Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-12-2019] Tôi bước vào tu luyện Đại Pháp từ năm 2012, cho đến nay đã gần bảy năm. Từ những ngày từ đầu không hiểu thế nào là tu cho đến dần dần đã biết dùng pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để yêu cầu bản thân đối chiếu với mỗi việc, thật là một quá trình không hề ngắn. Sau đây là một số trải nghiệm tu luyện của bản thân trong quá trình buông bỏ tâm lợi ích mà tôi muốn báo cáo với Sư phụ và các đồng tu.

1. Lựa chọn công việc

Trình độ tiếng Anh của tôi đạt đến cấp 8 và tôi hiện làm ở bộ phận đối ngoại thương mại tại một công ty của Hàn Quốc ở địa phương. Công việc của tôi yêu cầu thường xuyên phải đi công tác, cả hai con tôi vẫn còn nhỏ, nhà lại không có ai giúp đỡ, vì vậy tôi luôn nghĩ mình nên chuyển sang một công việc khác mà vẫn có thu nhập tương đương. Sau đó, vừa may có một người bạn đã giới thiệu cho tôi một công ty đang có mức bán hàng hiệu suất tốt nhất ở địa phương. Chức vụ công tác cao hơn so với công việc hiện tại của tôi với mức lương hàng tháng là 7.000 tệ, công việc cũng cùng tính chất. Có thể nói rằng công việc này vừa khớp với mục tiêu lý tưởng của bản thân tôi, nhược điểm duy nhất đó là công ty này có một quy ước bất thành văn: Sau giờ làm việc mọi nhân viên phải có ý thức làm thêm một tiếng đồng hồ, thứ Bảy cũng thường phải làm thêm, tính như vậy thì tiền làm thêm ngoài giờ cũng nhiều hơn. Mặc dù trong cuộc phỏng vấn, tôi đã đi đến thỏa thuận là không cần làm thêm ngoài giờ, nhưng thực sự ngoại lệ này cũng quá đặc biệt, khó tránh khỏi sẽ gây ảnh hưởng đến các nhân viên khác.

Về thu nhập mà nói, mức lương này có thể khiến gia đình tôi sống tốt ở địa phương, nhưng thứ Bảy hàng tuần tôi còn phải tham gia lớp học Pháp. Đây là cơ hội duy nhất để tôi có thể cùng giao lưu với các đồng tu mỗi tuần. Đối với đệ tử Đại Pháp mà nói, tại thời khắc cuối cùng này, thời gian là trân quý nhất. Ngoài ra, tại công ty hiện tại, tôi cũng đã được đào tạo bồi dưỡng trong 3-4 năm. Về mặt ngoại thương chỉ có mình tôi là chủ lực. Nếu tôi rời đi chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến công ty. Tôi lại nhớ Sư phụ từng dạy chúng ta:

“Từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, thế nên từ nay trở đi chư vị làm gì nói gì đều phải vì người khác, và nghĩ đến cả vì người đời sau nữa” (Phật tính vô lậu, Tinh tấn yếu chỉ)

Tâm tôi bỗng sáng bừng lên. Nếu đứng ở góc độ của họ mà xét thì thật dễ dàng để đưa ra sự lựa chọn. Cuối cùng tôi đã buông bỏ tâm lợi ích và quyết định không đến công ty tốt hơn để làm, an tâm làm việc chăm chỉ tại đơn vị cũ để làm tròn chức trách bổn phận, hồi đáp lại sự bồi dưỡng của công ty đối với tôi.

2. Buông bỏ lợi ích, không vì tình mà động tâm

Mẹ ruột của tôi đã mất khi tôi 8 tháng tuổi, sau đó bố tôi tái hôn. Tôi sống với bà ngoại từ khi còn nhỏ và không hề được mẹ kế nuôi nấng hay chăm sóc. Khi tôi lên cấp 3 và cả khi vào đại học, mẹ kế vì không muốn chu cấp tiền cho tôi nên đã gây ra cuộc cãi vã lớn ở nhà, thậm chí bà đe dọa cha tôi ly hôn. Cha tôi cứng rắn thà ly hôn nhưng nhất định phải để tôi được đi học đại học, vì vậy mẹ kế cuối cùng cũng đành phải đưa tiền học cho tôi. Tôi cũng có một người em gái cùng cha khác mẹ. Từ nhỏ đến lớn hai chị em được đối xử khác nhau một trời một vực, nhưng tôi cũng đã quen với việc đó. Cha tôi vốn đứng tên của hai căn nhà, có một căn nhà hai tầng. Em gái sau khi kết hôn đã đến sống tại căn nhà hai tầng đó. Mặc dù trước đó không ai trong số họ chào đón tôi, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.

