Bài viết của Âu Dương Phi

[MINH HUỆ 03-12-2022] Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã qua đời vào ngày 30 tháng 11, thời điểm chính quyền này đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

Trên trường quốc tế, Trung Quốc không còn nhận được sự ưu ái khi giao dịch với các nền kinh tế phương Tây. Sự chia cắt trong thương mại và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đã đặt ra mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Bên trong Trung Quốc, “duy trì ổn định” bằng công nghệ cao đã biến Trung Quốc thành một nhà tù kỹ thuật số. Đặc biệt là trong giai đoạn kiểm soát và phong tỏa vì đại dịch, về cơ bản, điện thoại di động của người dân Trung Quốc đã trở thành chiếc còng tay hạn chế tự do của họ, vì ứng dụng mã sức khỏe bắt buộc trên điện thoại được sử dụng để theo dõi vị trí của mọi người, ngăn họ ra khỏi nhà hoặc đến văn phòng, tham gia giao thông, vào các khu chung cư, siêu thị, nhà hàng và nhiều nơi khác (khi mã thay đổi màu sắc cho thấy rủi ro Covid-19 cao hơn). Chính sách “Zero Covid” hà khắc đã đẩy mọi người đến cực hạn. Gần đây, nhiều người đã xuống đường để phản đối ĐCSTQ.

Những thách thức bên trong và bên ngoài này có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ thực tế là ĐCSTQ toàn trị chưa bao giờ cải cách chế độ chính trị dù đã có nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nghĩa là, sức mạnh quốc gia ngày càng tăng không mang lại tự do cho người dân Trung Quốc như mong đợi. Ngược lại, quyền lực mạnh và công nghệ cao càng làm cho chế độ này càng trở nên độc đoán và hủ bại hơn, cũng như giám sát và kiểm soát người dân trên quy mô lớn càng chặt chẽ hơn.

Điều này xảy ra như thế nào? Nhìn vào nhiệm kỳ của Giang, có thể thấy tất cả những vấn đề này bắt nguồn từ cuộc bức hại Pháp Luân Công, một môn thiền định dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công dạy con người làm người tốt, không chỉ giúp các học viên trở thành những công dân tốt hơn mà còn đưa xã hội trở lại đúng hướng – kể cả khả năng thoát khỏi sự cai trị độc đoán, méo mó của ĐCSTQ.

Nếu Giang không khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, thì người dân Trung Quốc đã có cơ hội tốt hơn để có được tự do, và không phải trả cái giá quá đắt vì một xã hội tham nhũng và hỗn loạn ngày nay.

Con đường tiến tới một xã hội tốt đẹp hơn

Sau khi Cách mạng Văn hóa (1966-1976) tàn phá Trung Quốc, ĐCSTQ buộc phải khôi phục lại một số giá trị truyền thống, và bắt đầu hô hào phép tắc, lễ nghi, hòng giành lại lòng tin của người dân. Trong bối cảnh đó, các môn khí công bắt đầu bùng nổ vào những năm 1980. Nhiều quan chức cấp cao của ĐCSTQ cũng tập khí công để được khỏe mạnh, và đã ủng hộ nhiều trường phái khí công. Mặc dù các yếu tố siêu nhiên của khí công không ăn nhập với hệ tư tưởng vô thần của cộng sản, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn ban hành chính sách “không tranh luận, không quảng bá và không chỉ trích”, nghĩa là không ai được thảo luận, quảng bá, hay chỉ trích khí công. Vì có mối liên hệ mật thiết với văn hóa Trung Hoa truyền thống, khí công đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nới lỏng sự kiểm soát tư tưởng của ĐCSTQ. Ngay cả sau khi ĐCSTQ đàn áp phong trào dân chủ trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, khí công vẫn tiếp tục phổ biến.

Trong bối cảnh này, năm 1992, Pháp Luân Công đã được Đại Sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng. Không chỉ dẫn dắt các học viên đề cao tâm tính và cải thiện sức khỏe, Đại sư Lý còn tháo gỡ những khúc mắc và đủ loại nhận thức lệch lạc của mọi người về khí công. Cụ thể, Pháp Luân Công chú trọng vào các giá trị đạo đức với nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Vì những lợi ích sức khỏe thần kỳ và phù hợp với ước nguyện tu luyện của nhiều người, số học viên Pháp Luân Công đã tăng nhanh chóng lên đến khoảng 100 triệu người vào năm 1999. Họ thuộc mọi giai tầng xã hội, kể cả quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Nói cách khác, mặc dù ĐCSTQ có hệ tư tưởng vô thần cứng nhắc, nhưng trong bảy năm đó (1992-1999), chính quyền này đã đón nhận Pháp Luân Công.

