Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-11-2022] Bà Lưu Huệ Bình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Ngày 26 tháng 9 năm 2022, bà bị cảnh sát địa phương bắt giữ với lý do con trai riêng của bà – một học sinh lớp 6 – cũng tu luyện Pháp Luân Công. Việc bắt giữ bà được phê duyệt vào ngày 21 tháng 10. Bà hiện đang bị giam giữ dưới diện hình sự.

Ngày 8 tháng 11, chồng của bà Lưu, ông Hướng Cửu Giang, đã đến Viện Kiểm sát Liêm Khê để gửi đơn kiện công tố viên Liên Chân về việc truy tố vợ ông bất hợp pháp. Ông nói rằng không có văn bản pháp luật nào của Trung Quốc cấm Pháp Luân Công và môn tu luyện này không có trong danh sách những tổ chức tà giáo của chính quyền Trung Quốc. Công tố viên Giang Nhã Thanh, người tiếp ông, đã từ chối nhận đơn kiện. “Toàn tỉnh đều làm như thế [bức hại Pháp Luân Công]. Tôi không làm gì khác được”, ông Giang nói.

Hai ngày sau đó, ông Hướng quay lại để nộp đơn kiện. Viện kiểm sát đưa cho ông một tập tài liệu, nói đó là cơ sở pháp lý để truy tố học viên Pháp Luân Công.

Tài liệu này không được đăng tải trên mạng. Ông Hướng cho biết đây là văn bản nội bộ do Tòa án Tối cao ban hành ngày 5 tháng 11 năm 1999 [Tòa án Tối cao, 1999-29], trong đó yêu cầu tòa án các cấp nghiên cứu và chấp hành hai văn bản ban hành vào ngày 30 tháng 10 năm 1999 này. Văn bản thứ nhất là “Nghị quyết về việc cấm các tổ chức tà giáo, phòng chống và trừng phạt các hoạt động tà giáo” từ Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (sau đây gọi là “Nghị quyết NPC”). Văn bản thứ hai là “Diễn giải của Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc áp dụng luật pháp trong việc xử lý các vụ việc có liên quan đến các tổ chức dị giáo” (sau đây gọi là “Bản diễn giải”).

Thật khó mà hình dung nổi khi công tố viên lại viện dẫn một văn bản nội bộ, thay vì văn bản pháp luật đã được ban hành, để truy tố các học viên Pháp Luân Công. Thực ra, theo phân tích dưới đây, không có tài liệu nào trong ba tài liệu nêu trên có thể làm căn cứ để biện minh cho cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Không có văn bản pháp lý nào đề cập đến Pháp Luân Công làm cơ sở cho cuộc bức hại

Tháng 7 năm 1999, khi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, không có một văn bản pháp lý nào được ban hành để cấm môn tập ôn hòa này. 23 năm đã trôi qua, và đến nay vẫn không có điều luật nào cấm tu luyện Pháp Luân Công. Để biện minh cho cuộc bức hại, Giang đã chỉ đạo cho Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành Bản diễn giải Điều 300 của Luật Hình sự, quy định rằng bất kỳ ai tập luyện hoặc quảng bá Pháp Luân Công đều bị truy tố ở mức cao nhất có thể.

Tuy nhiên, “Bản diễn giải” cũng như “Nghị quyết NPC” không hề đề cập đến “Pháp Luân Công”. Có thể thấy sự phi lý trong việc viện dẫn những tài liệu này để biện minh cho cuộc bức hại Pháp Luân Công. Song, những tài liệu này lại trở thành “cơ sở pháp lý” để bắt giữ và truy tố các học viên Pháp Luân Công trong suốt những năm qua.

Cũng như nhiều cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ trong quá khứ, chế độ cộng sản vô pháp vô thiên chỉ dùng dối trá để phỉ báng và tàn bạo đối với bất kỳ nhóm người nào mà chúng muốn tiêu diệt, trong đó có các học viên Pháp Luân Công.

Từ theo dõi, bắt giữ đến giam giữ và kết án các học viên Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều luật hiện hành và chà đạp nhân quyền cơ bản của những học viên vô tội trong mọi giai đoạn của quá trình truy tố.

Đối với trường hợp của bà Lưu, việc Viện Kiểm sát Huyện Liêm Khê viện dẫn tài liệu nội bộ của Tòa án Tối cao, chứ không phải điều luật nào đã được ban hành, cũng vi phạm Điều 5 của Luật kiểm sát, “Điều 5 Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ của mình một cách khách quan, công bằng trên cơ sở đúng sự thật và tuân thủ pháp luật…. Khi xử lý những vụ án hình sự, kiểm sát viên phải tuân theo nguyên tắc vô hiệu hóa, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo đảm tội phạm bị truy tố đồng thời bảo vệ người vô tội khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Nguyên tắc vô hiệu hóa quy định rằng một người không thể bị trừng phạt nếu không có hành vi phạm tội được quy định trong pháp luật. Vì Pháp Luân Công chưa bao giờ bị quy định là phạm tội ở Trung Quốc nên việc truy tố các học viên là không có cơ sở pháp lý.

Đổ lỗi

Trong trường hợp của bà Lưu, Viện Kiểm sát Quận Liêm Khê địa phương đã trích dẫn một văn bản nội bộ của Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu tòa án các cấp nghiên cứu “Nghị quyết NPC” và “Bản diễn giải”. Thực tế là, thời gian đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ban hành một văn bản tương tự, yêu cầu viện kiểm sát các cấp nghiên cứu và chấp hành “Nghị quyết NPC” và “Bản diễn giải”.

