Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-12-2022] Trong hai ngày 17 đến 18 tháng 8 năm 2002, một nhóm học viên Pháp Luân Công ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã thành công chèn sóng truyền hình và phát những video phơi bày cuộc bức hại tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) và giảng chân tướng về tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ đối với pháp môn này. Những đoạn video được phát trên bốn kênh truyền hình địa phương với thời lượng nửa giờ đồng hồ, phủ sóng trên một số khu vực của tỉnh Cam Túc cũng như thành phố Tây Ninh của tỉnh Thanh Hải.

Ngay sau đó, 15 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và kết án nặng (thời hạn dài nhất lên đến 20 năm). Ông Tôn Triệu Hải (khi đó 34 tuổi) đã bị kết án 19 năm tù. Ông bị tra tấn tàn bạo trong thời gian bị giam cầm và đã có lần gần như đã mất đi sinh mạng.

2022-12-13-sunzhaohai_01.jpg

Ông Tôn Triệu Hải

Ông Tôn sinh tại thành phố Giai Mộc Tư, tinh Hắc Long Giang. Ông lớn lên trong nỗi kinh hoàng của sự bạo hành gia đình từ người cha. Năm 20 tuổi, ông đã mắc bệnh lao với cả hai lá phổi đều bị rỗ. Ông ho ra máu và rất gầy gò ốm yếu. Cuộc sống với ông mà nói đúng là khổ không thể tả.

Năm 1997, ông Tôn và vợ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và mọi bệnh của ông đều khỏi ngay sau khi học luyện. Khi gia đình ông vừa mới được tận hưởng niềm hạnh phúc thì ĐCSTQ đột nhiên phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Giống như hàng nghìn học viên Pháp Luân Công khác, ông Tôn không hề sợ hãi và lên tiếng chứng thực cho vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và nói về cuộc bức hại tàn bạo này.

Trong thời gian thụ án 19 năm tại Nhà tù Lan Châu, ông bị tra tấn và ngược đãi bằng nhiều hình thức, ví như bị nhốt trong phòng biệt giam nhỏ tối thui, cùm chân bằng xích nặng, cấm ngủ trong thời gian dài, bị “đóng băng” trong thời tiết lạnh giá, bỏ đói, tra tấn trên “ghế cọp”, trói trên giường chết và bức thực. Ông bị gãy hai chiếc xương sườn và bị chấn động não do bị đánh đập.

Sống sót sau sự tra tấn và cầm tù như ở trong địa ngục, ông Tôn đã được trả tự do vào ngày 21 tháng 8 năm 2021. Dưới đây là lời kể của ông Tôn về câu chuyện của mình và đức tin vào Pháp Luân Công đã giúp ông vượt qua quãng thời gian tối tăm nhất của cuộc đời ở trong nhà tù như thế nào.

Nhân sinh cực khổ, may mắn gặp Pháp Luân Đại Pháp

Tôi tên là Tôn Triệu Hải. Tôi sinh năm 1968. Cả cha và mẹ tôi làm việc toàn thời gian. Tôi là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Kể từ khi còn nhỏ tôi đã luôn được xem là trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Kể từ nhỏ tôi đã luôn thích đọc sách và khi tôi lên 3 tuổi tôi đã bắt đầu đọc tiểu thuyết. Mặc dù lúc đó tôi chưa biết hết mặt chữ, chưa hiểu hết hoặc lý giải được nội dung, nhưng tôi vẫn cứ đọc. Tôi sẽ đọc bất cứ cuốn sách nào mà tôi chạm tay vào được và tôi đã dành toàn bộ tiền lẻ mà mình có để mua hoặc thuê sách đọc. Tôi giống như một con mọt sách và có thể đọc quên ăn quên ngủ.

Tôi say mê những nhân vật chính nghĩa trong các tiểu thuyết cổ xưa như Tam Hiệp Ngũ Nghĩa, Nhạc Phi Truyện, Phong Thần Diễn Nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc. Thông qua đọc sách, tôi liễu giải được phần nào văn hóa Trung Hoa truyền thống và giá trị của “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín”, cùng năm đức hạnh “Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng (ôn hòa, lương thiện, nghiêm túc, tiết kiệm, khiêm tốn). Tất cả những giá trị văn hóa truyền thống này đã dần dần hun đúc tính cách trượng nghĩa, bênh vực người yếu thế, thành thật giữ chữ tín của tôi.

