[MINH HUỆ 12-1-2000] Kính chào các đồng tu! Tên tôi là Thiệu Hiểu Đông. Tôi đã nhận bằng cử nhân của trường Đại học Khoa học Tây Y Trung Quốc, và bằng Thạc sỹ của Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Y Trung Quốc. Tôi cũng có bằng Thạc sỹ Khí công và Châm cứu do Ủy ban Giáo dục Nhà nước cấp. Tôi là Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Tỉnh Hắc Long Giang và là cố vấn cho Hội Nghiên cứu Khoa học Khí công tỉnh Liêu Ninh. Tôi được ông Trương Chấn Hoàn, nguyên Giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc và Hội Khoa học Nhân thể Trung Quốc, giới thiệu và đề cử làm cố vấn học thuật về trị bệnh bằng khí công. Kể từ năm 1985, tôi đã có rất nhiều cơ hội thuyết giảng tại các nước Châu Âu và Hoa Kỳ theo lời mời của họ. Vào năm 1989, nhận lời mời, tôi đã đến Nhật Bản để giảng dạy. Năm 1990, tôi được bổ nhiệm làm việc tại Nhật và định cư tại Tokyo.

Trước khi đến Nhật Bản, tôi từng là bác sỹ hàng đầu của Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Y Trung Quốc ở Bắc Kinh, và là giảng viên thỉnh giảng đặc biệt của Viện Nghiên cứu Trị bệnh bằng Khí công của Đại học Y khoa và Trung Y Bắc Kinh. Đối với một người tu luyện, thì nền tảng giáo dục, bằng cấp và danh hiệu nói trên hầu như không có ý nghĩa gì. Tôi nêu ra đây chỉ để nói rằng tôi đã được đào tạo chính quy về khoa học hiện đại, chứ không phải người mới vào nghề trong lĩnh vực Tây Y, Trung Y, khí công, và nghiên cứu khoa học về nhân thể. Ngoài ra, khi tốt nghiệp trung học vào đầu những năm 1960, đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa và các loại phong trào về hệ tư tưởng, tôi đã quen đánh giá các loại lý thuyết, học thuyết bằng con mắt phê phán. Tôi không dễ dàng tin vào hay mù quáng đi theo bất kỳ ai đó và những học thuyết của họ. Còn đối với những điều mới mẻ đối với nhân loại, tôi có quan điểm rằng, chúng ta không nên tùy tiện tin hay phủ định, mà phải tránh bị ảnh hưởng bởi nhận thức cảm tính, và cần dùng lý trí cũng như trải nghiệm cá nhân để suy xét vấn đề. Chỉ sau quá trình đó, chúng ta mới có thể đưa ra kết luận.

Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân của tôi khi chọn môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Những gì tôi sẽ nói tại đây là từ góc nhìn của người mới nhập môn, nông cạn và không giúp ích nhiều cho các học viên lâu năm. Nhưng đối với những học viên mới bước vào tu luyện, và những ai quan tâm đến việc tu học Pháp Luân Đại Pháp, thì bài chia sẻ này sẽ giúp họ tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp và bước vào tu luyện.

Vào giữa năm 1993, tôi rời Nhật Bản sang Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu về các trường phái khí công. Khi tôi ở gần Ao Cá vàng của Công viên Trung Sơn ở Bắc Kinh, tôi nghe thấy tiếng nhạc dễ chịu và bị thu hút bởi giai điệu đó, tôi đưa mắt nhìn thì thấy hàng chục người đang tập một môn khí công mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây. Điều làm tôi ngạc nhiên là ba trong số bốn tư thế đứng mà họ tập là ở tư thế cao (nghĩa là, tâm của lòng bàn tay cao hơn vai). Vì tôi chuyên nghiên cứu về khí công, nên tôi biết rằng tất cả các môn tập cổ truyền đều bắt đầu bằng việc tập các tư thế đứng ở vị trí thấp hoặc trung bình. Tôi chưa bao giờ thấy môn tập nào lại bắt đầu với các tư thế đứng cao như vậy, không kể người tập có chiều cao hay huyết áp thế nào. Từ quan điểm của khí công trị bệnh thông thường, tập luyện như vậy có thể dẫn đến tăng huyết áp và nguy hiểm cho các bệnh nhân có huyết áp cao.

