Bài viết của Thiện Huệ

[MINH HUỆ 11-07-2021] Năm 1999, tôi mới tròn 13 tuổi. Vào tháng 7 năm đó, những người dân lương thiện tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn xung quanh tôi đã bị chính phủ Trung Cộng đàn áp chưa từng có. Hơn 20 năm qua, trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ như in những kí ức thời đó. Thêm một tháng 7 nữa lại đến, tôi xin chia sẻ cùng mọi người về những mảnh kí ức này.

(1)

Mùa hè năm 1999, ngay lúc Trung Cộng vừa mới bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, tất cả học viên nam trong thị trấn chúng tôi, bao gồm cả cha tôi và bác Dương đã bị bắt giam phi pháp vào cơ quan chính quyền thị trấn. Một buổi trưa nọ, mẹ tôi đã chuẩn bị cơm xong, bà bảo tôi và chị ba (con gái của bác Dương) mang cơm đến thăm cha đang bị giam giữ phi pháp trong thị trấn.

Năm đó, tôi mới 13 tuổi, nào giờ chưa từng đi đến cơ quan chính quyền thị trấn. Dưới cái nắng chói chang, tôi đạp xe trên con đường tráng nhựa, trong tâm có chút bồn chồn lo lắng. Lúc còn bé, tôi không biết cụ thể là cha và bác mình bị bắt giam phi pháp vào cơ quan chính quyền, tôi cũng không biết nhân viên công tác ở cơ quan chính quyền thị trấn đối đãi với họ ra sao, rốt cuộc họ có cho chúng tôi gặp mặt cha mình hay không.

Tuy đường đi không xa, nhưng trong lòng không rõ thế nào khiến tôi cảm thấy đường rất xa, đến nỗi cảm giác có chút bất lực và miễn cưỡng. Cái nắng chói chang của mùa hè năm đó không đáng là gì cả.

Khi đến nơi, chúng tôi từ từ đi vào trong đại sảnh. Ngay đúng lúc không biết tìm chỗ nào, bác Dương, cha của chị ba đang bị giam giữ phi pháp ở lầu trên nhìn thấy chúng tôi, bác gọi lớn tên chị ba, nghe xong lòng tôi mới thấy nhẹ nhõm chút.

Chúng tôi bước lên lầu, cửa phòng giam giữ cha chúng tôi không có khóa, cũng không có ai trông chừng, chúng tôi đã gặp được cha mình một cách suôn sẻ. Cha nhìn thấy tôi, có chút bất ngờ hỏi tôi: “Sao con lại đến đây?”

Nói thực là khi nghe câu hỏi này, tôi có chút đau lòng, tôi liền trả lời: “Con mang cơm đến thăm cha.”

Trên đường đi đến cơ quan chính phủ thị trấn vào một ngày mùa hè năm 1999 cũng là lần đầu tiên tôi cảm giác rõ ràng về “khó nạn” trong cuộc đàn áp của Trung Cộng.

(2)

Vào ngày 1 tháng 10 năm 2002, khoảng 3 hay 4 giờ sáng, đặc cảnh leo tường vào trong tòa nhà, trực tiếp gõ cửa phòng nhà tôi, sau đó là cưỡng chế lục soát nhà phi pháp, ngay cả phòng ngủ của tôi cũng bị lục tung, chăn mền cũng không chừa. Sau khi không tìm được gì, họ muốn bắt cóc cha tôi. Nữ bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thị trấn còn ngụy thiện bảo tôi: “Không sao đâu, chúng tôi để cha cháu đi ‘học tập’ mấy hôm rồi về.”

Lúc đó trời đã vào thu, mẹ muốn chuẩn bị cho cha vài bộ đồ ấm nhưng tôi đã ngăn lại, tôi chỉ tay vào mặt nữ bí thư và nói: “Cô ta nói là mấy ngày nữa cha sẽ về, mẹ không cần chuẩn bị quần áo đâu.”

Thế là cha tôi đã bị đặc cảnh đột nhập vào nhà bắt cóc đưa đi vào sáng sớm ngày “quốc tang” (tức ngày 1 tháng 10). Em trai tôi dường như có chút kinh sợ.

Một lát sau, mẹ và tôi choàng tỉnh: Không thể để họ bắt người đưa đi như vậy được! Chúng tôi có phạm tội gì đâu?! Do đó, chúng tôi đã đến cơ quan chính phủ thị trấn đòi thả người. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua nhà mẹ của bác Dương, nhưng thấy cửa lớn khóa kín, chỉ có một chiếc giày nữ nằm ở lối vào.

Tôi và mẹ vội vã chạy đến cơ quan chính phủ thị trấn, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thông báo là cha tôi đã bị đưa đi, cô ta không nói cho chúng tôi biết họ đã đưa cha đi đâu.

