Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-07-2020] Tiếp theo Phần 1.
Gia hạn thời gian thụ án, bắt đứng trong thời gian dài và bị biệt giam
Vào một lần, nằm trong nỗ lực buộc các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia phải từ bỏ đức tin của họ, tất cả các học viên đã bị buộc phải tham gia một buổi hội thảo do một thầy khí công giả tổ chức. Bà Lưu Vinh Hoa đã bịt tai lại và từ chối quay lại hội thảo sau bữa trưa. Do đó, thời hạn của bà bị kéo dài thêm 10 ngày vì “vi phạm nội quy trại lao động”.
Trong một lần khác, khi các học viên bị bắt xem một đoạn video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp, bà Lưu đã đứng dậy, chỉ ra rằng đó là bịa đặt và bước ra ngoài. Thời hạn của bà bị kéo dài thêm 60 ngày và bà bị biệt giam trong một phòng giam nhỏ trong ba tuần.
Bà bị còng tay vào lò sưởi và buộc phải đứng trong cả ngày. Vào ban đêm, bà được đưa về phòng, một lần nữa bị còng tay khi đứng và bị lính canh theo dõi. Lính canh chỉ tháo còng tay của bà một thời gian ngắn trong bữa ăn. Sau đó bà bị biệt giam và vẫn bị còng trong khi bị bắt đứng.
Tái hiện tra tấn: Bị còng tay vào lò sưởi trong thời gian dài
Khi bà Lưu nhớ lại việc bị còng tay khi đứng dậy, bà nói: “Tôi mệt mỏi đến mức ngủ gật khi đứng dậy”. Bị còng trong thời gian dài khiến cổ tay trái của bà Lưu bị tổn thương vĩnh viễn và bà không thể nâng vật nặng cho đến tận bây giờ.
Sau ba tuần biệt giam, bà Lưu được trở lại phòng giam của mình. Để tiếp tục biệt giam và ngăn bà nói chuyện với các tù nhân khác, họ chỉ đưa bà trở lại phòng giam sau 11 giờ tối, khi tất cả những người khác đã đi ngủ. Ban ngày, bà vẫn bị biệt giam trong một xà lim nhỏ. Vào lúc 4 giờ sáng, trước khi những người khác thức dậy, bà bị đánh thức và đưa trở lại phòng biệt giam nhỏ. Đó là lộ trình hàng ngày của bà cho đến khi bà được thả vào ngày 4 tháng 7 năm 2002. Do phòng biệt giam quá ẩm ướt, bà Lưu bị mụn ghẻ to bằng đồng xu khắp người.
Vương Hiểu Phong, trưởng Phân trại số 1, từng nói với bà Lưu: “Tại sao bà lại bị còng tay lâu như vậy? Vì bà nói quá nhiều. Bà là một người gây ảnh hưởng xấu đến những người khác.“ Việc bị biệt giam dài ngày là kết quả của việc bà chỉ ra rằng các tuyên truyền là bịa đặt, vu khống và nói với các học viên khác không nên nhượng bộ đối với việc tẩy não.
Gia đình tan vỡ
Trong khi bà Lưu bị biệt giam trong một phòng giam nhỏ tại Mã Tam Gia, chồng bà đã đệ đơn xin ly hôn. Ông cùng với các viên chức từ Tòa án quận Trung Sơn đã đến trại lao động và yêu cầu bà Lưu ký vào giấy tờ do các viên chức tòa án mang đến.
Các giấy tờ nêu rằng đức tin của bà Lưu vào Pháp Luân Đại Pháp đã gây ra xung đột trong gia đình, và do đó việc ly hôn đã được chấp thuận. Chính sách bức hại của ĐCSTQ đã khiến hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Đại Pháp buộc phải ly tán khỏi gia đình, tuy nhiên chính quyền lại đổ lỗi cho việc các học viên giữ vững đức tin của họ đã gây nên thảm kịch.
Bị đuổi việc
Vào ngày 4 tháng 7 năm 2002, ngày bà Lưu dự kiến được trả tự do sau khi trải qua một năm và 70 ngày trong trại lao động, lính canh mở khóa phòng giam nhỏ nơi bà đã ở phần lớn thời gian trong khi thụ án.
