Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 28-05-2024] Sau khi Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Trung Quốc, bao gồm cả quân nhân, bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại môn tu luyện này vào năm 1999, nhiều người trong đó cũng bị bắt, bị kết án và tra tấn.

Theo thông tin Minh Huệ Net thu thập được, từ năm 2014 đến năm 2023, ít nhất 46 quân nhân, bao gồm kỹ sư trưởng, phó kỹ sư trưởng, nhà nghiên cứu, kỹ sư cấp cao, phó giám đốc và công nhân nhà máy trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hàng không, hàng không vũ trụ, vận tải biển, vũ khí, thiết bị điện tử, radar, máy bay, lực lượng thiết giáp, tên lửa và đạn đạo, bị nhắm đến vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Các học viên thuộc 15 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh Quý Châu và Giang Tô có 7 trường hợp mỗi tỉnh, tiếp theo là Tứ Xuyên (5 trường hợp). 12 khu vực còn lại báo cáo từ 1 đến 4 trường hợp.

Dưới đây là chi tiết về một số trường hợp tiêu biểu. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh và Trung).

Những trường hợp tử vong

Kỹ sư máy bay ở trong tình trạng nguy kịch bị từ chối điều trị y tế, qua đời ở trong tù

Một kỹ sư máy bay 47 tuổi tử vong vào ngày 16 tháng 2 năm 2020, trong khi thụ án hai năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Anh Hồ Lâm, một cư dân 47 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã ở trong tình trạng nguy kịch sau nhiều tháng tuyệt thực và bị tra tấn, bị từ chối tạm tha y tế vì không từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 20 tháng 6 năm 2019, anh Hồ đã bị Tòa án Huyện Pháp Khố kết án hai năm tù và bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn vào ngày 30 tháng 10 năm 2019.

Ngày 7 tháng 11 năm 2019, khi gia đình tới nhà tù thăm anh Hồ thì anh đã rất gầy yếu. Anh cũng mất cảm giác ở chân và bị suy đa tạng.

Gia đình anh đã yêu cầu chăm sóc y tế cho anh, nhưng chức trách nhà tù đã từ chối với lý do anh Hồ đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” sau khi bị đưa đến đó, nên bị xếp vào tội phạm chính trị. Lính canh tù nói rằng họ sẽ không thả anh ngay cả khi anh chết.

Vài tháng sau, chức trách nhà tù liên tục bảo gia đình anh Hồ rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm cho việc sống chết của anh bởi anh vẫn đang tuyệt thực và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”

Gia đình anh Hồ đã tới nhiều cơ quan chính quyền liên quan để tìm kiếm công lý cho anh, nhưng công tố viên địa phương nói rằng ông ta sẽ không bàn việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của anh Hồ khi mà anh vẫn đang còn sống; một nhân viên khác là Lưu Hưng, là người giám sát nhà tù, cũng từ chối gặp họ.

Bởi sự bùng phát của dịch virus corona trong dịp Tết Nguyên đán, nhà tù đã cấm gia đình tới thăm, thậm chí là cấm gọi điện thoại cho anh.

Vào buổi tối ngày 14 tháng 2 năm 2020, nhà tù đã gọi điện cho anh trai anh Hồ là anh Hồ Song để thông báo rằng anh Hồ Lâm đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Gia đình anh đã đi suốt đêm để tới bệnh viện và thấy anh đang được điều trị trong khoa hồi sức tích cực. Anh Hồ đã qua đời vào lúc 1 giờ chiều ngày 16 tháng 2.

Một kế toán ở Quý Châu qua đời trong vòng hai tháng sau khi được bảo lãnh y tế

Bà Trần Lệ Chi, một kế toán về hưu của Tập đoàn Hàng không Quý Châu, đã qua đời vì suy đa tạng vào ngày 9 tháng 9 năm 2014, trong vòng hai tháng sau khi được bảo lãnh y tế từ Nhà tù Nữ Quý Châu.

Kể từ khi bị chuyển đến đây vào ngày 19 tháng 12 năm 2012, bà bị cưỡng bức lao động và tẩy não. Đầu năm 2014, bà được đưa đến bệnh viện công an để điều trị, nhưng tình trạng của bà không cải thiện. Bà được bảo lãnh y tế vào cuối tháng 6.

