Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27 – 08 – 2013] Vào ngày 31 tháng 07 năm 2013, khi tôi nhìn thấy “Lời kêu gọi viết bài cho Pháp hội Trung Quốc lần thứ 10 trên Minh Huệ Net”, tôi chỉ lướt qua tiêu đề mà không đọc nội dung, bởi vì tôi cảm thấy nó không liên quan gì đến mình. Tôi đã không tu luyện tốt và không biết viết gì. Hai ngày sau, một số bài viết khuyến khích mọi người đóng góp bài chia sẻ của các đồng tu được đăng trên Minh Huệ Net. Tôi cẩn thận đọc tất cả. Chúng làm tôi cảm động, và tôi nghĩ về việc gửi một bài viết. Sau khi cẩn thận đọc các yêu cầu gửi bài viết, tôi bật máy tính và chăm chú nhìn vào màn hình một hồi lâu. Tôi không thể viết một từ nào, bởi tâm trí của tôi đã trở nên trống rỗng.

Tôi tắt máy tính và cầu xin sự giúp đỡ: “Sư phụ, xin hãy ban cho con trí huệ!” Tôi bắt đầu nhớ lại từng chút từng chút về quá trình tu luyện của mình và nghĩ về những sự kiện mà tôi có thể viết. Khi cảm thấy rằng ý tưởng của mình khá tốt, tôi lại bật máy tính lên. Sau một hồi lâu chăm chú nhìn vào màn hình, tôi vẫn không thể viết được bất kỳ từ nào bởi vì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu.

Tôi lại cầu xin: “Sư phụ, xin hãy cho con một cây bút thần!” Tôi nhớ lại rằng bài viết của các đồng tu không có nhiều từ ngữ hoa mỹ và những câu văn thường rành mạch rõ ràng. Bài viết giống như đang trò chuyện trực diện, và được viết bằng tâm thuần tịnh. Ngay sau đó, nhiều từ ngữ đã xuất hiện trong đầu tôi và tôi có thể một mạch hoàn thành bài viết.

Các đồng tu nói rằng quá trình viết bài cũng là một quá trình tu luyện tâm tính. Tôi không có kinh nghiệm sâu sắc về điều này cho đến khi tôi bắt đầu viết. Tôi đã vứt bỏ được nhiều chấp trước trong quá trình viết bài.

Khi tôi muốn trích dẫn những Pháp lý của Sư phụ, tôi chỉ có thể nhớ được ý nghĩa mà tôi hiểu chứ không nhớ lời nguyên gốc của Sư phụ. Tôi không biết lời đó là từ bài giảng nào. Tôi không thể nhớ ra. Tôi nhận ra rằng mình đã không học Pháp tốt.

Khi tôi bắt đầu tìm kiếm những lời đó trong các bài giảng của Sư phụ mà không thể tìm thấy chúng, tôi đã muốn từ bỏ. Có quá nhiều bài giảng, nó giống như tìm kim đáy bể vậy. Tôi ngay lập tức nhận ra chấp trước lo lắng và thiếu kiên nhẫn của mình, vì vậy tôi đã phát chính niệm để loại bỏ chúng. Tôi xin Sư phụ giúp tôi tìm những trích dẫn đó. Không lâu sau khi tôi bình tĩnh lại, tôi đã tìm thấy những lời nguyên gốc của Sư phụ.

Tôi đã hoàn thành bản thảo và nhờ mẹ tôi, một đồng tu, xem giúp. Bà đề nghị một số thay đổi, khiến tôi khó chịu. Tôi cảm thấy bài viết của mình đã được viết khá tốt.

Tôi nhanh chóng nhận ra thói quen của mình từ thuở nhỏ là không muốn chỉnh sửa bài viết. Tôi thường viết bài văn ở trường học trong một lượt mà không cần chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, các bài văn của tôi thường được đánh giá là hay nhất lớp, vì vậy tôi đã phát triển thói quen không chỉnh sửa sau bài viết đầu tiên.

Việc mẹ tôi đề nghị tôi sửa đổi bản thảo đã động chạm đến những quan niệm người thường của tôi.

Lúc đó, Pháp của Sư phụ ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí tôi:

“Nếu khai mở lĩnh vực này, thì cần phải cải biến từ tận gốc quan niệm của người thường;” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng tôi đã sử dụng suy nghĩ của người thường, vì vậy tôi quyết định chân thành chấp nhận lời khuyên của mẹ. Tôi tự đặt bản thân mình ở vị trí của người đọc. Tôi đọc lại bài viết để xem nó có rõ ràng hay không. Tôi bắt đầu chỉnh sửa nó nhiều lần cho đến khi tôi hoàn toàn hài lòng, và sau đó gửi đến Minh Huệ.

Tôi cảm thấy rằng hoàn thành bài viết này là một bước đột phá lớn. Ban đầu, tôi đã không để tâm lắm. Sau đó tôi được truyền cảm hứng từ bài viết của các đồng tu. Tôi đã tóm tắt lại hành trình tu luyện của mình, từ đó đột phá quan niệm về việc không có gì để viết. Tôi đã cầu xin sự giúp đỡ từ Sư phụ để hoàn chỉnh bản thảo. Tôi ngộ ra các Pháp lý, và sau đó nhanh chóng tìm thấy những trích dẫn mà tôi cần trong các bài giảng của Sư phụ. Tôi đã đề cao tâm tính của mình và bỏ đi thói quen cố hữu là không muốn chỉnh sửa bài viết.

Tôi viết xuống đây kinh nghiệm viết bài này để truyền cảm hứng cho nhiều học viên hơn nữa. Có thể có nhiều học viên mang theo suy nghĩ rằng không có gì để viết hoặc không biết làm thế nào để viết bài. Miễn là chúng ta có nguyện vọng muốn viết trong tâm, và miễn là chúng ta vững tin vào Sư phụ và Đại Pháp, chúng ta sẽ có thể viết bài, bởi vì trí huệ trong Pháp là vô hạn.

Chúng ta không thể không có gì để viết sau nhiều năm tu luyện như vậy.

Với chính niệm của niềm tin vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp, chúng ta đã trải qua vô số khảo nghiệm và thử thách dưới sự bảo hộ của Sư phụ. Mỗi bước đi trên con đường chứng thực Pháp của chúng ta đều rất đặc biệt. Không thể xem những kinh nghiệm của bạn là quá tầm thường, bởi chúng chính là những bước nền tảng trên con đường dẫn đến Phật quả. Đừng bỏ lỡ cơ hội này với lý do không biết làm thế nào để viết bài.

Sư phụ giảng:

“Nan nhẫn năng nhẫn nan hành năng hành” (Chuyển Pháp Luân)

Các đồng tu đã làm nhiều việc tốt, và những việc đó khó khăn hơn nhiều so với việc viết bài. Chúng ta chỉ đơn giản biến những kinh nghiệm này thành lời, và để chúng trở thành những bài viết. Viết về chúng là dễ dàng hơn nhiều so với việc thực hiện chúng.

Trên đây là thể ngộ hiện tại của tôi. Nếu có bất kỳ sai sót nào, xin từ bi chỉ giúp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/8/27/在写稿中突破各种观念-修去执着-278704.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/10/7/142570.html

Đăng ngày 28-10-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share