Tuy nhiên, sau khi trò chuyện với các học viên tại điểm tập, trong đó có cả những người đã từng bị cao huyết áp, tôi thấy không có vấn đề gì. Những người từng bị huyết áp cao hoặc tụt huyết áp, hay bị huyết áp thấp đều tăng lên mức bình thường. Vậy điều gì đã cho thấy hiện tượng này không phù hợp với lý thuyết về khí công thông thường? Tôi lập tức nhận ra rằng, đánh giá trên bề mặt thì môn này không phải là môn khí công nâng cao sức khỏe bình thường. Nó hẳn phải là siêu thường, độc đáo và sâu sắc. Sau này, sau khi tôi tự tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã biết rằng mỗi học viên của môn này đều có một Pháp Luân (Bánh xe Pháp, tồn tại ở một không gian khác), xoay chuyển không dừng tại bụng dưới và đó là “Pháp luyện người”. Các học viên đặt tay vào các vị trí khác nhau trên thân thể để gia trì Pháp Luân, khí cơ và qúa trình tu luyện đều vận hành một cách tự động dưới tác động của cơ chế này.

Khi tiếp tục quan sát, tôi còn ngạc nhiên hơn khi thấy bài tập thứ năm, bài tọa thiền, các học viên phải ngồi trong tư thế hoa sen (hai chân vắt chéo) lâu đến khi nào họ còn chịu đựng được, trong khi tất cả các môn khí công thông thường khác chỉ luyện tọa thiền sau khi đã đạt đến một trình độ cao nào đó. Bởi vì ngồi thế hoa sen rất khó, hầu hết mọi người chỉ tập ở nhà và không bao giờ để người khác thấy. Việc quảng bá công khai kiểu thiền định với thế hoa sen này trên quy mô lớn cùng với những điều “bí mật trong những bí mật”, như các thủ ấn, hiếm khi được thấy, và hầu như chưa từng được nghe nói đến. Từ vẻ ngoài mà xét, pháp môn này có khởi điểm tại một tầng cao, cao hơn so với các trường phái khí công nâng cao sức khỏe truyền thống khác. Đó là kết luận mà tôi đã rút ra vào thời gian đó từ quan điểm của một người ngoại đạo. Về sau, Sư phụ Lý đã giảng rõ trong khóa học rằng: “Bài công pháp này là điều [thuộc về] tu luyện tại cao tầng, là điều trước đây tôi từng tu một mình; nay đưa nguyên nó cho chư vị không qua cải biến gì.”

Sau buổi luyện công, tôi trò chuyện với các học viên. Họ nói với tôi rằng môn này được gọi là Pháp Luân Công và Sư phụ là Đại sư Lý Hồng Chí. Sư phụ sẽ cấp một Pháp Luân trong bụng của mỗi học viên. Bất cứ ai may mắn nhận được Pháp Luân là đã thực sự thành công một nửa trong tu luyện rồi. Họ cũng nói rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện, và Sư phụ Lý không chỉ dạy luyện công, mà còn giảng Pháp (quy luật và nguyên lý) để chỉ đạo tu luyện tâm tính ở cao tầng. Vì pháp môn này là siêu thường và kỳ diệu, nên tôi nhất định phải trân quý cơ hội ngàn năm có một này. Tôi thầm nghĩ: đây chắc phải là môn tu luyện cao cấp, là Đại Pháp (Đại Đạo) mà tôi hằng tìm kiếm bao năm qua. Rồi tôi nhanh chóng chuyển đến một khách sạn gần đó và bắt đầu luyện công ở công viên mỗi sáng. Khi nghe rằng Sư phụ Lý chuẩn bị giảng một khóa nữa ở Bắc Kinh, tôi hỏi người liên lạc tại điểm luyện công và ghi tên đăng ký. Tôi trao đổi với cô ấy về câu tục ngữ cổ: “Chiêu văn đạo, tịch khả tử“ (Buổi sáng được nghe đạo, chiều chết cũng yên lòng). Hồi đó, tôi bị ảnh hưởng nặng bởi tư duy Phật giáo và tin rằng cuộc sống của người thường là không thể đoán trước, không thể kiểm soát được. Nên tôi đã giải nghĩa câu tục ngữ kia rằng, khi đã đắc chính Pháp, chính Đạo là người ta đã sống một cuộc sống ý nghĩa rồi, kể cả sau đó có phải chết đi nữa. Tất nhiên, đó là nhận thức nông cạn của tôi lúc bấy giờ, khi hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu tục ngữ ấy.