Bà chỉ còn da bọc xương, và không thể tự chăm sóc bản thân. Việc nói chuyện hay trở mình trên giường là một cực hình đối với bà. Bà ăn rất ít và liên tục than rằng mình bị đau. Bà qua đời vào tháng 9, chỉ 2 tháng sau khi được bảo lãnh, thọ 69 tuổi.

Ngày 19 tháng 8 năm 2012, bà bị bắt vì phát tài liệu thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Nhà của bà bị cảnh sát quận Tây Tú, thành phố An Thuận lục soát vào tối cùng ngày.

Bà Trần bị giam tại Trại tạm giam huyện Trấn Ninh gần 4 tháng, nơi bà bị buộc phải lao động khổ sai trước khi bị kết án 3 năm tù.

Một nhà khoa học hàng không và tên lửa nổi tiếng qua đời sau nhiều năm bị cảnh sát sách nhiễu

Bà Lưu Nguyên Kiệt, kỹ sư cao cấp tại Viện Nghiên cứu 8358 thuộc Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ, đã nhận được nhiều giải thưởng vì những đóng góp xuất sắc cho nghiên cứu tên lửa. Sau đó, bà trở nên hốc hác và trầm cảm nặng do chồng bà bị cầm tù và bị cảnh sát sách nhiễu liên tục.

Ngày 3 tháng 3 năm 2015, bà Lưu qua đời mà không được gặp chồng mình, ông Hùng Huệ Phong, lần cuối cùng, do ông bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Kỹ sư quân nhu trưởng bị bức hại đến chết

Bà Tống Tú Quyên, cựu kỹ sư quân nhu trưởng của Công ty TNHH Tập đoàn Phương Đông Tây An, bị Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thiểm Tây, Phòng 610, Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Tây An, Phòng Công An quận Tân Thành và lãnh đạo Nhà máy Đông Phương nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà qua đời vào ngày 9 tháng 6 năm 2015, thọ 79 tuổi.

Một nhân viên về hưu 79 tuổi qua đời sau nhiều năm bị sách nhiễu

Bà Chu Hương Lan, nhân viên về hưu của Công ty Động cơ Hàng không Lê Dương Quý Châu, bị tàn tật khi làm việc ở tuổi 35. Năm 1994, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và khỏe mạnh trở lại.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, và bị giam giữ. Bà bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức 2 lần, và bị tra tấn trong 5 năm. Bà suýt chết trong trại lao động. Do bị chính quyền sách nhiễu liên tục, sức khỏe của bà liên tục suy giảm. Bà qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 2021, thọ 79 tuổi.

Cụ bà 80 tuổi tử vong khi đang trong thời gian thi hành án tại gia

Bà Vu Huệ Ngọc ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, từng công tác trong một xí nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào cuối năm 1995 và nhiều bệnh tật của bà như huyết áp cao, bệnh dạ dày và xơ cứng động mạch võng mạc đã sớm biến mất.

Vì không từ bỏ Pháp Luân Công khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Vu đã nhiều lần bị chính quyền bắt và giam cầm, điều này đã gây áp lực rất lớn lên chồng bà (người không tu luyện Pháp Luân Công). Sự đau khổ về tinh thần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông và ông đã qua đời vào tháng 7 năm 2010. Sức khỏe của bà Vu cũng bắt đầu suy giảm vào khoảng năm 2017. Bất chấp tình trạng của bà, tòa án địa phương vẫn kết án bà (chưa rõ thời hạn) và lệnh cho bà phải chấp hành án tại nhà. Bà đã qua đời vào tháng 10 năm 2019, chỉ vài tháng sau khi bị kết án tù, thọ 80 tuổi.

Bà Vu đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 2000 và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Bà bị áp giải trở lại Nam Kinh và bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Nam Kinh 1 tháng và sau đó là Trung tâm Tẩy não quận Tần Hoài (không rõ thời hạn). Bà bị giam trong cùng trung tâm tẩy não này sau một vụ bắt giữ khác vào tháng 4 năm 2002.

Ngày 9 tháng 6 năm 2005, bà Vu cùng chồng đến một phòng khám để truyền dịch thì bị cảnh sát bắt giữ tại đó và đưa tới Trung tâm Tẩy não thành phố Nam Kinh. Nhà của bà bị lục soát và các sách, tài liệu về Pháp Luân Công và sổ danh bạ điện thoại của bà đều bị tịch thu.

Bà Vu bị lại bị bắt khi đang đi mua hàng tạp hóa vào tháng 5 năm 2010. Cảnh sát đã đột kích vào nhà bà khi không có ai ở đó. Nhiều tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công của bà bị lấy đi.

