Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-04-2021] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi. Mặc dù tôi đắc Pháp từ khi còn nhỏ, nhưng mãi cho đến vài năm gần đây tôi mới bắt đầu làm ba việc. Tôi cảm thấy thật hối tiếc vì đã lãng phí quá nhiều thời gian, nhưng dẫu sao tôi vẫn còn may mắn khi cuối cùng đã bước đi trên con đường chân chính do Sư phụ an bài.
Mơ thấy một đứa trẻ chào đời
Mẹ tôi kể lại rằng bà đã có một giấc mơ vài ngày trước khi tôi chào đời: bà nghe thấy tiếng chiêng và tiếng trống náo nhiệt ở bên ngoài. Bà ra mở cửa và nhìn thấy một lão thần tiên đang ôm một đứa trẻ nhỏ được quấn trong tấm vải màu vàng. Lão thần tiên nói với mẹ tôi rằng đây là một bé gái ba tuổi. “Cháu bé này là con gái con. Hãy nuôi nấng đứa bé này cho tốt”. Mẹ tôi đón lấy đứa bé, đặt lên giường và bắt đầu tháo từng lớp vải. Mỗi lớp vải có một màu sắc khác nhau. Bên trong còn có nhiều cuốn sách bìa màu vàng kim. Mẹ tôi mở một cuốn ra xem nhưng bà không thể hiểu những gì được viết trong sách. Sau đó mẹ tôi tỉnh dậy, và tôi đã chào đời vài ngày sau đó.
Vào năm 1992, lúc đó tôi tròn bảy tuổi, một đồng nghiệp của mẹ tôi đã cố gắng giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho bà. Vào thời điểm đó mẹ tôi đang theo đuổi cái gọi là “cuộc sống tốt đẹp” của một người bình thường. Mẹ tôi đã không tu luyện mặc dù cảm nhận được Đại Pháp là tốt.
Mẹ tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1998 sau khi một người hàng xóm nói chuyện với bà về Pháp Luân Đại Pháp một lần nữa. Bà mượn được một cuốn Chuyển Pháp Luân và băng ghi âm các bản nhạc luyện công. Mẹ nói với tôi rằng bà sẽ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Khi tôi nghe được ba từ “Chân-Thiện-Nhẫn”, ngay lập tức tôi cảm thấy đây chính là điều mà tôi hằng tìm kiếm. Tôi nghĩ mình sẽ tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn ở độ tuổi 13.
Mỗi ngày chủ nhật, mẹ đưa tôi đến nhà của một học viên để đọc Chuyển Pháp Luân cùng với mười học viên khác. Tôi vẫn còn nhớ trên tường nhà học viên đó có treo ảnh Pháp tượng của Sư phụ Lý (nhà sáng lập pháp môn Pháp Luân Đại Pháp) và đồ hình Pháp Luân.
Vào mùa hè, mẹ tôi nghe nói rằng có một buổi học Pháp hàng tuần dành cho trẻ em. Vì vậy, tôi đã tham gia nhóm học Pháp đó.
Tôi chỉ kịp tham dự vài buổi học trước khi Đảng cộng sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Đại Pháp. Vào thời điểm đó tôi chưa đọc hết dù chỉ một lượt cuốn Chuyển Pháp Luân, nhưng Đại Pháp đã cắm rễ sâu trong tâm tôi. Tôi biết mình là một đệ tử Đại Pháp. Tôi đến thế gian này vì để đắc được Đại Pháp.
Không làm tốt những gì Sư phụ yêu cầu sẽ vĩnh viên lưu lại hối hận
Ngay trước ngày 25 tháng 4 năm 1999, một học viên đã rủ mẹ tôi cùng đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hoà yêu cầu quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Mẹ tôi không đi được vì bà đang bận mở một quầy hàng ăn sáng.
Sau đó chúng tôi sớm chuyển đến một địa điểm mới. Chúng tôi đã mất đi liên hệ với các học viên cũ, cũng như hoàn cảnh để tu luyện.
