Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đông Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-05-2022] Tôi năm nay 50 tuổi. Đầu năm 1999, tôi vừa đọc xong một lượt cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” cũng là lúc tập đoàn Giang Trạch Dân bắt đầu phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, gần như tất cả đồng tu tôi quen đều bị cảnh sát bắt bớ. Mất đi môi trường luyện công học Pháp tập thể, tôi cũng dần từ bỏ tu luyện, nhưng sức mạnh của Chân-Thiện-Nhẫn đã bén rễ sâu trong tâm thức của tôi. Trong cuộc sống thường nhật, tôi vẫn có thể nhớ đến Pháp của Sư phụ và hành xử chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp.
Năm 2005, tôi lập gia đình và có con. Một ngày nọ, tôi gặp một vị đồng tu và cô ấy hỏi tôi còn tu luyện không? Tôi nói tôi không còn sách nữa, nên không cách nào tu luyện. Cô ấy nói cô có sách và đưa cho sách Đại Pháp cho tôi mang về nhà. Kể từ ngày hôm đó, tôi quay trở lại tu luyện Đại Pháp. Ban đầu tôi sợ chồng biết được, nên chỉ dám lén lút tu luyện. Qua một thời gian, tôi bị chồng phát hiện và anh ấy đã ngăn cản tôi. Tôi nói với anh ấy rằng: “Nếu như em không hành xử chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn, em có thể đối xử tốt với cha mẹ như vậy sao?” Chồng tôi nghe vậy không nói được lời nào nữa.
1. “Bà thật có phúc lớn khi có con cô con dâu như vậy”
Sau khi kết hôn, tôi sống cùng bố mẹ chồng trong một ngôi nhà cấp bốn có thiết kế dạng hai phòng đối diện hai bên đông tây, bếp ăn ở giữa. Ba mẹ chồng tôi ở quê lên, không có lương hưu nên hơn chục năm qua ăn cơm chung với hai vợ chồng tôi, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ ghét bỏ họ. Trong cuộc sống thường nhật, tôi luôn cố gắng dùng “Chân-Thiện-Nhẫn” làm kim chỉ nan cho hành động và lời nói của mình, là Đại Pháp đã cải biến tôi từ một người hẹp hòi trở thành một người có thể hy sinh vì người khác, là Pháp Luân Đại Pháp đã dạy tôi cách thiện đãi với ba mẹ chồng, cách để thiện giải mâu thuẫn với họ.
Sống chung cùng ba mẹ chồng dưới một mái nhà, nên đụng chạm và xảy ra xích mích là chuyện khó tránh khỏi. Có lần, ba chồng tôi nổi giận ném đồ, đập nắp nồi “bang, bang” lên. Tôi nhìn thấy, trong tâm nghĩ: “Mình đâu làm gì sai, sao lại khiến ba chồng tức giận đến vậy? Sư phụ dạy chúng ta phải hướng nội khi gặp mâu thuẫn, tìm chỗ thiếu sót của bản thân, mình nên đặt vị trí là ba để thiện ý thông cảm cho ông. Trong tâm tức giận không nói ra, cứ giữ trong lòng sẽ không tốt cho sức khỏe.” Sau sự việc này, tôi nói chuyện với ba chồng với nét mặt ôn hòa: “Ba, cách làm việc của thế hệ trẻ chúng con nhất định là không phù hợp với quan niệm của người lớn, con coi hai người như ba mẹ ruột của con, con cũng mong ba coi con như con gái ruột của mình. Con có điểm nào làm chưa tốt, ba nói trực tiếp cho con nghe, có tâm sự ba đừng cất trong lòng, con sai chỗ nào con sẽ sửa.” Ba chồng tôi đã mỉm cười khi nghe những lời này.
Có lúc, mẹ chồng tôi nổi giận, mắng chửi tôi té tát, bà còn chỉ thẳng vào mặt tôi, nhưng tôi cũng không để bụng. Hành động mắng chửi của bà là không đúng, nhưng đây là thói quen đã dưỡng thành cả đời rồi, tuổi tác càng cao càng khó thay đổi. Tôi không thể thay đổi được bà, tôi chỉ có thể chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để yêu cầu bản thân, đề cao cảnh giới của bản thân, thiện đãi thấu hiểu cho mẹ.
