Bài viết của một học viên ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-04-2010] Trong buổi chia sẻ giữa các học viên trong nhóm học Pháp chúng tôi hôm nay, học viên A đưa ra vấn đề rằng chúng tôi không nên dùng tâm con người để can thiệp vào ‘chuyện riêng’ của các đồng tu, bởi vì đây là do việc thiếu tu luyện tâm tính của chúng ta. Tôi cũng có cảm giác tương tự về vấn đề này.

Tôi đã rất bối rối với các mâu thuẫn của các đồng tu và cuối cùng tôi đã thoát ra khỏi điều này sau rất nhiều khó khăn. Tất nhiên, tất cả chúng ta là đồng tu, chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau thăng tiến. Loại vấn đề nào là thích hợp cho chúng ta khi giúp đỡ các học viên khác? Ví dụ như tổ chức một nhóm học với các học viên khác và chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của chúng ta dựa trên Pháp giúp chúng ta làm tốt hơn và nhớ Pháp khi chúng ta gặp vấn đề. Khi các học viên không thể vượt qua những khó khăn do tà ác gây ra, chúng ta có thể giúp họ phát chính niệm. Ngoài ra, chúng ta nên giúp giải cứu các đồng tu khi họ bị bức hại. Khi các học viên có khó khăn tạm thời, như vấn đề tài chính và việc làm, nếu chúng ta có điều kiện, chúng ta có thể giúp đỡ nếu họ cần. Không có vấn đề gì khi giúp đỡ đồng tu theo cách này.

Nhưng trong một vài hoàn cảnh nhất định, chúng ta không nên tham gia vào những vấn đề của các học viên khác. Có một học viên (học viên B) thân với tôi, vì chấp trước người thường mạnh mẽ nên thường gặp phải các vấn đề. Một số trong các vấn đề này gây ra bởi việc bị những người khá đối xử bất công, và một số khác gây ra do khó khăn về tài chính. Cô ấy thích than thở nỗi buồn của cô ấy với tôi để giải tỏa bực tức của cô ấy. Vì khá dễ tính nên tôi không từ chối cô ấy, và lúc đó tôi tin rằng lắng nghe nỗi khổ của đồng tu là một dạng của từ bi. Sau khi học viên B gặp vấn đề, bên cạnh việc an ủi, tôi cũng luôn chỉ ra các thiếu sót của cô ấy.

Tuy nhiên, sau đó tôi nhận ra điều này không đúng. Học viên B than thở với tôi mỗi khi cô ấy gặp vấn đề. Tất cả cô ấy nói về là những sai lầm của người khác; một vài người trong số đó là học viên và một số người là của người thường. Học viên B tìm đến tôi, chỉ quan tâm tới việc tôi lắng nghe cô ấy và cô ấy không để tâm đến bất cứ điều gì tôi chỉ ra. Thời gian trôi qua, cô ấy thường kể cho tôi nghe một số học viên đã không tốt với cô ấy như thế nào và một số khác đã đối xử bất công với cô ấy như thế nào. Sau khi nghe rất nhiều phàn nàn như vậy, tôi phát hiện rằng tôi cũng vướng vào những mâu thuẫn tương tự và tâm tôi cũng đầy rẫy bực tức và bất mãn. Đầu não tôi trở nên hỗn loạn và tôi cảm thấy tôi không thể hiểu Pháp một cách rõ ràng khi tôi học Pháp. Sau đó tôi lập tức trở nên cảnh giác và theo an bài của Sư Phụ, tôi quen với các học viên mà học viên B đã phàn nàn về họ. Tôi phát hiện ra rằng các học viên này không giống như học viên B đã miêu tả. Tôi bắt đầu nghĩ về vấn đề này một cách thanh tỉnh. Tôi nhận ra đó là vì tôi muốn giúp đỡ đồng tu nhưng tôi đã không giúp đỡ họ theo Pháp. Và điều này thậm chí đưa tôi vào rắc rối.