Ngày 27 tháng 8 năm 1993 là một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Hôm đó, tôi đã trở thành một học viên Pháp Luân Công trong đợt giảng Pháp lần thứ 13 của Sư phụ ở Bắc Kinh.

Vào thời gian đó, tối nào tôi cũng đến tham dự khóa giảng Pháp của Sư phụ tại Nhà máy Đầu máy Xe lửa Bắc Kinh Số 27 ở ngoại ô thành phố. Khi trở về nhà sau bài giảng thứ ba, tôi luyện bài công pháp thứ năm – bài tọa thiền – trong 30 phút và cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, dễ chịu mà không hề bị tê hay đau khi ngồi ở thế hoa sen. Đó là lần đầu tiên tôi được tự mình trải nghiệm huyền năng vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp. Đúng như Sư phụ giảng: “Đối với một người tu các pháp môn khác, để đạt đến trạng thái nãi bạch thể thì phải mất hơn mười năm, hàng chục năm, thậm chí lâu hơn nữa. Chúng tôi đưa ngay chư vị lên trạng thái đó.” “Chúng tôi đẩy chư vị vượt qua và giúp chư vị đạt đến trạng thái vô bệnh.” Trước khi tôi tham dự khóa giảng ấy, khi ngồi thiền trong tư thế hoa sen được 30 phút là tôi đã thấy chân sưng đau. Mặc dù đã luyện khí công trong nhiều năm, nhưng tôi không hiểu nguyên lý đằng sau việc trị bệnh bằng khí công nên đã chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân khi tôi còn ở nước ngoài. Đúng như Sư phụ giảng: “Đối với người thường, sinh, lão, bệnh, tử đều có quan hệ nhân duyên và không được phép tùy ý thay đổi”. Trị bệnh bằng khí công chính là đổi đức (một loại chất màu trắng) của bản thân lấy nghiệp của họ, vì thế mà tạo thành chướng ngại cho tu luyện của tôi. Chẳng phải cơn đau mà tôi trải qua khi ngồi ở tư thế hoa sen chính là tiêu nghiệp sao?

