Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 24-11-2017] Có thể ví ngôn ngữ, từ vựng như một thế giới sống động. Từng chữ, từng từ tự nó là có ý nghĩa, có phạm vi, có sắc thái, có tương tự, có khác biệt, có trùng lặp, v.v. Những “sinh mệnh” ấy chúng là cũng qua thời gian mà biến hóa, phong phú hơn, nghèo nàn đi, hay rơi vào quên lãng,… Xã hội ngày nay “thế giới ngôn từ” ấy là đang thoái hóa, cùng theo sự xuống dốc của đạo đức thế gian và văn hóa nói chung. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc nhận thức Pháp Lý của học viên chúng ta.

Biểu hiện thoái hóa ngôn ngữ nơi xã hội

( a ) Chuyện xưa thời cắp sách đến trường: “Các cháu có hiểu hàng chữ răn dạy ở sân trường ta không, đó là ông tiên trên trời cũng phải học lễ, bà hoàng hậu trong cung cũng phải học văn —tiên học lễ hậu học văn— cho nên các cháu phải chăm chỉ học nhé.” Đó là một chuyện hài kinh điển cảnh báo về sự thoái hóa ngôn ngữ, phản ánh hiện tượng người ta quên dần nguyên nghĩa của từ ngữ.

Ngày nay văn hóa chit chát bằng tin nhắn đã trở thành phương thức giao tiếp số một giữa người với người: Một ngày ta dành bao nhiêu thời gian để chit chat, bao nhiêu thời gian nói chuyện với thân nhân? Nhưng loại hình giao tiếp này có đặc điểm là dần dần khiến ngôn từ thường dùng sẽ càng ngày càng ít và nội hàm càng ngày càng nông. Tại sao? Vì dù có muốn dùng từ ngữ phong phú với hàm nghĩa sâu sắc đi nữa, vậy nhỡ người ta đọc tin nhắn nhanh vèo vèo và không hiểu ý thì sao bây giờ? Lối biểu đạt truyền thống tinh tế phong phú về sắc thái trong ngôn từ đang bị mai một dần và được thay bằng những thứ “thô và nổ” như: “nhiều vãi”, “hay wá”, “họ vs nhau”, v.v.

Có học viên chia sẻ rằng cảm thấy khó viết bài giao lưu tâm đắc thể hội; rằng chia sẻ trong nhóm thì không sao, nhưng hễ muốn viết ra thì rất lúng túng. Ngoài những nguyên nhân khác, thì một nguyên nhân lớn là ngày nay người ta rất ít giao tiếp bằng hình thức viết bài, vốn là hình thức biểu đạt mà nếu thường dùng sẽ dần dần khiến từ vựng phong phú hơn cùng nội hàm ngôn từ sâu sắc hơn, cả cho phía người viết và người đọc.

( b ) Theo trào lưu đó kỹ năng lên dàn bài dàn ý cũng dần dần mai một. Ở trường học môn Ngữ Văn, hoặc khi học viết thư (cả trong môn Văn tiếng Việt hoặc học viết thư tiếng Anh) thì có học kỹ năng trước tiên hình dung rõ mình muốn viết gì, mở bài và dẫn dắt rồi kết luận ra sao, viết bao nhiêu trang, v.v., và sau đó khi viết thì là viết ra luôn và phải đúng luôn (không như bây giờ dùng máy tính soạn bài có thể sửa đi sửa lại). Có học viên chia sẻ là năm xưa đúng là có được học kỹ năng này, nhưng về sau chẳng bao giờ dùng, nên mai một rồi, do đó bây giờ cần viết bài chia sẻ thì rất không quen.

( c ) Lớn lên trong văn hoá đảng, khi học Văn là bị ép học tập chủ trương của đảng kèm theo đó. Khi chủ trương là phải bôi nhọ các chế độ xã hội khác thì học sinh phải học tiểu thuyết “Tắt Đèn”, khi chủ trương điên đảo thị phi là người nghèo tốt hơn người giàu thì học sinh phải thuộc bài thơ “Đi Em”, khi chủ trương là đảng ta dẫn đầu phong trào giải phóng phụ nữ thì học sinh phải ngâm nga những thứ tục tĩu kiểu như “không chồng mà chửa mới ngoan” của một nữ sỹ mà họ lăng-xê lên thành cái gọi là danh nhân dân tộc. Kỳ thực những cái đó hoàn toàn không phải những tác phẩm xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn. Do đó đại đa số học sinh chán ghét môn học này, vì thế chỉ học lấy lệ để thi cho qua. Nhưng kỹ năng viết văn là một trong những kỹ năng biểu đạt mà con người cần có. Cho nên tình trạng hiện nay là về phương diện viết bài chia sẻ, thì học viên ở Việt Nam chúng ta là yếu hơn nhiều so với cộng đồng học viên nói chung.