Sau đó, qua việc học Pháp nhóm, tôi dần dần hiểu được làm thế nào để ứng xử giao thiệp với những học viên khác. Điều này thực tế rất đơn giản. Trong ứng xử giao thiệp trong nhóm giữa các học viên, một học viên sẽ nói về vấn đề mà anh ấy gặp phải. Nếu anh ấy có ý định nâng cao tầng thứ của mình hay thực sự không thể tìm ra được anh ấy đã làm sai điều gì, thì chúng ta có thể lắng nghe vấn đề của anh ấy, giúp tìm ra nguyên nhân có thể và giúp đồng tu của chúng ta nâng cao hiểu biết về Pháp của anh ấy. Hình thức giao thiệp này cho phép chúng ta đề cao bản thân chúng ta như là một chỉnh thể. Nếu một học viên chỉ muốn các học viên khác an ủi cô ấy, cho cô ấy thấy sự thông cảm và tìm kiếm một “chỗ nương tựa an toàn” trong các học viên, để giải tỏa bực tức hay để tìm kiếm một người bạn tâm giao trong các học viên mà có thể có cùng quan điểm, dưới các tình huống này, chúng ta không nên tham gia vào ‘chuyện riêng’ của học viên khác. Can thiệp vào những loại việc cá nhân này thực tế không khác gì việc giúp người thường cảm thấy thoải mái. Nó chỉ làm cho chúng ta chìm vào trong những tình tiết của những vấn đề này và làm chúng ta khó thoát ra khỏi. Lúc đó, việc tu luyện và làm tốt ba điều của chính chúng ta cũng bị can nhiễu.

Sau khi nhận ra tất cả những điều này, tôi tách mình ra khỏi học viên B và không liên lạc với cô ấy trong hai tháng. Suốt thời gian đó cô ấy gọi cho tôi và rủ tôi sang nhà nhưng tôi từ chối gặp cô ấy. Cách đây hai ngày, tôi cần nhờ học viên B giúp đỡ vài thứ. Sau khi tôi bước vào nhà, cô ấy rất mừng khi nhìn thấy tôi và lại bắt đầu kể những chuyện xảy ra trong công việc và xảy ra ở nhà. Khi cuộc hội thoại tiếp diễn, chủ đề của cô ấy lại trôi dạt sang việc cô ấy cảm thấy như thế nào khi người khác đối xử bất công với cô ấy. Tôi nhanh chóng xin lỗi và rời đi. Ngày hôm sau, tôi gặp lại học viên B và cô ấy đột nhiên nói ‘Cô thấy đó, hôm qua tôi vẫn còn đề cập đến việc người khác không tốt với tôi. Đó chắc hẳn là những thiếu sót của bản thân tôi đã làm cho người khác chỉ trích tôi. Hơn nữa tôi lại phàn nàn về họ. Chẳng phải tất cả những điều này là do chấp trước con người của tôi sao? Nó rõ ràng là lỗi của tôi, và tôi rất hối tiếc về điều đó’. Tôi rất vui mừng khi nghe thấy điều này bởi vì học viên B trước đây chưa bao giờ tự nhận mình làm điều gì sai cả. Tôi rất vui khi nhìn thấy đồng tu của tôi đề cao tầng.

Đồng thời tôi nhận ra một vấn đề. Bởi vì tôi tiếp tục lắng nghe học viên B phàn nàn không ngừng, điều này làm cho cô ấy không thể nhìn thấy được những vấn đề của chính cô ấy. Đó là vì chỗ nương tựa của cô ấy không còn và cô ấy không còn lựa chọn nào khác là đối mặt với những vấn đề của chính mình do vậy cô ấy đề cao tầng thứ theo sự chỉ dẫn của Sư Phụ. Thực ra duy trì sự giao thiệp thích hợp giữa các học viên không chỉ là có trách nhiệm với chính mình mà đồng thời đó cũng là có trách nhiệm với đồng tu của chúng ta.

Tôi nhận ra rằng khi giao thiệp với các học viên, chúng ta nên giữ vững hai điểm để tránh trở nên bị lạc đường. Một là trong buổi học Pháp nhóm và chia sẻ kinh nghiệm, không nên tham gia vào các vấn đề không có liên quan. Hai là cố gắng không tham gia vào bất cứ điều gì mà không liên quan đến việc làm ba điều. Như vậy chúng ta cơ bản có thể tránh việc hình thành các nhóm nhỏ giữa các học viên, hay trở thành cái mà Sư Phụ miêu tả là ‘tụ tập hai người, ba người’. Nếu chúng ta làm theo các chỉ dẫn căn bản này khi giao thiệp với nhau, tự nhiên chúng ta sẽ không chú ý đến những điều không liên quan. Ví dụ như ăn cơm ở nhà một học viên, dùng thời gian của học viên khác để trò chuyện, lợi dụng đồng tu hay nhờ các đồng tu khác mai mối cho con cái họ, v.v. Những điều này là những việc của người thường mà chúng ta đương nhiên là nên tránh.

Giữ sự giao thiệp đơn thuần với các đồng tu là một phần quan trọng trong việc đi đúng hướng. Tôi thành thật hy vọng rằng các đồng tu và tôi có thể thăng tiến cùng nhau.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/4/3/220821.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/4/17/116149.html
Đăng ngày 23-04-2010; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share