Bà năm nay tuổi tác cũng đã cao, bà hay thích xỉa xói mọi người. Vào một buổi trưa, bà muốn ăn canh trứng, tôi nấu xong bà nói canh trứng nấu loãng quá. Tôi lại vui vẻ đi nấu cho bà một bát khác, bà lại nói đặc quá rồi. Lúc đó tôi có việc phải đi ra ngoài, nhưng nghĩ đến bà tuổi tác đã cao, tôi phải đặt việc chăm sóc bà lên trên, nghĩ vậy tôi nói: “Loãng thì con sẽ nấu lại ạ.” Khi tôi mang bát canh trứng thứ ba cho bà, bà nói quá đặc. Tôi nói vậy sẽ nấu bát khác cho bà, lúc này bà lấy làm ngại, nói tôi không cần phải nấu nữa.
Còn nhớ khi con gái tôi được ba tuổi, cháu đột nhiên khóc trong nhà của ông nội, ông rất tức giận đuổi hai mẹ con tôi ra khỏi nhà. Tôi ôm con nhỏ, còn ba chồng đẩy tôi từ phía sau, nhưng tôi cũng không tức giận. Khi đó dì cũng có mặt, lớn tiếng mắng mẹ chồng: “Hai anh chị lớn tuổi rồi, thường xuyên đau ốm, anh chị sống cùng với con dâu, cháu chăm sóc, giặt giũ, thu dọn nhà cửa, nấu cơm; vậy mà bây giờ anh chị nỡ lòng nào đối xử với cháu ấy như vậy? Nếu đổi lại là nàng dâu khác, thấy cảnh cháu nhỏ khóc có vài tiếng mà đã bị hai người đuổi ra ngoài như vậy thì sớm tranh cãi hơn thua rồi!” Những lời khiển trách này của dì khiến ba chồng tôi cảm thấy xấu hổ.
Sư phụ dạy chúng ta rằng: “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi là một người tu luyện, không phải ngẫu nhiên phát sinh sự việc như vậy. Ba mẹ chồng đang giúp tôi đề cao, tôi nên cảm kích họ mới phải, với suy nghĩ như vậy, tấm lòng của tôi càng ngày càng khoáng đạt hơn.
Trong hơn 10 năm qua, gần như quần áo mà ba mẹ chồng mặc đều là tôi mua, những lần nhập viện đều là tôi đứng ra chi trả, có lần tiền viện phí lên đến hàng chục nghìn nhân dân tệ. Khi ba chồng hoặc mẹ chồng nhập viện, hằng ngày tôi nấu những món hợp khẩu vị đến tận phòng bệnh. Chuyện lớn chuyện nhỏ của ba mẹ chồng đều một tay hai vợ chồng tôi lo lắng, cho đến tận khi họ qua đời.
Ba chồng tôi qua đời trước, còn mẹ chồng qua đời ở tuổi ngoài 80.
Khi hai ông bà còn sống, họ hàng bạn bè đều nói: “Anh chị thật có phúc khi có cô con dâu như vậy.” Mẹ chồng thấy tôi đối xử tốt với bà, cũng tín nhiệm tôi. Người thân, bạn bè, hàng xóm, chị dâu đều khen ngợi tôi là người tốt bụng. Tôi nói: “Nếu tôi không tu luyện Đại Pháp, tôi sẽ không làm được như vậy!”
2. Con gái của vợ cũ chồng tôi
Khi tôi và chồng kết hôn, chồng tôi đã có một đời vợ. Sau khi hai người ly hôn, con gái sống cùng với mẹ, chồng tôi nói anh ấy sẽ không đưa tiền nuôi con gái. Sau khi hai chúng tôi kết hôn, tôi khuyên anh ấy: “Ly hôn là chuyện của người lớn, trẻ con không có lỗi. Em nghĩ nếu cần hỗ trợ nuôi con thì anh nên trợ cấp, anh là ba ruột con bé cũng nên hoàn thành tốt vai trò làm ba.” Anh ấy cảm thấy rất xúc động khi nghe tôi nói như vậy.
Những năm đó, khi vợ cũ đưa con về quê đón Tết. Chồng tôi biết tin nên đến nhà ngoại đón con gái về nhà chơi. Tôi coi đứa trẻ như con ruột của mình, tôi cho tiền, mua quần áo mới cho bé. Tôi cũng ủng hộ chồng trợ cấp nuôi bé đến khi bé tốt nghiệp đại học và có công việc mới thôi.