( d ) Nếu như cách gọi tên các sự vật sự việc theo lối truyền thống là cố gắng biểu đạt bản chất, đặc tính, cấu tạo, nguyên lý, v.v., của sự vật sự việc đó, tức là mang tính khách quan rất cao, thì xã hội ngày nay chúng ta có xu hướng đặt tên từ góc độ phiến diện mang rất nhiều tính chủ quan, cho nên nội hàm của từ ngữ ngày nay tự đã mang nhiều nhân tâm trong đó.

Thời xưa các nhà khoa học khi phát hiện ra gì mới, cần đặt tên cho nó, thì phân tích xem tên ấy là nên lấy từ gốc chữ Latin gì hay dùng từ ngữ thế nào để biểu đạt tốt nhất bản chất của nó. Ví như lối đặt tên như “động cơ bốn thì”, “tàu hỏa”, “cột thu lôi”, v.v., là theo phong cách “học giả” như vậy. Nhưng giờ đây có một xu hướng là đặt tên theo mục đích mà người mua có thể dùng nó, kiểu như “áo chống nắng”, “khoá chống trộm”, “hương chống muỗi”, v.v., và lối gọi này xem ra đang được xã hội hoan nghênh hơn, vì “dễ hiểu” hơn. Nếu so sánh với phong cách “học giả” nói trên, thì lối đặt tên này có thể tạm gọi là phong cách “con buôn”: Lấy nhân tâm ích kỷ làm xuất phát điểm nhìn nhận thế giới.

Thoáng nhìn thì không thấy có vấn đề (đó chỉ là cái tên thôi mà). Nhưng thực ra thế giới ngôn ngữ chính là một trong những lăng kính chủ quan mà qua đó chúng ta nhận thức thế giới khách quan. Nếu người ta mất dần lối nhìn sự vật từ góc độ khách quan rộng mở, mà thay vào đó là thói quen nhìn mọi việc từ lợi ích cá nhân vô cùng hạn hẹp, thậm chí mỗi khi cái tên sự vật sự việc được nêu ra, thì nhân tố danh lợi cá nhân đã đứng ngay ở đó đóng vai cơ điểm nhận thức thế giới rồi, thế thì con người sẽ thoái hoá dần khả năng trao đổi và tư duy một cách khách quan. Đây là một chướng ngại rất lớn trong nhận thức Pháp. Theo tôi hiểu, Sư phụ khi đặt danh từ miêu tả các thứ, thì không bao giờ để thuật ngữ đó bị nhân tâm lẫn vào. Nguời học Pháp, muốn nhận thức Pháp cho tốt thì trước tiên là cần từ khách quan mà nhận thức mọi thứ xung quanh. Dùng từ theo kiểu học giả là một biểu hiện của việc tư duy gần với Đạo hơn, còn dùng từ kiểu con buôn thì xa với Đạo hơn.

Ví dụ hiện nay khi họp mặt gặp nhau trực tiếp, thì nhiều học viên chúng ta gọi đó là “họp off-line”. Đó lối dùng từ ngữ khi hoàn toàn đánh mất nguyên nghĩa của từ. Vì ở đây phải có một hệ thống làm tham chiếu, cho nên khi nối với hệ thống đó thì là “on-line”, còn khi không nối thì là “off-line”; nghĩa là phải có tiền đề là lấy hệ thống nào đó làm tham chiếu, thì từ “on-line” “off-line” mới trở nên có nghĩa. Hễ mấy học viên ra quán cà phê gặp mặt trao đổi bèn gọi là “off-line”, thì không hiểu là đang “off” cái gì? Hay bây giờ chúng ta là “cư dân mạng” hết rồi, đều lấy Internet là hệ thống tham chiếu mặc định, cho nên hễ cái gì không nối Internet thì là “off-line”?

