Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-12-2021] Tôi dạy ở một trường đại học. Có một câu nói trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, “Nhân sỹ thà chịu chết chứ không chịu nhục.” Với tính sỹ diện này, tôi đã mang tâm bảo vệ danh dự. Tôi rất coi trọng danh và sợ bị mất thể diện trước mặt mọi người. Nếu có ai cư xử không đúng với tôi, tôi sẽ không ngừng truy vấn họ.

Quá mệt mỏi với việc truy cầu danh và lợi trong nhiều năm, tôi đã mắc những căn bệnh vô phương cứu chữa. Sau đó, tôi nghe nói rằng có người đã được chữa khỏi bệnh sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, vì vậy tôi quyết định thử luyện. Vài ngày sau khi bắt đầu tu luyện, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, sức khỏe của tôi được cải thiện. Ngay sau đó, tất cả các bệnh tật của tôi đều biến mất, tôi trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc. Con xin cảm tạ Sư phụ Lý Hồng Chí! (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp). Ngài không đòi hỏi ở tôi một xu nhưng đã ban cho tôi cuộc đời thứ hai.

Quan trọng hơn, Pháp Luân Đại Pháp dạy tôi trở thành một người biết nghĩ cho người khác và chiểu theo nguyên lý Chân- Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày. Tâm tính tôi được đề cao nhanh chóng, và những người biết tôi nói rằng tôi đã trở thành một người hiền lành và tốt bụng.

Tu Nhẫn: Giữ bình tĩnh khi gặp chuyện sai trái

Tôi đã có một khảo nghiệm lớn một năm sau khi bắt đầu tu luyện. Tôi nghe thấy ai đó quát vào mặt mình từ phía sau khi đang xếp hàng ăn trưa ở căng-tin. Tôi quay lại và thấy đó là trưởng khoa, cô Wan.

Cô ấy giận dữ nói: “Tại sao chị không thông báo cho sinh viên của mình về buổi đào tạo vấn đáp chiều nay? Chị có bốn lớp, nhưng chị đã không thông báo cho lớp nào cả! Làm sao chị có thể quên về một việc lớn như vậy?“

Tôi nói, “Tôi không biết gì về khóa đào tạo vấn đáp. Không ai nói với tôi về điều này.” Nhưng cô ấy càng tức giận hơn: “Tôi đã nói với chị về việc này!”

Tôi trả lời, “Không, chị đã không nói với tôi.” Cô Wan hét tiếp, “Tôi nói rồi! Tôi nói rồi! Chị đã quên, và bây giờ chị lại còn chối cãi!”

Tôi bình tĩnh trả lời: “Vậy thì hãy cho tôi biết chị đã nói với tôi việc này khi nào và ở đâu”

Cô ấy trở nên im lặng và sau khi dừng lại, cô ấy nói, “Tôi đã bảo cô Li nói với chị.”

Tôi trả lời, “Vậy thì, hãy hỏi cô Li xem liệu cô ấy đã nói với tôi về điều này hay chưa.”

Tôi tìm cô Li và hỏi về khóa đào tạo. Cô ấy cúi đầu không nói lời nào. Rõ ràng là cô ấy đã quên không nói với tôi.

Trước đây, không ai dám mâu thuẫn hay xúc phạm tôi, nhất là khi có mặt hầu hết các cán bộ, giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường. Tôi tự nhủ rằng mình là một học viên và không nên hành xử như vậy. Tôi vẫn bình tĩnh. Tôi không tức giận và không tranh cãi với cô Wan.

Tôi nhớ những gì Sư phụ Lý đã giảng,

“Tất nhiên chúng ta có thể giải thích một cách có thiện ý; nói rõ sự việc thì không hề gì; tuy nhiên chư vị chấp trước quá thì không được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Một giáo viên khác là bạn với cô Wan đã đến can ngăn và nói với cô ấy, “Cô ấy tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và sẽ không tranh cãi lại đâu.”

Dù ý định của cô ấy khi nói điều này là gì, những từ Pháp Luân Đại Pháp nhắc tôi rằng có lẽ Sư phụ đang sử dụng miệng cô ấy như một điểm hóa. Tôi biết rằng mình là một học viên Đại Pháp và cần phải bao dung.

Sư phụ Lý đã giảng,

“Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời cao, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi biết rằng giữ bình tĩnh là chưa đủ trong tình huống này. Tôi phải làm theo Pháp của Sư phụ và giữ mình ở một tiêu chuẩn cao hơn và trở thành một người biết nghĩ cho người khác. Tôi nói với cô Wan, “Đừng lo, tôi sẽ tìm cách thông báo cho tất cả học sinh.” Tôi hỏi cô ấy thời gian và địa điểm đào tạo vấn đáp.

