Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở hải ngoại
[MINH HUỆ 04-06-2019]
Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi đắc Pháp năm 1998. Cho đến hôm nay, trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ rõ quang cảnh luyện công tập thể của hơn 100 người ở Tử Trúc Viện, Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tôi đắc Pháp khi mới tốt nghiệp đại học. Tôi tham gia nhóm học Pháp nhỏ ở địa phương, hồng Pháp cùng với các bạn đồng tu, mở lớp nghe giảng Pháp chín ngày, thỉnh nguyện ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc và cũng tham gia các cuộc diễu hành và mít-tinh với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Về sau, người điều phối của Minh Huệ địa phương đã gọi điện thoại cho tôi, mời tôi tham gia nhóm biên tập Minh Huệ. Tôi đã làm việc như thế suốt 15 năm qua, đến nay tôi đã là một phụ nữ trung niên. Tôi đã ra hải ngoại 20 năm nay. Đó cũng là 20 năm theo Sư phụ chứng thực Pháp ở hải ngoại. Thể hội lớn nhất của tôi là, cho dù có gặp tuyệt cảnh và vực sâu của trời sập đất lở thì tâm tôi vẫn rất vững vàng. Tôi đã nhiều lần nhớ đến một câu Pháp của Sư phụ: “Có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, sợ cái gì?”
Sư phụ giảng:
“Nếu chư vị không để ý, không để nó trong tâm, núi xanh còn kia thì không lo củi đốt, có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, sợ cái gì? Kệ nó! Khi vừa vứt bỏ, chư vị sẽ phát hiện thấy nạn trở nên nhỏ, chư vị trở nên lớn, chư vị chỉ một bước liền vượt qua, nạn kia biến thành chẳng là gì cả, đảm bảo là như vậy.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])
Từ Đại Kỷ Nguyên đến Minh Huệ
Khi tôi mới bắt đầu tham gia Minh Huệ, tôi vẫn là trưởng chuyên mục của thời báo Đại Kỷ Nguyên. Vì vậy trong tâm trí tôi vẫn là mạch suy nghĩ và phong cách văn chương của người làm báo. Khi mới chuyển sang Minh Huệ, tôi luôn bị người điều phối góp ý phê bình. Lúc ấy, tâm tôi không buông xuống được, phản ứng đầu tiên của tôi là: “Không có vấn đề gì lớn, mình có thể rời đi, vẫn còn nhiều hạng mục khác để làm kia mà.” Tôi tu luyện trong hoàn cảnh khép kín, không nhìn thấy cũng không cảm thấy không gian bên ngoài là như thế nào. Lần đó, khi tôi giận không muốn làm việc, tôi đã xuống tầng dưới để luyện công. Lúc luyện đến bài công pháp thứ hai, lần đầu tiên tôi cảm nhận được rất rõ ràng Pháp Luân đang xoay tròn chầm chậm trong tay, một cảm giác vô cùng ấm áp khiến nước mắt tôi tuôn rơi ngay lúc ấy. Tôi biết rằng đây là sự quan tâm và khích lệ của Sư phụ dành cho tôi. Tôi không thể từ bỏ chỉ bởi thất bại nhỏ như vậy. Mặc dù nhìn trên bề mặt tôi có thể làm hạng mục khác, nhưng nếu tôi mang tâm nóng giận không bỏ được thì dù đến đâu cũng sẽ làm không tốt, và có mâu thuẫn. Niềm vinh dự của tôi là có thể được tham gia hạng mục Minh Huệ, tôi nên trân trọng và nhanh chóng bắt kịp. Vừa đúng lúc Đại Kỷ Nguyên cũng đang tổ chức lại, và công việc phụ trách thời báo của tôi cũng bị loại bỏ, nên tôi cũng toàn tâm làm việc ở hạng mục Minh Huệ hơn.
Nhưng sau đó khảo nghiệm lại đến, bài của tôi biên tập luôn có vấn đề, nếu không phải là lỗi chính tả thì cũng là sử dụng các cụm từ không phù hợp, thậm chí còn có vấn đề về nguyên tắc nữa, khiến tôi luôn bị góp ý bởi các biên tập viên cuối cùng. Một lần nọ, tôi thực sự cảm thấy nản lòng, bèn viết một email gửi đến điều phối viên địa phương, nói rằng tu luyện của bản thân tôi không thể theo kịp, cũng luôn không phù hợp với yêu cầu của công việc hậu trường, coi như đã làm không tốt. Cô ấy đã nhanh chóng trả lời tôi, cô phân tích và giải thích từng điều từng điều dựa trên những lý do mà tôi viết, dường như không có vấn đề gì cả. Cuối cùng, cô còn nói thêm một câu, nhớ chỉnh sửa bài viết cẩn thận hơn chút nữa là tốt rồi. Tôi chân thành cảm ơn đồng tu điều phối, cô ấy đã sử dụng trí huệ để xua tan những ý nghĩ tiêu cực của tôi, còn khuyến khích tôi nên củng cố thiếu sót của mình. Từ đó về sau, tôi không còn nghĩ đến việc rời khỏi hạng mục Minh Huệ nữa.
