Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 27-8-2018] “Mục đích tu luyện” là một chủ đề quan trọng bậc nhất, yêu cầu người học nhận thức đúng đắn ngay từ những ngày đầu. Tu luyện là để “phản bổn quy chân” đã được Sư phụ giảng rõ trong «Chuyển Pháp Luân», cho nên các học viên cũ khi hồng Pháp hoặc dẫn dắt học viên mới thì nên chiếu theo đúng như thế mà làm, không tự ý đổi thành một cái nào đó khác đi.

Pháp ở các tầng khác nhau có các hiển hiện khác nhau. Cùng một Pháp đồng nhất, nhưng ở các tầng khác nhau là có hiển hiện khác nhau. Theo cách nói của tu luyện quá khứ, ấy là lên thế giới Cực Lạc thì cũng thấy kinh Kim Cương ở đó, nhưng kinh ở đó từng chữ đều khác, và nội hàm của chữ, của kinh cũng khác nếu so với kinh ở nhân gian; nhưng mà, đó vẫn chính là kinh Kim Cương ấy, chứ không phải kinh khác.

Khi một môn phái được truyền ra đại chúng, thì tổ sư của môn phái đó nhất định sẽ giảng ra chủ đề mục đích tu luyện của môn này là gì. Chủ đề này vô cùng đặc thù trong môn phái. Bởi vì:

– Nó quyết định phần chủ đạo về hình ảnh môn phái đó ở xã hội. Nói nôm na là mở quán dạy võ thì nên chăng ghi rõ là “võ quán”, như thế thì người có nhu cầu học võ sẽ đến. Không ghi rõ chiêu bài thì người ta đến đòi học văn thì sao? Nói cách khác, nhóm người tu luyện nào có nhận thức minh bạch vể điểm này, thì nhóm ấy nhất định sẽ thuần hơn, không bị lẫn bởi những người đến vì mục đích khác.

– Nó phù hợp với đạo lý của tầng này. Lưu ý, là nói phù hợp tức là có thể được quảng đại quần chúng tán đồng, chứ không nhất định là dễ biểu đạt và dễ hiểu; một khi bản chất là tu luyện lên cao tầng, thì vấn đề này tự nhiên không phải là vấn đề dễ biểu đạt và dễ hiểu.

– Khi tu lên tầng thứ cao hơn, Nó lập tức hiển lộ ra nội hàm thâm sâu hơn. Mới tham gia Pháp Luân Đại Pháp, sẽ hiểu “phản bổn quy chân” ở tầng nhận thức của mình; khi tu đến tầng thứ khác, giai đoạn khác, thì tự nhiên hiểu ra “phản bổn quy chân” còn có hàm nghĩa khác; khi tu tiếp đến tầng thứ cao hơn, đến giai đoạn tiếp nữa, thì “phản bổn quy chân” lại hiển hiện tiếp ra hàm nghĩa sâu sắc hơn nữa, v.v. Tất cả những điều ấy đều được Sư phụ an bài xong hết cả rồi.

Ví dụ: (i) mới nhập học, hiểu được “phản bổn quy chân” là quay trở về nơi chốn nguyên lai của mình, về bản tính tiên thiên thuần chân của mình; hoặc ít nhất thì cũng hiểu hãy là chính mình, sống theo bản tính thiện lương của mình; (ii) đến khi hiểu được về Chính Pháp thì “phản bổn quy chân” chính là có hàm nghĩa “quy” về nơi chốn tương ứng ở vũ trụ mới; (iii) nếu phát tâm cứu người trong Chính Pháp, thì “quy chân” hoặc “quy về Chân-Thiện-Nhẫn” còn có hàm nghĩa vừa giảng chân tướng để người ta phát sinh chân niệm mà phân biệt thiện ác đúng sai để lựa chọn đúng đắn, vừa tự mình hoàn thiện uy đức và tu luyện, thông qua Chính Pháp mà thành tựu sinh mệnh bản thân; ngàn vạn năm luân hồi chờ đợi chính là đợi cơ duyên phản bổn quy chân này thôi; trong Chính Pháp vào lúc cuối của quá trình Thành-Trụ-Hoại-Diệt, chuyển hóa từ trạng thái của thời Diệt —cuối cùng của Diệt— quay trở về trạng thái của thời Thành —sơ kỳ của Thành— thì đó chẳng phải cũng là một tầng hàm nghĩa của “phản bổn quy chân” sao? (iv) tới Pháp Chính Nhân Gian, thì lại thấy “phản bổn quy chân” còn có hàm nghĩa nữa. Tam giới vốn không có trong vũ trụ cũ. Tam giới được tạo ra là theo an bài tự cứu của một phần các sinh mệnh vũ trụ cũ, tức là ý nghĩa tồn tại của Tam giới trong vũ trụ cũ là vì để Chính Pháp. Đến khi Chính Pháp thành công xong rồi, Tam giới là có công đức trong Chính Pháp, rất nhiều sinh mệnh ở vũ trụ mới đã từng từ nơi đây mà tu lên, và Tam giới được giữ lại trở thành một phần của vũ trụ mới. Đạo đức truyền thống của nhân loại chính là Chân-Thiện-Nhẫn với nghĩa ở tầng thấp nhất. Cái “tình” của Tam giới cũng được tính là thể hiện của Pháp Chân-Thiện-Nhẫn ở tầng thấp nhất. Khi ấy “phản bổn quy chân” không còn thuần túy chỉ là mục đích tu luyện của học viên chúng ta, mà còn là ý nghĩa tồn tại của Tam giới trong vũ trụ mới: Nơi đây là cơ hội tu luyện quay trở về dành cho những sinh mệnh nào rớt xuống. Đây là những gì được giảng rõ trong «Chuyển Pháp Luân». Nếu tu lên cao nữa, mãi cho đến tận ngày viên mãn, thì mục đích tu luyện vẫn y nguyên bất biến là “phản bổn quy chân”, chỉ là nội hàm hiển hiện ra đã rất thâm sâu. Tất cả những điều ấy đều được Sư phụ an bài xong hết cả rồi.