Tuy nhiên, theo những gì tôi có thể nhớ lại được thì gia đình tôi luôn sống trong cảnh bạo lực gia đình kinh hoàng. Cha tôi không chỉ nóng tính mà còn nát rượu. Ông sẽ đánh đập mẹ con chúng tôi mỗi khi tâm trạng không tốt.

Khi tôi lên 12 tuổi, tôi đã vô cùng sợ hãi vì bị cha đánh đòn bởi một lỗi vặt vãnh nên tôi vạn bất đắc dĩ phải rời xa nhà tới sống cùng với vài người họ hàng ở vùng nông thôn. Hơn hai tháng sau tôi mới về nhà. Có lẽ cha tôi lo tôi sẽ bỏ đi lần nữa nên kể từ đó ông không đánh tôi nữa.

Mẹ tôi thường bị cha tôi ngược đãi và không còn chút hy vọng nào vào cuộc sống. Bà đã cố gắng tự tử bằng thuốc sâu, nhưng rất may là đã được cứu sống. Khi tôi 18 tuổi, tôi bắt đầu bảo vệ mẹ mình. Mỗi lần cha tôi muốn đánh mẹ tôi, tôi sẽ kéo mẹ ra sau lưng tôi. Từ đó trở đi cha mẹ tôi đã sống riêng ở dưới một mái nhà. Năm 1990, cha tôi bị bệnh nặng, mẹ tôi đã chăm sóc tốt cho ông mà không hề oán thán cho đến khi ông qua đời.

Tôi có tuổi thơ bất hạnh. Khi học trung học tôi đã khá tự lập. Tôi thường tự hỏi con người từ đâu đến và tại sao chúng ta ở đây. Mặc dù tôi đọc rất nhiều sách, nhưng vẫn không tìm thấy lời giải cho những câu hỏi này.

Năm 1985, khi tôi 17 tuổi và tốt nghiệp trung học cơ sở. Tôi tìm được việc làm tại Nhà máy Đường Hữu nghị Giai Mộc Tư. Tôi vừa học vừa làm và lấy bằng trung học phổ thông vào năm 1988, ở tuổi 20. Khi cuộc sống bắt đầu có chuyển biến tốt lên một chút thì tôi bị sốt hơn 1 tháng. Tôi tới bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc bệnh lao loại 3. Tôi đã được uống thuốc chống lao và truyền tĩnh mạch trong phòng y tế của nhà máy. Tôi trở nên vô cùng gầy gò và luôn cảm thấy yếu người, thở dốc và toàn thân vô lực.

Mùa thu năm 1989, hai lá phổi của tôi đều bị rỗ và tôi bắt đầu ho ra máu. Chỉ cần di chuyển một chút cũng có thể khiến tôi khó thở và tôi phải nằm viện lao 2 tháng. Mặc dù bệnh tình đã được kiểm soát, nhưng tôi vẫn bị cảm lạnh và sốt nhẹ, đồng thời chứng viêm màng phổi vẫn tái phát hàng năm. Thời điểm đó ở Trung Quốc, bệnh lao là vô phương cứu chữa. Mặc dù tôi cao 1,72m, nhưng nặng chưa đến 50 kg.

Tôi lập gia đình vào năm 1994. Vợ chồng tôi sống rất hòa thuận và yêu thương nhau, điều kiện kinh tế cũng không tồi. Năm 1996, tôi được điều về công tác trong Đội Cảnh sát Kinh tế.

Một nữ đồng nghiệp đã giới thiệu Pháp Luân Công cho tôi vào tháng 3 năm 1997. Trước kia cô ấy đã dành nhiều thời gian để học nhiều môn khí công khác nhau, nhưng lúc này cô nói Pháp Luân Công là pháp môn tu luyện chân chính. Cô ấy bảo tôi mua sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) và tôi sẽ hiểu tất cả sau khi đọc sách. Tôi thực sự rất kinh ngạc vì cô ấy đã vứt bỏ những gì cô từng học trước đây một cách nhanh chóng và chuyển sang tu luyện Pháp Luân Công kiên định như thế.

Đầu tháng 4 năm đó, tôi cùng vợ đi tới cửa tiệm vào ngày nghỉ và mua một cuốn sách Chuyển Pháp Luân đang được bày trên kệ sách. Khi về nhà, tôi sốt sắng mở sách ra đọc và đã dành 3 tiếng đồng hồ tập trung đọc sách.

