Bài viết của một học viên hải ngoại

[MINH HUỆ 03-06-2019] Con xin kính chào Sư phụ, chào các bạn đồng tu!

Tôi luôn luôn cảm thấy việc viết bài chia sẻ là một thử thách thực sự bởi vì tôi thấy mình không có những thể ngộ sâu sắc hay từng vượt qua những khảo nghiệm khó khăn. Quá trình tu luyện của tôi khá bình ổn và không có sóng gió. Chính là trong quá trình tu luyện mỗi ngày, niềm tin và sự kiên định của tôi với Đại Pháp dần dần triển hiện rõ ràng và sâu sắc hơn.

Dường như tôi đắc Pháp khá dễ dàng, và trong trường hợp của tôi thì tôi hoàn toàn không nên tu luyện như thuở ban đầu! Trong khi những người khác sau khi bước vào tu luyện đã minh bạch được những tinh túy của tu luyện Đại Pháp thì tôi lại đứng ở vòng ngoài suốt hơn một năm. Tôi hiểu tu luyện là gì nhưng lại không thực sự hạ quyết tâm tu luyện.

Việc này liên quan đến sự ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo từ khi tôi còn nhỏ. Mặc dù tôi là một tín độ Cơ Đốc rất sùng đạo từ khi còn nhỏ cho đến tuổi thanh niên, nhưng khi tham gia khóa học 9 ngày của Pháp Luân Đại Pháp, tôi nhận ra mình vẫn còn rất mơ hồ về đời sống tâm linh. Tôi tin vào lời dạy của Jesus và làm người tốt, nhưng tầng thứ của tôi không đề cao. Tham gia khóa học 9 ngày đã thức tỉnh tôi, rằng tôi cần chú tâm đến sự đề cao của mình. Tuy vậy, khi đối mặt với viễn cảnh phải theo một môn tu luyện khác, tôi rất sợ hãi khi phải thay đổi những thứ rất quen thuộc và đã cắm rễ sâu trong máu thịt. Đây là một khảo nghiệm lớn đối với tôi.

Sư phụ giảng:

“Hầu như mỗi đệ tử Đại Pháp khi mới đắc Pháp đều không hề dễ dàng. Không phải nói có người chặn ở cửa trông coi không cho chư vị bước vào. Thông thường biểu hiện tại khảo nghiệm về tâm tính, xem tâm chư vị động như thế nào, về vấn đề có đắc Pháp hay không xem tâm chư vị động thế nào, đối đãi thế nào.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999])

Nhận thức được việc thực sự có trách nhiệm với tu luyện của bản thân là điều vô cùng trọng yếu, điều này Sư phụ đã giảng rõ trong các kinh văn. Nhưng đối với tôi để nhận thức được điều này là một quá trình rất chậm chạp. Sư phụ đã dạy chúng ta làm thế nào để chiểu theo Đại Pháp của vũ trụ, chân chính tu luyện bản thân. Đây là điều mà tôi muốn làm.

Sư phụ giảng:

“Chúng tôi giảng Đại Pháp vô biên; [hoàn] toàn dựa vào cái tâm của chư vị mà tu. Sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân; hoàn toàn [dựa] xem bản thân chư vị tu ra sao. Có thể tu được không hoàn toàn [dựa] xem chư vị có thể nhẫn chịu không, có thể phó xuất không, có thể chịu khổ không. Nếu dốc lòng quyết tâm, khó khăn nào cũng không ngăn được, [thì] tôi nói rằng, [nó sẽ] không thành vấn đề.” (Bài giảng thứ Tư – Chuyển Pháp Luân)

Mỗi ngày, việc học Pháp, luyện công đều tùy thuộc vào bản thân tôi, tôi cố gắng hết sức để đồng hóa với Chân Thiện Nhẫn và hướng nội trong mọi hoàn cảnh.

Sư phụ cũng nhắc nhở chúng ta rằng mục đích tu luyện của chúng ta phải thuần tịnh, và tôi cần phải thường xuyên đối chiếu bản thân mình với đoạn Pháp này: “Đại Pháp không thể bị lợi dụng” (Tinh Tấn Yếu Chỉ) Trước đây tôi thường cảm thấy không thoải mái khi đọc đoạn Pháp này, nhưng giờ đây tôi thực sự biết ơn sự từ bi của Sư phụ.