Sư phụ giảng: “Trong hoàn cảnh tại thời điểm đó, một số khí công sư cũng trị bệnh để phù hợp với thiên tượng lúc bấy giờ.” Sư phụ cũng giảng rằng: “Khí công có thể trị bệnh, nhưng không được để nó can nhiễu đến trạng thái của xã hội người thường. Nếu chữa bệnh bằng khí công trên diện rộng thì sẽ can nhiễu đến trạng thái của xã hội nhân loại. Điều đó không được phép xảy ra.” Do đó, việc từ bỏ chấp trước vào trị bệnh bằng khí công là quan đầu tiên mà tôi phải vượt qua khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Nhìn lại năm 1984, tôi đã nhiều lần được cộng đồng y khoa nước ngoài mời sang dạy khí công trị bệnh và trị bệnh bằng khí công ở Châu Âu và châu Mỹ. Năm 1989, khi sang Nhật theo lời mời giảng dạy, thậm chí tôi còn biểu diễn cách trị bênh bằng “Phương pháp Điều trị bằng Khí công Ngoại” trên chương trình truyền hình trực tiếp mang tên “Khả năng Siêu nhiên” của Đài truyền hình Asahi. Tôi còn được mời chữa bệnh bằng khí công cho nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản (bấy giờ là ứng cử viên cho chức Thủ tướng) và một số nhân vật trong giới thượng lưu. Hồi đó, nhiều phương tiện truyền thông ở Châu Âu và Nhật Bản đã đưa tin về những sự kiện này. Thậm chí, tôi còn đăng ký đề án “Viện Nghiên cứu Trị bệnh bằng Khí công Trung Quốc cho các ca khó và bệnh hiểm nghèo” với Cục Thương mại Tokyo và lên một kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng hoạt động sang Châu Âu và Mỹ. Thế nhưng, để tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã từ bỏ kế hoạch ban đầu, nghĩa là từ bỏ chấp trước vào tiền tài và danh vọng. Khi ấy, nhà xuất bản nổi tiếng của Nhật Bản là “Ko Dan Sha” cũng tìm kiếm các bài viết của tôi và bày tỏ mong muốn xuất bản các cuốn sách của tôi về Khí công Trị bệnh, bởi vì tôi là bác sỹ khí công duy nhất người Trung Quốc có bằng cấp và chứng nhận hành nghề cả Trung y lẫn Tây y. Đây lại là một cơ hội tốt nữa để tôi vừa kiếm được tiền lại vừa nổi danh. Nhưng sau khi cân nhắc thiệt hơn, tôi đã chọn tu luyện Pháp Luân Công và từ bỏ chấp trước vào việc xuất bản sách khí công. Sư phụ giảng: “Điều mà người thường muốn, có thể là danh vọng, tiền tài để có cuộc sống vật chất khá hơn, thoải mái hơn hay có nhiều tiền bạc hơn. Đó là mục đích của người thường. Người tu luyện chúng ta không thế. Điều chúng ta muốn là công (năng lượng sinh ra nhờ tu luyện).” “Công có thể mang theo, bởi nó tăng trưởng trên chủ nguyên thần của chư vị.” “Không dễ gì đạt được công. Nó vô cùng trân quý, khó đạt và vô giá.”

Sư phụ giảng: “Đặc điểm khác biệt nhất của tu luyện Pháp Luân Công là luyện Pháp Luân”, “Pháp Luân là một sinh mệnh sống có linh tính” và nó tự động xoay chuyển 24 giờ mỗi ngày. Những từ này nghe có vẻ khó tin, thậm chí không thể tìm thấy trong các tích cổ. Thế nhưng, khi quay lại Nhật sau khóa giảng Pháp của Sư phụ, dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy được từ những năm trước về khoa học nhân thể và khí công, tôi đã tiến hành thử nghiệm trên thân người để kiểm tra sự tồn tại của Pháp Luân. Một lần, tôi mời một người Nhật tới (thiên mục của cô ấy khai mở và có thể nhìn thấy đan điền – khối năng lượng nằm ở vị trí bụng dưới – của mình), cô ấy từng học khí công từ tôi. Tôi bảo cô ấy ngồi trong tư thế hoa sen, mắt nhắm lại và đặt hai bàn tay ngửa trên hai chân, rồi tôi đặt một huy hiệu Pháp Luân úp xuống trong lòng bàn tay cô mà không nói hay gợi ý là cái gì. Sau khi cô ấy nhập định được vài phút, tôi hỏi cô qua phiên dịch viên xem cô cảm thấy thế nào. Cô trả lời rằng lòng bàn tay của cô ấm lên và một số vật chất hình tròn tỏa sáng lăn dọc theo cánh tay vào thân thể cô rồi dừng lại ở vị trí đan điền, khối năng lượng cũng nằm tại đó. Đan kết bên trong có màu trắng và bất động, trong khi thứ vật chất tỏa sáng thì xoay tròn. Thứ vật chất này lúc thì nhập vào đan điền, lúc thì tách khỏi đan điền. Bụng dưới của cô ấy rất ấm và dễ chịu. Vì khi ấy thiên mục của cô ở tầng không cao, cô không thể nhìn thấy biểu tượng chữ Vạn (biểu tượng của Phật gia có lịch sử ít nhất 2500 năm ở xã hội nhân loại) hay Thái Cực đồ hình. Đó là thí nghiệm mà tôi đã thực hiện vào giai đoạn đầu mới đắc Pháp để kiểm định sự tồn tại của Pháp Luân. Tất nhiên, giờ đây, nghĩ lại lần thí nghiệm đó, tôi chỉ xem như một chấp trước mà thôi. Song, kết quả của thí nghiệm đã khiến tôi tin rằng Pháp Luân là có thật và là một thực thể vật chất, chứ không phải là tưởng tượng; chỉ là nó tồn tại trong một không gian khác.