Có lần chia sẻ rằng không nên đem từ “quan hệ nhân duyên” mà Sư phụ giảng dịch thành từ “quan hệ duyên cớ”; lý do là đây là thuật ngữ có ý nghĩa có nội hàm rất chính xác. Như hạt xoài là “nhân”; đất, ánh nắng, mưa phùn là “duyên”; mọc ra cây xoài ra trái xoài thì đó là “quả”; còn ai đó vì nguyên nhân mà họ không muốn nói ra nhưng họ lấy lý do không phải bản chất mà chặt bỏ cây đi thì lý do không bản chất ấy được gọi là “cớ”. Như vậy không thể dịch “quan hệ nhân duyên” thành “quan hệ duyên cớ” được, nguyên nghĩa hoàn toàn khác biệt. Tôi phát hiện rằng vấn đề không phải vì người ta thật sự không hiểu nguyên nghĩa của từ, mà là người ta không đủ coi trọng nên dùng từ sao cho đúng nghĩa, cho rằng nói “quan hệ duyên cớ” cũng được rồi, cho dễ hiểu. Đây là lối tư duy bị ảnh hưởng bởi trào lưu ngôn ngữ thoái hóa hiện nay nơi xã hội.

( e ) Nếu nhìn thời gian xa hơn nữa, khi người Việt chúng ta từ bỏ chữ Nôm trong cuộc sống hàng ngày, và thay vào đó ta dùng cái mà chúng ta gọi là chữ quốc ngữ, thì liên hệ với văn hóa truyền thống đã xuất hiện đứt gãy rồi. Hiện tượng thoái hóa ngôn ngữ nơi xã hội hôm nay, nói cho cùng, cũng chỉ là một phần trong trào lưu đạo đức đi xuống và văn hóa mai một vào thời mạt pháp mà thôi. Ta đều biết, trong văn hóa nhân loại là có nhân tố kiến tạo nên nội hàm của từ ngữ, ví như qua gương Nhạc Phi mà người ta có được nội hàm của chữ “trung”; nghĩa là nội hàm của từ ngữ là gắn liền với văn hóa, mà cái này là phải mất nhiều nghìn năm mới thành; và đây cũng là một phần trong an bài để con người ngày nay có thể nhận thức Pháp. Một dân tộc đã bị đứt gãy với văn hóa truyền thống, và nhất là văn học truyền thống, thì ngôn từ của dân tộc đó làm sao mà có thể có được nội hàm phong phú cho được.

Ảnh hưởng đến nhận thức Pháp

( a ) Dễ thấy nhất là vấn đề học viên mới nói rằng khi học Pháp thì không hiểu các thuật ngữ mà họ gọi là từ “Hán Việt”. Vấn đề này thực ra không tính là nan giải, vì phàm đã học một môn học mới, thì người học cần học khái niệm của môn đó, kèm theo là từ ngữ của môn đó, tức là chỉ cần có ý thức học nghiêm túc là được.

Ta không thể học Toán nếu không chịu học các từ như “cộng trừ nhân chia”, “lũy thừa”, “giai thừa”, v.v., không thể học Nhạc nếu lười không học thế nào là “nhịp”, “phách”, “quãng tám”, v.v. Cho nên, vấn đề này thì xét ra chủ yếu là vì người học không ý thức rằng học Pháp cũng là một học vấn, nôm na ấy là cần nghiêm túc như học một môn học vấn mới. Ngày nay người ta biết đến Pháp Luân Công qua tờ bướm gập 3 rẻ tiền, đến các điểm luyện công và miễn phí học Pháp Luân Đại Pháp ở đó, đến lớp 9 bài giảng cũng miễn phí, và không ít người tưởng rằng ai đó đang lôi kéo họ vào đây học Pháp tựa như nhân viên tiếp thị hàng đa cấp đang lôi kéo khách hàng, và thế là lối tư duy này xuất hiện: “Nếu các vị muốn tôi học theo các vị thì các vị phải làm sao cho tôi dễ hiểu mới được; như tôi đi cửa hàng mua đồ thì họ bảo đây là áo chống nắng, đây là khoá chống trộm, đây là hương chống muỗi, và tôi hiểu ngay; chứ giờ đọc sách các vị thì nào là huyền quan, nguyên anh, chu thiên, v.v., tôi chả hiểu gì“. Lối tư duy lấy nhân tâm làm cơ điểm như thế, làm sao có thể học Pháp.