Biết ơn Minh Huệ và cơ hội được là một phần của Minh huệ

Tôi sống trong một khu vực có ít học viên, do đó tôi không giao tiếp với nhiều học viên và không có nhiều cơ hội được tham gia vào các hạng mục Đại Pháp.

Khoảng một đến hai năm sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi rất hạnh phúc khi có người nhờ tôi giúp chỉnh sửa một vài bài viết cho Minh huệ. Đây là một cơ hội để tôi làm điều gì đó cho Đại Pháp, tận dụng kỹ năng và lịch làm việc khá linh hoạt của mình. Ngay từ đầu, công việc này đã cần rất nhiều thời gian và công sức, tôi cảm thấy đây là một thách thức khi phải làm tốt hạng mục và cả công việc thường ngày của mình. Cho nên trong nhiều năm qua, hạng mục này đã trở thành yếu tố chủ đạo trong cuộc sống của tôi.

Sư phụ giảng:

“Dù sao đi nữa, Minh Huệ Net làm cho đến hôm nay, quả thực rất xuất sắc. Từ tác dụng mà xét, có sức mạnh vạch trần bức hại của tà ác, nhất là mấy năm gần đây, từ khi bức hại bắt đầu trở đi; cũng kịp thời phản ánh tình huống chân thực của trạng thái tu luyện của đệ tử Đại Pháp; đồng thời cũng khởi tác dụng liên thông giữa các học viên với nhau. Dẫu là ở Trung Quốc cũng vậy, ở bên ngoài Trung Quốc cũng vậy, vô luận là ở địa phương nào, các học viên đều có thể tiến hành giao lưu thông qua Minh Huệ Net; khiến đệ tử Đại Pháp có thể có được cửa sổ [giao lưu] như thế trong tu luyện; giữa [đệ tử] với nhau có thể kịp thời biết được tình huống tu luyện chỉnh thể của đệ tử Đại Pháp, khởi tác dụng câu thông với nhau một cách gián tiếp. Điều ấy rất tốt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Minh Huệ Net mười năm)

Thật khó để diễn tả sự trân quý sâu sắc của tôi khi được là một phần của nhóm, được giao nhiệm vụ xử lý các bài viết từ các học viên Trung Quốc và các học viên trên toàn thế giới, khiến độc giả phương Tây dễ tiếp cận hơn. Tôi thấy mình nhỏ bé trước cơ hội này và đây là vinh dự to lớn với tôi. Đặc biệt trong khoảng thời gian rơi vào tình trạng trì trệ không tiến lên nổi trong tu luyện, tôi cảm thấy mình phải thông qua việc làm hạng mục này, hằng ngày đọc các bài chia sẻ của đồng tu, để có thể vượt lên trong tu luyện.

Làm việc cho Minh Huệ là cách để tôi có thể phục vụ cho Đại Pháp, cho các đồng tu và kể cả những người không tu luyện. Đây là trách nhiệm rất lớn và tôi tin rằng thái độ của chúng ta khi làm việc với các bài chia sẻ sẽ có ảnh hưởng đến việc các bài viết được đón nhận và thấu hiểu bởi người đọc, đặc biệt là những người không tu luyện. Tôi cố gắng để tiếp cận mỗi bài viết với sự trân trọng, trong khi luôn luôn ghi nhớ mỗi lần khi biên tập, rằng đây có thể là ấn tượng đầu tiên của người đọc về Đại Pháp và các học viên.

Qua những năm tháng làm việc cho Minh huệ, tôi đã biết kiềm chế sự nóng nảy và có thể loại bỏ được những bột phát, tôi không còn giống như trước đây, thỉnh thoảng lại vì sự bất đồng ý kiến với các thành viên khác mà không khống chế được cảm xúc, liên tục gửi những email bày tỏ sự phẫn nộ. Giờ đây, tôi không còn bị kích động nữa và không bực bội nữa, mỗi khi bực bội, đó là lúc tôi phải hướng nội tìm.