Bởi vậy, mẹ tôi đã rơi vào trạng thái độc tu. Bà vẫn đang đọc Chuyển Pháp Luân nhưng không đọc thêm các Kinh văn mới của Sư phụ và không biết về tiến trình Chính Pháp. Thỉnh thoảng bà nhặt được vài cuốn sách nhỏ giảng chân tướng bị ai đó ném đi. Bà luôn đọc thật kỹ và cất giữ chúng như thể đó là một vật báu. Từ những điều đó, mẹ tôi đã nắm được một số tình huống nhất định. Bà liên tục thắc mắc khi nào thì các học viên đi phân phát tài liệu. Bà luôn mong muốn gặp được họ. Mất đi một hoàn cảnh tu luyện và không thể tìm thấy bất cứ học viên nào khác quả thực là một việc thống khổ.
Tôi biết rõ Đại Pháp là tốt. Nhưng trong suốt quãng thời gian thanh xuân của bản thân, tôi đã bị hãm nhập vào danh lợi tình nơi trần thế, quên mất đi ý nghĩa nhân sinh đích thực là gì.
Cuối cùng vào năm 2015, thông qua một người họ hàng mà mẹ tôi đã tìm được một học viên khác. Người học viên đó đã đưa cho mẹ tôi tất cả các Kinh văn mới và giới thiệu với bà một nhóm học Pháp ở gần đó. Kể từ đó mẹ tôi đã trở lại tu luyện, và làm ba việc. Còn đối với bản thân tôi, tôi đã không thực sự tu luyện Đại Pháp cho đến năm 2009 khi tôi kết hôn và ổn định cuộc sống.
Tôi đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn vào năm 2010 sau khi con gái tôi chào đời. Chồng tôi đã không giúp đỡ tôi trong khi tài chính của gia đình chúng tôi thì eo hẹp. Tôi cũng có tâm phàn nàn về mẹ chồng. Tuy nhiên, tôi xuất ra một niệm kiên định: bất luận đối diện với khó khăn cỡ nào, tôi vẫn sẽ tu luyện Đại Pháp!
Trong khoảng thời gian khó khăn đó, tôi đã dành nhiều thời gian để đọc các sách Đại Pháp. Tôi rất mong chờ thời điểm con gái tôi lớn hơn một chút để tôi có thể ra ngoài giảng chân tướng Đại Pháp.
Khi con gái tôi chuẩn bị đi nhà trẻ, tôi lại phát hiện mình mang thai, và tôi không hề cảm thấy vui vẻ về điều đó. Tôi thực sự không mong muốn có thêm một đứa trẻ vào thời điểm này. Nhưng là một học viên, tôi không thể sát sinh. Tôi sẽ phải đợi bao lâu nữa mới có thể làm được ba việc? Tôi nghĩ, Chính Pháp sắp kết thúc rồi, và tôi thì không còn thời gian nữa!
Tôi cảm thấy thất vọng, bởi về cơ bản tôi cũng đang ở trong trạng thái độc tu. Tôi không biết mình có thể tham gia vào các hạng mục giảng chân tướng khác thay vì giảng chân tướng trực diện với mọi người.
Tu luyện
Tôi đã gặp một số học viên vào năm 2015. Họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Đôi khi mẹ chồng giúp tôi trông chừng con nhỏ, sau đó tôi dẫn con gái lớn đi phát lịch chứa thông tin Đại Pháp.
Vào năm 2016, con gái lớn của tôi bắt đầu học tiểu học, còn đứa nhỏ thì đi nhà trẻ. Cuối cùng, tôi đã có nhiều thời gian hơn để phân phát tài liệu Đại Pháp trong các khu dân cư. Tôi cũng tham gia vào một nhóm các học viên giảng chân tướng định kỳ ở vùng nông thôn xung quanh.
Vào một buổi tối năm 2017 sau dịp năm mới, nhóm chúng tôi đã đến vùng nông thôn để phân phát tài liệu chân tướng Đại Pháp. Chúng tôi dự định phát tài liệu trước, sau đó giảng chân tướng trực diện với mọi người. Nhưng đột nhiên, một người đàn ông say xỉn xuất hiện và ném một chiếc rìu vào vị trí cửa sổ hành khách của xe chúng tôi. Cửa sổ bị vỡ. Chiếc rìu va vào một túi tài liệu, rồi nảy lên, và sau đó bay về phía cổ của người lái xe. Nó làm xước da cổ của tài xế và rơi xuống đất ở phía sau ghế của tài xế.