Một ngày, khi tôi đang ở cơ quan, mẹ kế đã gọi điện thoại cho tôi và nói rằng cần phân hộ khẩu cho em gái, cần chữ ký của tôi. Tôi cứ nghĩ rằng việc tách khẩu là để tách hộ khẩu riêng biệt bởi vì trước đây hộ khẩu của tôi vẫn đăng ký chung với hộ khẩu của cha. Mẹ kế đã nhiều lần đuổi tôi, muốn tôi nhanh chóng chuyển đi. Tôi cũng đã chuyển hộ khẩu của mình sang bên nhà chồng. Nhưng đến lượt của em gái, sao lại vẫn cần chữ ký của tôi?

Khi tôi đến nơi để ký, người phụ trách đưa cho tôi một văn kiện, tôi liền liếc nhanh qua nội dung. Hóa ra trên đó là giấy trắng mực đen viết rõ: Căn nhà rộng 170m2 của cha đã được chuyển sang tên của em gái. Nếu như là người thường, thì họ sẽ tuyệt đối không ký. Việc lớn như vậy cũng không hề gặp tôi để hỏi tôi trước, chỉ gọi điện báo tôi đến và ký là sao? Trước khi ký tên cũng không hề cho tôi biết sự thực. Còn chưa nói đến việc em gái vốn đã sống tại căn nhà hai tầng của cha rồi, căn nhà rộng 170m2 này lại là diện tích lớn hai tầng. Còn lại một căn nhà nữa thì không hề đề cập đến là có phân chia cho tôi hay không.

Nhưng là một người tu luyện, đứng trước lợi ích tôi cần phải buông bỏ, tôi không thể làm giống như những người bình thường khác. Tôi không chần chừ một giây và nhanh chóng ký tên của mình. Sau này tôi nghe mẹ kế nói lại rằng: Căn nhà mái bằng đó vốn sau này cần phải tháo dỡ, vì vậy họ lo lắng muốn nhanh chóng nhượng lại cho em gái.

Trong suốt quá trình đó, tâm tôi đã không hề vì lợi ích thiết thân mà dao động. Điều làm tôi khó liễu giải được nhất đó chính là biểu hiện của cha tôi trước và sau chuyện này, trước việc này cha cũng không hề đề cập trước nửa lời. Điều duy nhất mà cha nói với tôi đó là bảo tôi cầm thẻ căn cước của mình theo. Tại sao điều này lại xảy ra?

Mặc dù từ khi còn nhỏ tôi đã không có được sự quan tâm của mẹ nhưng tôi vẫn còn có bố và vẫn cảm nhận được một nửa sự ấm áp. Lần này cha tôi cũng làm như vậy, không phải ông muốn cho tôi thấy bản chất của cái “tình” này là không hề bền vững và rất dơ bẩn hay sao? Khi đã nhìn thấy nó, tôi đã không còn cảm thấy buồn nữa. Tôi còn cần phải cảm ơn họ đã cùng nhau phối hợp để diễn cho tôi một vở kịch này, tôi thậm chí cảm thấy vui mừng vì chính mình đã không bị lừa bởi vở kịch này và giữ vững tâm tính.

Tiếp theo tôi nên làm gì? Năm mới sắp đến rồi, tôi vẫn cần gửi tặng cha tiền để tỏ lòng hiếu thảo. Về phần mình, tôi vẫn cần cố gắng hết sức làm tròn bổn phận con cái, dùng tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn ước chế tự thân, không đi theo con đường của người thường.