Trong khi đọc sách, tôi cảm thấy rất xúc động và nước mắt không ngừng tuôn rơi. Cuối cùng, tôi đã tìm được thứ mà tôi hằng tìm kiếm và cuốn Chuyển Pháp Luân đã trả lời mọi câu hỏi mà tôi đã trăn trở từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Tôi đã hiểu ý nghĩa của nhân sinh là để phản bổn quy chân. Đại Pháp này thật quá tuyệt vời!

Hai hoặc ba ngày sau, tôi và vợ tham gia nhóm luyện công và học Pháp chung. Vào ngày thứ tám, khi tôi vừa luyện công xong vào sáng sớm và toan ra về thì đột nhiên cảm thấy đau nhói ở ngực và lưng. Cơn đau dữ dội đến mức tôi không thể duỗi thẳng lưng, nhưng tôi không hề sợ hãi vì tôi biết rằng những thứ xấu trong thân thể tôi đang được loại bỏ. Tôi không nói cho bất kỳ ai và từ từ đi về nhà với trong tư thế khom lưng.

Ba phút sau, cơn đau đột nhiên chấm dứt. Kể từ đó bệnh lao của tôi đã biến mất hoàn toàn, Sư phụ đã tịnh hóa thân thể cho tôi.

Sau khi tu luyện 2 hoặc 3 tháng, thiên mục của tôi được khai mở. Trong khi ngồi đả tọa, tôi nhìn thấy rất nhiều Pháp Luân xoay chuyển xung quanh tôi.

Không gì có thể lay chuyển được niềm tin của tôi

Tôi có một tuổi thơ bất hạnh và một tuổi trẻ bi ai, nhưng Phật quang của Pháp Luân Công đã gột rửa hết sạch mọi khổ đau của tôi. Khi tôi đang tắm mình trong niềm hạnh phúc được tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì hoàn cảnh thay đổi.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, sau khi nghe các học viên nói rằng chính phủ muốn cấm Pháp Luân Công, hơn 10 học viên chúng tôi quyết định đi tới Bắc Kinh để nói lời công đạo cho Pháp Luân Công.

Khi đang ngồi tàu hỏa tới Bắc Kinh, một số học viên đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa xuống tàu, bảy người còn lại chúng tôi tiếp tục hành trình tới Bắc Kinh. Trước khi tàu rời tỉnh Hắc Long Giang, nhiều học viên ở các khu vực khác cũng bị cảnh sát chặn đường và đưa về quê nhà. Sau khi nghe tin cảnh sát kiểm tra các học viên Pháp Luân Công rất gắt gao ở Ga Tàu lửa Bắc kinh, chúng tôi đã xuống tàu ở thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc (thành phố gần Bắc Kinh nhất) và chia thành ba nhóm nhỏ để đi xe buýt tới Bắc Kinh.

Khoảng 3 gờ chiều ngày 22 tháng 7, chúng tôi thấy một số học viên Pháp Luân Công tập chung bên ngoài trụ sở Ủy ban thành phố Tam Hà và một chiếc loa phóng thanh bắt đầu phát thông báo của chính quyền về việc cấm Pháp Luân Công. Ông Trịnh Lập Bân (người học viên sau này đã qua đời vì cuộc bức hại) và tôi đã dừng lại và nghe một hồi, nhưng chúng tôi không nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công địa phương ở đó.

Chúng tôi nghe nói vài hôm trước có nhiều học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh đã bị bắt giữ và tôi có phần bị áp lực và lo lắng. Trước khi tới Bắc Kinh, xe buýt của chúng tôi đã phải qua hai trạm kiểm tra và đã bị cảnh sát có vũ trang kiểm tra hai lần. Lúc đó thời tiết nóng bức và ngột ngạt, tôi rất sốt ruột hy vọng tới Bắc Kinh sớm nhất có thể.

Chúng tôi tới Bắc Kinh vào khoảng 5 giờ chiều và đi tới Quảng trường Thiên An Môn. Ở đó cảnh sát mặc thường phục tuần tra dày đặc mọi nơi. Bầu không khí rất căng thẳng, nhưng tôi không chút sợ hãi.

Hơn 7 giờ tối, khi chúng tôi tới khách sạn ở gần Địa Đàn. Tôi cảm thấy hơi lo lắng và không biết nên làm gì. Tôi chỉ nghĩ là cần liên hệ với các học viên Bắc Kinh sớm nhất có thể, để trao đổi với họ xem nên làm gì cho hiệu quả.