Cô bé rất thân với tôi. Mặc dù kiếp này tôi và cháu không có quan hệ huyết thống, nhưng có lẽ ở kiếp trước, cô bé đã từng là con gái của tôi! Tôi giảng chân tướng cho cô bé, nói với cháu: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Cháu cũng thoái xuất khỏi tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mai sau, dù đứa trẻ này có đi đâu, tôi cũng có thể yên tâm, vì cháu thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” và đã làm “tam thoái”, đây là linh đan diệu dược tránh xa đại dịch. Sự bình an của đứa trẻ chính là tâm nguyện lớn nhất của tôi.
3. Sư phụ đã cứu sống ba mẹ con chúng tôi
Sau khi tu luyện, gia đình tôi cũng xuất hiện điều thần kỳ.
Vài năm trước, rất nhiều hộ gia đình ở khu vực chúng tôi đốt than để sưởi ấm khi mùa đông đến, đôi khi cũng xảy ra những vụ ngộ độc khí trong nhà rất nguy hiểm. Khi con tôi còn nhỏ, vào một buổi sáng mùa đông, khi thức dậy, tôi đột nhiên cảm thấy choáng đầu, cảm thấy trời đất đảo lộn rất khó chịu, không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi nặng nề đến được phòng bếp và nôn không ngừng. Lúc này, hai đứa trẻ cũng tỉnh dậy, chúng muốn đứng dậy nhưng lại không vững, ngã trái ngã phải liền khóc lớn. Tôi vô cùng kinh sợ, đây là ngộ độc khí than! Tối qua trước khi đi ngủ, tôi đổ quá nhiều than vào bếp khiến nó bị tắc, tôi và các con bị ngộ độc khí than rồi. Tôi nhanh chóng cầu xin Sư phụ cứu ba mẹ con và nói bọn trẻ mau niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
Các cháu từ nhỏ đã học Pháp, học thuộc thơ “Hồng Ngâm” của Sư phụ. Đôi khi, tôi nấu ăn trong phòng bếp, hai đứa nhỏ vừa chơi vừa nghe Sư phụ giảng Pháp. Đừng nhìn biểu hiện của trẻ nhỏ, mặc dù đang chơi nhưng cũng có thể nghe hiểu được Pháp mà Sư phụ giảng. Nếu tôi làm sai điều gì đó, cháu còn biết dùng Pháp của Sư phụ để đo lường và nhắc nhở tôi! Lần ngộ độc này, tôi vừa nhắc, các cháu đã lập tức thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, sau khoảng gần mười phút niệm, chúng tôi trở lại bình thường, còn có thể nói chuyện và tươi cười nữa, giống như không có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng không còn thấy khó chịu, ba mẹ con đã chuyển nguy hóa an.
Sau sự việc này, tôi có chút sợ hãi: Ngộ độc khí thường khiến người ta bất tỉnh, nhưng tôi và các con lại có thể tỉnh táo như vậy, là Sư phụ đã cứu ba mẹ con tôi! Đệ tử khấu bái Sư phụ!
4. Niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” thật hữu dụng
Khi con tôi còn nhỏ, hễ bị cảm, sốt, hoặc có chuyện gì, tôi và con đều thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, mỗi lần như vậy chúng tôi đều có thể gặp dữ hóa lành.
Có một lần, ba chúng tôi ngồi trên xe cũ của ông ngoại. Con trai tôi vươn tay ra khỏi cửa xe, con gái không hay biết đã đóng mạnh cửa xe lại, sập mạnh vào ngón tay của con trai khiến nó bị dập, bé đau đớn kêu khóc. Tôi vừa cầu xin Sư phụ giúp đỡ, vừa niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, niệm được một lúc thì tay của con trai trở lại hình dạng ban đầu và không còn đau nữa.
Vào một ngày mùa đông, con gái tôi bị sốt, toàn thân nóng như lò sưởi, hơi thở nặng nhọc. Tôi và cháu cùng nhau niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, cứ niệm cứ niệm như vậy, cháu đã có thể dậy chơi đùa, đến ngày hôm sau khỏi hẳn.
