Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-3-2019] Bà Đường Hiểu Nhạn đã bị đau đầu cấp tính sau khi uống một chai nước do công an đưa sau khi bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 8 năm 2015, vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công năm 1999.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Bà Đường, người ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, ban đầu nghĩ rằng cơn đau đầu là do bị công an đập đầu vào tường và bị trói hai tay ra sau lưng khi họ bắt giữ bà. Bà đã uống nhiều nước hơn, cố gắng trấn tĩnh lại.

Khi bà đang uống, một công an đến và ngăn lại: “Đừng uống! Đừng uống!” Sau đó ông ta ra lệnh cho một người khác mang chai nước đi.

Một công an thứ ba nói với bà: “Có lẽ bà không còn sống được bao nhiêu ngày nữa đâu.”

Sau đó công an đã chuyển vụ án của bà tới viện kiểm sát, họ đã trả lại vụ án của bà bởi thiếu bằng chứng. Công an đã giám sát bà tại nhà trong 12 tháng.

Sức khoẻ của bà Đường suy giảm nhanh chóng. Bà bị mất trí nhớ, thính lực và thị lực. Bà bị thường xuyên buồn ngủ và mất kiểm soát việc đại tiểu tiện.

Tháng 3 năm 2017, không lâu sau Tết Nguyên đán, bà Đường đột nhiên bị tiêu chảy và hôn mê bất tỉnh. Bà đã qua đời hai ngày sau đó khi tất cả nội tạng bị suy kiệt, bà đã hàm oan qua đời ở tuổi 69.

Sức khoẻ hồi phục nhờ tu luyện Pháp Luân Công, bị bức hại vì không từ bỏ đức tin

Bà Đường xuất thân trong một gia đình trí thức rất nổi tiếng và được dân địa phương kính trọng. Cha bà là một nhà vật lý học và là phó hiệu trưởng của trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. Bác của bà, ông Đường Hiện Chi, là một nhà giáo dục trứ danh và đã sáng lập nhiều trường đại học ở tỉnh Quảng Tây.

Bà Đường từng mắc bệnh tiểu đường, u nang buồng trứng và lạc nội mạc tử cung, cùng nhiều bệnh khác. Bà đã cắt bỏ tử cung và buồng trứng để tránh các biến chứng, nhưng phẫu thuật đã dẫn đến phản ứng phụ, gồm các vấn đề về hormon và rối loạn thần kinh. Bà đã tập nhiều môn khí công khác nhau nhằm cải thiện sức khoẻ, nhưng không môn nào giúp ích nhiều cho bà.

Sau đó bà học Pháp Luân Công thông qua một người thân. Chứng mất ngủ, mất cân bằng nội tiết tố và chứng ù tai sớm biến mất. Bệnh tiểu đường của bà cũng cải thiện đến mức bà không còn cần dùng thuốc hay tiêm insulin nữa.

Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, bà Đường liên tục bị sách nhiễu và bắt giữ vì không từ bỏ đức tin của mình. Nhiều vấn đề sức khoẻ của bà từng được chữa lành thông qua tu luyện Pháp Luân Công xuất hiện trở lại, đặc biệt là tiểu đường. Bà bị biến chứng khi bị giam và nhiều lần lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Bà Đường bị bắt lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 7 năm 1999 trong khi đang thăm một học viên. Bà bị giam ba ngày với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.”

Bà lại bị bắt vào tháng 5 năm 2001. Công an đã xông vào nhà và lục soát nơi ở của bà trước mặt người cha ngoài 80 tuổi của bà.

Bà đã bị giam tại trại tạm giam địa phương trong một tháng và sau đó bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức bởi đã “phá hoại việc thực thi pháp luật.” Nhưng bà đã bị nhiễm ketoacidosis tiểu đường, một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, trong khi bà vẫn bị giam giữ và phải nhập viện. Sau đó bà đã được tạm tha để điều trị y tế.

Chính quyền đã đưa bà đến một trung tâm tẩy não vào tháng 5 năm 2005. Lính canh tát vào mặt bà khi bà từ chối viết tuyên bố từ bỏ đức tin. Họ cũng cấm bà ngủ, không cung cấp nước uống, và đặt một cái đèn sáng chói trước mắt bà.

Bà bị đái đường và lại phải nhập viện trước khi kết thúc phiên tẩy não. Các bác sỹ đã đưa ra hai thông báo “tình trạng nguy kịch”.

Bà bị bắt lần thứ tư vào năm 2010 và bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong một năm. Do chăm sóc y tế không đúng cách khi ở trong trại lao động, bà lại phải nhập viện vì nhiễm ketoacidosis.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/15/383906.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/17/176182.html

Đăng ngày 26-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share