Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-02-2019] Từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cách đây 19 năm, tôi đã có nhiều thay đổi tích cực. Tôi trở nên thiện lương, hiểu biết hơn, và cuộc sống của tôi cũng ngày càng tốt đẹp hơn. Dưới đây, tôi xin chia sẻ một vài trải nghiệm tu luyện của bản thân; đồng thời, tôi cũng muốn gửi lời cảm tạ đến Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) vì Ngài đã ban cho tôi một tấm lòng quảng đại.

“Chỉ các học viên Pháp Luân Đại Pháp mới có thể bao dung như vậy!”

Đầu năm 2014, tôi bị bắt giam trong một trại tạm giam vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Với chủng khổ nạn này, đệ tử Đại Pháp chúng ta không cầu nhưng cũng không sợ. Lúc đó tôi nghĩ: “Nếu như đã đến đây, thì ta sẽ lợi dụng thật tốt cơ hội này để cứu người.”

Tôi bị giam chung với một phụ nữ họ Nghiêm. Bình thường, tôi và bà ấy rất hòa hợp với nhau. Vì bà không có tiền mua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày nên tôi đã đưa đồ của tôi cho bà dùng. Mỗi khi gia đình gửi thức ăn vào cho tôi, tôi đều chia sẻ với bà. Tôi còn thường động viên và giúp đỡ bà. Bà cũng kể với những người xung quanh rằng tôi đối xử với bà rất tốt.

Một hôm, trong một buổi họp tại trại giam, bà đột nhiên đứng dậy và dùng những lời lẽ gay gắt để chế giễu và buộc tội tôi trước mặt hơn 40 người khác. Mọi người đều nhận thấy rằng bà thật quá đáng và những gì bà nói đều là bịa đặt. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ điềm tĩnh và chỉ im lặng lắng nghe. Không những vậy, tôi còn xem xét lại hành vi của bản thân và cố gắng nghĩ xem liệu mình đã làm gì sai. Sư phụ giảng: “Đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân). Tôi biết rằng tôi không những không thể oán hận bà, mà còn phải hướng nội tìm sai sót của bản thân và còn phải cảm ơn bà vì đã cho tôi một cơ hội để đề cao.

Sau buổi họp, nhiều người đã bênh vực cho tôi. Tuy nhiên, tôi khuyên họ không nên buộc tội bà Nghiêm, bởi vì cuộc sống của bà rất khó khăn, bà cũng không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Tôi nói với họ rằng có lẽ tôi đã sai ở chỗ nào đó nên mới xuất hiện tình huống như vậy, chứ tôi không hề oán trách bà.

Mai Mai, người quản lý phòng giam của chúng tôi nói với tôi: “Bà ấy bắt nạt bà thật thậm tệ, vậy mà bà vẫn đối xử tốt với bà ấy như trước. Chỉ có học viên Pháp Luân Đại Pháp mới có thể bao dung được như vậy.”

“Sự thiện lương của dì khiến cháu cảm thấy hổ thẹn”

Một tù nhân trẻ tuổi họ Từ thường hay gây khó dễ cho tôi. Một lần, khi đang giặt đồ lót, cô ấy làm văng bong bóng xà phòng lên khắp mặt tôi. Nhưng cô ấy chỉ cười nhếch mép và nói “Xin lỗi.” Tôi mỉm cười và đáp lại: “Không có gì.”

Tôi nghĩ: “Mình là một đệ tử Đại Pháp, tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt, mình không nên chấp nhặt cô ấy. Có lẽ kiếp trước, mình đã bắt nạt cô ấy, và bây giờ cô ấy đang giúp mình trả nợ.”

Trong trại giam, chúng tôi thường thay đổi chỗ ngủ luân phiên. Một lần, cô ấy được sắp xếp ngủ cạnh tôi trong suốt một tuần. Chiếc giường rất nhỏ, chỉ nghiêng người mới có thể nằm ngủ chung được, nhưng cô lại nằm ngửa, do vậy tôi phải nằm nghiêng áp chặt vào tường. Cả đêm, tôi không thể động đậy được, tôi sợ rằng chỉ một cử động nhỏ của tôi cũng có thể khiến cô ấy tỉnh giấc.

