Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan
[MINH HUỆ 22-04-2025] Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, hai học giả Đài Loan đã chia sẻ quan điểm về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công diễn ra 26 năm trước ở Bắc Kinh. Trong đó, một vị là ông Lã Chính Lý, tác giả cuốn Lịch sử Vĩ mô của Thế giới Cộng sản, học giả còn lại là ông Cao Vy Bang, chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Đầu tư ở Trung Quốc (VICA).
Cuộc thỉnh nguyện vào ngày 25 tháng 4 năm 1999 thường được xem là cuộc kháng nghị quần chúng ôn hòa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngày hôm đó, hơn 10.000 học viên đã đến Văn phòng Khiếu nại Trung ương ở Bắc Kinh để yêu cầu chính quyền trả tự do cho 45 học viên bị giam giữ phi pháp ở Thiên Tân từ ba ngày trước. Các học viên cũng yêu cầu chính phủ cung cấp môi trường để họ thực hành đức tin của mình (Hiến Pháp Trung Quốc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng) và được xuất bản các sách Pháp Luân Công. Ông Chu Dung Cơ, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó, đã gặp các học viên và hứa sẽ trả tự do cho các học viên ở Thiên Tân. Sau khi nghe tin, các học viên dọn sạch điểm thỉnh nguyện và lặng lẽ rời đi.
Giang Trạch Dân, bí thư ĐCSTQ lúc bấy giờ, đã phản đối cách giải quyết sự việc, và vu cáo các học viên bao vây Trung Nam Hải, khu phức hợp của chính quyền trung ương Trung Quốc. Giang đã đích thân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, và sau 26 năm, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn.
Chụp mũ một cách tùy tiện
Ông Lã từng là người điều hành một công ty quốc tế tại Đài Loan và Trung Quốc, sau đó trở thành cố vấn cho nhiều doanh nghiệp Đài Loan ở Trung Quốc. Ông từng trải qua cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc, nên có sự hiểu biết sâu sắc về ĐCSTQ. Ông cũng nhận ra ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc thực sự, và ông đã dành năm năm nghiên cứu về lịch sử Đảng cộng sản.
Ông Lã Chính Lý, tác giả cuốn Lịch sử Vĩ mô của Thế giới Cộng sản.
Về cuộc thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công nhằm trả tự do cho các học viên ở Thiên Tân, hợp pháp hóa việc xuất bản sách, và chính thức công nhận quyền thực hành tu luyện, ông Lã cho hay yêu cầu của các học viên là “những quyền cơ bản của con người”. Ông không thể tin Bắc Kinh lại phát động cuộc bức hại để đối phó với cuộc kháng nghị ôn hòa này.
Một ngày sau cuộc kháng nghị, người phát ngôn của Văn phòng Khiếu nại Trung ương đã nói với một phóng viên Tân Hoa Xã rằng cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 là hợp pháp. Tuy nhiên, hai tuần sau, Giang đã đăng một bài báo trên tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, vu cáo các học viên Pháp Luân Công đã bao vây Trung Nam Hải.
Từ “bao vây” đã gây kích động mạnh trong quần chúng và khiến nhiều người có quan điểm tiêu cực đối với Pháp Luân Công, và đây là lý do vì sao một số người xem cuộc thỉnh nguyện là giọt nước làm tràn ly dẫn đến ĐCSTQ phát động cuộc bức hại. Ông Lã phản đối: “Khi ĐCSTQ muốn đàn áp ai đó, nó bôi nhọ và chụp lên người đó và thế là xong. Đây là thủ đoạn quen thuộc mà ĐCSTQ vẫn dùng. Nhiều người không nhận ra và bị nó thao túng, tin vào những lời dối trá của nó.” “Chúng ta nên đặt câu hỏi về những luận điệu mà cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ sử dụng. Nó không chỉ sử dụng thủ đoạn này đối với Pháp Luân Công mà còn với các luật sư nhân quyền và các nhóm tôn giáo.”
Ông Lã gợi ý mọi người đặt câu hỏi: “Chẳng phải các học viên chỉ đứng im lặng cầm sách trên tay hay sao? Họ có hô khẩu hiệu và cầm biểu ngữ không? Họ có mang vũ khí, dùi cui, hay ném cà chua hoặc trứng không? Câu trả lời là không. Từ “bao vây” là không đúng sự thật, mà đó là bôi nhọ.
Ông Lã ủng hộ nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, và tin con người cần phải tử tế và hy sinh cho chân lý. Ông cho hay các học viên bên ngoài Trung Quốc đang nỗ lực để chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc, và ông hy vọng người dân Trung Quốc một ngày nào đó sẽ nhận ra chân tướng.
Ở Trung Quốc, luật pháp chỉ là hình thức
Năm 1997, ông Cao đến Trung Quốc để thành lập công ty, nhưng hai năm sau, chính quyền Trung Quốc đã chiếm đoạt công ty của ông. Ông đã chứng kiến sự tham nhũng của ĐCSTQ, và đó là lý do ông thành lập VICA. Sau bài học cay đắng ấy, ông tin rằng ở Trung Quốc không có đúng và sai, chỉ có quan hệ lợi ích – toàn bộ luật pháp chỉ là hình thức, quyền quyết định luôn thuộc về những người có chức, có quyền.
Ông Cao Vy Bang, chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Đầu tư ở Trung Quốc (VICA)
Ông Cao cho biết: “Ở Trung Quốc, khiếu nại chỉ là vỏ bọc, là công cụ mà chính phủ dùng để xoa dịu người dân và ổn định chế độ. Khiếu nại không bao giờ là phương cách pháp lý để người dân bảo vệ quyền lợi của họ.”
“Khiếu nại là một con đường dài đằng đẵng và chính quyền sử dụng nó để làm suy yếu ý chí của người dân. Nhiều cuộc kháng nghị đã mất 10 đến 20 năm, thậm chí còn khiến họ tán gia bại sản mà vẫn không đòi được công lý.”
Ông Cao cho hay ông tôn trọng nỗ lực của các học viên trong 26 năm qua để nói với mọi người sự thật về cuộc bức hại. Cũng chỉ những người có đức tin mới có ý chí kiên định không quản ngại khó khăn. Ông hy vọng các học viên ở Trung Quốc được bình an.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/22/492868.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/23/226350.html
Đăng ngày 26-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.