Trước đây, tôi từng tham gia nghiên cứu khả năng siêu nhiên của thân thể người do cộng đồng khoa học và công nghệ Trung Quốc thực hiện. Đợt đó, tờ Nhân dân Nhật báo (tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã đăng một bài bình luận phủ định sự tồn tại của các khả năng siêu thường của con người. Đồng thời, một số người trong giới khoa học và văn học cũng đăng bài trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương để công kích khí công, chụp mũ cho các khả năng siêu thường của nhân thể là phản khoa học, ngu muội và mê tín. Trong hoàn cảnh ấy, tình hình chung đã trở nên xấu đi. Vì thế, nhiều người vốn là đến để thăm dò khả năng siêu thường theo trào lưu bị dọa cho sợ mà rút lui, chỉ còn lại một vài nhà khoa học sáng suốt và nghiêm túc tiếp tục nghiên cứu của mình. Hồi đó, dưới sự bảo trợ của nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Sâm, chúng tôi đã tập hợp những người có khả năng siêu thường trên toàn quốc lại. Với nỗ lực hợp tác của các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Vật lý, Viện Vật lý cao Năng lượng và Viện Vật lý Sinh học của Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Viện số 1129 của Bộ Công an, chúng tôi đã sử dụng các dụng cụ công nghệ cao như máy ghi hình vi quang, máy đo phản ứng và điện não đồ để kiểm chứng sự tồn tại của các khả năng siêu thường của thân thể người, bao gồm cả công năng thấu thị (nhìn xuyên qua vật thể bằng thiên mục), dao thị (nhìn xa), ban vận (vận chuyển các vật xuyên không gian). Do vậy, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng, bên cạnh không gian vật chất hiện nay chúng ta đang sinh sống, còn tồn tại các không gian khác. Các thí nghiệm về nhân thể của giới khoa học tiên tiến Trung Quốc vào thời đó cũng xác nhận sự tồn tại của các không gian khác mà các nhà nghiên cứu gọi là “trạng thái ẩn” hay “trạng thái trường”. Sau đó, với sự hỗ trợ của máy ghi hình cao tốc, các nhà nghiên cứu của Ủy ban Khoa học Công nghiệp Quốc phòng còn thành công trong việc ghi lại quá trình các viên thuốc đi xuyên qua chai thủy tinh dưới tác động năng lượng của các khả năng siêu nhiên. Vì sự thành công của chuỗi nghiên cứu khoa học nhân thể này mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước bấy giờ đã ra chính sách “Ba Không” về khoa học nhân thể và khí công (đó là Không quảng bá, Không phê phán, và Không thảo luận). Tuy nhiên, kể từ năm 1996, một số tờ báo ở Trung Quốc bao gồm cả tờ Quang minh Nhật báo đã vi phạm chính sách “Ba không” của chính quyền Trung ương khi công khai công kích Pháp Luân Công. Tình hình sau đó đã leo thang thành vụ sở công an bắt giữ các đệ tử Pháp Luân Công ở Thiên Tân và sự kiện thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 năm 1999 tại Trung Nam Hải.

Trong chiến dịch chống Pháp Luân Công do chính quyền Trung Quốc phát động gần đây, một số nhân vật được gọi là chuyên gia hay học giả đã dựa trên kiến thức và những giả định hữu hạn của khoa học con người ngày nay để vội vã phủ định những hiện tượng mà họ chưa nhận thức được. Bản thân thái độ vội vàng kết luận của họ một cách chủ quan đã là không khoa học và không được ủng hộ. Ngay cả từ quan điểm của khoa học thực nghiệm, chúng ta cũng không nên tùy tiện phủ nhận những điều mà chúng ta tạm thời chưa thể hiểu được.