Trong suốt mấy đêm đó, cô ấy không những ngủ với tư thế nằm ngửa, mà cô còn liên tục dịch người sang phía của tôi. Tôi vừa mới chợp mắt được một lúc thì lại bị cô ấy đá chân vào và đánh thức. Do vậy, tôi hầu như không ngủ được. Nếu không phải là một đệ tử Đại Pháp, thì có lẽ tôi đã đánh nhau với cô ấy, nhưng tôi biết rằng tôi cần nghe theo lời dạy của Sư phụ và khoan dung và nghĩ cho người khác.

Trong một buổi họp tại trại giam, tôi chân thành nói với những người xung quanh: “Bình thường, nếu tôi có gì không phải, xin mọi người hãy bỏ qua cho tôi. Đồng thời, tôi cũng đánh giá cao tất cả những gì mà mọi người đã làm cho tôi!” Vừa nói tôi vừa đưa ánh mắt nhìn cô Từ và mỉm cười. Lúc này, cô chỉ nói: “Dì à, sự lương thiện của dì khiến cháu cảm thấy rất hổ thẹn!”

Những người tham gia bức hại cũng chính là nạn nhân

Chiểu theo lời dạy của Sư phụ, tôi không những không oán hận những người bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp, mà còn tận lực cứu độ họ.

Năm 2014, trong lúc tôi bị bắt cóc, một nhân viên tuần tra đã đấm mạnh vào mặt tôi khiến một bên mắt của tôi bị sưng tím một thời gian dài. Sau đó, khi con trai tôi đến thăm tôi tại đồn cảnh sát và nhìn thấy thương tích của tôi, cháu rất tức giận. Cháu liền chụp ảnh bên mắt bị bầm tím của tôi và nói rằng cháu sẽ đi tính sổ với kẻ đã đánh tôi. Tuy nhiên, tôi đã ngăn cháu lại. Sau khi tôi được thả về nhà, cháu nói với tôi rằng cháu đã lên kế hoạch đi đánh cho nhân viên tuần tra kia một trận. Tôi nói với cháu: “Con hãy tha cho anh ta. Anh ta cũng chỉ là nạn nhân của cuộc bức hại này. Mẹ là một đệ tử Đại Pháp, còn con là con trai của mẹ. Chúng ta không nên cứ oan oan tương báo như vậy, mà cần phải có tấm lòng khoan dung độ lượng.”

Từ đó, con trai tôi không bao giờ nhắc đến chuyện báo thù nữa.

Trong suốt hai năm rưỡi bị cầm tù, đặc biệt là khi bị giam giữ không chính thức, tôi đã bị ngược đãi khủng khiếp. Nhưng tôi không hề oán hận cảnh sát, giám ngục, quan tòa, các nhân viên của Phòng 610, hay các tù nhân giám sát tôi. Trong quá trình tu luyện bản thân, tôi đã loại bỏ được tâm bất bình. Thay vì tức giận, tôi cảm thấy thương xót cho họ vì đã phạm trọng tội bức hại các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp. Đôi khi, tôi còn rơi lệ vì họ.

Một trong những tù nhân giám sát tôi hỏi rằng tôi có hận bọn họ không. Tôi lập tức nói, tôi không hề hận họ bởi vì họ cũng chính là nạn nhân của cuộc bức hại. Sư phụ đã ban cho chúng ta một tấm lòng quảng đại, người thường thật khó mà hiểu được.

Sức mạnh của lòng từ bi

Mẹ đẻ của con dâu tôi là một phụ nữ thiện lương, rất giỏi giang, cả đời bà đã trải qua rất nhiều gian khổ. Lần đầu tiên tôi giảng chân tướng cho bà về Pháp Luân Đại Pháp, bà rất ủng hộ tôi và còn tặng cho tôi một miếng thảm len để tôi đả tọa vào mùa đông. Tôi rất cảm động bởi lòng tốt của bà.

