Bài viết của một học viên ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-04-2018] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2015. Tôi bận rộn giúp các đồng tu viết các bài chia sẻ vào tháng Ba và tháng Tư và kể từ đó tôi cảm thấy được truyền rất nhiều cảm hứng. Tôi thấy rất mừng vì Sư phụ đã cho tôi cơ hội quý giá để đề cao này. Trước hạn nộp bài cho dịp chia sẻ kinh nghiệm nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp 2017, một đồng tu tên là Aiyin đã hỏi liệu tôi có thể giúp viết bài chia sẻ được không. Khi tôi trả lời là có thì hai chúng tôi bắt đầu cùng thu thập các câu chuyện tu luyện của một đồng tu. Sau khi cô ấy kể cho chúng tôi về những kinh nghiệm của mình, tôi đã sắp xếp lại và viết ra một bản nháp đầu tiên. Sau đó hai đồng tu đó cùng xem và thêm những thông tin còn sót, chỉnh sửa những chi tiết sai và gạch đi những phần cảm xúc không cần thiết.

Đối với tôi, quá trình viết bài và chỉnh sửa thực sự là một quá trình tu luyện. Ban đầu, tôi không vui khi thấy họ chỉnh sửa bản nháp của tôi, tôi đã nghĩ rằng họ không đồng ý với những gì mình viết. Tôi thấy bực mình và muốn bảo vệ bản thân khi họ nhờ tôi viết lại một số phần. Tôi thậm chí còn có ác cảm và tự nhủ: “Nếu các vị giỏi thế thì ngay từ đầu sao không tự viết đi?”

Qua quá trình chỉnh sửa và viết lại, tôi dần nhận ra rằng việc viết các bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện để chứng thực Pháp không phải là việc dùng những kỹ năng của người thường như thêm thắt, tưởng tượng để lôi cuốn cảm xúc của người thường. “Chân” mới là kỹ năng tốt nhất. Tất cả các vị thần đều đang quan sát tỉ mỉ và mọi điều đều được lưu lại trong lịch sử. Viết điều đó ra trong thế giới nhân loại là một nhiệm vụ thần thánh và là vinh diệu mà Sư phụ ban cho tôi. Tôi cần phải làm tốt để thực sự chứng thực Pháp.

Bài chia sẻ đó đã được chấp nhận và đăng trên trang web Minh Huệ, đây là kết quả của sự nỗ lực và phối hợp của mọi người.

Tôi không thể kiềm chế được niềm vui và bắt đầu giới thiệu bài chia sẻ đó với tất cả các bạn đồng tu của tôi. Mặc dù tôi nói với họ đó là bài chia sẻ tu luyện của một học viên địa phương chúng tôi nhưng thông điệp ngầm là: “Xem này, tôi là người đã viết bài này đấy.” Ở nhà, tôi khăng khăng đọc cho bố mẹ nghe phần kể về tín tâm kiên định của học viên đó vào Sư phụ và Đại Pháp đã mang lại kết quả kỳ diệu. Trên bề mặt, tôi đọc phần đó là để khích lệ và thuyết phục họ quay trở lại tu luyện Đại Pháp, họ đã ngừng tu luyện sau năm 1999. Trong tâm, tôi chỉ là đang hiển thị bản thân: “Nhìn này, con viết bài chia sẻ này đấy.”

Tôi bị lún sâu vào cảm giác đánh giá cao bản thân, tâm tự mãn và tình trạng hiển thị trong một khoảng thời gian khá dài. Tôi biết đó là tâm chấp trước của người thường nhưng không thể bỏ xuống được. Nó chỉ dịu xuống qua một khoảng thời gian dài.