Sau khi bước ra khỏi trại lao động, bà Lưu quay lại và thấy nhiều học viên bị giam giữ vẫy tay chào bà từ cửa sổ. Bà rơm rớm nước mắt, nhanh chóng quay đi và không dám nhìn họ lần nữa. Nếu không có cuộc bức hại sai trái này, những người vợ tốt, những người mẹ giàu lòng yêu thương và những cô con gái tận tụy sẽ không bị chia cắt khỏi gia đình của họ. Tuy nhiên, vì đức tin vào nguyên lý vũ trụ Chân – Thiện – Nhẫn, họ đã bị giam giữ và bị ngược đãi và tra tấn dưới bàn tay của ĐCSTQ.
Bà Lưu trở về Đại Liên vào khoảng nửa đêm và gõ cửa ngôi nhà mà bà đã vắng nhà trong hơn một năm. Bà vào phòng con trai mình vào sáng hôm sau và đánh thức cậu đi học. Con trai bà mở mắt và gọi: “Mẹ!” Bà Lưu nói: “Mẹ có thể ôm con không?” Trong vòng tay của bà, con trai của bà Lưu thổn thức kể về những ngày bà bị bắt: “Con đã kiên nhẫn đợi mẹ đến đón con ở trường. Con đói đến mức phát khóc. Sau đó, con thấy bố chạy về phía con.”
Con trai bà đã tặng bà Lưu một món quà mà cậu đã làm khi bà bị giam giữ. Cậu đã kiên nhẫn chờ đợi ngày này để có thể làm bà bất ngờ. Bà Lưu bật khóc và ôm chặt lấy cậu.
Sau khi được thả một thời gian ngắn sức khỏe của bà đã được hồi phục, bà Lưu đã liên hệ với trường đại học, hy vọng sẽ sớm trở lại làm việc. Tuy nhiên, bà được cho biết rằng bà đã bị Bí thư Đảng ủy trường đại học Lý Nguyên Bằng sa thải vào tháng 7 năm 2001. Bà Lưu đã nhiều lần làm đơn yêu cầu nhà trường cho trở lại làm việc nhưng bị Ban giám hiệu trường liên tục từ chối.
Không có việc làm, bà Lưu khó có thể nuôi con trai và bố mẹ già. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2004, bà thường xuyên đến văn phòng thỉnh nguyện của thành phố, nói rõ cái cách trường học đã sa thải bà mà bà không hề hay biết hoặc được sự đồng ý, và yêu cầu được quay lại làm việc. Nhưng vụ việc của bà không bao giờ được xem xét.
Để theo dõi bà đang ở đâu và làm gì, các nhân viên Phòng 610 Đại Liên đã cho cảnh sát địa phương theo dõi và sách nhiễu bà Lưu liên tục tại nhà sau khi bà được thả. Để tránh bị sách nhiễu liên tục, bà Lưu đã chuyển đến thuê ở một nơi khác và cho thuê căn hộ của riêng mình. Cảnh sát nhiều lần sách nhiễu người thuê nhà của bà với mục đích cố gắng tìm ra nơi ở của bà Lưu.
Bà Lưu sau đó đã kết hôn với một học viên khác, ông Duẫn Bảo Quân và bắt đầu một cuộc sống mới.
Thêm hai năm lao động cưỡng bức
Theo lệnh trực tiếp của Đội An ninh Nội địa Đại Liên, các cảnh sát từ Đồn cảnh sát Thanh Nê Oa đã bắt giữ bà Lưu vào ngày 21 tháng 9 năm 2009. Bà bị đưa đến Trại tạm giam Diên Gia và bị giam ở đó trong 37 ngày.
Bà Lưu đã bị thẩm vấn nhiều lần trong thời gian bị giam giữ tại đây. Một lần, sau một buổi thẩm vấn, bà không chịu đứng quay mặt vào tường và đã bị chửi bới. Bà hét lên: “Pháp Luân Đại Pháp vô tội. Pháp Luân Đại Pháp là tốt.” Một cảnh sát đã tát vào mặt bà hai lần. Cảnh sát cũng tìm kiếm thông tin về chồng cũ của bà và cố gắng thu thập bằng chứng chống lại bà.
Người cha già của bà Lưu vốn có sức khỏe kém. Gia đình đã giữ bí mật về việc bà Lưu bị bắt giữ với ông. Bà mẹ gần 80 tuổi đã đi ba lần với khoảng cách 50 dặm mỗi lần để nộp đơn yêu cầu trả tự do cho bà Lưu tại Đồn cảnh sát Thanh Nê Oa, nhưng vô ích.