Nghĩ lại, điều gì đã khiến bản thân mình kiên trì suốt 15 năm qua? Dường như cũng không có nguyên nhân gì đặc biệt cả. Nhiệm vụ biên tập đã trở thành trách nhiệm, thói quen hàng ngày trong cuộc sống, và là một phần trong sinh mệnh của tôi. Mỗi ngày tôi thấy các bài viết được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới, trình độ viết bài thì chênh lệch khác nhau. Trách nhiệm của tôi là giúp đỡ, giúp đỡ chuyển đổi các bài viết với trình độ và văn phong khác nhau ấy trở nên dễ đọc dễ hiểu, để bài viết có thể khởi tác dụng phản bức hại và cứu người. Hàng tuần, tôi gặp các biên tập viên khác để cùng nhau thảo luận, cùng nhau phân tích về các bài báo và hình ảnh. Tôi cũng tham gia nhóm truyền thông địa phương khi có các hoạt động tại địa phương, và phối hợp với các kênh truyền thông khác để viết bài cho Minh Huệ. Và 15 năm đã trôi qua như thế đó. Kỳ thực, bản thân tôi là người được hưởng lợi nhiều nhất. Tôi đã trưởng thành từ trong hạng mục này, đề cao tâm tính, đối diện với những sự kiện khẩn cấp bất ngờ, tham gia hoạt động quy mô lớn, cùng viết báo cáo với các đồng tu khác, và bắt kịp tiến trình Chính Pháp của Sư phụ.
Trưởng thành trong hạng mục Minh Huệ
Sự đột phá lớn nhất trong phương diện tâm tính của bản thân tôi, đó là không còn tùy ý chủ quan phán xét người khác nữa, tôi biên tập các bài viết với một tâm trí bình hòa và trung thực. Trước đây khi biên tập bản thảo, đôi lúc sẽ nghĩ thế này: bài viết của vị học viên này thật quá khó để chỉnh sửa, thậm chí tôi còn hy vọng biên tập viên khác sẽ lấy bài viết này, để bản thân tôi không phải động não suy nghĩ nhiều như thế. Và tôi thích chọn biên tập bài từ các học viên hoặc khu vực có phong cách viết khá trưởng thành để không cần chỉnh sửa quá nhiều. Tôi biết rằng bản thân mình cứ có vấn đề như thế, và luôn muốn khắc phục nó, nhưng dường như kết quả không được khả quan lắm.
Mỗi năm, tôi đều tham gia đưa tin về Thần Vận tại địa phương của chúng tôi, và cũng hỗ trợ các khu vực khác. Những năm gần đây, nhiều học viên trẻ cũng bắt đầu tham gia viết bài về Thần Vận, họ phiên âm từ các bản ghi âm cuộc phỏng vấn video và MP3. Điều này đã giảm được đáng kể gánh nặng viết bài của chúng tôi. Tôi nhận thấy rằng những tiểu đệ tử này không bao giờ phán xét bất cứ điều gì, mà chỉ ghi chép lại nội dung các cuộc phỏng vấn một cách trung thực, cũng không phàn nàn tiếng Anh của phóng viên này không tốt, hoặc phóng viên kia dài dòng ra sao, v.v.. Có lẽ trong sinh mệnh của họ không có những thứ của văn hóa đảng, nên mới phản ánh ra những điều thuần chân lương thiện như thế. Tôi cảm thấy kinh ngạc khi nhìn thấy khoảng cách chênh lệch của bản thân mình khi đứng trước những tiểu đệ tử này. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy biểu hiện của văn hóa đảng trên thân mình, cũng như những vấn đề không thiện, không tu khẩu.
