Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-02-2020] Tôi có tâm “oán hận”, cái tâm này đã khiến tôi cảm thấy vô cùng thống khổ. Giờ đây nói về điều này, tôi nhận ra mình đã sai khi quá quan tâm đến máy móc thiết bị hơn là đối xử từ bi với người khác.
Tôi từng đi khắp nơi để làm tư vấn kỹ thuật giúp sửa chữa và bảo dưỡng máy móc. Lúc đầu, tôi kiên nhẫn dạy các học viên lớn tuổi cách sử dụng máy in. Dựa trên khả năng của họ, tôi đã dạy họ từng bước từng bước một và giúp họ làm thử một vài lần. Nhưng họ luôn làm sai và tôi đã mất kiên nhẫn. Tôi bắt đầu phàn nàn về họ, và thậm chí còn mắng họ, đặc biệt là khi họ làm hỏng máy. Cơn phẫn nộ của tôi đối với họ đôi lúc rất mạnh, và những học viên này trông giống như một đứa trẻ bị la mắng khi làm sai.
Tôi nhận thức được rằng mình cần phải thay đổi. Nhưng khi vấn đề này lại xảy ra lần nữa, chẳng hạn như khi mực hết dù sau vài lần nhắc nhở, hay khi máy in bị kẹt giấy, tôi lại bắt đầu tức giận. Tôi nói những thứ như: “Nhà của bà trông rất gọn và sạch sẽ, tại sao bà lại để cái máy in bẩn đến vậy?” và “Bà không thể dành chút thời gian để lau chùi cái máy hay sao? Bà có hiểu không?” Tôi đã nói những điều này mà không chút do dự.
Tâm oán hận của tôi biểu hiện ra như một con ma. Nó đôi khi lớn và đôi khi nhỏ. Nó có nhiều cấp độ. Nó trở nên mạnh khi tâm chấp trước của tôi mạnh. Đó là một cảm giác rất tiêu cực và cực đoan. Khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra rằng tâm oán hận này không đến từ chính tôi. Nó là một dạng vật chất do chấp trước của tôi tạo nên.
Tôi phát hiện mình có bốn tầng tức giận. Tầng thứ nhất đến từ thái độ của tôi. Khi tôi nhìn thấy điều gì đó không phù hợp với tiêu chuẩn của mình, tôi liền phàn nàn trong đầu. Nó giống như khi cảnh sát trông thấy các tài xế không tuân thủ luật lệ giao thông, thì nó giống như khi tôi trông thấy máy in lại hết mực, bị kẹt giấy hoặc là bị bẩn v.v.. Tôi liền phàn nàn và nghĩ: “Tại sao họ không tuân thủ các nguyên tắc, tại sao trí nhớ của họ kém vậy, tại sao ông ấy không cẩn thận với các chi tiết, tại sao ông ấy không làm theo các đề xuất của mình, v.v.. Sự bực bội của tôi thường không bộc phát ra ngoài, và tôi có thể kiểm soát nó.
Ở cấp độ thứ hai, tôi phàn nàn bằng lời nói. Tôi không kiềm chế được những cảm xúc của mình đối với người khác. Tôi thậm chí còn tỏ ra bất lịch sự với các học viên lớn tuổi.
Ở cấp độ thứ ba, tôi đã tranh cãi với mọi người. Tôi đã chỉ ra các điều cụ thể. Đôi lúc cơn tức giận này còn tiêu cực hơn.
Tôi hình dung ra ở cấp độ thứ tư, tôi có thể không muốn đáp lại yêu cầu trợ giúp của ông ấy nữa. Và tôi thậm chí còn tránh gặp mặt. May mắn thay tôi vẫn chưa đạt đến cấp độ này. Sao tôi có thể ghét đồng tu của mình chứ?
Đôi lúc tôi tự hỏi xem tâm oán hận này đến từ đâu. Sau khi học Pháp, tôi thấy rằng có thể là do tôi đang ôm giữ lợi ích cá nhân dưới hình thức một thói quen, quan niệm, hay chấp trước khác. Tôi rất ích kỷ và đã không nghĩ cho người khác.
Một số học viên đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn cố gắng học cách sử dụng máy tính và làm công việc in ấn. Tôi trẻ hơn họ. Nhưng tôi không muốn kiên nhẫn giúp họ. Những cảm xúc và sự ích kỷ của tôi đã tạo nên tâm oán hận này. Tôi không đủ từ bi để cân nhắc đến mong muốn của họ.
Họ bảo tôi rằng tôi luôn tự cho mình là đúng và không phải là một thầy giáo giỏi. Tôi chỉ nghĩ họ nói điều này vì tôi biết cách sử dụng thiết bị. Nhưng tôi đã không nghĩ cho người khác, những người chưa từng bao giờ sử dụng những thứ này trong đời, đối với họ nó thật sự không dễ dàng. Tôi phán xét mọi thứ dựa trên tiêu chuẩn của mình. Nếu những người khác không làm theo tôi hoặc không đạt những tiêu chuẩn của tôi, thì tôi liền giận dữ và bực bội. Nói cách khác, mọi người phải đồng ý với tôi. Bản thân cực đoan, nghiệp duyên mang đến hay nghiệp lực cần chuyển hóa đều có thể sinh ra tâm oán hận. Tôi nên tận dụng mọi cơ hội của mình để loại bỏ chấp trước này, nhưng tôi đã bỏ lỡ. Tôi đã chỉ hướng ngoại chứ không hướng nội.
Sư phụ giảng:
“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi hy vọng có thể buông bỏ tâm oán hận này, tu xuất ra cái thiện của người tu luyện.
Trên đây là chút chia sẻ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/13/401144.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/6/183927.html
Đăng ngày 27-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.