Đạo lý này chính là đạo lý chung; nghĩa là môn khác cũng có chủ đề này. Đương nhiên, cùng một chủ đề, nhưng cụ thể thì khác.

Ví như trong Phật giáo, ai học Phật giáo đều đọc câu chuyện thái tử Cồ Đàm đi dạo bốn cổng thành, chứng kiến và ngộ ra đạo lý về cái khổ sinh-lão-bệnh-tử, Ngài bèn phát tâm tu luyện thoát khổ, cắt tóc xuất gia đi tu, về sau thành Phật Như Lai. Vì vậy, nếu hỏi bên đó rằng mục đích tu luyện là gì, thì người tu Phật giáo sẽ trả lời là tu thoát sinh-lão-bệnh-tử, ra khỏi luân hồi, phá bỏ tham-sân-si, phá mê xuất thế, giác ngộ giải thoát.

Quá trình nhận thức cũng sẽ đại khái thế này: (i) người mới học sẽ hiểu tu luyện là để thoát khổ; (ii) học Pháp nhiều hơn sẽ phát hiện ra sinh-lão-bệnh-tử mà Phật giảng ra là không phải để nói những cái khổ kiểu như ốm đau bệnh tật hay vỡ nợ chứng khoán, không phải nói những thứ ở tầng cơm áo gạo tiền này, mà là nói về quy luật của Tam giới, nghĩa là điều đức Phật Thích Ca giảng “thoát khổ” “phá mê” “giác ngộ” ấy thực ra là giảng về tu xuất Tam giới; (iii) lên tầng cao nữa, trong Đại Thừa Phật giáo sẽ có chỗ giảng rằng, ai cho rằng thái tử Cồ Đàm đi bốn cổng thành rồi ngộ ra Tứ diệu đế và sau tu thành Phật, thì người đó không hiểu Như Lai. Lại giảng rằng, sở dĩ tu thành Như Lai vì vốn dĩ đã từng là Như Lai, sở dĩ tu thành Phật vì vốn từng là Phật. Ngụ ý rằng tư tưởng tu xuất Tam giới và thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử chỉ là nhận thức tu luyện ở tầng thứ thấp, và muốn tu vượt quá tầng La Hán thì chủ đề mục đích tu luyện phải đổi sang một nhận thức cao hơn. Nghĩa là bên Đại Thừa cũng là từ góc nhìn của họ mà giảng ra một phần hàm nghĩa của “phản bổn quy chân”, tất nhiên họ dùng cách thức diễn đạt khác để biểu đạt điều ấy.