Khi lời kêu gọi nộp bài cho ngày Pháp Luân Đại Pháp năm 2018 được đăng lên, Aiyin gợi ý tôi viết một bài chia sẻ về những kinh nghiệm tu luyện của cô Phương. Tôi không chắc về điều này lắm. Tôi đã nghe về cô Phương và khá là do dự. Một mặt thì cô ấy tinh tấn trong tu luyện và hàng ngày giảng chân tướng. Mặt khác thì hai thành viên trong gia đình cô đã qua đời sau khi cô bắt đầu tu luyện Đại Pháp. Sư phụ giảng:

“… một người luyện công, cả nhà được lợi ích…” (Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu)

Thế thì tại sao các thành viên trong gia đình cô lại qua đời? Chẳng phải điều đó đã làm hỏng phần chia sẻ của cô ấy sao? Tôi có nên vẫn viết về điều đó không? Nếu vậy, tôi sẽ xử lý vấn đề đó thế nào?

Với những câu hỏi này trong đầu, tôi đã gặp cô Phương và dành cả nửa ngày nói chuyện với cô ấy. Đó là một cuộc nói chuyện giúp tôi tỉnh ngộ. Vì Sư phụ biết tôi đã có những nghi vấn nhất định trong tu luyện nên Ngài đã an bài cho tôi nói chuyện với cô Phương. Cô ấy kể cho tôi về việc tu luyện khi đối mặt với cuộc vật lộn trước bệnh tật rồi đến sự qua đời của các thành viên trong gia đình là như thế nào. Cô ấy không hề có một chút mảy may nghi ngờ Sư phụ hay Đại Pháp. Trái lại, cô ấy cảm ân Sư phụ sâu sắc vì các thành viên trong gia đình cô ấy đã được chăm sóc cho đến những ngày cuối cùng của họ. Chia sẻ của cô ấy khiến tôi ngộ ra điều Sư phụ giảng;

“Chư vị không thể chi phối cuộc đời người khác được, không thể thao túng vận mệnh người khác được, kể cả vận mệnh của vợ, cha mẹ, anh em; chư vị có quyết định được [những việc ấy] không?” (Chuyển Pháp Luân)

Khi viết bài chia sẻ về cô Phương, tôi đã loại bỏ được những thể ngộ sai của tôi như coi việc tu luyện Đại Pháp như một loại bảo hiểm để tránh khỏi những điều bất hạnh (trong khi đó, thực ra, việc tu luyện Đại Pháp thiết thực lại là cách tốt nhất để đảm bảo sự an toàn cho một người.) Cùng lúc đó, suy nghĩ về một vài học viên lớn tuổi ở khu vực của tôi, những người đã ra đi, tôi chuyển từ nghi ngờ Đại Pháp và có những cảm thông kiểu người thường đối với các đồng tu sang việc tập trung vào tu luyện và chú ý đến từng tư từng niệm của bản thân, để có thể đạt đến trạng thái vô lậu.

Sau khi hoàn thành xong bài chia sẻ về cô Phương, thì các bài chia sẻ về các học viên Jiafang và Hongyan đã đang đợi tôi rồi.

Nghe các câu chuyện của họ là một trải nghiệm đầy cảm hứng đối với tôi. Sự kiên định tín tâm vào Sư phụ và Đại Pháp và sự quyết tâm khi đối diện với cuộc đàn áp đã khiến tôi cảm động đến rơi lệ. Họ kể về việc bị bắt, đe dọa, buộc phải trải qua việc tẩy não trong những ngày tối tăm và khó khăn nhất, và họ đã trượt ngã như thế nào nhưng không bao giờ ngưng đề cao trong tu luyện và cứu người bất kể trong hoàn cảnh tồi tệ đến mấy. Hồi đó, họ không thể truy cập trang web Minh Huệ và có được tài liệu giảng chân tướng. Họ không có hình mẫu để noi theo. Họ bước trên con đường của mình dựa vào việc tín Sư tín Pháp và đạt được trí huệ thông qua việc vững vàng tu luyện.

