Bài viết của Tiểu Huệ, đệ tử Đại Pháp tỉnh Liêu Ninh

[MINH HUỆ 27-05-2022]

Sư phụ giảng:

”Trong xã hội người thường, chỉ vì danh lợi, tranh đoạt giữa người với người, chư vị ăn không ngon ngủ không yên, thân thể chư vị đã không còn ra hình nữa” (Chuyển Pháp Luân)

Trước khi học Pháp, tôi thuộc loại người mạnh mẽ, làm gì cũng truy cầu hoàn hảo. Ngoài xã hội và ở công ty, tôi chưa bao giờ chịu thiệt thòi. Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do tôi quyết định. Tôi sống chỉ vì chút khẩu khí, thân tâm mệt mỏi. Mới hơn 30 tuổi, bệnh tật đầy thân. Năm 1996, tôi may mắn đắc Pháp. Không lâu sau, tất cả bệnh tật đều không cánh mà bay.

Mở trường mẫu giáo

Tôi từng làm việc tại một trường mẫu giáo. Sau khi trường đóng cửa, nhân viên đều bị sa thải. Trường mẫu giáo trở thành một trường đơn lẻ. Tôi cũng thuê một căn hộ và mở trường riêng. Ban đầu, tôi không biết làm thế nào. Vì ở trong vùng đã có hai trường mẫu giáo, nên tôi cũng không biết trường của mình có học sinh hay không.

Không lâu sau, tôi nghe nói có một vị đồng tu, chồng cô bị bắt giữ phi pháp vào trại lao động vì tu luyện Pháp Luân Công, một mình cô phải nuôi con nhỏ, không có nguồn thu nhập, nên tôi đã đón hai mẹ con cô về trường. Cô ấy tính tình vui vẻ, chịu khó, lại tốt bụng. Cô coi trường như nhà của mình. Cô đỡ đần cho tôi rất nhiều việc. Bọn trẻ đều quen gọi cô là cô bảo mẫu nhỏ.

Đại Pháp đã thay đổi thế giới quan của tôi

Tôi và cô bảo mẫu đều học Đại Pháp, chúng tôi nghiêm khắc yêu cầu bản thân dùng tâm từ bi tu xuất trong Đại Pháp để đối đãi với bọn trẻ. Các bé nhỏ mới đi mẫu giáo không ngoan chút nào, ngày ngày quấy khóc, làm ảnh hưởng đến các bé khác ngủ trưa. Hai chúng tôi thay nhau bồng bé ra ngoài dỗ dành. Một số bé không chịu ăn cơm, chúng tôi phải bón từng muỗng.

Cô bảo mẫu thường xuyên ăn đồ thừa, cô không bao giờ đem bỏ chúng. Tôi nói: “Cô hãy nấu đồ mới mà ăn, chứ đừng ăn đồ thừa nữa.” Cô nói: “Chúng ta là đệ tử Đại Pháp không được lãng phí đồ ăn, bỏ thức ăn là có tội đấy. Lúc tôi bị giam giữ phi pháp trong trại giam, bồn cầu ngay ở sát bên, chẳng lẽ tôi bỏ cơm không ăn? Khi đó, căn bản là tôi ăn không đủ no.” Cô ấy đã từng bị ĐCSTQ bắt giữ trái phép vào trại lao động vì học Pháp Luân Công.

Ở lớp mầm thường có các bé đi đại tiểu tiện ra quần. Mỗi lần gặp tình huống này, tôi đều thấy buồn, nhưng cô bảo mẫu luôn tươi cười nói: “Không sao, tôi tới đây.” Cô xắn tay áo lên, vừa trêu vừa cởi quần các bé. Tôi đi lấy chậu nước ấm, tôi bồng bé lên, còn cô bảo mẫu làm vệ sinh, thông thường tay cô sẽ dính phân, nhưng cô không bao giờ chê bẩn.

Có một hôm, phụ huynh đến trường gửi một bé gái mới 18 tháng tuổi, tên của cô bé là Kỳ Kỳ. Theo lý, chúng tôi không nhận các bé quá nhỏ, mà chỉ nhận các bé từ 2 tuổi trở lên. Vị phụ huynh này là giáo viên, cũng là bà ngoại của cháu bé. Bà tâm sự với tôi những khó khăn của mình. Bà nói: “Đứa bé này sinh thiếu tháng, bố mẹ cháu đã ly hôn, con gái tôi đi làm ở xa, chỉ có mình tôi nuôi cháu, mà tôi còn phải đi làm, tôi gửi cháu ở đâu cũng không yên tâm. Tôi nghe nói các cô là học viên Pháp Luân Công, tâm địa lương thiện, nên tôi gửi cháu cho các cô cũng yên tâm.” Nhìn thấy vẻ mặt bối rối của tôi, bà nói: “Tôi trả tiền công nhiều chút, các cô nhất định phải nhận giữ cháu nhé.”