Viện Kiểm sát tỉnh Liêm Khê trích dẫn văn bản nội bộ do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành lẽ ra là chuyện bình thường, nhưng việc này lại khiến chồng bà Lưu tra cứu tài liệu do Tòa án Tối cao ban hành. Nguyên nhân chính có thể là viện kiểm sát địa phương đang tìm cách đổ lỗi cho bên tòa án và chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi bên viện kiểm sát, mặc dù cả hai bên đều có trách nhiệm như nhau trong việc tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vừa ăn cướp vừa la làng “bắt cướp”

Văn bản 1999-29 của Tòa án Tối cao kết luận: “Thông qua các hình thức công khai và xử lý những trường hợp cụ thể, chúng ta phải giáo dục quần chúng hiểu sâu về pháp luật và giúp họ hiểu được bản chất nguy hiểm của các tổ chức tà giáo là phản khoa học, phản nhân loại, phản xã hội và phản chính quyền.“

Kỳ khôi thay, những từ ngữ này vừa hay lại phản ánh chính những đặc điểm của chính quyền ĐCSTQ. Chẳng hạn như:

“Thông qua các hình thức công khai”: Trong 23 năm qua, ĐCSTQ đã bịa đặt vô số dối trá để bôi nhọ Pháp Luân Công nhằm kích động và tuyên truyền thù hận bằng tin tức, hành pháp, giải trí, văn học, thậm chí cả sách giáo khoa.

“Xử lý các trường hợp cụ thể”: chính quyền đã tùy tiện lạm dụng pháp luật để quy kết, giam giữ và kết án các học viên Pháp Luân Công. Những câu như ”Đừng nói luật với tôi“ đã trở thành câu cửa miệng.

“Phản khoa học, phản nhân loại, phản xã hội”: Vô số lời chứng của các học viên Pháp Luân Công và một số cuộc khảo sát quy mô lớn đã chỉ ra rằng Pháp Luân Công mang lại những lợi ích to lớn trong việc cải thiện sức khỏe và đề cao tâm tính. Nhưng ĐCSTQ vẫn lờ đi những ảnh hưởng tích cực của Pháp Luân Công đối với xã hội. Vì vậy, ĐCSTQ mới là phản khoa học và phản xã hội. Tình trạng giam giữ, tra tấn, tẩy não, tra tấn tinh thần, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã bị các nhà hoạt động nhân quyền và các chuyên gia pháp lý coi là tội ác chống lại loài người.

Một chế độ toàn trị không có nền độc lập tư pháp

Do bản chất độc tài toàn trị của ĐCSTQ, nên hệ thống luật pháp ở Trung Quốc chỉ là con rối. Ngày 14 tháng 1 năm 2017, Chu Cường, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh, “Chúng ta cần phải kiên quyết chống lại ảnh hưởng từ những trào lưu tư tưởng sai lầm của phương Tây, đó là ‘dân chủ hợp hiến’, ‘tam quyền phân lập’ và ‘độc lập tư pháp’. Chúng ta phải có lập trường rõ ràng, can đảm đứng lên đấu tranh với những phê phán về sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đấu tranh chống lại những lời nói, hành động bài xích con đường pháp trị xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, quyết không rơi vào ‘cạm bẫy’ của cái gọi là độc lập tư pháp và tư tưởng sai lầm của phương Tây, kiên định không dao động đi trên con đường pháp trị xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc.”

Những phát biểu công nhiên kêu gọi “phản tư pháp” này khiến các chuyên gia pháp lý phương Tây bị sốc. Ông Jerome A. Cohen, Giám đốc Viện Luật Hoa Kỳ-Châu Á tại Đại học New York, cho rằng, “Tuyên bố này là bước lùi lớn nhất về mặt ý thức hệ trong nhiều thập kỷ của tiến trình đầy trắc trở hướng tới một nền tư pháp chuyên nghiệp và công bằng. Nó khiến một số học giả pháp lý đáng ngưỡng mộ nhất của Trung Quốc lên tiếng chất vấn, và, mặc dù họ là người có danh tiếng, tôi lo ngại không chỉ cho quyền tự do nghiên cứu và sự nghiệp của họ mà cả cho sự an toàn của cá nhân họ.“

Hiến pháp Trung Quốc lẽ ra phải bảo vệ các quyền cơ bản nhất của người dân Trung Quốc, song, nó lại tạo ra tiếng nói để chế độ chính trị vượt trên cả nền độc lập tư pháp. Trong Điều 1 của bản Hiến pháp năm 2018 viết, “Chế độ xã hội chủ nghĩa là nền tảng của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là điểm đặc thù của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa.” Với tư tưởng đó, không có gì lạ khi các cơ quan tư pháp, cũng như các cơ quan chính phủ khác, chỉ là những con rối của ĐCSTQ.

Tóm lại, rõ ràng là ĐCSTQ đã lạm dụng luật pháp để bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội chỉ vì họ tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn. Trên thực tế, tất cả những tài liệu và chính sách đề cập bên trên đã trở thành bằng chứng chứng minh ĐCSTQ vi phạm pháp luật. Đồng thời, trong cuộc chiến giữa Thiện và Ác này, mọi người cũng đứng trước hai lựa chọn: mù quáng nghe theo ĐCSTQ mà bức hại những người vô tội, hay thoái xuất khỏi ĐCSTQ để tránh bị chôn vùi cùng chế độ này. Cuối cùng, việc từ bỏ ĐCSTQ sẽ đưa đất nước Trung Quốc và thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:江西九江濂溪区检察院以99年法院通知批捕善良妇女

Quan điểm được trình bày trong bài viết này thể hiện ý kiến ​​hoặc hiểu biết của riêng tác giả. Tất cả nội dung được xuất bản trên trang web này đều thuộc bản quyền của Minghui.org. Minghui sẽ sản xuất các bản tổng hợp nội dung trực tuyến của mình thường xuyên và vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/23/452270.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/25/204903.html

Đăng ngày 06-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share