi cần phải chuyển sang một chiếc xe buýt khác. Sau khi lên xe, tôi mới phát hiện ra chiếc xe này lại đi hướng ngược lại. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà, tôi cảm thấy rất buồn. Tôi cảm thấy tội lỗi và xấu hổ vì bản thân. Tôi trách mình sao không rút kinh nghiệm từ các bài học trước đây. Tôi biết rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng về tâm tính – không chỉ là vấn đề 1 tệ. Một lần nữa tôi lại không chiểu theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Tôi có khác gì người thường đâu chứ? Tôi còn là một học viên nữa hay không? Tôi nhận thấy rằng tâm tính của tôi đã rớt xuống tầng của người thường, thậm chí còn thấp hơn.

Khi tôi đào sâu hơn, tôi nhận ra đó không chỉ đơn thuần là chấp trước vào tiền bạc. Đằng sau chấp trước này, chính là tâm vị tư. Tôi không thể tiếp nhận sự chỉ trích, và tôi thích ra lệnh cho người khác. Ví dụ, khi con gái tôi đề nghị trả thêm 2 tệ, tôi đã ngăn cháu lại nhưng không phải vì tôi quan tâm đến số tiền đó. Mà là vì đó là đề xuất của con tôi. Nếu tôi đưa ra đề xuất đó trước, chắc tôi sẽ nói với cháu rằng tâm tính của tôi cao thế nào. Nhưng vì cháu đề cập đến chuyện này trước, khi đó tôi không có cơ hội để hiển thị. Tôi vẫn muốn giữ quyền lực của mình, do đó tôi đã ngăn cháu lại. Khi cháu mượn lời của Sư phụ để nhắc nhở tôi. Tôi chỉ đáp rằng “Ừ, mẹ biết”. Phía sau câu trả lời của tôi chính là tâm tự phụ và tự tư. Tôi luôn làm bà chủ và tôi quen với việc ra lệnh, đặc biệt là trong gia đình. Qua sự việc này, tôi nhận ra rằng tôi đã không đạt được đến tiêu chuẩn của Sư phụ yêu cầu đối với các học viên. Tôi không thể theo kịp tiến trình Chính Pháp nếu tôi không buông bỏ được các chấp trước này.

Tôi tự nói với bản thân mình không được bỏ lỡ cơ hội tu luyện vì tôi quá chấp trước vào tiền bạc. Sư phụ giảng:

“Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân” (Bài giảng thứ baChuyển Pháp Luân)

Khi tôi bắt đầu tu luyện, tôi đã nghiêm túc tuân theo lời giảng của Sư phụ. Nhưng sau đó, do chấp trước của tôi vào việc kiếm tiền, tôi dành ít thời gian cho việc tu luyện, và tôi đã quên lời dạy của Sư phụ:

“…[coi] tu luyện là ‘duy có việc này lớn’” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc)

Những sự việc trên đều phơi bày tâm tự tư của tôi. Tôi biết rằng mình không nên bỏ qua các vấn đề trong tu luyện. Nếu tôi bỏ qua chúng, tôi sẽ rớt xuống đáy.

Sư phụ giảng:

“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễuTinh Tấn Yếu Chỉ II)

Tôi tin chắc rằng chỉ bằng cách tập trung vào việc cứu người tôi mới có thể loại bỏ tâm chấp trước vào việc kiếm tiền của mình, do đó tôi đã đóng cửa hàng.

Sau khi dừng kinh doanh, tôi bắt đầu tĩnh tâm học Pháp. Ngoài việc phát tài liệu và giảng chân tướng, tôi dành toàn bộ thời gian còn lại để học Pháp và luyện công. Trong vòng 3 tháng, tôi đã chính lại bản thân mình. Sau đó, tôi tìm một công việc bán thời gian tại một nhà hàng buffet.

Lý do tôi viết bài chia sẻ này là để nói với các học viên còn đang trong tình trạng nợ nần rằng, Sư phụ đã giảng:

“Nợ thì phải hoàn [trả]; do vậy trên đường tu luyện có thể phải gặp một số điều nguy hiểm. Nhưng khi gặp những sự việc loại này, chư vị sẽ không sợ hãi, cũng không để cho chư vị thật sự gặp nguy hiểm.” (Bài giảng thứ baChuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra rằng sinh mệnh của chúng ta sẽ gặp nguy hiểm nếu chúng ta không tuân theo các lời dạy của Sư phụ. Chúng ta không nên chấp trước vào lợi ích cá nhân khiến suy nghĩ của chúng ta mê mờ và chúng ta sẽ đánh mất cơ hội tu luyện và đề cao.

Xin hãy chỉ ra những điều chưa phù hợp với Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/16/欠债是要还的-399063.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/18/183289.html

Đăng ngày 01-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share