Tôi biết, nếu nhận giữ đứa bé này thì phải bỏ rất nhiều công sức, nhưng nghĩ đến mình là đệ tử Đại Pháp, Sư phụ dạy chúng ta làm gì cũng cần nghĩ cho người khác, bà ấy gặp khó khăn, mình sao có thể không quản chứ? Do đó, tôi đã đồng ý nhận giữ cháu bé và không thu thêm tiền. Bà ngoại cháu rất vui. Bà còn dặn dò tôi, ngoại trừ bà ra, không cho phép ai gặp mặt cháu bé. Bà ngoại của Kỳ Kỳ thường đến đón cháu rất muộn. Có khi bà gọi điện nói rằng không đến đón cháu. Cô bảo mẫu không bao giờ phàn nàn. Cô luôn xem cháu như con ruột của mình.

Một ngày nọ, bố của Kỳ Kỳ đến trường đòi rước con. Tôi tiếp đãi anh rất nhiệt tình, mong rằng anh có thể thông cảm cho chúng tôi, bởi vì bà ngoại của cháu đã nhắn nhủ là không cho phép bất cứ người nào đón cháu. Anh ấy rất thất vọng và đã nói một số lời không hay. Tôi thấy được mối ân oán giữa họ rất sâu. Tôi bèn nghĩ, mình gặp chuyện này không phải ngẫu nhiên. Tôi kéo một chiếc ghế và mời bố cháu ngồi xuống, sau đó tôi rót nước mời anh. Tôi trò chuyện thân mật với anh: “Tôi rất thông cảm với anh, anh muốn gặp con là chuyện bình thường. Trước mắt, anh không cần lo, tôi là học viên Pháp Luân Công, con anh gửi ở chỗ chúng tôi, anh hãy yên tâm nhé. Chúng tôi đối đãi với các cháu theo Chân-Thiện-Nhẫn.”

Tôi giới thiệu Pháp Luân Công cho anh, tôi nói: “Duyên phận đã khiến mọi người gặp nhau, giữa người và người cần thông cảm nhiều hơn, bà ngoại nuôi cháu cũng không dễ, một mình bà nuôi cháu khỏe mạnh thế này, anh nhìn xem, cháu bé đáng yêu thế kia! Cháu bé là con của anh, nhưng anh không chăm sóc cháu lâu thế, cũng chẳng gửi tiền trợ cấp, thử hỏi bà ngoại có nổi giận không? Sư phụ Đại Pháp giảng: ’Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời cao’ (Chuyển Pháp Luân) Ân ân oán oán khi nào mới dứt, thông cảm cho nhau một chút, đối với anh và đứa nhỏ đều có chỗ tốt.” Anh ấy rất tán đồng với tôi, anh gật đầu nói: “Tôi cảm ơn cô.”

Tôi gọi điện cho bà ngoại của Kỳ Kỳ, kêu bà đến đón cháu. Một lúc sau, bà đã đến. Bố của Kỳ Kỳ chủ động đến chào hỏi, anh nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi!” Bà ngoại của Kỳ Kỳ đã quay mặt đi. Ngay lúc này, cô bảo mẫu dẫn Kỳ Kỳ ra. Bà ngoại ẵm Kỳ Kỳ trên tay, mắt ngấn lệ nói với con bé: “Kỳ Kỳ, gọi bố đi con.” Nhìn thấy cảnh này, tôi cũng rơi nước mắt. Mâu thuẫn đã được hóa giải, họ vui mừng đưa bé con về nhà. Đứng nhìn họ đi xa dần, tôi nghĩ hẳn là uy lực của Đại Pháp đã giúp họ giải quyết vấn đề.

“Con tôi không chuyển trường nữa”

Có một bé học lớp lá, tên là Vũ Tân. Em ấy ra vào trường mẫu giáo của tôi tổng cộng ba lần. Đến lần cuối cùng, mẹ của Vũ Tân cúi đầu gửi con vào trường, rồi ra về.