Người tài xế là một học viên có tâm tính khá tốt, anh ấy đã giữ được bình tĩnh. Sau đó anh tiếp tục lái xe đi. Gió lạnh lùa vào xe qua ô cửa kính vỡ nên tất cả chúng tôi đều đội mũ lên. Chúng tôi đã phát chính niệm. Chỉ sau khi trở về nhà, tôi mới cảm thấy có chút sợ hãi. Nếu không có Sư phụ bảo hộ, có lẽ hậu quả của sự việc hôm nay sẽ rất thảm khốc!
Chúng tôi phân phát tài liệu ở vùng nông thôn hai lần một tuần. Khi thời tiết trở nên ấm hơn, chúng tôi đi phân phát ở tất cả các khu vực lân cận. Sau đó, chúng tôi chuyển từ phát tài liệu sang giảng chân tướng trực diện.
Suốt thời gian đó, cuộc sống của tôi vô cùng tất bật. Trong lúc tôi đi làm thêm và chăm sóc hai đứa con nhỏ, tôi vẫn không bỏ lỡ việc học Pháp, luyện công và giảng chân tướng. Tôi không hề cảm thấy mệt mỏi chút nào. Giờ đây khi nhìn lại, vào thời điểm đó, toàn bộ tâm trí của tôi chỉ nghĩ đến làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu. Không có trở ngại nào có thể ngăn cản tôi.
Sư phụ giảng:
“Chỉ cần chư vị đề cao tâm tính, thì có thể vượt qua; chỉ e bản thân chư vị không muốn vượt qua; muốn vượt qua thì vượt qua được”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Khi đối mặt với khó khăn, chúng tôi sẽ ngồi lại để cân nhắc xem liệu mọi việc có thể làm được hay không. Trên thực tế, chìa khoá để giải quyết vấn đề là chúng ta có thực sự đặt tâm vào làm hay không.
Sư phụ giảng:
“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Một ngày nọ, một học viên và tôi nhìn thấy một số công nhân làm việc ở bên đường. Chúng tôi đã đưa cho họ một số tài liệu Đại Pháp và nói về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Họ đã lắng nghe một cách cẩn thận và đồng ý thoái xuất khỏi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Đột nhiên, một chiếc xe cảnh sát dừng lại bên cạnh chúng tôi. Khi hai cảnh sát bước ra khỏi xe, tôi nhìn vào đồng hồ. Lúc đó là chín giờ sáng, tôi nghĩ: Tôi có hai giờ để giảng chân tướng cho cảnh sát trước khi đón con tôi từ trường về.
Một cảnh sát hỏi người học viên này có gì trong túi xách của cô ấy. Người học viên này đã mở chiếc túi ra và bên trong không có gì cả. Cô ấy đã chuyển toàn bộ tài liệu và để lại chúng ở trong sân. Một cảnh sát khác nắm lấy cánh tay tôi và hét lên: “Cái gì ở trong túi của cô?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ấy và nói: “Tôi không làm điều gì phi pháp cả”.
Tôi gạt tay anh ta ra rồi quay lưng bỏ đi. Tôi đã nghĩ rằng anh ta sẽ tóm lấy tôi một lần nữa, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Tôi nhanh chóng bước đi và không ngoảnh lại nhìn. Trong khi đó, tôi đã cầu xin Sư phụ giúp đỡ và phát chính niệm. Sau khi đi bộ khoảng 100 mét, tôi quay lại nhìn và nhận thấy cảnh sát đã biến mất.
Chúng tôi quay trở lại sân và nhặt tài liệu Đại Pháp lên. Trên đường về nhà, chúng tôi đã phân phát tất cả số tài liệu đó.