Đầu tháng 8 năm 1999, một Pháp hội được tổ chức tại một ngôi chùa bỏ hoang trên ngọn núi gần thôn Nam Thượng Lạc ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh. Khoảng 200 học viên Pháp Luân Công đã tham dự và hầu hết đến từ miền bắc Trung Quốc. Mục đích chủ yếu của Pháp hội là trao đổi xem nên làm thế nào trước áp lực to lớn từ phía chính quyền. Nhiều học viên đã chia sẽ thể ngộ của mình và những điều họ nhìn hoặc nghe thấy trong thời gian gần đây. Chúng tôi đã đưa ra được ý kiến thống nhất là khích lệ nhiều học viên bước ra chứng thực Đại Pháp, duy hộ Đại Pháp. Trong lần Pháp hội đó, chúng tôi cũng cùng nhau luyện công tập thể.

Khi cảnh sát mặc thường phục đi tới núi để kiểm tra, chúng tôi liền tản ra và nhanh chóng rời khỏi đó. Một số học viên không may bị bắt giữ phi pháp.

Sau Pháp hội ở Bắc Kinh, chúng tôi đã trở về quê nhà, chia sẻ ý tưởng với các học viên địa phương và tiếp tục tới Bắc Kinh lần nữa. Vợ tôi đã nghỉ làm và mượn một ít tiền rồi cùng tôi đi tới Bắc Kinh.

Khoảng 7 giờ tối ngày 24 tháng 9 năm 1999, cũng là Tết Trung thu, vài cảnh sát vũ trang đã xông vào căn nhà đi thuê của tôi ở vùng ngoại ô Bắc Kinh sau khi theo dõi điện thoại của chúng tôi. Hơn 10 học viên cũng bị bắt giữ và đưa tới Đồn Công an Tam Gian Phòng để thẩm vấn. Tôi và một số học viên nam đã bị cảnh sát đánh đập.

Sau đó, tôi bị đưa tới trại tạm giam quận Triều Dương. Bởi vợ tôi và một học viên khác đang mang thai nên họ đã được đưa về quê chúng tôi ở Giai Mộc Tư.

2022-12-13-sunzhaohai_02.jpg

Minh họa tra tấn: Đánh đập tàn bạo

Học viên Doãn Hải Châu và tôi bị giam ở trong trại tạm giam Triều Dương, một nơi có điều kiện sinh hoạt rất tồi tệ. Ở đó rất chật trội và chúng tôi phải nằm nghiêng người khi ngủ, ép sát vào nhau như những con cá mòi đóng hộp.

Bốn ngày sau, người của Văn phòng Đại diện Giai Mộc Tư trú ở Bắc Kinh đã tới trại tạm giam và đưa tôi về Giai Mộc Tư. Tôi bị còng tay khoảng 27 giờ ngồi trên tàu và bị đưa thẳng tới đồn công an địa phương ngay khi về tới nơi.

Nhân đây tôi cũng muốn kể lại một chuyện thần kỳ. Khi tôi bị bắt giữ ở Bắc Kinh, tôi đã cất tất cả sách và tài liệu Pháp Luân Công của các học viên thuê trọ cùng tôi ở trong túi du lịch của mình và mang chúng từ đồn công an tới trại tạm giam, sau đó mang về quê.

Trên đường chúng tôi tới đồn công an địa phương, tôi đã tình cờ nhìn thấy em trai của mình trên đường. Tôi bảo cảnh sát đợi tôi và tôi đã đưa túi của tôi cho em trai.

Thực ra trước đó tôi vốn có cơ hội chạy thoát khi trên tàu, nhưng tôi không thể làm điều đó vì tôi không thể để bỏi lại chiếc túi đựng các sách Pháp Luân Công được. Có thể vì tâm thuần tịnh muốn bảo vệ sách đó của tôi, nên kỳ tích đã xuất hiện để tôi có cơ hội đưa sách cho em trai của mình.

Ngày 1 tháng 10 năm 1999, tôi bị đưa tới trại tạm giam thành phố Giai Mộc Tư. Có 15 hay 16 người ở trong phòng giam của chúng tôi, trong đó có 5 hoặc 6 học viên. Chúng tôi được cung cấp hai bữa ăn mỗi ngày và thức ăn là bánh ngô hấp và canh củ cải loãng, mặn chát. Tôi đã mất một thời gian mới có thể ăn những thức ăn thô như vậy.

Em gái tôi cậy nhờ các mối quan hệ đã dẫn theo một cảnh sát tới trại tạm giam. Viên cảnh sát nói với tôi rằng nếu tôi viết “cam kết bất tu luyện” Pháp Luân Công, tôi sẽ được trả tự do, nhưng tôi từ chối.