Biết tin Vũ Tân quay lại, tôi lập tức ra đón bé. Bé vội chạy tới, ôm chặt lấy eo tôi, khuôn mặt nhỏ xíu áp vào ngực tôi, bé nói: “Cô ơi, con nhớ cô. Mẹ con nói, con sẽ ở lại trường của cô, không chuyển trường nữa.” Tôi nói: “Cô cũng nhớ con.”

Lúc tan học, mẹ cô bé đến đón, cô ngại ngùng nói chuyện với tôi: “Cô Tiểu Huệ à, mẹ con chúng tôi đã quay lại, các cô dạy trẻ quá tốt! Trước kia, tôi nghĩ các cô học Pháp Luân Công sẽ dạy hư con tôi, nhưng trải qua mấy lần chuyển trường, tôi vẫn thấy các cô dạy tốt nhất. Con tôi học được nhiều thứ ở đây, đặc biệt là cháu làm toán rất giỏi, làm phép cộng trừ rất nhanh mà không cần đếm ngón tay, cháu biết ‘Tam tự kinh’, ngoài ra còn có một số bài thơ cô dạy cháu mà tôi chưa từng nghe qua.” Tôi nói: “Đó là thơ trong sách Hồng Ngâm của Sư phụ Đại Pháp. Trước đây, tôi chưa kịp giảng chân tướng Đại Pháp cho chị. Mỗi lần chị đón con, chị đều vội ra về.”

Tôi giảng chân tướng cơ bản của Đại Pháp cho mẹ Vũ Tân nghe, nói với cô vẻ đẹp của Chân-Thiện-Nhẫn, cũng như giúp cô làm tam thoái. Cô nói: “Tôi cảm nhận được lòng tốt của các cô. Lần này con tôi không chuyển trường nữa.”

Bà ngoại của Ngưu Ngưu đến đón cháu, vừa bước chân vào trường, bà mỉm cười nói: “Sáng nay, tôi nổi nóng với ông ngoại cháu, mở miệng chửi ông mấy câu. Ngưu Ngưu chạy tới nói với tôi, cô giáo tụi con dạy đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu, phải biết nhẫn nhịn. Bà ngoại ơi, bà nhịn ông ngoại chút đi. Ông bà đều niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’ nhé. Hai chúng tôi đều bật cười. Có khi Ngưu Ngưu làm sai, cháu còn nói xin lỗi chúng tôi. Đứa bé này từ lúc đi mẫu giáo, nó thay đổi quá nhiều, trở nên rất hiểu chuyện.”

Mẹ của Lâm Lâm cũng đến trường đón con. Mẹ Lâm Lâm nói: “Lâm Lâm đi truyền dịch ở bệnh viện, hễ cháu ngồi xếp bằng thì liền niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’. Các bé ở trường mẫu giáo của cô đều biết Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Sau đó, cô còn nói nhỏ với tôi: “Cô cũng chú ý chút nhé, đừng để chúng đi nói ở khắp nơi.” Tôi nói: “Tôi hiểu rồi, cảm ơn cô.”

Tâm tính thăng hoa trong Đại Pháp

Năm năm sau, cô bảo mẫu trở về đơn vị cũ làm việc. Học sinh cũng ngày càng đông, tôi lại mướn hai cô bảo mẫu khác.

Đến ngày trả tiền nhà, tôi đi gửi tiền cho chủ nhà. Chủ nhà không nhận và nói: “Tiểu Huệ à, cô cho tôi xin lỗi nhé. Tiểu Vi – con gái tôi muốn tự mở trường mẫu giáo, nên tôi không thể cho cô thuê nhà nữa.” Nghe xong, tôi liền nói: “Vậy sao ông không nói cho tôi biết sớm! Bây giờ tôi biết dọn đi đâu đây?” Ông nói: “Vậy tôi cho cô thêm một tháng nữa nhé.”

Tôi kể chuyện này với mấy cô bảo mẫu. Cô Trương nói: “Rõ là ép người mà. Chỉ trong một tháng ngắn ngủi, chúng ta đi đâu để tìm chỗ đây?” Cô Lý nói: “Con gái chủ nhà thấy trường chúng ta đông học sinh, nếu chúng ta không tìm được chỗ thuê, thì cô ta sẽ nhận giữ bọn trẻ.” Tôi nói: “Trước đây tôi đi tìm nhà, có một chỗ thích hợp để mở trường mẫu giáo, nhưng người ta không cho thuê.”

Phụ huynh đều biết chuyện này, nhiều người nói ra nói vào, tâm tôi cũng lên xuống theo. Một số phụ huynh nói: “Cô Tiểu Huệ à, chỉ còn nửa năm nữa là con tôi vào lớp một, cô hãy thương lượng với chủ nhà lần nữa xem sao.“ Tôi nghĩ làm vậy cũng được.