Một lần con trai tôi nói cháu bị đau răng, đau đến mức sưng vù một bên mặt, tôi nhắc cháu niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Niệm được một lúc thì cơn đau đã thuyên giảm, lại tiếp tục niệm thì không còn đau nữa. Con trai nói: “Mẹ ơi, niệm Pháp Luân Đại Pháp hảo thật hữu dụng ạ.”
Vào một đêm khuya, con trai đột nhiên bị sốt, không ngừng quấy khóc. Chồng tôi rất sốt ruột, vội muốn đưa cháu đến bệnh viện khám. Tôi nói chi bằng để cháu niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, chồng tôi lại nói không có hiệu quả, anh nhất quyết phải đưa cháu đến bệnh viện. Tôi nói: “Phương pháp tiết kiệm mà tốt như vậy tại sao anh không cho con làm?” Chồng tôi tức tối nhìn tôi chằm chằm, tôi nói: “Mình dùng cách này chắc chắn con sẽ khỏi, đến bệnh viện hay ở nhà, anh chọn đi!” Chồng tôi không nói gì, tôi nói với con trai: “Con hãy niệm Pháp Luân Đại Pháp hảo, mẹ sẽ niệm cùng con nhé.” Thế là chúng tôi cứ niệm, cứ niệm đến khi cháu chìm vào giấc ngủ, cháu cũng đã hạ sốt.
Trước đây, chồng tôi không vui khi tôi bật băng ghi âm bài giảng Pháp của Sư phụ cho con nghe, anh còn ngăn cản tôi. Nhưng qua vài lần sốt cao, không uống thuốc, không tiêm, không đến bệnh viện, hai cháu chỉ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” là đã khỏi, chồng tôi cũng nhiều lần chứng kiến sự kỳ diệu của Đại Pháp.
Một lần, con trai tôi bị bạn cùng lớp đá vào mặt, trán nổi cục u to như một quả trứng gà, nhưng con trai cũng không oán trách bạn học đó. Cháu chỉ ngón tay vào chỗ sưng nói mình không đau chút nào. Nhưng phụ huynh của bạn học kia thì lại rất lo lắng, lo con trai tôi bị thương nặng. Sau khi hai bên gặp mặt, chúng tôi cũng không nói một câu khiển trách cháu bé, chủ nhiệm thấy tôi và gia đình bên kia không có mâu thuẫn hay tranh chấp, cảm động nói: “Vị phụ huynh này thật là tốt, không phàn nàn gì cả.”
Còn có một lần khác cũng tại trường, một bạn học trong lớp đã dùng gậy rạch vào mặt con trai tôi một vết rạch dài 3 cm, vết thương rất sâu và dài. Giáo viên thông báo với phụ huynh của bạn học và vị này gọi điện thoại cho tôi kể lại sự việc. Tôi an ủi vị phụ huynh này: “Không cần quá lo lắng, sẽ không có chuyện gì đâu.” Sau khi vết thương của con trai lành lại, trên mặt cháu có vết sẹo dài 3 cm. Vị phụ huynh kia kiến nghị muốn đưa con trai tôi đi làm thẩm mỹ, nhưng tôi đã khước từ, tôi không muốn tăng thêm gánh nặng tài chính cho người ta. Tôi hiểu rằng, chỉ cần thành tâm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, thần tích sẽ có thể triển hiện. Bây giờ, vết sẹo trên mặt cháu càng ngày càng nhỏ, nếu không nhìn kỹ sẽ không thể nhận ra. Sau sự việc này, con trai và bạn học ấy vẫn có thể là bạn tốt. Khi đó, những bậc phụ huynh biết được chuyện này đều khen ngợi tôi: “Vị phụ huynh này đúng là người tốt!”
Trong thâm tâm, tôi hiểu rất rõ, tất cả những điều này đều là Sư phụ ban cho chúng tôi. Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ không thể đạt đến cảnh giới cao như vậy; con trai tôi nếu không học Đại Pháp cùng tôi, thì tấm lòng của cháu cũng sẽ không thể rộng lượng, bao dung đến như vậy. Nhân kỷ niệm 30 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền ra thế giới, con xin một lần nữa cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại! Cảm tạ Đại Pháp vĩ đại!
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/25/442278.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/26/201528.html
Đăng ngày 03-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.