Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Nội Mông Cổ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-10-2022]

Tên: Giang Hải Huỳnh (江海滢)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 55
Thành phố: Bao Đầu
Tỉnh: Nội Mông Cổ
Nghề nghiệp:Giáo viên
Ngày mất: 10 tháng 7 năm 2021
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 1 tháng 9 năm 2014
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại tạm giam

Sau khi mang thai con gái ở tuổi 44, cô Giang Hải Huỳnh, một cư dân thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ, đã quyết tâm sẽ dành cho con những gì tốt đẹp nhất có thể. Thế nhưng, chuyến đi vào năm con gái 4 tuổi của cô đã mãi mãi thay đổi số phận của gia đình cô.

Ngày 1 tháng 9 năm 2014, khi cô Giang và con gái (lúc đó đang 4 tuổi) đang đợi để lên tàu tại Ga xe lửa thành phố Bao Đầu thì bị cảnh sát chặn lại. Họ bắt cô Giang ngay trước mặt con gái nhỏ của cô.

Sau đó, cô bé quá sợ hãi và từ đó không bao giờ dám đến nhà ga xe lửa nữa. Cô bé cũng run lên mỗi khi nhìn thấy cảnh sát. Một cô bé vốn có tính cách hướng ngoại giờ đây đã trở nên thu mình và ít nói. Cha cô bé đã nỗ lực không biết mệt mỏi để cố gắng giải cứu mẹ cô bé, nhưng vô ích.

Cảnh sát đã giam cô Giang 2 năm và mưu tính để bỏ tù cô vì cô từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Thậm chí ngay cả sau khi cô Giang được thả vào năm 2016 vì cảnh sát không thể thu thập đủ bằng chứng để buộc tội cô, họ vẫn liên tục đến nhà sách nhiễu cô.

Năm 2019, chỉ 3 năm sau khi cô Giang trở về với gia đình và lúc đó con gái cô lên 9 tuổi, chồng cô đột ngột lâm vào tình trạng nguy kịch. Mặc dù sống sót nhưng kể từ đó anh ấy đã mất khả năng lao động và cần cô chăm sóc.

Để lo tài chính cho gia đình, cô Giang đã quay trở lại với nghề dạy học trước đây của mình và bắt đầu mở các lớp dạy kèm để kiếm thu nhập.

Thế nhưng, sự sách nhiễu liên tục của cảnh sát cuối cùng đã khiến cô kiệt sức. Ngực cô xuất hiện một khối u và cô buộc phải thuê một bảo mẫu để chăm sóc cho con gái, còn cô chuyển đến sống với bố mẹ (cả hai đều đã gần 80 tuổi). Người mẹ già cà của cô vừa phải chăm sóc cô ấy, vừa phải chăm sóc cha cô, người đang phải vật lộn với di chứng sau lần bị nghẽn mạch máu não.

Cô Giang đã qua đời vào ngày 10 tháng 7 năm 2021, khi mới chỉ 55 tuổi.

Hiện em trai cô Giang đang giúp chăm sóc chồng cô, còn mẹ cô thì đang chăm sóc cho con gái chừng 13 tuổi của cô.

Hai năm bị giam giữ phi pháp

Ngày 1 tháng 9 năm 2014, đội trưởng của Đội An ninh Nội địa quận Thanh Sơn Trần Huệ Quân và trưởng phòng của Phòng 610 thành phố Thanh Sơn bắt giữ cô Giang tại Ga xe lửa thành phố Bao Đầu.

Được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999 (một tháng trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công), nhiệm vụ duy nhất của Phòng 610 là xóa sổ Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Viện Kiểm sát quận Thanh Sơn đã phê chuẩn vụ bắt giữ cô Giang vào đầu tháng 10 năm 2014. Mặc dù trên thực tế công tố viên đã vài lần trả lại hồ sơ vụ án cho cảnh sát vì không có đủ bằng chứng, nhưng Trần vẫn từ chối thả cô và dùng mọi thủ đoạn có thể để buộc tội cô.