Muốn hiểu Pháp Lý, muốn hội Đạo Trời, thì trước hết phải từ bỏ lối tư duy lấy nhân tâm làm cơ điểm. Bước khởi đầu là hiểu đúng các thuật ngữ trong Pháp cùng nội hàm đi kèm. Trong các bản dịch đều có phần dịch giả giải thích từ vựng để hỗ trợ phần nào người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ. Người mới học hầu hết đều phải qua chướng ngại này, là vì ngôn ngữ xã hội đang thoái hóa, nhưng Pháp giảng ra không hề thuận theo trào lưu thoái hóa ấy. Lối dùng từ ngữ trong Pháp là chú trọng dùng đúng nguyên nghĩa và có nội hàm, khác xa lối tư duy ở xã hội hôm nay. Nếu học viên nhận ra vấn đề này, thì có thể tự có điều chỉnh và sẽ nhận thức Pháp tốt hơn.

( b ) Đòi hỏi sử dụng thuật ngữ nguyên gốc như tiếng Hán trong học Pháp và nhận thức Pháp cũng một ý nghĩa quan trọng nữa. Đây là một ưu điểm của tiếng Việt nếu so với các ngôn ngữ Âu Mỹ, vì ở kia rất khó dùng từ nguyên gốc. Nếu viết như “xuan guan”, “yuan ying”, “zhou tian”, thì rất khó đọc ở ngôn ngữ họ, và từ hoàn toàn mới thế cũng không có nội hàm trong ngôn từ vốn có của người ta. Do đó, sử dụng nguyên từ gốc như tiếng Hán trong dịch thuật sang tiếng Việt là tận dụng lợi thế này. Tất nhiên, người mới học vì thế cần chú trọng học cẩn thận các thuật ngữ để hiểu cho đúng, học như vậy cũng là làm phong phú hơn thế giới ngôn ngữ của mình, tránh trào lưu nghèo nàn hóa ngôn ngữ hiện nay ngoài xã hội.

Một chi tiết nhỏ cần lưu ý là nhiều từ tiếng Hán là có nội hàm thâm sâu hơn so với người Việt vẫn hiểu. Ví dụ rất điển hình là chữ “chân” trong “Chân Thiện Nhẫn” hay “phản bổn quy chân”. Người Việt ta có thể diễn giải chữ “chân” này theo các nghĩa “chân lý”, “chân thật”, “chân thành”; nhưng mà tiếng Hán còn có các từ “thiên chân” (hồn nhiên như nguyên gốc ban đầu) hay “thuần chân” (biểu đạt sự thuần khiết) thì nghĩa đó không phản ánh rõ trong tiếng Việt. Ở mức nào đó đây cũng là chướng ngại cho việc nhận thức Pháp, do ngôn ngữ thoái hóa mà thành.

( c ) Người tu qua thời gian lâu dài học Pháp và thường xuyên dùng Pháp Chân-Thiện-Nhẫn để đo lường sự vật sự việc mà mình gặp phải trong đời, thế thì thế giới ngôn ngữ của mình, thế giới khái niệm của mình sẽ có nhân tố của Pháp hòa vào trong đó một cách tự nhiên. Khi người tu dần dần tu lên tầng thứ cao, thì những gì ở phần vỏ này —phần thân thể hữu hình này, cùng với phương thức tư duy và sinh tồn nơi thế giới cấu thành bằng lạp tử từ phân tử lớn nhất này— đã trở thành “cái vỏ” của bản thể. Dù chỉ là phần vỏ, chỉ là phần bộ da, nhưng cũng có yêu cầu phải đồng hóa với Pháp, đồng hóa với tiêu chuẩn của Pháp ở tầng ấy. Do vậy, nếu là người chân tu, tu đúng đắn, thì nhất định sẽ trải qua chặng đường này: Chặng đường quy chính ngôn ngữ theo Pháp. Biểu hiện là nhận thức thuật ngữ và khái niệm trong Pháp một cách rõ ràng, đi vào nguyên nghĩa và có nội hàm chứ không lờ mờ vỏ ngoài. Giống như quá trình tâm tính đề cao sẽ có biểu hiện là không bị trào lưu đạo đức sa đoạ nơi xã hội cuốn đi, thì người chân tu đồng thời cũng có biểu hiện rằng ngôn ngữ mình dùng đang được quy chính theo Pháp, không bị cuốn theo trào lưu thoái hóa ngôn từ nơi xã hội.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, còn nhiều hạn chế; có gì chưa tốt mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Share