Vào cuối tháng 12 năm 1997, khi tôi tham dự Hội thảo Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Quốc tế ở Trường Xuân, Trung Quốc, tôi đã xem một băng video không thể nào quên trong đời. Cuốn băng được ghi lại khi các học viên ở Trường Xuân tổ chức Pháp hội đầu tiên tại hội trường của Đại học Cát Lâm. Vào lúc hội thảo chính thức bắt đầu, một số còi báo động đột nhiên vang lên, và có thể nhìn thấy rất rõ trên màn hình một Pháp Luân lớn rực rỡ với các phù hiệu chữ Vạn xếp nối tiếp nhau thành một hàng dài vô tận từ cửa khán phòng lên tận trên trời. Cảnh tượng đó thù thắng và kỳ diệu hơn bất kỳ điều gì đã được kể trong các tích cổ. Nhưng đó là sự thật và là minh chứng rõ ràng (máy ảnh thường có thể chụp được hình ảnh Pháp Luân mặc dù mắt chúng ta không thể bắt được). Nếu không phải là tôi được tận mắt chứng kiến thì tôi cũng khó mà tin được cảnh tượng phi thường ấy. Song, đó lại là sự thật. Mọi người nói rằng, sau đó, Sư phụ đã giải thích hiện tượng này là các Pháp Luân lớn trong Thế giới Pháp Luân đã hạ thế để tham dự Pháp hội. Về sau, tại Pháp hội tại Thụy Sỹ, Sư phụ có giảng:

“Nhưng bất kể chư vị có muốn nhìn thấy hay không, chúng sẽ [vẫn] thỉnh thoảng hé lộ chân dung. Đột nhiên có người nhìn thấy. Một cách tình cờ vật chất trong trạng thái vận động sẽ đột nhiên hiển lộ xuất lai.”

Nhân đây, tôi xin đề nghị chủ tịch Giang Trạch Dân hãy mượn cuốn băng này và đích thân xem, rồi yêu cầu các chuyên gia thẩm định tính chân thực của nó.

5 rưỡi sáng ngày đầu năm mới, nhiệt độ ở Trường Xuân là âm 23 độ. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp người nước ngoài luyện công cùng các học viên địa phương tại Trường Xuân trong một công viên. Lúc đó, tôi chỉ đeo một đôi găng tay mỏng. Trong tư thế đầu đỉnh bão luân (ôm Pháp Luân trên đỉnh đầu) theo băng nhạc, chúng tôi chỉ cần luyện trong bảy phút. Nhưng bảy phút khi ấy thậm chí còn khó chịu hơn cả 70 phút luyện công thông thường. Những ngón tay của tôi gần như bị đóng thành băng, tay đau khủng khiếp, da thịt như thể bị châm kim bằng những cái kim lạnh buốt. Chẳng khác nào bị tra tấn dưới địa ngục. Sau bảy phút khó chịu đựng ấy, tôi đã định đổi sang tư thế phúc tiền bão luân theo nhạc và tận dụng cơ hội đó để hít thở. Nhưng rồi tôi lại nảy ra ý tưởng là sao mình không đặt tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân và tiếp tục luyện ở tư thế đó thêm bảy phút nữa? Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, và việc tu luyện là khó khăn và đau đớn, nhưng đó chẳng phải là do nghiệp lực của bản thân từ những kiếp trước tích tụ lại sao? Sư phụ giảng: “Khi rất khó nhẫn, chư vị hãy cứ nhẫn xem sao. Thấy thật khó làm, chư vị thử xem có làm được chăng.” Tại sao lại chỉ làm được vậy? Chẳng phải tốt xấu xuất tự một niệm sao. Pháp Luân là sinh mệnh có linh tính mà. Ngay sau đó, tôi cảm nhận được những Pháp Luân nhỏ xoay chuyển quanh mười ngón tay đang đau vì lạnh cóng. Qua bảy phút thứ hai, các ngón tay tôi không còn đau nữa và thực sự bắt đầu ấm lên. Trải nghiệm của tôi về “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” thật đáng nhớ. Sâu thẳm trong tâm, tôi đã được trải nghiệm cụ thể về sự uy nghiêm và thực tại của Đại Pháp. Tôi còn nhận thức được rằng Sư phụ nghiêm khắc và đại từ đại bi đối với từng đệ tử của Ngài. Pháp Luân Đại Pháp không phải là giáo điều sáo rỗng, mà tất cả đều là chân lý. Chỉ những học viên chân tu mới có thể trải nghiệm điều đó ở các cấp độ khác nhau của pháp môn chân chính này.