Aiyin và Jiafang cũng kể về những người điều phối địa phương cũ, những người đã từng kiên định và làm rất nhiều việc để hồng dương Đại Pháp. Nhưng kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, họ đã đi những con đường khác nhau. Giờ đây trạng thái tu luyện của họ rất khác nhau. Tất cả chúng ta đều biết rằng tu luyện là nghiêm túc và khó khăn và rằng mỗi tầng thứ đều có người bị rớt lại. Cùng lúc đó, từng nhóm từng nhóm học viên mới lại bắt theo. Họ bước vào tu luyện bất chấp cuộc đàn áp đang diễn ra và ngộ được ý nghĩa của việc tu luyện. Hai người cũng nói về việc Sư phụ không muốn bỏ lỡ bất cứ học viên nào ra sao và tiếp tục dẫn dắt học viên dưới hình thức điểm hóa như thế nào.

Tôi nhận ra rằng mỗi học viên có một kho báu kinh nghiệm. Những câu chuyện cảm động của họ trong 20 năm vừa qua có thể viết thành sách. Họ đã khiến tôi, một học viên mới, bội phục. Với tín tâm kiên định, một học viên khác, 70 tuổi, đã có thể hóa giải được mâu thuẫn hàng chục năm, tu khứ tâm chấp vào lợi ích cá nhân, hàng ngày lái xe máy đi giảng chân tướng, chăm sóc gia đình tốt, và làm theo nguyên lý “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney)

Khi viết những bài chia sẻ này, tôi phát hiện rằng nhiều học viên chưa bao giờ nộp bài chia sẻ, hầu hết là do họ không biết viết. Tôi cũng nhận thấy tâm thái hòa ái và bình thản của họ đối ngược hoàn toàn với sự nôn nóng và bốc đồng của tôi. Tôi nhận ra rằng so sánh ra thì việc tu luyện của tôi còn kém xa. Tôi thậm chí còn không thể nghĩ ra được một kinh nghiệm tu luyện nào để hồi báo với Sư phụ.

Qua quá trình này, Sư phụ đã ban cho tôi cơ hội nghe các câu chuyện chia sẻ của các đồng tu và hiểu được những niệm đầu của họ khi đối mặt với mâu thuẫn và khảo nghiệm. Tôi ngộ ra rằng đây là loại phương cách Sư phụ sử dụng để nâng tôi lên. Sư phụ là để đồng tu bổ túc cho tôi những chỗ khuyết trước khi tôi bắt đầu tu luyện, cũng là để tôi hiểu rằng: cần trân quý môi trường tu luyện thuận lợi hiện nay. Hồi đó trong cuộc bức hại, các học viên đã trải qua trạng thái lúng túng, tự suy xét, phân định, lần tìm, vấp ngã, rơi rớt và đi đường vòng. Mà giờ đây, ngay sau khi bắt đầu tu luyện, tôi đã có các học viên lâu năm ở bên nhắc nhở và hỗ trợ, có Sư phụ điểm hoá và bảo hộ, ban cho tôi cơ hội như vậy. Nếu tôi không tu luyện tinh tấn, sao tôi có thể xứng đáng với sự dụng tâm an bài của Sư phụ đây?

Hàng chục năm trước Sư phụ đã ban cho tôi khả năng viết bài. Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng tất cả những điều đó là an bài để tôi chứng thực Pháp hôm nay. Giờ đây tôi nỗ lực hết sức để viết bài, không kể bài tôi viết có được đăng hay không.

Tôi cũng muốn kêu gọi những đồng tu có khả năng viết lách bắt đầu viết ra vô số các câu chuyện tu luyện đầy cảm động của chúng ta. Thật đáng tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ mất một câu chuyện nào đó. Chúng ta hãy cùng ghi lại những hành động của các vị thần để cho cả thế giới được biết, vì chứng thực Đại Pháp là trách nhiệm của mỗi học viên. Viết bài cũng là cơ hội đề cao tâm tính và đối chiếu xem bản thân chúng ta học Pháp và tu luyện bản thân như thế nào. Đây quả là một nhiệm vụ đáng quý và ý nghĩa!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/4/19/364308.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/12/173230.html

Đăng ngày 24-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share