Sư phụ giảng:
“Chúng ta giảng tu khẩu, ấy là những danh lợi chưa vứt bỏ được nơi người thường và những gì không liên quan gì đến công tác thực tế ngoài xã hội của người tu luyện; hoặc chuyện phiếm vô dụng giữa các đệ tử đồng môn; hoặc muốn hiển thị xuất phát từ tâm chấp trước; hoặc những điều nghe ngoài đường hay tin đồn lưu truyền; hoặc một số việc ngoài xã hội hễ đàm luận đến liền thấy hưng phấn, thích nói [về chúng]; tôi nghĩ rằng chúng đều là tâm chấp trước của người thường.” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Khi tôi đọc lại đoạn Pháp này, thật là trực chỉ nhân tâm, khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ. Mặc dù bản thân tôi không có “say sưa trò chuyện” như thế, nhưng tôi cũng có thái độ tương tự sau khi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa đảng, và điều này nên bị loại bỏ ngay lập tức. Ngộ đến đâu thì làm đến đó, ngoảnh đầu nhìn lại bản thân mình trong công việc biên tập ở Minh Huệ, khi trong tâm có ít đi những quan niệm và suy nghĩ không đúng của người thường, lúc ấy tôi đọc lại mỗi bài được gửi đến, vẫn là những bài đến từ cùng đồng tu và khu vực đó, nhưng tôi đã không còn kiểu chú ý như trước, cũng không tùy tiện đánh giá bất cứ điều gì. Sau khi trong tâm không còn những tạp niệm đó, công việc biên tập của tôi cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Năm nay, việc hiệu đính các bài đưa tin về Thần Vận ở bước biên tập thứ hai nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Đôi khi, phóng viên cấp một chúng tôi và tổng biên tập cảm thấy rõ ràng rằng bài viết đã phù hợp với yêu cầu. Nhưng gửi đến người đánh giá cấp hai liền bị từ chối, điều này khiến chúng tôi cảm thấy bất lực vì nhiều thời gian và nỗ lực đã bị lãng phí. Bởi vì địa phương chúng tôi có nhiều đợt diễn xuất Thần Vận trong năm nay và áp lực phải đưa tin về các chương trình hết sức lớn. Khi bài viết của tôi bị từ chối đăng lần thứ hai, tôi cảm thấy sự mâu thuẫn với biên tập viên cấp hai này đã đẩy nhân tâm của bản thân mình lên đến đỉnh. Ngay cả tổng biên tập cũng nói rằng tôi có thể đi khiếu nại với tổng hội, và một số phóng viên khác nói các bài sẽ được đăng nếu chúng tôi thay đổi người biên tập cấp hai v.v..
Những trải nghiệm trong tu luyện mà bản thân tôi có được trong khi làm hạng mục Minh Huệ đã thay đổi ý nghĩ của tôi, khiến tôi nghĩ khác, tại sao mình phải phán xét người biên tập cấp hai như thế như thế? Hãy làm tốt những gì tôi nên làm, tôn trọng lẫn nhau, phải buông bỏ mới đề cao được, buông bỏ những tâm mà tôi cảm thấy không phù hợp với tiêu chuẩn, tiến về phía trước, để viết một cách trung thực về lòng biết ơn của tất cả chúng sinh dành cho Thần Vận, và những lời nói của những sinh mệnh được cứu độ ấy mới là ưu tiên hàng đầu của tôi. Thế là tôi nhanh chóng thoát khỏi tâm lý tiêu cực của mình. Tôi cũng khuyến khích các phóng viên hiện trường khác và tổng biên tập, cùng chia sẻ suy nghĩ với họ, khiến cho mọi người đều nhìn thấy được mặt tốt, mặt tươi sáng tích cực. Sau đó chúng tôi lại phối hợp viết bản thảo, hiệu quả thật sự rất tốt đẹp, không còn xảy ra việc bản thảo bị từ chối nữa. Bây giờ nhớ lại các khảo nghiệm tâm tính và áp lực của những năm ấy, dường như tất cả đã tan như mây khói. Giống như Sư phụ đã giảng:
“Khi vừa vứt bỏ, chư vị sẽ phát hiện thấy nạn trở nên nhỏ, chư vị trở nên lớn, chư vị chỉ một bước liền vượt qua.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])
Sư phụ giảng:
“Vượt quan rất khó, vượt qua rồi quay đầu lại nhìn quan đó kỳ thực chẳng là gì cả, nhưng không biết tại sao lúc đó lại chấp trước đến vậy. Bản thân thực sự vượt qua rồi, vậy tâm tính cũng đề cao lên rồi, nghiệp sẽ tiêu đi, bảo đảm là như vậy.” (Giảng Pháp lần thứ nhất tại Mỹ quốc [1996], Giảng Pháp tại các nơi I)
Mấy ngày trước, có một vị đồng tu khác đang viết một bài báo cáo toàn diện. Sau khi tôi gửi cho cô ấy một số tài liệu, và một tin nhắn nói rằng: Chị vất vả quá! Cô ấy đã trả lời: Không vất vả đâu, thực sự đây là một vinh dự! Tôi đọc tin nhắn này, và trong tâm nghĩ rằng: Đúng rồi, được tham gia Minh Huệ, ở trong hạng mục mà trưởng thành cùng mọi người, đề cao tâm tính, ghi chép lại đoạn lịch sự đầy cảm động này, đó chẳng phải là vinh dự của chúng tôi sao. Đây cũng là suy nghĩ chân thành của mỗi học viên chúng tôi trong hạng mục Minh Huệ.
