Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 16-9-2018] Chứng thực Pháp, đến việc làm cụ thể mà nói, thì căn bản là việc người thường, vậy hỏi tại sao có được uy đức ở cao tầng?

Là người đang tu, không phải Thần đang tu, tâm không thể hoàn toàn thuần chính, còn vương vấn tư tâm, còn nhiều chấp trước thậm chí chính mình không ý thức ra, những thứ đó hòa vào các việc mình làm, thì các việc ấy có thể được tính là công đức trong Đại Pháp chăng? Đương nhiên không thể! Việc là việc làm ở cõi phàm tục này, lại còn lẫn nhân tâm trong đó, mà còn đòi được ghi nhận là công đức ở cao tầng là sao? Làm gì có chuyện ấy! Thế thì phải đợi tới khi tu đến mức tâm hoàn toàn thuần chính thì mới làm các việc chứng thực Pháp ư? Hay là trong điều kiện thế nào thì các việc đó mới được tính?

Đó là câu hỏi từng theo tôi rất nhiều năm. Hiển nhiên người tu chúng ta không phải là đợi đến khi tâm thuần chính, tu coi như xong cả rồi, thì mới làm các việc Đại Pháp. Không phải thế, mà là ngay trong quá trình tu luyện, xuất tâm chứng thực Pháp rồi bước ra làm thôi. Nghĩa là ở đây nhất định phải có nhân tố khiến việc làm phàm tục trở nên thần thánh. Chúng ta cần phải nhìn ra chỗ này. Theo thể ngộ của tôi, thì có nhiều lúc then chốt là ở chỗ buông bỏ. Nay viết bài chia sẻ ra nhận thức cá nhân về điểm này.

Làm việc chứng thực Pháp qua một quãng thời gian, có thể là nhiều năm, trong các việc mình làm còn lẫn rất nhiều nhân tố bất thuần trong đó, không thể tránh được. Từng nghe có học viên nói, rằng đó là việc Sư phụ an bài, rằng đây là làm theo an bài của Sư phụ, nên vậy là OK rồi, không phải lo gì cả. Tôi không cho thế là đúng. Cứ giả thuyết Sư phụ là an bài thế, nhưng chúng ta là nương theo an bài của Sư phụ mà gây dựng uy đức của mình; làm tốt thì hưởng, làm ẩu thì chịu. Hiển nhiên, chúng ta không thể nhận phần Sư phụ làm là phần của mình, và cũng không thể coi phần bất thuần do mình đưa vào là thuộc về Sư phụ, coi như Sư phụ phải gánh cho chúng ta. Khi hồng Pháp và người ta đắc Pháp Luân, thì đó là Sư phụ làm; mình chỉ có thể nhận công đức phần giới thiệu Pháp thôi chứ! Nào có thể nói vì mình làm theo Sư phụ an bài nên việc mình làm là 100% thuần khiết! Không phải cứ gắn nhãn mác “Đại Pháp” vào liền có thể nói việc mình làm đều đã đạt tiêu chuẩn ở cao tầng! Đã vậy, thì thử hỏi phần bất thuần đó sẽ được loại bỏ ra thế nào? Khi nào và theo cách thức nào? Theo tôi, thì là có an bài vào những thời điểm then chốt, xuất hiện khảo nghiệm liên quan đến việc mình làm và quấn quít đủ thứ nhân tâm đan xen trong ấy. Khi đó, nếu người tu hiểu ra, buông bỏ được, thì phần bất tịnh ấy sẽ theo phần bị bỏ đi mà được xả bỏ đi. Bề ngoài thì là buông bỏ mất đi gì đó như danh lợi ở thế gian, nhưng thực ra, ở bên kia là đắc được công đức đích thực, thuần khiết có được sau khi loại bỏ phần bất thuần. Còn nếu ở khảo nghiệm then chốt ấy, mà quyến luyến, mà chấp trước không buông, thì sẽ mất tất. Đây là tình huống kinh điển: Buông thì được cả, mà cố giữ thì mất tất. “Bất thất bất đắc” («Chuyển Pháp Luân»).

