Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tỉnh Hắc Long Giang
[MINH HUỆ 22-11-2022] Tháng 7 vừa qua, địa phương chúng tôi đã xảy ra đợt bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên diện rộng. Đồng tu Lan, vốn rất trầm ổn, tuy không bị bắt nhưng cũng bị cảnh sát gõ cửa sách nhiễu tại nhà.
Khi chúng tôi thảo luận về điều này, đồng tu Lan lơ đãng nói: “Đây [sự sách nhiễu] cũng là khảo nghiệm đối với tôi.”
Tôi liền bảo: “Nhưng họ không xứng để khảo nghiệm.”
Sau đó, tôi suy nghĩ thêm về nguyên nhân tại sao đồng tu Lan lại bị sách nhiễu. Thông qua những bài giảng của Đại Pháp, chúng ta biết rằng cuộc bức hại đáng lẽ không nên xảy ra. Có lẽ cô ấy đã thừa nhận trong tiềm thức rằng sách nhiễu là một loại khảo nghiệm đối với các học viên. Suy nghĩ đó không phải từ chân ngã của cô, mà là do cựu thế lực áp đặt lên. Khi cô cam chịu hoặc thừa nhận sự tồn tại của các vụ sách nhiễu, nó trở thành sơ hở để cựu thế lực lợi dụng và dùng nó như một cái cớ để bố trí cảnh sát đến sách nhiễu cô.
Suy nghĩ sâu thêm một chút, niệm đầu đó đến từ đâu? Sách nhiễu là do ai an bài? Chính là do cựu thế lực an bài, tà ác an bài chứ không phải an bài của Sư phụ. Như vậy, chúng ta cần tu điều gì? Là đệ tử Đại Pháp, phủ định an bài của cựu thế lực là chống lại tà ác và đi trên con đường tu luyện do Sư phụ an bài. Vậy nên, cá nhân tôi cho rằng việc coi sách nhiễu là khảo nghiệm từ trong tiềm thức mà không dùng chủ ý thức mạnh để phủ định có thể là một trong những nguyên nhân khiến một số học viên liên tục bị sách nhiễu.
Khi còn là người thường, tôi là một người nhút nhát, sợ chuyện phiền phức. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, những cảnh tượng sách nhiễu hoặc bị bắt giữ thường hiện lên trong tâm trí tôi, khiến tôi cảm thấy cay đắng và chán nản. Nhưng tôi biết rằng cựu thế lực không xứng để khảo nghiệm tôi, và rằng các quan chức cảnh sát không xứng để đến nhà tôi. Ý nghĩ này thâm nhập vào phần sâu nhất trong bản nguyên sinh mệnh của tôi, vững như bàn thạch và không thể nào lay chuyển được. Bất cứ khi nào trong tâm tôi bắt đầu nghĩ về những điều như “cảnh sát đang đến tìm mình” hoặc “họ sẽ còng tay mình và đưa mình đi,” tôi lập tức nhẩm đi nhẩm lại Pháp của Sư phụ:
“Con người không xứng khảo nghiệm Pháp này, Thần cũng không xứng, ai động vào thì người đó có tội.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Great Lakes ở Bắc Mỹ [2000])
Tôi tiếp tục nhẩm những từ này cho đến khi trong tư tưởng của tôi chỉ có Pháp, không còn ảo giác về sự bức hại nữa mới thôi. Nhận thức của tôi là chúng ta tuyệt đối không được nương theo những tà niệm từ trong tiềm thức, thay vào đó, chúng ta phải hoàn toàn phủ nhận chúng. Điều này là vô cùng then chốt.
Trong một lần giao lưu với đồng tu Trịnh, cô ấy kể với tôi rằng khi bị đưa đến trại tạm giam, cô ấy nghĩ: “Đệ tử Đại Pháp không thuộc về nơi bẩn thỉu này, vài hôm nữa người nhà sẽ đưa mình ra khỏi đây.” Vài ngày sau, cô ấy thực sự đã được thả. Khi cảnh sát đến nhà bắt cô sau khi cô đệ đơn tố cáo cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp, cô nghĩ: “Mình biết họ sẽ đến tìm mình, và cuối cùng họ cũng tới đây…” Kỳ thực, từ trong tiềm thức cô ấy đã thừa nhận việc cảnh sát đến tìm mình. Trong khi bị cảnh sát giam giữ, cô không hề lo lắng về bản thân mà cảm thấy cảnh sát rất đáng thương. Cô không muốn họ bức hại cô vì như thế họ sẽ tạo nhiều nghiệp. Kết quả, cô được thả vài giờ sau đó.