+ Thông thường về lý giải nghĩa bề mặt câu chữ, thì “tu để xuất Tam giới” sẽ được hiểu khác với “tu luyện phản bổn quy chân”. Câu trước thường được hiểu là phàm nhân mà tu tốt thì có thể thành Phật. Còn câu sau có ngụ ý rằng, sở dĩ tu thành Phật là vì đã từng là Phật. Khi giảng về khai ngộ (Bài giảng thứ Chín, «Chuyển Pháp Luân») thì đạo lý này được Sư phụ giảng ra vô cùng rõ ràng. Khai ngộ là trở về tâm cảnh vốn có, nhớ lại ký ức vốn có. Chứ không phải bằng mấy chục năm, hoặc mấy trăm năm mấy nghìn năm, là đủ để một phàm nhân tích lũy tri thức trở thành ngang cấp trí huệ một vị Thần. Không có chuyện ấy! Và cũng không làm thế! Vị đó vốn dĩ là Thần, ký ức bị phong ấn, nay tu luyện, thể hiện tâm tính đề cao, trí huệ đề cao, cuối cùng cởi bỏ phong ấn và vị ấy trở về. “Phản bổn quy chân” chính là ý như thế. Nếu xuất ra cái tâm muốn tu cao hơn cả cảnh giới nguyên gốc của mình, thì e rằng đó là tâm chấp trước.

+ Nói “tu luyện phá mê xuất thế” thì cũng là nói ra nhận thức cố định ở một phạm vi đó thôi; không có được hàm nghĩa khái quát rộng mở như nói “tu luyện phản bổn quy chân”. Có người mà họ chỉ có thể là tu trong Tam giới, không ra được, thế thì bảo họ phát tâm tu xuất Tam giới chẳng phải là hại họ, khiến họ nảy tâm chấp trước. Có người có thể tu lên cực cao cực cao, thì cái gọi là tu xuất Tam giới sẽ là nhận thức quá thấp đối với họ. Còn nếu khuyên người ta hãy tu luyện “phản bổn quy chân” đi, thì trường hợp nào cũng chuẩn.

+ Nói “tu luyện phá mê xuất thế” là cách đặt vấn đề tu luyện của Phật giáo, mà ở đó có chủ trương xuất gia lánh đời. Lánh đời, xuất thế, vượt qua ràng buộc cuộc đời mà đến với Đạo, v.v., một bộ logic ấy. Đại Pháp chúng ta là giảng “phản bổn quy chân”, triển khai hình thức tu luyện hòa vào cuộc sống hàng ngày; càng quy chân, thì càng hòa hợp với vũ trụ và xã hội; nghĩa là “đời” và “đạo” đã hòa làm một rồi. Tu càng tốt thì đời sống càng hài hòa hơn. Nếu ai mang lối diễn đạt “tu luyện phá mê xuất thế” sang đây, thì là can nhiễu; không chỉ làm sai chủ trương môn phái, mà còn khiến người đời bài xích.

Quay lại chủ điểm của bài. Vấn đề mục đích tu luyện quan trọng đến như vậy. Đây là chủ đề khá đặc thù: người vừa nhập học liền cần hiểu đúng ngay dù ở tầng thứ thấp; và trong suốt quá trình tu luyện lên, qua các giai đoạn tu luyện, nội hàm sẽ lần lượt triển hiện ra. Không chỉ pháp môn chúng ta, mà các môn tu luyện chính phái khác hễ phổ cập ra xã hội thì liền có an bài này. Nhưng các môn khác nhau thì có thể có an bài cụ thể khác nhau. Do đó khi hồng Pháp, giới thiệu Pháp, nhất là trong tài liệu viết về giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp, thì phải lưu ý làm đúng theo Sư phụ giảng, không được làm sai đi.

Ví dụ 1: Có học viên chuyên đi hồng Pháp kiểu hiệu quả sức khỏe. Thử hỏi “tu luyện khỏe người” sẽ có nội hàm gì ở cao tầng? Thay đổi hình ảnh môn phái là không nên. Nếu hình ảnh Đại Pháp biến thành môn chữa bệnh khỏe người ở xã hội, thì trong cộng đồng học viên, tỷ lệ người đến học vì sức khỏe sẽ tăng vọt, tâm tính thấp, hiểu về tu luyện không chính xác, thậm chí nhiều người đến đây không phải để tu luyện, vậy hỏi cộng đồng học viên sẽ đi về đâu? Đành rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nhất định sẽ có hiệu quả sức khỏe, nhưng mà, trình bày mục đích tu luyện để khỏe người là có nên không? Ở đây không phản đối việc nói về lợi ích sức khỏe, mà là muốn nói hãy cân nhắc tỷ lệ cho phù hợp, sắp xếp quan hệ các chủ đề cho thích đáng.

Một học viên phát tâm hồng Pháp, thì ấy là lấy danh nghĩa Đại Pháp của Sư phụ mà giới thiệu ra công chúng. Người ta nếu thật sự trở thành học viên thì cũng là do mình giới thiệu Đại Pháp và sau được Sư phụ quản. Cho nên khi hồng Pháp cần lưu ý cẩn thận sao cho truyền đạt đúng tinh thần mà Sư phụ giảng. Đây là chứng thực Pháp, không phải chứng thực cá nhân. Pháp Luân Đại Pháp là môn tu luyện, không phải truyền ra để chữa bệnh, đây là điều Sư phụ giảng bao nhiêu lần rồi, sao học viên không căn cứ theo đó mà làm? Ví như thầy hiệu trưởng bảo năm nay điểm đỗ vào trường chúng ta là 25 điểm, nhưng một số giáo viên vì chạy theo thành tích cứ đưa những thí sinh điểm thấp vào thì có nên không?