Từ sự việc này, tôi đã thể nghiệm được Pháp lý mà Sư phụ giảng:
“Đệ tử Đại Pháp có thể nhìn thẳng kẻ ác bằng con mắt chân chính, kẻ ác lập tức phải né tránh ánh mắt ấy. Bởi vì chính niệm đã làm các sinh mệnh đang thao túng kẻ ác ấy sợ quá mà chạy trốn cả; là vì chúng đều biết rằng nếu chạy chậm một chút là chớp mắt sẽ bị chính niệm của đệ tử Đại Pháp thanh trừ ngay”. (Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002])
Sau sự việc đó, tôi đã hướng nội. Tôi muốn tìm ra thiếu sót trong tu luyện của mình. Tôi không thể tìm thấy vấn đề ngay lập tức. Nhưng sau đó, tôi nhận ra vấn đề nằm ở tâm thái của bản thân không thuần chính khi giảng chân tướng cho mọi người. Tôi đã không hoàn toàn bảo trì được chính niệm. Như Sư phụ đã giảng cho chúng ta:
“Tà ác không dám phản đối việc giảng rõ chân tướng và cứu độ chúng sinh, điểm then chốt là ở chỗ tâm thái khi làm công tác không có sơ hở cho chúng dùi vào”. (Giảng Pháp tại Pháp hội 2002 ở Boston, Giảng Pháp tại các nơi II)
Tôi đã không nhận ra bản thân có một chấp trước lớn ẩn giấu khi giảng chân tướng, đó chính là tư tâm. Khi tôi làm ba việc mà Sư phụ yêu cầu, mục đích của tôi không đơn thuần là vì sự đắc cứu của chúng sinh, mà tôi sợ rằng mình sẽ rớt lại phía sau và không thể viên mãn được.
Sau khi tôi minh bạch được vấn đề của mình, bất cứ khi nào tư tâm biểu hiện xuất lai, tôi liền nhớ đến lời giảng của Sư phụ:
“Tu luyện tôn giáo trong quá khứ, Phật gia giảng ‘không’, cái gì cũng không mong nghĩ, nhập ‘không môn’; Đạo gia giảng ‘vô’, cái gì cũng không có, cũng chẳng muốn, cũng chẳng truy cầu. Người luyện công giảng: ‘hữu tâm luyện công, vô tâm đắc công’. Ôm giữ một chủng tu luyện trạng thái ‘vô vi’, chỉ quan tâm tu luyện tâm tính chư vị, thì tầng của chư vị sẽ đột phá, chư vị đáng được gì thì đương nhiên sẽ có. Chư vị vứt bỏ không được, [thì] chẳng đúng là tâm chấp trước là gì?” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)
Kỳ thực tôi chỉ nên quản việc tu luyện và đề cao tâm tính bản thân. Nếu không chân chính thực tu thì sẽ không thành tựu được điều gì cả.
Đối mặt với đại dịch
Vào tháng Giêng năm 2020, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Nơi làm việc của tôi đã bị đóng cửa. Ban đầu, tôi rất vui vì có thêm thời gian rảnh để có thể ra ngoài giảng chân tướng cứu người mỗi ngày. Tôi luôn ghen tị với những học viên có thể giảng chân tướng cho chúng sinh mỗi ngày. Cuối cùng thì tôi cũng làm được điều tương tự.
Nhưng ngay sau đó, khu vực nơi tôi ở đã bị phong tỏa. Các hoạt động ngoài trời phải chịu nhiều hạn chế. Mọi người cũng ít ra ngoài đường. Nhiều học viên địa phương từng giảng chân tướng bên ngoài nay cũng ở yên trong nhà, trong khi vẫn còn quá nhiều chúng sinh chưa được cứu. Chúng tôi không thể lãng phí thời gian như vậy được!
Một học viên đã thảo luận tình hình này với tôi. “Tôi muốn đến thăm các đồng tu của chúng ta và khích lệ họ vượt qua can nhiễu”, cô nói. “Trong khoảng thời gian khó khăn nhất, họ là những học viên lâu năm đã dám đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện yêu cầu quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bây giờ, chúng sinh đang gặp nguy hiểm lớn, các học viên chúng ta phải khẩn trương đi cứu họ!”