Tuy nhiên, thái độ của bà đã hoàn toàn thay đổi sau khi tôi bị bắt giam vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Một ngày năm 2017, con dâu tôi mời tôi đến thăm nhà mẹ đẻ của cháu. Khi đến nơi, hai vợ chồng cháu ra chợ mua thức ăn, còn tôi ở lại nói chuyện với bà thông gia. Tôi liền lấy ra một cuốn tài liệu chân tướng về Đại Pháp và đưa cho bà, nhưng bà bỗng trở nên giận dữ và nói những lời bất kính về Đại Pháp và Sư phụ. Bà còn tỏ thái độ khinh bỉ tôi và muốn đoạn tuyệt quan hệ với tôi.

Tôi sững sờ và cảm thấy rất buồn. Tuy nhiên, tôi không muốn bà nổi nóng thêm nữa, vì vậy tôi không tranh luận với bà, thay vào đó tôi khuyên bà hãy bình tĩnh trở lại. Lúc ấy, tôi không những không giận bà, mà còn tự trách bản thân vì đã không tu luyện đủ tốt để giúp bà minh bạch chân tướng. Tôi đã khiến bà phải thất vọng.

Cuối cùng, trước khi hai vợ chồng con trai tôi về đến nhà, bà đã bình tĩnh lại, và mọi thứ đã trở lại bình thường. Trong lúc chúng tôi nấu cơm, bà còn nói với tôi: “Hôm nay, tôi chửi mắng bà thậm tệ như vậy, chắc bà ăn sẽ không thấy ngon.” Tôi mỉm cười và đáp lại: “Không, tôi sẽ ăn rất ngon miệng!” Bà ấy nói: “Đương nhiên là như vậy nhỉ!” Chúng tôi vừa cười vừa nói chuyện như thể không có chuyện gì xảy ra.

Lúc tiễn tôi ra về, bà hỏi tôi liệu tôi vẫn cảm thấy ổn chứ. Tôi nói rằng tôi là một người tu luyện và tôi không sao cả. Sau đó, cả hai chúng tôi cùng phá lên cười.

Vài tháng sau, bà tổ chức sinh nhật và mời tôi đến ăn cơm. Đó là lần đầu tiên tôi gặp cháu trai của bà. Tôi muốn giảng chân tướng cho cháu về Pháp Luân Đại Pháp nhưng lại lo rằng bà sẽ nổi giận. Tuy nhiên, trong đầu tôi cứ xuất hiện những lời giảng của Sư phụ về cứu độ chúng sinh, vì vậy tôi quyết định không thể bỏ lỡ cơ hội này.

Tôi bảo cháu trai của bà dùng điện thoại di động tìm kiếm thông tin về Pháp lệnh số 50 của Tổng cục Báo chí và Xuất bản, và Điều luật bổ sung số 99 và 100. Cháu vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện rằng lệnh cấm xuất bản các sách của Pháp Luân Đại Pháp đã được dỡ bỏ từ ngày 1 tháng 3 năm 2011. Cháu đọc lại nhiều lần thông tin này, nhưng bà thông gia của tôi đã giật lấy điện thoại của cháu và không cho cháu đọc nữa. Tôi lặng lẽ phát chính niệm thanh trừ những nhân tố can nhiễu đằng sau bà, và tiếp tục nói chuyện với họ.

Có lẽ lực lượng từ bi của tôi đã khởi được tác dụng, vì vậy, lúc tôi ra về, bà đã mỉm cười và nói với tôi: “Chị hãy luyện công cho tốt nhé!”

Con xin cảm tạ Sư phụ vì đã ban cho con một tấm lòng quảng đại như vậy!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/2/27/382509.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/14/176147.html

Đăng ngày 09-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share