3. Trong công việc cần nghĩ cho người khác

Công ty chúng tôi phát triển khách hàng thông qua các sự kiện triển lãm. Thông thường, nếu nhân viên bán hàng tiếp nhận khách hàng nào tại triển lãm, thì nhân viên đó về sau sẽ phụ trách khách hàng này. Điều này cũng liên quan tới doanh thu do đơn đặt hàng mang đến. Cách đây không lâu tôi đã tham dự một triển lãm và kết quả thu được không tệ. Những khách hàng tôi tiếp xúc đều rất tiềm năng và số lượng cũng đông. Ngoài hai nhân viên bán hàng tham gia triển lãm, công ty chúng tôi còn có một nhân viên bán hàng khác, vì hiệu suất công việc của cô ấy không tốt lắm và trình độ chỉ ở mức trung bình nên từ trước đến nay ông chủ chưa từng cho cô ấy tham gia. Bởi vì sau triển lãm đầu tiên, cô ấy đã được chỉ định cho một số khách hàng, nhưng cô ấy đã không chốt được đơn với khách hàng nào, nên tới các triển lãm sau này ông chủ không muốn để cho cô nhận bất cứ một đơn hàng nào nữa. Ông chủ chỉ nhìn vào lợi ích, điều này có thể dễ lý giải.

Trong lần triển lãm này, tôi là người nắm giữ khách hàng vừa nhiều, chất lượng đơn hàng cũng tốt. Nếu là một người thường, thì hẳn sẽ giữ chắc các đơn hàng này về tay mình. Huống hồ tôi còn cha mẹ già và con nhỏ cần chăm sóc, nhà cửa cũng bình thường, xe cũng nhỏ, lại đang cần thêm thu nhập để nâng cao điều kiện sinh hoạt. Nhưng tôi nghĩ rằng mình là một đệ tử Đại Pháp, cần phải xem nhẹ lợi ích cá nhân, cần nghĩ cho người khác. Người đồng nghiệp mà chưa từng được tham gia triển lãm, hoàn cảnh gia đình cũng giống như tôi, cũng có cha mẹ và con cái cần chăm sóc, lại cũng là phụ nữ nữa. Thật không dễ để chăm sóc gia đình và kiếm tiền. Vì vậy, tôi đã chủ động tìm nhân viên bán hàng cùng tham gia triển lãm với mình, nói chuyện với cô ấy về cách nghĩ của tôi, và chia một số khách hàng tiềm năng của chúng tôi cho nhân viên bán hàng không tham gia triển lãm. Hai khách hàng mà tôi tình cờ phân lại là hai khách hàng lớn. Mức đơn đặt hàng của khách hàng tôi phụ trách có doanh số lên đến 5-6 triệu tệ trong năm nay. Do đó thu nhập cá nhân của tôi vẫn đảm bảo.

Sau khi được phân chia đơn hàng, người đồng nghiệp mà không tham gia triển lãm đã cảm thán rằng hiện nay cũng chỉ có ở tại công ty chúng tôi mới có chuyện nhường nhịn chia sẻ cho nhau như thế. Đúng vậy, làm kinh doanh hiện nay có mấy ai là không tranh giành lợi ích, người ta thậm chí hận không thể đánh vỡ đầu chảy máu người khác. Trong mắt lúc nào cũng chỉ chằm chằm vào khách hàng trong tay của mình, những khách hàng nằm trong tay người khác cũng khao khát muốn cướp lấy. Nếu tôi có thể ở trong lợi ích mà nhường nhịn, đường đường chính chính, có thể khiến cho người thường thể hội được điểm tốt của Chân-Thiện-Nhẫn, còn có điều gì quan trọng hơn nữa chăng?

Qua những khó khăn kiếp nạn gặp phải trên con đường tu luyện, các tâm chấp trước sẽ được buông bỏ từng tầng lại từng tầng. Để loại trừ hoàn toàn các chủng tâm người thường, tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng chỉ cần tôi có thể thành tâm nhận thức ra, thì một chút cũng sẽ không lưu lại, hết thảy đều sẽ vứt bỏ, mong sao sớm ngày trở về nhà cùng với Sư phụ. Tu Đại Pháp là ý nguyện ấp ủ từ hàng nghìn năm của tôi, ước muốn duy nhất của tôi chính là được về nhà với Sư phụ!

Không có sự dẫn dắt của Sư tôn, đệ tử sẽ vẫn phải lăn lộn trong thế tục bùn lầy này. Không có Đại Pháp dẫn hướng, đệ tử sẽ phải trong danh lợi tình mà vật lộn khổ sở.

Con xin dập đầu bái lạy Sư tôn đã không ngừng thanh tẩy và gột rửa tâm linh của đệ tử! Cảm tạ Sư tôn đã chỉ bảo đệ tử đi đúng đường!


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/25/浊世污流中去利益之心-397273.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/17/183677.html

Đăng ngày 29-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share