Chồng cô Giang đã đi tới nhiều cơ quan chính quyền khác nhau để cố gắng giải cứu cô, đồng thời vẫn cố gắng duy trì công việc toàn thời gian của mình. Anh thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc để con gái 4 tuổi ở nhà một mình và dặn dò cô bé phải cố gắng tự chăm sóc bản thân thật tốt.

Khi cô bé bắt đầu vào học mẫu giáo, thỉnh thoảng cô bé phải ở lại với giáo viên khi bố cô phải đi công tác xa.

Sau đó, để chăm sóc cho cháu, mẹ của cô Giang và người cha mất khả năng lao động đã phải vượt gần 900 km từ kỳ Khắc Thập Khắc Đằng ở Nội Mông Cổ đến Bao Đầu. Một ngày nọ, người bà vì quá lo lắng và sợ hãi đến mức tinh thần hoảng hốt và lơ đễnh mà bị ngã khi đang lau sàn nhà và không thể đi lại trong một thời gian dài.

Cú ngã của bà càng khiến con rể càng thêm căng thẳng tinh thần. Anh vừa phải chăm sóc con gái và bố mẹ vợ, vừa phải tìm cách giải cứu vợ và duy trì công việc để kiếm tiền nuôi gia đình. Chỉ sau vài ngày, tóc của anh đã bạc trắng.

Trong khi đó, Trần đã lừa cô Giang thừa nhận những cáo buộc bịa đặt chống lại cô bằng cách hứa sẽ trả tự do cho cô sau khi cô hoàn tất thủ tục theo trình tự pháp luật.

Tòa án quận Thanh Sơn đã xét xử cô Giang 4 lần. Phiên xét xử cuối cùng diễn ra vào ngày 21 tháng 7 năm 2016 chỉ kéo dài vỏn vẹn 10 phút. Lần đó, thẩm phán Tôn Cẩm Dân liên tục ra lệnh cho cô Giang phải nhận tội, nhưng cô từ chối.

Ngày 1 tháng 12 năm 2016, sau 2 năm 3 tháng bị giam giữ, cô Giang đã được thả khi thẩm phán không thu thập đủ chứng cứ để kết án cô.

Sự cực khổ của người chồng

Trong khi cô Giang bị giam giữ, chồng cô đã phải tiêu hết số tiền tiết kiệm của họ và thậm chí phải vay mượn thêm để hối lộ cảnh sát, hy vọng vợ mình sớm được thả ra. Anh thường mất hy vọng và cảm thấy bất lực.

Sự kiệt quệ về tinh thần và thể chất, cũng như chịu sự sách nhiễu triền miên từ phía chính quyền ngay cả sau khi cô Giang trở về nhà, đã khiến sức khỏe của anh suy giảm nghiêm trọng. Vào tối ngày 23 tháng 6 năm 2019, anh đột nhiên đổ bệnh và được đưa đến bệnh viện.

Sau vài ngày điều trị, bệnh viện muốn cho anh xuất viện dù anh vẫn còn đang hôn mê vì gia đình không có khả năng chi trả. Cô Giang đã tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua một nền tảng gây quỹ cộng đồng và cuối cùng bệnh viện đã cho phép chồng cô ở lại. Bác sĩ cho biết tình trạng của anh rất nguy hiểm. Ngay cả khi họ có thể giữ được mạng sống cho anh, thì anh cũng sẽ là một người thực vật cho đến cuối đời.

Trước khi chồng cô Giang tỉnh lại, một số chủ nợ đã đến tìm cô. Lúc này cô mới biết chồng mình đã gian khổ khi cố gắng giải cứu cô như thế nào. Nhưng anh không bao giờ nói với cô rằng anh đã phải đưa bao nhiêu tiền cho cảnh sát vì sợ cô lo lắng và đau lòng trước sự vát vả của anh.