Tôi rất cảm kích với sự nỗ lực, kiên định không lay động và sự thành thục trong tu luyện của các thành viên trong nhóm, tôi cũng cảm kích với sự vất vả và phó xuất cự đại của toàn thể các học viên làm Minh Huệ. Bao gồm những người điều phối, thành viên viết bài, các dịch giả, người đăng bài, biên tập, đồng tu phụ trách IT, mỗi người đều góp phần vào hoạt động của hạng mục, giúp các đồng tu ở các khu vực khác nhau có thể giao lưu tâm đắc thể hội, đồng thời ghi lại những thông tin bức hại tàn khốc. Mỗi khi đọc các bài viết về các hoạt động giảng chân tướng và hồng Pháp của các học viên trên thế giới, tôi đều thấy rất vui. Tôi rất khâm phục các đồng tu đến từ khắp nơi trên thế giới đang giảng chân tướng trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Nhiều học viên trong nhóm của chúng tôi đã trải qua những ma nạn và tổn thất to lớn. Tôi rất đau xót vì những ma nạn và tổn thất đó, mặc dù vậy niềm tin của tôi với Đại Pháp không bao giờ thay đổi.

Còn rất nhiều việc phải làm

Tính cách và cách làm việc của tôi khá chậm và ổn định, nó có chỗ tốt của nó, nhưng đôi khi có khả năng dẫn đến sự tự mãn. Là một người tu luyện, tôi cố gắng liên tục xem xét các suy nghĩ của mình, để chắc chắn rằng chúng phù hợp với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi biết điều này rất quan trọng đối với công việc hạng mục Đại Pháp và thái độ đối với các đồng tu, và cũng liên quan đến công việc và cuộc sống thường ngày. Nhiều khi việc xảy ra xong, tôi mới tôi lại nhắc nhở bản thân mình: “Tại sao tôi lại thấy điều này? Tại sao người này cư xử theo cách này?” Trong khi tôi rất dễ tính và không quá khắt khe với bạn bè, người lạ, thậm chí là những tài xế ẩu trên đường, tôi có thể khá khó chịu khi người nhà làm những điều mà tôi không thích. Tôi đang cố gắng hướng nội về những vấn đề này và loại bỏ các chấp trước vào tình, đôi khi cũng là tâm tật đố khởi tác dụng, khiến tôi sinh ra tâm oán hận. Chỉ có thông qua tu luyện bản thân, tôi mới có thể đạt được tiêu chuẩn Nhẫn của người tu luyện.

Tôi thường xuyên nhớ đến đoạn Pháp này:

“Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính. Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Thế nào là Nhẫn – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Có nhiều khía cạnh khác mà tôi cần phải đột phá và theo kịp. Đầu tiên là phải chăm chỉ luyện công. Tôi khá sẵn lòng làm việc gì đó giúp người khác, nhưng đối với những việc mà tôi cảm thấy không nhất định phải làm, hay những việc mà tôi thấy không có giúp ích gì cho người khác, tôi lại không muốn làm. Trong tâm tôi biết suy nghĩ này không đúng, và mặc dù đúng là hằng ngày tôi rất bận rộn, nhưng tôi biết rõ đây là chấp trước lười biếng và an nhàn của mình. Tôi quyết tâm phải đột phá về phương diện này, loại bỏ những chấp trước này và làm tất cả những việc mà một học viên nên làm.

Tôi cũng cần vượt qua tâm do dự để giảng chân tướng trực diện. Mặc dù tôi trân trọng tất cả mọi người, nhưng về cơ bản tôi là người khá hướng nội. Tôi cũng có tâm lo lắng về những người có tôn giáo khác không hiểu Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, sau khi hướng nội, tôi thấy chấp trước vào sự an nhàn và giữ thể diện. Đây là những chấp trước mà tôi phải loại bỏ hoàn toàn. Gần đây, tôi đã có cơ hội làm việc với các học viên khác khi nói chuyện với các quan chức về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc đàn áp ở Trung Quốc, và những trải nghiệm này đã giúp tôi vượt qua những khó khăn này.

Tôi rất biết ơn các đồng tu ở khắp mọi nơi, những người đã giúp tôi hiểu được thực tu là gì. Khó có thể thực sự diễn tả bằng lời sự tôn kính và lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ và Đại Pháp, khi tôi dần trưởng thành trên con đường tu luyện. Tôi biết rằng tôi cần phải tăng tốc và quyết tâm hơn nữa. Cảm ơn các đồng tu, hợp thập.

(Trình bày tại Pháp hội Kỷ niệm 20 năm Minh Huệ – đã được biên tập)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/3/387641.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/4/177914.html

Đăng ngày 08-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share