Trải nghiệm của đồng tu Trịnh là một ví dụ điển hình về cách suy nghĩ của chúng ta có thể ảnh hưởng đến kết quả. Khi cô phủ nhận ý nghĩ bị giam giữ trong trại tạm giam, cô đã được thả. Khi cô thừa nhận việc cảnh sát bắt giữ cô tại nhà, cô thực sự đã bị bắt giam. Khi cô nghĩ về việc không cho phép cảnh sát làm thêm việc xấu và tích nghiệp, cô đã được phóng thích trong vài giờ.
Ngoài ra, còn có những câu chuyện tương tự khác. Trước khi một đồng tu đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy có một niệm: “Gần đây mình đã làm việc rất vất vả. Có lẽ đến trại tạm giam nghỉ một chút.” Sau đó, anh ấy bị bắt và bị đưa đến một trại tạm giam. Còn có một đồng tu khác giương biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn và hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, nhưng không ai đến bắt cô ấy. Lúc đó, cô chợt nghĩ: “Ai cũng nói cảnh sát bắt người ở đây. Sao không thấy ai đến bắt mình?” Sau đó, quả thực cảnh sát đã bao vây cô…
Những suy nghĩ chiêu mời bức hại này đến từ đâu? Thực ra, tất cả những tà niệm này – ngay cả ý nghĩ nhỏ nhất về việc bị bắt giữ, hoài nghi, sợ hãi – đều có thể là một phần trong sự an bài tỉ mỉ của cựu thế lực. Nếu chúng ta không phủ định chúng, chúng ta có thể rơi vào một cái bẫy bởi vì về cơ bản chúng ta đang thừa nhận sự an bài của cựu thế lực. Nếu chủ ý thức của chúng ta không thanh tỉnh, không mạnh, chúng ta có thể đi theo sự an bài của cựu thế lực và tự đặt bản thân vào vòng nguy hiểm.
Sư phụ giảng:
“Chư vị chỉ có tâm bất chính thì mới có thể chiêu mời những thứ tà đó. Tâm chính thì ai cũng không dám tới, [nếu] thực sự có thể tới, thì chúng Thần cũng đều không cho phép.” (Giảng Pháp tại Pháp Hội miền Tây Mỹ Quốc 1999)
Trong quá trình tu luyện, khi nhận ra sai lầm, chúng ta cần chủ động sửa chữa kịp thời, nếu không, chúng ta sẽ liên tục mắc sai lầm và có thể bị cựu thế lực dùi vào sơ hở. Do đó, khi chúng ta nảy ra suy nghĩ gì, hay có lỡ miệng nói ra câu gì, chúng ta phải dùng chủ ý thức mạnh dựa trên các Pháp lý để đo lường. Bằng cách này, chúng ta sẽ phân biệt được những suy nghĩ đó là tín tức ngoại lai can nhiễu hay từ chủ ý thức của chúng ta.
Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta tu luyện chính là tu chủ ý thức. Vì vậy, chúng ta phải chú ý hai điểm: một là chủ ý thức của chúng ta nhất định phải thanh tỉnh để có thể phân rõ đâu là can nhiễu từ bên ngoài và đâu là chính niệm dựa trên Đại Pháp, ngoài ra, chủ ý thức của chúng ta phải mạnh để có thể chủ động bài xích mọi tư tưởng không phù hợp với Pháp.
Sẽ rất tốt nếu chúng ta học thuộc mục “Tâm nhất định phải chính” trong Bài giảng thứ sáu của Chuyển Pháp Luân để làm kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành vi của chúng ta.
Trên đây là những thể ngộ cá nhân của tôi, xin vui lòng chỉ ra bất cứ điểm nào không phù hợp.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/22/452145.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/28/204947.html
Đăng ngày 30-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.