Bài của học viên người Việt
[MINH HUỆ 21-4-2017] Qua tham dự một số buổi hướng dẫn tập đọc các câu chú, tôi nhận thấy rằng có không ít học viên chúng ta còn chưa coi trọng vấn đề tập đọc chú quyết sao cho đúng.
Tôi hiểu rằng Sư phụ đã chỉ rõ các chú quyết là không thể phiên dịch, vì chỉ khi đọc bằng âm nguyên gốc thì mới có tác dụng:
“… khẩu quyết không được phiên dịch. Khẩu quyết chính là ‘thần chú’ mà người thường vẫn gọi, âm của mỗi chữ đều có tác dụng liên hệ trong các thiên thể nhất định. Hễ phiên dịch thì liền mất đi chính âm và các nhân tố nội tại.” — Giảng Pháp luân lưu tại Bắc Mỹ.
và quan hệ giữa câu chú và các sinh mệnh cao cấp:
“… từng nghe thánh nhân giảng: Kính Phật có thể gieo mầm nhân quả cơ duyên tu luyện, người tu luyện trì chú có thể được sinh mệnh cao cấp bảo hộ, giữ gìn giới luật có thể đạt tiêu chuẩn người tu luyện.” — Tinh Tấn Yếu Chỉ.
Tuy nhiên có rất nhiều học viên chúng ta tập đọc các câu chú bằng cách đọc các “phiên âm” qua tiếng Việt, chứ không cố gắng học phát âm cho thật đúng âm nguyên gốc; lý do là đọc phiên âm qua tiếng Việt thì dễ hơn. Nhưng mà tập đọc qua phiên âm tiếng Việt thì không cách nào đọc chuẩn được, kiểu như ngày xưa học tiếng Pháp mà học kiểu “oong đơ toa…” thì chỉ có thể học thành tiếng Pháp “bồi”, chứ không thể nào học thành tiếng Pháp xịn được.
Cũng có học viên đã từng học tiếng Trung, nhưng sau khi phát hiện Sư phụ đọc các câu chú có một số âm không giống những gì mình học ở trường (ví như âm -ing, z-,…) thì không cố gắng đổi lại để đọc đúng theo Sư phụ mà vẫn giữ phát âm đã quen khi học ở trường.
Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, có gì chưa thích đáng mong đồng tu từ bi chỉ rõ.