Thời gian đang rất gấp vì lớp học bắt đầu lúc hai giờ. Tôi biết một số học sinh ăn trưa trong lớp học, vì vậy tôi đã chạy đến lớp học trước. Tôi bảo các em thông tin cho các bạn cùng lớp. Tôi cũng viết thông báo trên bảng đen ở tất cả các lớp học. Sau đó, tôi đến một trong những ký túc xá của sinh viên nữ và yêu cầu các em thông báo cho tất cả các nữ sinh khác. Tiếp đó, tôi đến ký túc xá sinh viên nam và cũng làm như vậy.

Đã gần đến giờ đào tạo. Tôi mệt và đói, vì không kịp ăn hay uống một ngụm nước nào kể từ sáng. Nhưng tôi không phàn nàn. Ngược lại, tôi rất vui vì các sinh viên có thể tham gia khóa học theo đúng lịch. Tôi cũng hài lòng vì đã chịu được khuất nhục trước đám đông và bình tĩnh xử lý mâu thuẫn.

Tu xuất tâm từ bi: Tha thứ cho người lái xe đã đâm vào tôi

Tôi đang đạp xe trong làn đường dành cho xe đạp thì một chiếc xe ô tô màu đen đột ngột rẽ sang và đâm vào tôi.

Tôi đã bị văng khỏi chiếc xe đạp. Khi người lái xe bước ra khỏi xe, trông anh ta rất hoảng hốt. Khi tôi đứng dậy, anh ấy bình tĩnh lại và nhấc chiếc xe đạp của tôi lên.

Tôi không bị thương và không cảm thấy đau. Tuy nhiên, chiếc xe đạp của tôi thì tan tành. Vành trước bị vặn ra sau. Ghi-đông bị lộn ngược và dây xích kéo lê trên mặt đất. Chiếc xe ô tô có một vết xước dài và sâu.

Người lái xe cố gắng kéo và vặn lại chiếc xe đạp cho tôi mà không nói một câu. Tôi biết cậu ấy đang đợi tôi đòi hỏi cậu ấy phải làm gì.

Sư phụ đã giảng,

“Người lái xe phóng nhanh, nhưng anh ấy phải chăng cố ý đâm người ta? Anh ta chẳng phải vô ý là gì?”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nói với cậu ấy, “Đừng sợ. Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi sẽ không yêu cầu cậu bồi thường hoặc tố cáo cậu đâu.”

Nhiều người chứng kiến nói: “Lái xe hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ tai nạn. May là cô ấy không chết. Lái xe phải đưa tiền cho cô ấy!”

Sư phụ đã giảng,

“Nhưng con người hiện nay đều như vậy cả, nếu không vòi tiền, thì trong tâm người xem cũng thấy bất bình.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Người lái xe không dám rời đi. Tôi nói với cậu ấy, “Không sao đâu. Cậu có thể đi. Nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ngày hôm nay tôi đã không xử lý vụ tai nạn theo cách này.” Cậu ta trông như thể đã được ân xá. Sợ tôi đổi ý, cậu ta vội vàng quay lại xe và phóng đi.

Những người xung quanh nói với tôi, “Chị bị sao thế? Tại sao chị lại để cậu ta đi? Chị không nên để cậu ta đi! Tại sao chị không gọi công an? Tại sao chị không đến bệnh viện để khám? Thậm chí chị còn không yêu cầu cậu ta trả tiền cho chiếc xe đạp bị hỏng!”

Tôi lặng lẽ đi về phía chiếc xe đạp của mình, nhưng nó bị hỏng nặng nên tôi không thể đi được. Một người nói, “Hãy nhìn chiếc xe đạp của chị kìa. Bây giờ nó là phế liệu. Lẽ ra, chị nên yêu cầu cậu ta mua cho chị một cái mới, hoặc ít nhất là bắt cậu ta phải sửa xe cho chị”. Tôi trả lời: “Người lái xe hẳn phải có chuyện gấp cần giải quyết nên đã lái xe quá tốc độ. Cậu ta không cố ý đâm vào tôi.”

Khi nói, tôi vô tình nắm lấy tay cầm của chiếc xe đạp và đẩy nó về phía trước. Trước sự ngạc nhiên của tôi, chiếc xe đạp đã di chuyển, vì vậy tôi đã dắt bộ về nhà. Đi được một lúc, tôi thấy mệt và muốn thử đạp xe. Thật ngạc nhiên, mặc dù chiếc xe đạp bị xoắn và khó điều khiển, tôi vẫn cố gắng đạp đến một cửa hàng sửa chữa gần nhà. Ngay sau khi tôi bước xuống xe, nó ngừng di chuyển và thậm chí không thể tự đứng được.