Đúng lúc này, mẹ của bác Dương bị một đặc cảnh cao to áp giải đi ngang qua, hai tay bà ấy bị còng. Nhìn thấy chúng tôi, bà ấy gọi mẹ tôi và đưa chìa khóa nhà cho mẹ, khi đó, bác Dương đã bị giam giữ phi pháp được một khoảng thời gian rồi.

Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật lúc đó còn giả vờ nói với tôi và mẹ là, khi mẹ của bác Dương bị bắt cóc đến đây, chân bà chỉ mang một chiếc giày, chính là cô ta đã có “lòng tốt” mượn một đôi giày cho bà cụ, cô ta còn khuyên tôi hãy “yên tâm” đến lớp học.

Thời đó tôi học trường nội trú, ba tuần mới về nhà một lần. Ba tuần sau đó, tôi về nhà, mẹ của bạn học đến trạm xe rước chúng tôi, dì ấy nói: “Mẹ của bác Dương con đã bị bọn họ đánh chết rồi!” Nghe xong, nước mắt tôi như muốn trào ra, nhưng tôi cố gắng kiềm nén trước mặt mọi người.

Sau khi về nhà, mẹ chờ tôi ăn cơm xong mới nói với tôi: “Mẹ nói với con chuyện này, mẹ của bác Dương con đã bị bọn họ đánh chết rồi.” Cuối cùng, tôi không kiềm nổi nước mắt, liền bật khóc, mẹ tôi cũng khóc theo, chúng tôi im lặng nhìn nhau một hồi lâu.

Về sau, bác Dương kết hôn sinh con, khi con bác lên tiểu học, trường học bắt học sinh đeo khăn quàng đỏ, lúc đó cháu bé đã nói với thầy giáo: “Thưa thầy, con không đeo! Bà nội con đã bị bọn người kia hại chết!” Cháu không nghĩ tới là sẽ bị thầy giáo răn dạy và quở mắng. Nghe tới đây, nó khiến tôi nhớ lại chuyện xưa mà bật khóc.

(3)

Người bác thân thương của tôi vì kiên trì tín ngưỡng vào Pháp Luân Đại Pháp, đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và nói lời công đạo cho Đại Pháp, bác ấy bị cơ quan chính phủ Trung Cộng địa phương xem như “đối tượng trọng điểm”, ba lần bảy lượt bị lục nhà tịch thu tài sản phi pháp, bị bắt giữ, bị đánh đập tàn nhẫn, bị phạt tiền; sau đó, bác ấy buộc phải sống trôi dạt khắp nơi. Mãi cho tới đêm trước ngày con trai bác ấy kết hôn, bác mới về nhà.

Mới sau ngày đám cưới con trai, trong lúc cả nhà còn đang say ngủ, người bên đội quốc bảo ở huyện lao vào nhà bắt cóc bác tôi đưa đi, từ đó không rõ tăm tích bác ấy nữa. Chúng tôi đến đồn cảnh sát huyện tìm người, người chỉ huy đội quốc bảo hách dịch nói: “Tôi không nói chuyện với các người. Các người cút đi mau!” Đại đội trưởng đội quốc bảo còn nói chuyện vô lý hơn: “Các người đi mà tố cáo chúng tôi đi!” Sau đó, bác tôi bị bắt lao động phi pháp một năm.

Thật tình cờ, cha chồng và chị dâu tôi cũng từng bị lao động phi pháp vì không từ bỏ tín ngưỡng. Chị dâu cũng bị xem như “đối tượng bức hại trọng điểm”, cho nên chị thường sống phiêu bạt bên ngoài.

Đêm trước ngày tôi và chồng kết hôn, chị dâu cũng về nhà. Lúc đó cả nhà đều cảnh giác, đêm trước hôn lễ một ngày, chúng tôi đã tiễn chị đi. Quả nhiên, sau ngày đám cưới, một nhóm đông người của cơ quan chính phủ huyện đến nhà chúng tôi tìm chị dâu. Tuy bọn họ không tìm được người, nhưng cũng không chịu bỏ cuộc. Họ yêu cầu chúng tôi nói ra chỗ chị dâu ở. Mặc cho người nhà nói đạo lý với họ thế nào, họ cũng không chịu đi. Không còn cách nào, chồng tôi đành phải tìm đại một địa chỉ trên điện thoại đưa cho họ thì họ mới chịu rời đi. Về sau nghe nói là họ đã thật sự đến địa chỉ đó để tìm chị dâu.

Tà đảng Trung Cộng vẫn luôn bức hại Pháp Luân Công kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999 cho đến hôm nay. Bên trên chỉ là mấy phần còn lại trong kí ức của tôi, nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy rõ bản chất tà ác mất hết nhân tính của tà đảng Trung Cộng. Nhân dịp tháng 7 năm 2021, tôi xin chép lại vài trích đoạn vừa là kí ức, là sự thật, cũng là bằng chứng.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/7/11/428029.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/23/194218.html

Đăng ngày 07-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share