Ví dụ 2: Có học viên chấp trước vào môn phái khác, không nhận ra đã vi phạm vấn đề “bất nhị pháp môn”, đã mang chủ đề mục đích tu luyện của môn phái khác về đây biến thành chủ đề mục đích tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp. Pháp môn của họ giảng “si” là cái gốc của tham-sân-si, nên mới nhấn mạnh những thứ nào là “giác ngộ”, “phá mê”, “con đường giác ngộ”, tu thoát khỏi cái khổ thế gian, v.v. Có học viên cứ mang một bộ đó sang đây. Đành rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cũng có thể đạt được những điều ấy, nhưng mà trình bày mục đích tu luyện theo cách của môn phái khác thì có nên không? Đương nhiên KHÔNG. Đó là chủ trương của môn khác. Đưa vào đây hiển nhiên không thích hợp. Pháp môn chúng ta là có chủ trương của mình.

Sai lầm này chủ yếu là vì học viên đó hiểu ra chúng ta đây là tu luyện, không phải để chữa bệnh khỏe người, và muốn trình bày điều đó ra. Nhưng học viên ấy chưa hiểu đúng về tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp, cũng như cách đặt vấn đề và giảng giải về tu luyện của Đại Pháp, nên bê nguyên một bộ nhận thức về tu luyện của môn phái khác vào đây. Đó chẳng phải chính là loạn Pháp?

Phụ đạo viên luyện công nhất định phải chuyên nhất. Đối với học viên nào không thể luyện công chuyên nhất thì cần bảo họ, giúp họ, [nếu] thật sự là không chuyên nhất, họ không buông bỏ được những thứ kia của họ, thì khuyên họ rời đi mà luyện công khác, tránh can nhiễu học viên chúng ta. […]

Có người chữa bệnh cho người khác, hoặc bảo người khác tới điểm luyện công của chúng ta để chữa bệnh, thì đều là phá hoại Đại Pháp. Đây là một vấn đề nghiêm túc phi thường, không ai được phép làm thế. Nếu làm thế thì đã không là đệ tử của tôi; nếu phụ đạo viên làm thế thì lập tức thay người, kiên quyết cắt đứt hai loại hiện tượng này.

— Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994]

Những chi tiết về hiệu quả sức khỏe, giác ngộ chân lý, khám phá nhân sinh, gia đình hạnh phúc, v.v. Thì có thể đưa vào phần liệt kê các “lợi ích khi tu luyện Pháp Luân Công”, nhưng KHÔNG đặt vào phần “mục đích tu luyện”. Phần “lợi ích tu luyện” thì có thể rất phong phú, muôn màu muôn vẻ; còn “mục đích tu luyện” thì cần đúng chủ trương của Sư phụ.

Ví dụ N: Có những tình huống còn quá đáng hơn. Dẫn ra các loại tiên tri, hay diễn giải vòng vèo thế nào đó làm cho hình ảnh Đại Pháp ở thế gian trở thành biến dạng cực kỳ: (i) tu luyện môn này sẽ tránh được đại thảm họa sắp tới; (ii) Pháp Luân Công là tử huyệt của Đảng Cộng sản; v.v.

Tóm lại, tu luyện nói chung là tu lên cao tầng, nói cụ thể thì chúng ta là giảng tu luyện phản bổn quy chân, và chủ đề này khi hồng Pháp hoặc giới thiệu cho người mới thì phải trình bày đúng ý Sư phụ giảng. Dù là trình bày ở tầng thấp nhất, thì cũng là trình bày nghĩa “phản bổn quy chân” ở tầng thấp nhất. Làm điều này không dễ. Vì vừa cần trình bày sao cho tầng thứ thấp cũng hiểu, người nhập học cũng hiểu, vừa phải đúng theo an bài của Sư phụ. Nhưng mà, làm điều này không khó, vì học viên chúng ta không cần phải (và cũng không được) “sáng tác” ra cái mới, chỉ là đưa ý mà Sư phụ giảng về chủ đề này ở tầng thấp nhất ra là được rồi.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, có gì thiếu sót mong đồng tu từ bi chỉ ra.

Ghi chú: tác giả hiệu chỉnh một chút ngày 5-6-2019.

Share