Tôi đi tìm Tiểu Vi nói chuyện: “Cô mở trường thì hãy mướn tôi, tôi làm công cho cô nửa năm, cô thấy có được không?” Tiểu Vi mỉm cười nói: “Cô để tôi suy nghĩ chút.” Tôi nói: “Được, vậy tôi đợi tin của cô.”

Hai ngày sau, tôi chưa thấy Tiểu Vi nhắc gì về chuyện này. Tôi cũng hiểu, người ta xưa nay chưa từng nghĩ sẽ mướn tôi. Chỉ còn 20 ngày nữa là tôi phải rời khỏi trường, trong lòng thấy hơi khó chịu.

Sư phụ giảng:

”Kỳ thực, khi chư vị cảm thấy danh-lợi-tình nơi người thường đang chịu phương hại mà khổ não, thì đã là tâm chấp trước người thường đang chưa buông bỏ được đó.” (Chân tu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi chợt nghĩ, đây chẳng phải là chấp trước sao? Nếu không mở trường thì tôi sẽ không có danh! Nếu không mở trường thì tổn thất về lợi ích cũng lớn! Tôi không nỡ bỏ các bé do mình nuôi lớn, đây chẳng phải là tình sao? Tôi quan sát tâm của mình trong mấy ngày vừa qua, tôi thấy mình rất ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, mà không nghĩ cho người khác. Tiểu Vi không có công việc, cô ấy luôn đi làm thuê cho trường mẫu giáo của người ta, bây giờ cô muốn tự mở trường ở nhà của mình, chẳng phải là chuyện rất bình thường sao? Là một đệ tử Đại Pháp, tôi nên thấy mừng cho cô ấy. Nghĩ tới đây, tôi quyết định giao lại trường mẫu giáo cho cô ấy. Cuối cùng tôi đã buông bỏ được cái tâm này.

Căn hộ do Sư phụ an bài

Có một hôm, phụ huynh của một bé đến nói chuyện với tôi: “Cô Tiểu Huệ ơi, tôi nghe nói căn hộ gì đó cần bán, cô có muốn đi xem không?” Vừa nghe xong, tôi nghĩ đây chẳng phải là căn hộ mình đã xem trước đây sao? Trước đây tôi có hỏi thăm chủ nhà, nhưng họ nói không cho thuê, cũng không chịu bán. Bỗng dưng, tôi không dám tin vào mắt mình nữa.

Tôi đã đến nơi và hỏi xem thế nào, quả thực là họ muốn bán nhà. Tôi nghĩ thật là thần kỳ, đây chẳng phải an bài của Sư phụ sao?! Hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận, tôi mua lại căn hộ này và tìm người sửa sang đôi chút. Quay đầu nhìn lại, tôi cảm thấy quá tuyệt vời! Một ngôi trường mẫu giáo rộng rãi thoáng mát, ánh mặt trời chiếu rọi các phòng học của lớp mầm, lớp chồi và lớp lá, bếp ăn, phòng vệ sinh. Trong phòng học của lớp lá, tôi treo đồ hình Pháp Luân ở mỗi bên tường.

Chúng tôi mau chóng dọn sang trường mới. Tôi mướn thêm một giáo viên. Ngày nào cũng có phụ huynh đến tham quan trường. Tôi nghĩ bất cứ người nào đến đây cũng là duyên phận, bất kể họ có gửi con đến học hay không, tôi đều giảng chân tướng Pháp Luân Công cho họ và khuyên tam thoái trước, sau đó tôi mới giới thiệu về trường.

Trên lớp, tôi yêu cầu giáo viên và cô bảo mẫu dạy dỗ các bé theo lý niệm Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi nói với họ, cần phải chân thành, tốt bụng và nhẫn nhịn, không được nói dối, không đánh và không mắng học trò, hãy dùng văn hóa truyền thống để gợi mở bản tính thuần chân thiện lương của các bé.

Tôi thường kể cho các bé nghe một số câu chuyện truyền thống trong “Tam tự kinh” và “Đệ tử quy”. Tôi thường chiếu biểu diễn Shen Yun hàng năm cho các bé xem. Tôi cũng thường bỏ cuốn sách mỏng chân tướng trong bao sách của các bé. Ngoài ra, mỗi bé đều đeo một chiếc bùa hộ mạng chân tướng ở trên cổ.