Lần bắt giữ tiếp theo của bà xảy ra vào ngày 8 tháng 3 năm 2017, sau đó bà bị thẩm vấn tại Đồn Công an Chỉ Mã Doanh. Vì trại tạm giam thành phố Nam Kinh từ chối tiếp nhận bà mà không nói rõ lý do, cảnh sát đã để bà bảo lãnh tại ngoại.

Cảnh sát đã chuyển hồ sơ của bà Vu tới Viện Kiểm sát quận Tần Hoài vào ngày 16 tháng 5 năm 2017. Bà bị truy tố vào ngày 20 tháng 6 năm 2017. Tòa án quận Tần Hoài đã tổ chức xét xử bà vào các ngày 23 tháng 6 và ngày 8 tháng 9 năm 2017. Cảnh sát còn cố bắt giữ bà vào ngày 20 tháng 9, nhưng phải thả bà 1 ngày sau đó sau khi trại tạm giam từ chối nhận bà do huyết áp cao.

Tòa án đã tổ chức một phiên xét xử khác đối với bà Vu vào cuối tháng 9 năm 2017 và bí mật kết án bà vào khoảng tháng 5 năm 2019. Bà được chấp hành án tại nhà vì lý do sức khỏe. Năm tháng sau, bà Vu qua đời.

Những trường hợp bị kết án

Một nhà khoa học vũ trụ 80 tuổi bị kết án 7,5 năm tù, khó ăn uống vì bị mất hết răng trong khi bị giam

Một nhà khoa học vũ trụ nổi tiếng của Trung Quốc bị kết án 7,5 năm tù vào năm 2015, khi ông 78 tuổi, chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Theo báo cáo gần đây, ông Hùng Huệ Phong, giờ đã 80 tuổi, đã bị mất hết răng trong 1 năm rưỡi tù sau khi ông bị bắt vào tháng 8 năm 2014 và trước khi ông bị đưa vào tù vào tháng 3 năm 2016. Vì nhà tù từ chối cung cấp dịch vụ chăm sóc răng, nên hiện giờ ông đang gặp khó khăn trong việc ăn uống và rất gầy yếu. Khó khăn lắm ông mới bước ra được khỏi giường. Ông cũng bị cảm và sốt lặp đi lặp lại nhiều lần.

Ông Hùng từng là một nhà nghiên cứu và phó giám đốc của Viện Nghiên cứu 8358 của Bộ Công nghiệp Vũ trụ. Ông cũng là một thành viên ban quản lý Hội Du hành Vũ trụ Trung Quốc và nhận được một khoản trợ cấp đặc biệt của chính phủ dành cho những nhà khoa học giỏi nhất trong nước. Trong sự nghiệp của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Phó Kỹ sư trưởng bị kết án 10 tháng tù

Tháng 4 năm 2020, ông Lưu Trí Hoa, phó kỹ sư trưởng về hưu của Viện Công nghệ và Vật liệu Hàng không Vũ trụ, bị bắt vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Tháng 8 năm 2021, ông bị xét xử, sau đó bị kết án 10 tháng tù vào ngày 20 tháng 12 năm 2021.

Ông Lưu, 66 tuổi, từng học tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và làm việc tại Viện Vật liệu và Công nghệ Hàng không Vũ trụ (Viện 703 của Học viện Số 1 Bộ Hàng không Vũ trụ). Trước khi nghỉ hưu, ông là phó kỹ sư trưởng, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Trình độ Công nhân Hàn Hàng không, lãnh đạo công nghệ xử lý của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đồng thời là thành viên Tổ chuyên gia Quy trình của Ủy ban Khoa học và Công nghệ của tập đoàn.

Một nhân viên về hưu bị kết án 10 năm tù vì đức tin

Ông Trương Đình Tường, 52 tuổi, làm việc tại một nhà máy thiết bị cơ khí. Ông bị kết án 10 năm tù cùng 50.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Ngày 21 tháng 4 năm 2019, ông bị hơn 30 cảnh sát bắt giữ tại nhà, và bị tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, điện thoại di động và 80.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Ban đầu, ông bị giam tại trại tạm giam Bình Bá, sau đó bị chuyển tới trại tạm giam Số 2 thành phố An Thuận. Gia đình ông thường xuyên tới trại giam để thăm ông, nhưng đều bị từ chối, và chỉ được phép gửi tiền cho ông.