Hai năm tra tấn trong trại lao động cưỡng bức

2022-12-13-sunzhaohai_03--ss.jpg

Trại Lao động Cưỡng bức Giai Mộc Tư

Trại Lao động Cưỡng bức Giai Mộc Tư ở tỉnh Hắc Long Giang nằm ở thị xã Tây Cách Mộc, có diện tích hơn 130.000 m2. Trại lao động trực thuộc với Cục Tư pháp thành phố Giai Mộc Tư.

Để bức hại Pháp Luân Công, Thành ủy Giai Mộc Tư và chính quyền thành phố đã xây dựng hai tòa nhà mới để làm trại lao động cưỡng bức và được trang bị các phương tiện giám sát hiện đại. Tòa nhà dành cho nữ giới được đưa vào sử dụng vào mùa thu năm 2000. Tổng 3 tầng của tòa nhà có diện tích 12.000 m2.

Cuối tháng 10 năm 1999, tôi nghe nội dung phát thanh từ chiếc loa gắn ở trong phòng rằng tôi đã bị nơi làm việc (nhà máy đường) sa thải.

Ngày 3 tháng 11 năm 1999, 13 nữ học viên và 4 nam học viên bao gồm cả tôi bị đưa tới Cung Văn hóa Giai Mộc Tư, nơi chuẩn bị mở cái gọi là “đại hội công thẩm”, nó được giám sát bởi những người đứng đầu của các quan công an, viện kiểm sát, tòa án và Phòng 610. Ngay sau đó, chúng tôi bị kết án lao động cưỡng bức từ 1 đến 3 năm với tội danh “gây rối trật tự xã hội.” Tôi bị kết án 2 năm tù.

Bữa ăn đầu tiên của tôi ở Trại Lao động Cưỡng bức Giai Mộc Tư là bánh mì đen với canh loãng làm từ bí ngô đông lạnh chưa được rửa sạch. Chúng tôi không có bát ăn và phải ngồi xổm xung quanh chậu để ăn. Dưới đáy chậu là một lớp bùn.

Trại lao động có hai đại đội và mỗi đại đội có ba trung đội. Ban đầu, tôi bị đưa tới đội tập huấn cùng với ông Đỗ Văn Phúc, ông Lưu Tuấn Hoa và ông Ngô Xuân Long (ông Đỗ và ông Ngô sau này đã qua đời do bị bức hại) và sau đó là chuyển tới trung đội 3 của đại đội 2. Vào mùa hè năm 2000, sau khi việc xây dựng trại lao động cưỡng bức nữ khởi công, chúng tôi bị phân công chở vật liệu xây dựng đến đó.

Vào một ngày cuối thu, một phần ba trong số 36 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở trong trại lao động cưỡng bức đã trốn thoát. Sự việc đã khiến nhà chức trách bàng hoàng. Ông Giả Vĩnh Phát (người của Cục Lâm nghiệp Hà Bắc) đã bị bắt lại vào đêm hôm đó và bị lính canh tra tấn tàn bạo trong vài ngày và tiếp tục bị bức hại trong thời gian giam giữ. Ông đã qua đời ngay sau khi được trả tự do.

Bởi sự việc này, chúng tôi đã bị đưa trở lại trại lao động cưỡng bức nam, lính canh ở đây đã thành lập một đội nỗ để cưỡng chế thi hành “chuyển hóa” chúng tôi. Trưởng khoa giáo dục đã nỗ lực tẩy não chúng tôi với những tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, nhưng không có tác dụng.

Vào mùa đông, tôi bị nhốt một mình trong phòng tối lạnh giá và sàn nhà ở những nơi ẩm ướt đều bị đóng băng. Tôi ở một mình trong phần lớn thời gian và bị giám sát bởi hai tù nhân do cảnh sát chỉ định. Khi cần đi vệ sinh vào ban đêm, tôi phải gọi họ để bảo họ mở cửa cho tôi. Đôi lúc tôi đi tới phòng giặt là và dội nước lạnh lên người để giảm bớt phiền muộn.

Một tháng sau, một lính canh tốt bụng có vợ là học viên Pháp Luân Công đã đề nghị chuyển tôi tới một phòng khác. Anh ấy nói rằng tôi đã bị giam giữ ở đó quá lâu và như vậy là quá vô nhân đạo. Đơn giản chỉ vì anh ấy bày tỏ sự cảm thông với tôi mà mất đi cơ hội thăng tiến. Mười ngày sau, tôi được chuyển tới một căn phòng ấm hơn đáng kể và ở cùng một cựu học viên đã bị “chuyển hóa” do quá áp lực.