Bữa ăn ở trường mẫu giáo cũng rất quan trọng. Tôi chưa từng đánh lừa bọn trẻ. Bữa ăn hàng tuần đều thay đổi. Chỉ cần các bé thích ăn, dù món đó hơi đắt tiền nhưng tôi vẫn mua, không thể để cho các bé bị thiếu dinh dưỡng. Nếu giảm tiền bữa ăn thì tôi có thể kiếm thêm nhiều tiền chút, nhưng tôi không thể làm vậy. Tôi phải dựa vào lương tâm của mình. Là một đệ tử Đại Pháp, tôi không được phụ lòng các bé và phụ huynh. Tôi phải xứng đáng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp.

Giáo viên mẫu giáo cũng cần đọc sách “Chuyển Pháp Luân”

Bất kể làm gì, tôi đều nghĩ cho người khác trước. Trường hợp nhân viên bận việc xin nghỉ, tôi không bao giờ trừ lương của họ. Các bé có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi sẽ thu ít học phí. Mỗi lần đến kỳ lương, tôi thấy nhân viên làm việc vất vả hơn mình nên tôi trả lương cho họ nhiều hơn, nhưng họ đều từ chối nhận. Vào mỗi dịp lễ Tết, phụ huynh đều biếu quà cáp. Vì không thể từ chối nên tôi cũng mua quà đáp lại.

Tôi dùng thiện tâm tu xuất trong Pháp để đối đãi với nhân viên và các bé. Giáo viên chủ động tìm tôi nói muốn đọc sách “Chuyển Pháp Luân”.

Bố mẹ của Đồng Đồng ly hôn, bà nội của bé đã lớn tuổi, sức khỏe không tốt, giáo viên thường xuyên đến nhà rước bé Đồng Đồng đi học. Cô Tiểu Quân thường tranh thủ giờ nghỉ để tắm rửa, thay quần áo và cắt móng tay móng chân cho bé. Cô thường lấy quần áo của con mình cho Đồng Đồng mặc. Bà nội của Đồng Đồng gặp ai cũng khen giáo viên của trường chúng tôi tốt bụng. Cô giáo không phải là người tu luyện, nhưng cô nói: “Tôi cũng phải chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn làm một người tốt.”

Học sinh ở trường càng ngày càng đông. Do không đủ giường nên chúng tôi phải nối bàn ghế lại với nhau để làm giường. Nhân viên của Bộ Giáo dục đến thanh tra trường, họ nói: “Học sinh đông như vậy, cô phải mở rộng cơ sở của trường đấy.”

Có phụ huynh gửi con đến, nhưng vì trường hết chỗ nên tôi không nhận thêm. Có một phụ huynh tìm đến chồng tôi nói chuyện: “Anh chị nhận thêm một bé nữa nhé.” Chồng tôi nói: “Tôi nói thật với chị là trường không còn chỗ. Chị hãy đến trường khác xem sao nhé.” Phụ huynh nói: “Ở ngoài ai cũng nói trường mẫu giáo của anh chị rất tốt, bữa ăn ngon, dạy trẻ tốt, vợ anh lại học Pháp Luân Công, bụng dạ rất tốt.”

Tôi đã thể hiện vẻ đẹp của Chân-Thiện-Nhẫn cho bọn trẻ. Ở trong mắt các bé, tôi giống như một đứa trẻ con cùng chơi đùa với chúng. Vào dịp lễ thiếu nhi hàng năm, tôi đều chuẩn bị một ít quà cho bọn trẻ, ngoài ra còn làm nhiều món ngon, tập dượt một số tiết mục văn nghệ và giao lưu với phụ huynh. Bọn trẻ khoác lên mình nhiều bộ trang phục để biểu diễn tiết mục của mình. Tôi mời thợ chụp hình để chụp lại những khoảnh khắc tươi đẹp thời mẫu giáo. Bầu không khí ở trường mẫu giáo rất vui.

Dưới sự bảo hộ từ bi của Sư phụ trong hơn 10 năm qua, tôi đã tận dụng công việc này để hồng dương Đại Pháp, chứng thực vẻ đẹp của Đại Pháp, làm việc bản thân cần làm một cách lý trí và trí huệ, giúp phụ huynh minh bạch chân tướng Đại Pháp và có lựa chọn sáng suốt. Vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và sự thuần chân của Chân-Thiện-Nhẫn đã tịnh hóa sinh mệnh của từng em học sinh.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/5/27/【慶祝513】我的幼兒園-442275.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/28/201570.html

Đăng ngày 05-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share