Nếu như Giang không phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, thì sẽ có nhiều người hơn nữa được thụ ích từ môn tu luyện ôn hòa này khi bước vào tu luyện hoặc được ảnh hưởng tích cực từ các học viên mà họ biết. Các học viên Pháp Luân Công cố gắng chiểu theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn và trở thành những công dân tốt hơn, hữu ích hơn và có trách nhiệm hơn. Phong thái và nhân cách cao thượng của họ thường truyền cảm hứng cho người nhà, họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè, khiến mọi người cũng trở nên tốt hơn. Càng có nhiều học viên, giá trị đạo đức của toàn xã hội càng cao. Một lực lượng như vậy sẽ giúp ổn định xã hội; cùng với sự tăng trưởng kinh tế, xu thế này rất có thể đã phá vỡ sự ràng buộc của ý thức hệ vô thần của ĐCSTQ. Nếu có nhiều người tin vào “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” thì dân chúng sẽ giữ được sự chính trực, như vậy sẽ tránh được rất nhiều vấn đề hỗn loạn ngày nay – như tham nhũng, giải phóng tình dục, ma túy, hàng giả, và thực phẩm độc hại, v.v.. Giờ đây, xã hội Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin, cười kẻ nghèo chứ không chê cười phường kỹ nữ, quan chức tham nhũng mải mê lo làm lợi cho bản thân, không có nguyên tắc đạo đức.

Khôi phục các giá trị đạo đức thông qua Pháp Luân Công là con đường dẫn đến một xã hội tốt đẹp hơn, nhưng Giang Trạch Dân đã chặn đứng con đường đó bằng sự tàn bạo và dối trá.

Đất nước chìm trong vũng lầy

Để lôi kéo các ban ngành vào cuộc bức hại, Giang đã thành lập Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật nhằm thâm nhập vào toàn bộ bộ máy chính quyền ở tất cả các cấp. Khi toàn bộ lực lượng cảnh sát, tòa án và lực lượng bảo vệ chính quyền bị lợi dụng làm công cụ cho cuộc bức hại, khẩu hiệu “pháp quyền” của Trung Quốc trở thành lời nói dối trắng trợn để lừa mị dân chúng.

Để lừa mị dân chúng khiến họ ủng hộ việc bức hại Pháp Luân Công của mình, chính quyền Giang Trạch Dân đã huy động các cơ quan truyền thông không ngừng phỉ báng Pháp Luân Công và kích động hận thù bằng những tuyên truyền vu khống như vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn. Ngoài ra, các công cụ công nghệ cao đã được triển khai nhằm chặn các thông tin về cuộc bức hại. Những từ khóa như “Pháp Luân Công” và “Chân-Thiện-Nhẫn” trở thành những từ cấm kỵ. Thực trạng này đã làm gia tăng sự suy đồi đạo đức ở Trung Quốc. Khi các viện kiểm sát và tòa án trở thành con dấu cao su để truy tố và kết án các học viên, nhiều học viên đã bị tra tấn trong tù và chịu cảnh gia đình ly tán. Hơn nữa, các cơ sở tẩy não và nhà tù đen trên toàn Trung Quốc nhằm bức hại các học viên Pháp Luân Công, cũng như tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng chưa từng có, đã đẩy Trung Quốc xuống vực thẳm.

Nạn nhân không chỉ dừng lại ở các học viên Pháp Luân Công và người nhà của họ. Khi khởi xướng cuộc bức hại, Giang đã ra lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể [của các học viên]”. Khi cơ sở hạ tầng bức hại và cỗ máy giết người nhắm vào Pháp Luân Công được khai thác và hoạt động hiệu quả, chúng có thể dễ dàng được sử dụng nhắm vào công chúng. Gần đây, khi người dân trên khắp Trung Quốc đã chịu đựng quá nhiều vì chính sách Zero Covid và đứng lên phản đối, nhiều người có thể không nhận ra rằng từ lâu ĐCSTQ đã thực hiện chính sách ‘Zero học viên Pháp Luân Công’ khi Giang thề tiêu diệt Pháp Luân Công trong vòng ba tháng từ lúc phát động cuộc bức hại.