Tôi từng chứng kiến một hạng mục dịch thuật rất dày công. Đến khi có nhiều bản dịch được đưa ra để lựa chọn, thì một dịch giả buông bỏ cái tôi, tuyên bố là mọi người chọn bản dịch nào cũng được, không ý kiến. Trong khi các nhóm dịch khác thì ra sức chứng minh bản của họ là tốt nhất. Thế rồi thời gian mấy năm qua đi, cuối cùng bản dịch nhóm đã buông bỏ được chọn. Lúc được chọn, chính dịch giả đó cũng hơi bất ngờ, vì rõ là không có tranh giành gì, thậm chí chẳng nhớ đến việc đó nữa. Nhưng mà về sau nghĩ lại, thì tôi thấy như thế mới là đúng. Khi tuyên bố buông bỏ, thì tất cả những gì bất tịnh ở không gian khác bị lẫn vào trong quá trình dịch thuật đã theo đó mà được bỏ đi rồi. Chỉ một dịch giả đó là buông được, người khác không ai buông được, vậy thì chẳng phải chỉ có thể chọn bản dịch đó, đúng không? Đương nhiên, bài viết này là về buông bỏ trong tu luyện, cho nên không đề cập đến các khía cạnh khác như chuyên môn trong dịch thuật, v.v.

Một ví dụ khác. Tôi chứng kiến nhóm học viên nọ tham gia vào một hạng mục rất lớn và rất quan trọng. Nhưng làm một thời gian, thì bị gạt ra. Những người này tâm lý bất bình và làm ầm lên rất là lâu, gây mâu thuẫn rất lớn. Tôi cho rằng như thế thật là phí. Lúc đó nếu họ buông được, thì tốt biết bao. Chỉ cần buông tâm, tuy bề ngoài xem ra mất đi cái địa vị chức vị hay danh tiếng gì đó ở người thường, nhưng thật ra đó mới là đắc được công đức chân chính; thế chẳng phải tốt nhất? Vì chẳng buông tâm kia xuống, nên công sức đó hoài phí hết rồi.

Trong Pháp có giảng về ngay cả đặc vụ vào đây cũng có thể được cứu độ. Đặc vụ vào đây, họ làm việc tốt cho Đại Pháp. Nhưng việc làm tốt ấy là thật sự tốt, hay là chỉ để che đậy thân phận đặc vụ của họ? Trong tình huống như thế thì có cơ chế nào có thể cứu họ, cả đặc vụ cũng cứu được? Làm sao giữ được uy đức cho những ai xứng đáng được cứu? Ấy chính là đến khảo nghiệm then chốt sẽ biết. Khảo nghiệm ấy được an bài sao cho tình huống đầy kịch tính xuất hiện buộc người đó phải lựa chọn là đặc vụ hay là học viên. Nếu lựa chọn là đặc vụ, thì các việc trước đó đều không được tính. Nhưng nếu lựa chọn là học viên, thì chính là được độ.

Đây chính là phương cách từ bi cho phép người tu chúng ta mặc dù tâm chưa thuần tịnh, nhưng vẫn có thể gây dựng uy đức mà tu lên. Người tu làm các việc Đại Pháp, tạm thời còn các tâm người thường cũng không sao. Một phương án giải vấn đề này, ấy là khi vấn đề kịch phát, thì đó là cơ hội, là thời khắc then chốt. Lúc đó nhất quyết không buông cái tâm ấy, thì nói lên rằng người này lâu nay làm các việc chỉ là chứng thực cá nhân, không phải chứng thực Pháp, nên không được tính. Còn lúc đó buông bỏ thật nhẹ nhàng, thì điều đó minh chứng rằng, học viên này lâu nay là chứng thực Pháp, không phải chứng thực cá nhân, cho nên công đức ấy được tính.

Mượn lối nói chiến thắng khó nhất là chiến thắng chính mình, thì có thể nói biểu hiện cao nhất của dũng mãnh tinh tấn là buông bỏ cái tôi. Cơ hội được buông bỏ thế này rất quý. Như Sư phụ giảng trong «Chuyển Pháp Luân», những lúc thế này thì mình phải cảm ơn người ta. Bề mặt dường như người ta làm khó mình, nhưng thực ra đó là cơ hội buông bỏ, cơ hội biến việc phàm tục trở nên thần thánh.

Trên đây chỉ là hiểu biết cá nhân, có gì chưa đúng xin các đồng tu từ bi chỉ ra.

Share