Đây không phải là lần đầu ông Trương bị nhắm đến vì đức tin của mình. Ngay sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông đến trụ sở của chính quyền địa phương vào tháng 12 năm đó để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, nhưng lại bị giam giữ, và nhà ông bị lục soát.

Do ông bị sách nhiễu không ngừng sau khi được trả tự do, nên mẹ ông là bà Bành Viễn Lâm, phải sống trong sợ hãi, và qua đời vì đau khổ tinh thần vào tháng 3 năm 2001. Hai tháng sau, ông Trương bị bắt giữ lần nữa và bị kết án ba năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Trung Bát.

Từng bị cầm tù 7 năm, một kỹ sư thiết kế ra-đa lại bị bỏ tù vì đức tin của mình

Một kỹ sư thiết kế ra-đa ở Thành phố Nam Kinh lại bị kết án tù vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Mã Chấn Vũ trở thành mục tiêu bị bắt giữ vì đức tin của mình. Đơn giản chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã bị cho thôi việc khỏi vị trí kỹ sư trưởng ở Viện Nghiên cứu Số 14 thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc ở Nam Kinh. Ông cũng đã bị bắt đi bắt lại nhiều lần vì không từ bỏ Pháp Luân Công.

Vợ ông đã ly dị ông ngay sau khi ông bị kết án 7 năm tù vào năm 2000. Lúc đó, con gái của họ mới lên 10 tuổi. Nỗi khổ của ông vẫn không chấm dứt khi ông được trả tự do. Ông đã bị tống vào trại lao động cưỡng bức một năm rưỡi vào năm 2011.

Ông Mã bị bắt lần gần đây nhất vào ngày 19 tháng 9 năm 2017. Tòa án Quận Tuyên Vũ ban đầu định ngày xét xử là ngày 18 tháng 4 năm 2018, nhưng sau đó phiên tòa đã bị hoãn vì không đủ bằng chứng.

Viện Kiểm sát và cảnh sát địa phương đã ngụy tạo bằng chứng bổ sung và tái đệ trình trường hợp của ông. Ông Mã bị đưa ra tòa vào ngày 16 tháng 5, và luật sư của ông đã biện hộ cho ông vô tội.

Tòa án đã ra phán quyết hôm 28 tháng 6 và kết án ông 3 năm tù giam. Bản kết tội nói rằng “ông Mã Chấn Vũ đã viết 7 bức thư gửi đến các nhà lãnh đạo trung ương để khiếu nại cho Pháp Luân Công.”

Nhà địa chất về hưu bị tước quyền hưởng lương hưu

Ông Lý Kiến Khôi, một nhà địa chất về hưu 73 tuổi ở Phòng Hạt nhân tỉnh Cam Túc, bị bắt vào ngày 25 tháng 11 năm 2020.

Kể từ khi chế độ cộng sản khởi xướng cuộc bức hại vào năm 1999, ông Lý liên tục bị bắt và tra tấn trong khi thụ án 1 năm lao động cưỡng bức và 5 năm tù. Năm 2012, ông bị xuất huyết não và hôn mê sau khi bị bắt, và được phép thụ án tù 6 năm thứ hai tại nhà.

Tháng 8 năm 2015, ông Lý đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bị ủy ban huyện gây áp lực, Phòng Hạt nhân tỉnh Cam Túc đình chỉ lương hưu của ông vào năm 2016.

Kỹ sư cao cấp của Viện Thông tin Điện tử Số 29 bị kết án 3 năm tù

Bà Lưu Quế Anh, một kỹ sư cao cấp của Viện Thông tin Điện tử Số 29 ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị cảnh sát của Đồn Công an Trà Điếm Tử bắt tại nhà vào ngày 25 tháng 11 năm 2015, sau khi bà nộp đơn tố cáo Giang Trạch Dân. Bà bị kết án 3 năm tù.

Có thông tin cho rằng bà Lưu và bà Ngô Hữu Thục, một học viên Pháp Luân Công khác, bị tra tấn tại Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2018. Họ bị buộc ngồi trên ghế đẩu nhỏ, với đầu gối dựa vào tường và gót chân không chạm đất. Trong vài tháng, họ không được phép tắm, gội đầu, đánh răng hoặc sử dụng giấy vệ sinh. Họ không được cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ, và chỉ được uống 4 cốc nước nhỏ mỗi ngày. Họ chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh bốn lần một ngày. Cả hai người đều trở nên hốc hác và yếu ớt.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/28/475510.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/10/218955.html

Đăng ngày 19-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share