Hai ngày trước Năm mới Trung Quốc năm 2001, tôi bị chuyển tới một phòng rộng và ở cùng gần 20 người. Tất cả họ đều là cựu học viên đã bị “chuyển hóa”. Bởi tôi thường lý luận với họ, nên tôi đã bị chuyển sang đại đội 2, nơi có các tù nhân ở đây không phải là học viên. Vào ban ngày, họ đi làm việc còn tôi ở lại phòng. Một lần, khi tôi đang luyện công, đại đội trưởng Vương Thiết Quân đã đi tới và tát vào mặt tôi.

2022-12-13-sunzhaohai_04--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Tát vào mặt

Khi thời hạn lao động của tôi kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2001, tôi đã không được trả tự do. Tôi nói với họ rằng việc tăng thời hạn giam giữ tôi là hành vi phi pháp và họ sẽ phải gánh hậu quả.

Để phản đối, tôi đã đập đầu vào tường và đầu tôi đã chảy máu. Điều này đã khiến họ lo lắng và họ đã trả tự do cho tôi vào ngày 3 tháng 10 cùng năm.

Hai năm bị tước mất tự do mà tôi đã trải qua quả là quá dài. Cuộc sống giống như địa ngục đó đã tàn phá cả thân thể lẫn tinh thần của tôi. Người tôi lo lắng nhiều nhất là mẹ tôi, bà đã nằm liệt giường sau một cơn đột quỵ vào năm 1998. Tôi không thể tận hiếu với mẹ. Em trai tôi và vợ của cậu ấy đang chăm sóc cho mẹ tôi, nhưng cả hai đều không có việc làm. Vợ tôi chỉ kiếm được vài trăm nhân dân tệ một tháng, do đó, tình trạng tài chính của chúng tôi rất eo hẹp.

Bị bức hại đến mức phải ly hôn

Sau khi tôi được trả tự do, Phòng 610 thành phố Giai Mộc Tư đã liệt tôi vào danh sách đen. Để tránh bị sách nhiễu thêm nữa, tôi buộc phải sống xa nhà ngay sau Năm mới Trung Quốc năm 2002. Tôi thuê một phòng trọ để ở. Vào ban đêm, tiếng còi báo động của cảnh sát thường khiến tôi tỉnh giấc và tôi biết rằng các học viên Pháp Luân Công lúc nào cũng có nguy cơ bị bắt giữ.

Ngày 20 tháng 4 năm 2002, học viên ở Giai Mộc Tư đã thành công chèn sóng truyền hình để phát video về Pháp Luân Công. Mặc dù tôi không liên quan, nhưng cảnh sát Phòng 610 vẫn liệt tôi là một “mục tiêu trọng điểm”, chỉ vì kiên định đức tin của mình.

Ngày hôm đó, khi tôi đang ăn tối cùng vợ tại nhà hàng để kỷ niệm 8 năm ngày cưới của chúng tôi và tôi dự định sẽ tổ chức sinh nhật 40 tuổi trong vài ngày tới, thế nhưng tôi đã không thể làm được điều đó. Kể từ ngày hôm đó, chung tôi không thể gặp nhau trong gần 20 năm và khi chúng tôi gặp lại, cặp vợ chồng từng yêu thương nhau ngày nào giờ đã trở thành người dưng.

Để tránh việc bị bắt giữ, tôi quyết định rời xa nhà. Vào tháng 7 năm 2002, tôi nghe nói cảnh sát vì không tìm thấy tôi trong vụ bắt giữ hàng loạt ở thành phố của chúng tôi nên họ đã bắt giữ vợ tôi và tống cô ấy vào trại tạm giam. Họ đã giam vợ tôi ở trong trại tạm giam 2 tháng.

Dưới áp lực của đơn vị công tác và gia đình vợ tôi, cô ấy đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và ly hôn tôi mà tôi không hề hay biết. Càng tà ác hơn là, để xác minh rằng cô ấy thực sự từ bỏ Pháp Luân Công, lãnh đạo nơi làm việc của cô đã ép cô uống rượu (học viên Pháp Luân Công không uống rượu) vào bữa tiệc liên hoan buổi tối cho đến khi cô ấy say khướt không còn biết gì nữa.

Xem tiếp Phần 2

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/14/453091.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/5/206037.html

Đăng ngày 13-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share