Người thợ sửa xe nhìn chiếc xe đạp nằm trên mặt đất và hỏi làm sao tôi mang được nó đến đó. Tôi nói, “Tôi đạp xe đến đây.” Đôi mắt anh ta mở to, và anh ta thốt lên, “Chị đạp xe đến đây ư?” Anh ấy lắc đầu không tin. Anh ấy nói rằng chiếc xe đạp bị hỏng quá nặng và rất khó để nói rằng anh ấy có thể sửa được hay không. Anh ấy bảo tôi quay lại sau ba ngày.

Người thợ sửa xe nói rằng anh ta có thể nói chiếc xe đạp đã bị hỏng nặng, và lẽ ra tôi đã bị thương nặng, nếu không phải là đã chết. Nhưng tôi không bị thương gì cả-da của tôi thậm chí không bị trầy xước! Sư phụ đã bảo hộ tôi! Con xin cảm tạ Sư phụ đã cứu mạng con!

Tu chân: Đừng hứa suông

Để giảng chân tướng cho người thường về Pháp Luân Đại Pháp và giúp họ thấu hiểu được tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi đã phát tiền giấy có in thông tin giảng chân tướng.

Tôi thường đến nhiều khu chợ khác nhau và mua đồ từ những người bán hàng để nhiều người có thể nhìn thấy thông điệp in trên tiền. Hầu như lúc nào những người bán hàng đều đề nghị tôi quay lại, tôi sẽ thản nhiên nói: “Chắc chắn rồi! Ngày mai tôi sẽ đến.”

Lúc đầu, tôi đã không coi trọng nó. Tuy nhiên, thời gian qua đi nó đã làm tôi chú tâm và cảm thấy có điều gì đó không ổn khi liên tục nói với những người bán hàng rằng mình sẽ quay lại-nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi là một học viên chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi nên thực hiện lời hứa của mình. Nếu tôi tùy tiện hứa nhưng không có ý định giữ lời, chẳng phải tôi đang nói dối hay sao?

“Cá nhân tôi có thể không nói những gì tôi không muốn nói, nhưng lời mà tôi nói ra phải là lời chân thật.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Tôi muốn quay lại chỗ người bán hàng nếu đã hứa sẽ mua hàng từ họ. Tuy nhiên, hầu hết những người bán hàng không có chỗ bán hàng cố định, nên rất khó tìm thấy họ. Sau đó, tôi quyết định không hứa nếu không định quay lại.

Ban đầu thật khó để thay đổi thói quen này. Mỗi lần như vậy, tôi đều tự nhủ rằng đừng hứa với bất kỳ người bán hàng nào. Nhưng tôi vẫn nói với họ rằng mình sẽ đến một lần nữa mà không hề suy nghĩ.

Tôi hướng nội và nhận ra rằng gốc rễ của thói quen xấu này là do văn hóa Đảng đã thấm nhuần trong tôi từ nhỏ. Vì vậy, tôi quyết định loại bỏ thói quen xấu đó bằng cách giữ lời hứa.

Khi tôi hứa với một người bán hàng, tôi tự nhủ rằng mình phải giữ lời hứa bằng cách tiếp tục mua hàng của cô ấy vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, ngày hôm sau cô ấy đã không bán hàng ở đó. Sau đó, tôi nhìn quanh tìm quầy hàng của cô ấy và cuối cùng đã tìm thấy. Tôi nói với cô ấy, “Tôi đã hứa sẽ mua rau của cô ngày hôm qua. Tôi không muốn thất hứa, vì vậy tôi đã mất một thời gian dài để tìm kiếm cô.” Cô ấy cười, “Mọi người đều nói vậy. Ai coi trọng đâu chứ?” Tôi trả lời, “Tôi giữ lời hứa vì tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, và các học viên thì không nói dối.” Kể từ đó, tôi đã có thể giữ lời hứa của mình.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong nhiều năm, cơ thể tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Tôi có một làn da trắng và khuôn mặt không có nếp nhăn. Những người biết tôi đều nói rằng nhìn tôi trẻ hơn 20 tuổi so với tuổi thực. Sư phụ đã ban cho tôi sức khỏe và khiến tôi trở thành một người tốt hơn với chuẩn mực đạo đức cao. Từ tận đáy lòng mình, tôi muốn nói với mọi người, “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/13/434745.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/2/198824.html

Đăng ngày 18-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share