Pháp Luân Công là pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân, gồm cả Phật thể (Phật gia gọi là Thân Kim cương bất hoại, Đạo gia gọi là Nguyên anh). Trong phần “Huyền quan Thiết vị” của Chuyển Pháp Luân, bằng ngôn ngữ đơn giản, Sư phụ đã giải thích từng bước diễn hóa trong quá trình tu luyện Phật thể, và Ngài còn tiết lộ “Huyền quan”, vốn là bí mật trong những bí mật, hết sức rõ ràng, minh hiển. Tôi chuyên nghiên cứu về “Đan Kinh” và “Đạo Tạng” (hai cuốn sách cổ đại Trung Quốc về tu luyện) trong thư viện của Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Y Quốc gia. Tiêu đề luận văn tốt nghiệp của tôi là “Phân tích về Đan trong Khí công Đạo gia Trung Quốc qua các tác phẩm cổ đại”. Riêng “Đạo Tạng”, thư viện đó có tới 5.285 đầu sách. Thế nhưng, cho dù bạn có xem qua tất cả những cuốn cổ thư đó, thì các bạn vẫn bị không thể hiểu được chính xác “Huyền quan Nhất khiếu” là gì. Vậy mà, Sư phụ của chúng ta đã tiết lộ hết thảy điều huyền bí từ cổ đại này, vốn được coi là bí mật của những bí mật.

Trải nghiệm tu luyện nêu trên là lý do tại sao tôi đã chọn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trải nghiệm đó còn rất nông cạn và mới chỉ là nhận thức của người nhập môn. Thực ra, Pháp Luân Đại Pháp là Pháp của vũ trụ và có nội hàm cao thâm hơn rất nhiều. Trong bài viết này, tôi đã chia sẻ những điều liên quan đến khoa học thực nghiệm và lý thuyết tu luyện gần với các học thuyết trong xã hội. Chỉ hy vọng rằng xã hội nhân loại hiểu được chúng tôi, hoặc ít nhất là tránh được một số quan niệm sai lầm. Chúng tôi cũng mong chính quyền Trung Quốc và các nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ làm sáng tỏ những hiểu lầm của họ về Pháp Luân Đại Pháp và những học viên Pháp Luân Đại Pháp thiện lương.

Cá nhân tôi muốn lặng lẽ độc tu và tận hưởng sự yên bình. Tuy nhiên, khi Pháp của vũ trụ đang bị ngược đãi như vậy trong xã hội con người, là một học viên và đệ tử lâu năm, tôi có nghĩa vụ phải bước ra để làm rõ một số sự việc và phơi bày sự thật.