Kết luận
Trên con đường tu luyện gập ghềnh khúc khuỷu, rất cảm ơn những bạn đồng tu xung quanh tôi. Như thể đã có thệ nguyện tiền sử với nhau, đến thế giới này, bất kể gặp bao nhiêu khó khăn đều phải giúp nhau vượt qua. Tôi không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn tả hết được, chúng tôi chỉ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau học Pháp, cùng nhau luyện công, cùng nhau mở các buổi họp hạng mục. Tất cả những điều này khiến tôi có thể bắt kịp sự tu luyện của mình, không bị rơi rớt lại.
Tôi đã mất con gái nhỏ của mình vài năm trước. Khi con gái ra đi, tôi tuyệt vọng đến nỗi đột nhiên cảm thấy không còn điều gì có ý nghĩa nữa. Tôi đóng chặt cửa tâm trí của bản thân và cảm thấy rằng mình đã thất bại đến cùng cực. Tất cả các học viên xung quanh tôi đều ở đó, và không rời bỏ tôi. Đôi khi, họ gửi cho tôi một bức ảnh đẹp về buổi sáng sớm luyện công của họ, gửi cho tôi một chút thể ngộ của bản thân họ về buổi học Pháp ngày hôm đó, mời tôi đi ăn trưa, hoặc đôi khi dẫn tôi cùng đi dán áp phích Thần Vận v.v.. Tôi cảm nhận được sự quan tâm thầm lặng của mọi người, nhưng bản thân tôi vẫn không sao đứng lên được. Nghiêm trọng nhất là có những ngày tôi không thể cầm nổi quyển sách Chuyển Pháp Luân. Điều duy nhất tôi có thể làm là đọc Minh Huệ Net, đọc những câu chuyện tu luyện, chia sẻ đề cao tâm tính, trí huệ giảng chân tướng, và các bài báo nước ngoài. Tất cả các bài báo, không đặc biệt nhắm vào một cái gì đó, chỉ là những ghi chép cẩn thận một cách trung thực và rõ ràng về lịch sử loài người thời kỳ này.
Những bài báo này lặng lẽ nuôi dưỡng tôi. Mỗi ngày, tôi đọc tất cả các bài viết mà không bỏ lỡ một bài nào. Tôi nhìn thấy tất cả các học viên ở mọi góc phố trên khắp thế giới, cho dù họ gặp phải bất cứ điều gì cũng đều kiên định tín tâm tu luyện, thật sự khiến tôi cảm động sâu sắc. Và tôi bắt đầu quay lại dần dần.
Sau đó, có hai đồng tu của Minh Huệ đã tìm đến tôi, và học Pháp cùng tôi. Ba người chúng tôi ở ba múi giờ khác nhau. Chúng tôi bắt đầu học từ “Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore” của Sư phụ giảng năm 1998, cảm giác dường như mọi thứ chỉ mới bắt đầu lại từ đầu, như chưa từng có điều gì xảy ra. Chúng tôi bắt đầu học Pháp từ lời giải thích về ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn. Khi học Pháp, tôi quên hết những chuyện khác. Lúc ấy tôi giống như một học sinh tiểu học, bắt đầu học từng chút một từ những điều sơ khai, bắt đầu học lại từ đầu. Tôi cũng cảm thấy như thể tôi đã trở lại năm 1998, khi tôi tham gia nhóm học Pháp lớn lần đầu tiên ở Bắc Kinh, như tâm thái bắt đầu tu luyện của một học viên mới, vực dậy một lần nữa. Cảm ơn các bạn đồng tu đã âm thầm hỗ trợ. Vẫn là một câu Pháp ấy của Sư phụ:
“Có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, sợ cái gì?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])
Cảm ơn Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!
(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Kỷ niệm Minh Huệ Net 20 năm)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/4/【明慧法会】跟随明慧项目组成长-387645.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/6/177946.html
Đăng ngày 22-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.