Bà Lưu đã bị kết án lao động cưỡng bức hai năm vào ngày 21 tháng 10 năm 2009. Bà bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia vào cuối tháng 10 và bị đưa vào Đội 6 của Phân trại số 3.
Gia đình không được phép vào thăm
Có hơn 200 học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ tại Mã Tam Gia khi bà Lưu trở lại vào tháng 10 năm 2009. Bà Lưu dừng lại ngay bên ngoài cổng và chống cự lại việc bị bắt vào lại trại lao động, điều này đã khiến trưởng Phân trại số 3 Trương Quân, quản giáo chính trị Trương Trác Huệ và đội trưởng Vương Đan Phượng đánh đập, đá và lôi bà vào trong trại. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của bà, các lính canh đã ép bà mặc đồng phục trại.
Đội trưởng Vương Đan Phượng nói với bà Lưu: “Bà mặc đồng phục càng sớm, thì bà càng có thể gọi điện về nhà sớm và có người đến thăm.” Tuy nhiên, trong suốt hai năm bị giam giữ ở đó, bà Lưu không bao giờ được phép gặp người nhà cũng như nghe bất kỳ cuộc điện thoại nào. Liên lạc của bà với thế giới bên ngoài bị cắt đứt hoàn toàn. Gia đình bà chỉ được phép gửi tiền vào tài khoản của bà vì nhà chức trách trại lao động muốn đảm bảo các học viên có tiền để trang trải chi phí y tế của bản thân, nếu bà chẳng may bị vấn đề gì do cuộc bức hại gây ra.
Chồng của bà Lưu, ông Duẫn và mẹ bà đã đi đến tận nơi để thăm bà Lưu tại Mã Tam Gia vào tháng 11 và mang theo quần áo mùa đông và tiền cho bà. Cha của bà Lưu ở lại vì bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, lính canh trong phòng thăm hỏi đã từ chối yêu cầu gặp bà Lưu của gia đình vì bà vẫn chưa từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp. Lính canh nói thêm rằng ngay cả khi bà làm vậy, bà sẽ không được phép gặp bất kỳ thành viên nào trong gia đình mà cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Lính canh yêu cầu được xem giấy tờ tùy thân của mẹ bà Lưu và hỏi bà còn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hay không. Mẹ của bà nói: “Tôi tu luyện Đại Pháp để khỏi bệnh và trở thành một người tốt.” Lính canh nói: “Không. Bà không được gặp bà ấy.” Mẹ của bà Lưu nói: “Tôi sẽ không rời đi nếu anh không cho tôi gặp.” Với giọng điệu đầy đe dọa, người lính canh nói với bà: “Nếu bà không nhận được điện thoại từ quản lý trại lao động, bà sẽ không thể gặp bà ấy ngay cả khi bà đã ở đây.” Cảm thất thất vọng và chua xót, mẹ của bà Lưu đã khóc không thành tiếng.
Gia đình bà Lưu đã hỏi ý kiến hai luật sư và cả hai đều tuyên bố việc trại lao động từ chối quyền thăm nom người bị giam giữ là vi phạm pháp luật và khuyên gia đình nên kháng cáo. Sau khi nghiên cứu bản án lao động cưỡng bức của bà Lưu, các luật sư nói thêm rằng giấy tờ không có hiệu lực pháp lý nếu không có con dấu chính thức, điều này có thể cản trở họ đại diện cho bà Lưu hoặc tìm kiếm công lý cho bà.
Gia đình bà Lưu đã nhiều lần đến gặp đội trưởng Đồn cảnh sát Thanh Nê Oa để xin con dấu chính thức nhưng đội trưởng không có mặt ở đó hoặc đang trong một cuộc họp, vì vậy gia đình không bao giờ gặp được ông ấy. Cuối cùng, bảo vệ làm nhiệm vụ ở cổng đã không cho gia đình vào tòa nhà nữa.
Trong thời hạn 60 ngày để kháng cáo, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã không cho phép bà Lưu gặp gỡ gia đình và cảnh sát cũng không đưa ra quyết định cuối cùng có đóng dấu chính thức. Do đó, các luật sư đã không thể nộp đơn kháng cáo. Hành vi trái pháp luật này của các viên chức ĐCSTQ đồng nghĩa với việc bà Lưu đã mất đi cơ hội kháng cáo.
(Còn tiếp.)
Bài liên quan:
Cô Lưu Vinh Hoa bị kết án hai năm lao động cưỡng bức (Ảnh)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/28/409455.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/23/188389.html
Đăng ngày 30-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.