Gần đây, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài xã luận buộc tội Pháp Luân Công là “Tích trữ Của cải”. Điều đó hoàn toàn không có cơ sở. Với khóa giảng Pháp 10 ngày của Sư phụ tại Bắc Kinh mà tôi tham gia, tôi chỉ phải trả có 40 Nhân dân tệ, tương đương với 500 Yên nhật hay 5 Đô la Mỹ, là giá thấp nhất mà tôi từng biết cho một khóa học khí công ở Trung Quốc. Đến giờ, tôi vẫn còn chứng chỉ hoàn thành khóa học được cấp vào hồi đó do Hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc ký. Rõ ràng là Hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc đã tổ chức khóa học ấy. Tôi đã đến nhiều điểm luyện công tại các công viên ở Bắc Kinh, tất cả các khóa học Pháp Luân Công ở đó đều miễn phí và do những người tình nguyện tổ chức. Hơn nữa, Trung tâm Phụ đạo Bắc Kinh thậm chí còn không có văn phòng. Cá nhân tôi đã đề nghị đóng góp cho Pháp Luân Công nhưng Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công đã lịch sự từ chối đề nghị của tôi sau khi hỏi ý kiến Sư phụ. Nhân viên của Hội Nghiên cứu cho biết Sư phụ đã nói là không nhận đóng góp của bất cứ cá nhân nào, bởi vì sau khi các đệ tử có khả năng tài chính đóng góp thì những đệ tử ít có điều kiện hơn có thể cũng muốn đóng góp. Tuy nhiên, việc đó sẽ khiến những người không có khả năng tài chính cảm thấy không thoải mái. Đó là lý do tại sao đóng góp của cá nhân nào cũng đều không được chấp nhận. Câu trả lời đó đã khiến tôi cảm động sâu sắc. Đây thực sự là lòng từ bi quảng đại vô ngã vị tha! Tôi cũng biết rằng người liên lạc của Trung tâm Phụ đạo Đại Liên đã mua một biệt thự bằng tiền của mình và muốn biếu Sư phụ nhưng Ngài không nhận, còn phê bình cô ấy đã làm vậy. Tôi cũng đã đề nghị được hiến tặng sáu mảnh đất mà tôi mua ở Bắc Kinh cho Pháp Luân Công nhưng Sư phụ cũng lại một lần nữa từ chối đề nghị của tôi. Tất cả sự việc kể trên đều là những điều mà cá nhân tôi đã mắt thấy tai nghe.

Người bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo thậm chí còn cáo buộc Pháp Luân Công là “hội bí mật”. Điều đó thật lố bịch, bởi vì từ năm 1993 đến tháng 3 năm 1996, Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công vẫn là một Hội thành viên trực thuộc Hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc, một tổ chức chính quy của chính phủ Trung Quốc. Tôi đang có trong tay bản báo cáo tóm tắt của các nhóm liên lạc ở nước ngoài của Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công, đề ngày 5 tháng 4 năm 1995. Báo cáo viết có tổng cộng 100 bản. Các bên nhận báo bao gồm chín cán bộ của Phòng Hành chính Khoa học Nhân thể thuộc Chính phủ Trung ương, Hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc, các Hội Học thuật Khí công cấp tỉnh và các Trung tâm Phụ đạo Pháp Luân Công cấp tỉnh hoặc thành phố. Hơn nữa, Nhóm Truyền thông Hải ngoại của Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công nằm ngay trong khuôn viên của Viện Nghiên cứu Số 1 thuộc Bộ Công an. Vậy bí mật ở chỗ nào đây?

Kể từ năm 1995, Bộ Công an đã thực hiên hai cuộc điều tra Pháp Luân Công trên toàn quốc, và kết luận rằng Pháp Luân Công không liên quan đến chính trị và nên được quản lý theo các Quy định An ninh Công cộng Thông thường. Trên thực tế, Pháp Luân Công dạy người ta làm người tốt và hướng dẫn cho các đệ tử chân tu tu luyện, chỉ có lợi mà không có hại gì cho xã hội. Tóm lại, những lời buộc tội của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công là không có cơ sở. Chúng tôi tin rằng lịch sử sẽ phán xét công bằng.

Cuối cùng, tôi xin chúc tất cả các đồng tu có thể dĩ Pháp vi Sư, luôn kiên định và tinh tấn trong tu luyện, đạt được những bước tiến lớn và hoàn thành thệ ước của mình trong tương lai không xa!

Cảm ơn tất cả các đồng tu!

Thiệu Hiểu Đông, Học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Nhật Bản

Ngày 21 tháng 11 năm 1999

[Chú thích của Ban biên tập: Bài chia sẻ này được trình bày tại Pháp hội Châu Á vào ngày 21 tháng 11 năm 1999, tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.]


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2000/1/12/10659.html

Đăng ngày 30-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share