Tôi đề nghị cô ấy viết ra những gì cô ấy đã chia sẻ và gửi lên trang web Minh Huệ để các học viên có thể đọc được. Nhưng cô lo lắng rằng, ngay cả khi Minh Huệ Net đăng tải các bài viết, thì chúng cũng không nhất định xuất hiện trên Tuần báo Minh Huệ. Nhiều học viên ở địa phương chúng tôi gặp khó khăn khi truy cập trang web và chỉ đọc được Tuần báo Minh Huệ.
Tôi nghĩ chúng tôi vẫn nên để nhiều học viên biết đến nội dung chia sẻ này. Vì vậy, tôi đã viết một bài chia sẻ dựa trên ý tưởng của học viên đó. Vài ngày sau, bài viết đã xuất hiện trên Tuần báo Minh Huệ, đúng như chúng tôi mong muốn.
Một lần nữa tôi đã thể nghiệm được những gì Sư phụ từng giảng:
“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ; chư vị chỉ cần nguyện vọng [tu luyện] là đủ rồi”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Sư phụ luôn bảo hộ và giúp đỡ chúng ta thời thời khắc khắc!
Một vài suy nghĩ
Gần đây khi tôi đọc Kinh văn “Lại một gậy cảnh tỉnh” của Sư phụ, tôi đã nghĩ đến hai loại trạng thái tu luyện giữa các học viên. Một loại là những người giống như tôi, làm không tốt ngay từ đầu và đang cố gắng để bắt kịp. Những học viên này làm ba việc rất tinh tấn. Nhưng tại sao họ lại tinh tấn như vậy? Đó là để cứu nhiều người hơn hay để đảm bảo rằng họ không bị tụt lại phía sau? Nói cách khác, cơ điểm nằm ở chỗ làm ba việc vì để cứu chúng sinh hay vì bản thân. Đây là một vấn đề hết sức then chốt.
Sư phụ giảng:
“Bản thân tu luyện bước đi là con đường của Thần, nhân tâm đâu đâu đều là chướng ngại”. (Lại một gậy cảnh tỉnh)
Một loại khác là những học viên thực hiện tốt ngay từ đầu. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh trở nên thoải mái, tâm an dật và tâm tự mãn của họ xuất hiện, và làm suy yếu ý chí của họ. Vì vậy, những ai đang làm tốt nên chú ý đến Pháp lý của Sư phụ:
“Đã qua đoạn đường khó nhất rồi, đến cuối cùng thì đừng lật thuyền trong rãnh khe nước bẩn!” (Lại một gậy cảnh tỉnh)
Tôi cũng muốn nói đôi lời với các học viên trẻ: Nếu có nhiều hơn nữa các học viên trẻ có thể tìm được thời gian ra ngoài giảng chân tướng, thì sẽ cải biến được quan niệm của thế nhân về Đại Pháp theo hướng tốt đẹp biết bao. Trước đây khi tôi nói về Đại Pháp, mọi người thường ngạc nhiên: “Em còn trẻ như vậy mà đã tin vào những điều này ư!” Hầu hết thời gian họ chỉ gặp các học viên lớn tuổi giảng chân tướng, vì vậy họ nghĩ chỉ những người già không có việc gì khác để làm thì mới tu luyện Đại Pháp. Nếu có nhiều học viên trẻ bước ra giảng chân tướng, mọi người sẽ biết rằng bất cứ người nào ở mọi độ tuổi, các ngành nghề đều có thể tu luyện Đại Pháp.
Thời gian để chúng ta tu luyện và thức tỉnh thế nhân là hữu hạn. Chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội thoáng qua này và làm tốt những gì nên làm. Chúng ta sẽ tu bỏ tư tâm, luôn nghĩ cho người khác trước và đạt đến tiêu chuẩn của tân vũ trụ. Chúng ta hãy cùng nhắc nhở nhau, tinh tấn tu luyện và bước đi thật tốt trên chặng đường cuối cùng!
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/13/421096.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/9/193614.html
Đăng ngày 21-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.