Trong mấy tháng chồng cô nằm viện, ngày nào cô cũng đến chăm sóc cho anh. Cô thường nấu các bữa ăn vào buổi sáng, cho thêm một ít thịt mà cô có khả năng mua được, rồi mang vào bệnh viện. Còn bản thân cô chỉ ăn những loại rau rẻ nhất, chẳng hạn như khoai tây.

Sau khi chồng cô xuất viện, cô đã thuê người giúp chăm sóc anh và lắp một chiếc xà đơn ở nhà cho chồng vịn vào đó tập đi. Cô bắt đầu mở các lớp dạy kèm để kiếm thu nhập.

Sách nhiễu tiếp tục

Ngay sau khi chồng cô Giang trở về nhà, cảnh sát địa phương và nhân viên ủy ban khu dân cư (có lúc lên tới hơn 10 người) kéo tới sách nhiễu cô. Họ ra lệnh cho cô từ bỏ Pháp Luân Công. Sự sách nhiễu kéo dài đến tháng 8 năm 2020.

Khi cô từ chối cho các cảnh sát vào nhà, họ đã đập cửa và quát mắng cô. Khi họ đột nhập được vào trong, họ đã ở lì trong nhà cô nhiều giờ đồng hồ, phớt lờ rằng sự sách nhiễu của họ đã khiến người chồng đang nằm liệt giường của cô căng thẳng tinh thần đến mức nào.

Sự sách nhiễu gây áp lực tinh thần to lớn lên cô Giang, đến mức cô bắt đầu xuất hiện ảo giác và lúc nào cũng cảm giác như cảnh sát đang gõ cửa nhà mình. Mặc dù vậy cô vẫn đang tận sức phối hợp với người thuê chăm sóc kia để giúp chồng mình phục hồi chức năng, dù trên ngực cô lúc này có một khối u và nó gây ra những cơn đau dữ dội ở nửa người bên trái của cô.

Tình trạng sức khỏe của cô tiếp tục xấu đi và cuối cùng cô không còn sức lực để chăm sóc cho chồng mình. Để tránh bị chính quyền sách nhiễu thêm, cô đã để chồng và con gái cho người chăm sóc và một mình di chuyển hàng ngàn dặm đến nhà một người họ hàng với hy vọng sẽ ở nhờ tại đó để hồi phục sức khỏe. Khi đến tòa nhà chung cư của người họ hàng, cô đã kiệt sức đến mức gần như không thể đi lên tầng trên.

Chỉ vài ngày sau khi cô rời khỏi nhà, các nhân viên chính quyền lại tới sách nhiễu cô.

Sau đó, để người họ hàng của mình không bị liên lụy, cô đã đến nhà mẹ đẻ để nhờ mẹ chăm sóc cho mình. Sau khi chính quyền phát hiện ra, họ bắt đầu gọi điện cho mẹ cô và sách nhiễu cô.

Khi mẹ cô Giang nói với cảnh sát về tình hình sức khỏe của cô đang tồi tệ như thế nào, họ đã yêu cầu cô phải cung cấp kết quả chẩn đoán của bệnh viện và ảnh chụp. Ngay cả sau khi gia đình cô gửi các thông tin cần thiết theo yêu càu, năm viên chức từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật vẫn đến nhà mẹ cô để kiểm tra tình hình của cô.

Lúc này, cô Giang đã nằm liệt giường và không thể đi lại. Ngực của cô cứng và sưng lên rất to.

Sau khi các viên chức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật trở lại Bao Đầu, họ đã đuổi người chăm sóc mà cô Giang đã thuê và tống chồng cô vào một nơi lưu trú cộng đồng dành cho người vô gia cư.

Không lâu sau, cô Giang qua đời, để lại con gái nhỏ, người chồng tàn tật và cha mẹ già yếu. Như vậy, một gia đình vốn đang hạnh phúc yên ấm lại bị chính quyền cộng sản Trung Quốc phá tan tành.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/3/450356.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/10/204237.html

Đăng ngày 25-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share