Nạn lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc không phải là một vấn đề biệt lập. Khi Giang phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Trung Quốc đang trải qua làn sóng toàn cầu hóa nền kinh tế. Việc gia nhập WTO mang lại cho Trung Quốc một dòng vốn và công nghệ dồi dào. Đằng sau sự tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua là tình trạng lao động rẻ mạt và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, gồm cả cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Đáp lại những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về nhân quyền, Giang đã bịt miệng những người chỉ trích bằng cách hứa hẹn cho họ nhiều quyền lợi hơn. Khi áp lực gia tăng, Giang càng hăm hở theo đuổi những lợi ích ngắn hạn như phát triển kinh tế không bền vững và tăng trưởng GDP một cách mất cân đối. Nghĩa là, Giang muốn che đậy tất cả những vi phạm nhân quyền này bằng đường cong kinh tế thiển cận, đầy rủi ro (tức là đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình hoặc các biện pháp kinh tế khác). Đồng thời, bộ máy chính quyền nhằm duy trì sự ổn định đã được tăng cường để phong tỏa thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công và các vi phạm nhân quyền khác, còn người dân bị mất tự do vì mạng lưới kiểm duyệt, giám sát internet, nhận dạng khuôn mặt, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Những gì xảy ra trong vài thập kỷ qua là một bài học nghiêm túc. Nếu nhân quyền không được bảo vệ, mà chỉ có tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thì không những không bền vững, mà còn dẫn đến hậu quả thảm khốc là tình trạng mất tự do dưới sự kiểm soát của chính quyền toàn trị. Nói cách khác, nó giống như xây nhà trên cát – sớm muộn gì cũng sụp đổ.

Chương tiếp theo của lịch sử

Tham vọng quyền lực của Giang lên đến tột độ sau cái chết của người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình vào năm 1997. Ông ta không thể chấp nhận khi Pháp Luân Công và nhà sáng lập pháp môn, Đại sư Lý Hồng Chí, được đông đảo quần chúng mến mộ đến vậy. Mặc dù Giang ra chỉ thị bắt buộc học tập tư tưởng “tam đại biểu” của ông ta (ĐCSTQ đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến và đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc), nhưng rất ít người coi trọng nó, họ chỉ coi đó là một nhiệm vụ chính trị vì ĐCSTQ không bao giờ đại diện cho ba điều như Giang tuyên bố. Ngược lại, Đại sư Lý Hồng Chí và nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn đã chiếm được cảm tình của hàng chục triệu người và dẫn dắt họ trở thành những công dân tốt hơn. Mặc cho sáu trong bảy ủy viên thường vụ của Bộ Chính trị phản đối việc đàn áp Pháp Luân Công, Giang vẫn đơn phương phát động cuộc bức hại này, đẩy Trung Quốc vào con đường không có tự do, không có nhân quyền và không có các giá trị đạo đức.

Khi đưa tin về cái chết của Giang, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đã trích dẫn những bình luận của cư dân mạng Trung Quốc gọi ông ta là Cóc, như BBC, Washington Post, New York Times, và nhiều kênh truyền thông khác. Ngay cả khi Giang từng là thị trưởng Thượng Hải (1985 – 1989), người ta vẫn đồn rằng Giang chuyển sinh từ một con cóc. Cuốn sách “Jiang Zemin Qi Ren” (Câu chuyện có thật về Giang Trạch Dân) xuất bản năm 2005, viết về một tà linh đầy sự đố kỵ đã phụ bám lên một con cóc trong một ngôi mộ cổ, sau đó con cóc này đã đầu thai thành Giang.

Còn có một câu chuyện cười về Giang. Một lần, ông ta đến thăm một nhà sư nổi tiếng và hỏi xem ông ta thọ được bao lâu. Nhà sư nói ông sẽ chết vào một ngày lễ. Khi Giang hỏi ngày lễ nào, nhà sư trả lời ngày nào Giang chết thì ngày đó là ngày lễ.

Như đã bàn trên đây, Giang không chỉ bức hại Pháp Luân Công mà còn nhấn chìm Trung Quốc vào vũng lầy của những thảm họa bất tận. Với cái chết của ông ta, đã đến lúc xem xét lại những lựa chọn mà Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang phải đối mặt. Liệu Trung Quốc có thể quay lại như trước thời Giang Trạch Dân – không có Thảm sát Thiên An Môn? Có thể. Nhưng có khả năng chương tiếp theo của lịch sử sẽ không đến cho đến khi mọi người làm sáng tỏ tội ác của Giang và truy cứu trách nhiệm của ông ta trước những tội ác của mình.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/3/452635.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/4/205034.html

Đăng ngày 06-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share