Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-07-2020] Lúc đó vào đầu thu năm 2019, buổi sáng ở vùng ngoại ô Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc không khí trong lành. Một vài nhóm nhỏ đã tập trung và đang đợi bên ngoài Nhà tù Nữ Liêu Ninh.

Cánh cổng kim loại nặng nề mở ra và một người phụ nữ với dáng người ốm yếu xuất hiện. Một cánh tay của bà đang đỡ cánh tay còn lại đang bị băng bó, bà dừng lại để quan sát từng nhóm trước khi nhìn chăm chú vào một người đàn ông trạc tuổi bà–đó là chồng bà.

Người phụ nữ này là bà Lưu Vinh Hoa, một cựu phó giáo sư 56 tuổi đến từ Đại Liên, một thành phố khác cùng tỉnh. Bà đã bị giam giữ từ năm 2009 và bị tra tấn không ngừng nghỉ vì đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, tiêu chuẩn cốt lõi của Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa thuộc trường phái Phật gia.

Trải qua một thập kỷ ở trong các cơ sở cải tạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc khiến tóc bà ngả bạc nhiều hơn và thêm nhiều nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, nhưng ánh mắt của bà càng toát lên sự kiên định.

35025214148ff5c610ac446e184daf04.jpg

Bà Lưu Vinh Hoa, ngoài 30 vào năm 1998

Bà Lưu từng là phó giáo sư tại Đại học Đại Dương Đại Liên trước khi bị nhắm đến vì kiên định đức tin của mình khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999. Bà đã bị kết án lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng từ năm 2001 đến năm 2002, nhưng bà không bao giờ từ bỏ đức tin của mình. Bà Lưu đã bị đuổi việc và không được giảng dạy nữa. Chồng cũ của bà đã chịu áp lực từ chính quyền và ly hôn bà.

Bởi kiên định đức tin, bà Lưu lại bị bắt lần nữa vào năm 2009 và bị cưỡng bức lao động hai năm ở Mã Tam Gia. Trong khi gia đình đang đếm ngược mong đến ngày bà được trả tự do vào tháng 9 năm 2011, họ đã rất sốc khi biết rằng bà Lưu đã bị đưa khỏi Mã Tam Gia vài ngày trước đó và đang phải đối mặt với phiên xét xử. Bất chấp sự phản đối, kêu oan của gia đình và nỗ lực thuê luật sư bào chữa, bà Lưu vẫn bị kết án 10 năm tù cho cùng cáo buộc vốn không hề có cơ sở pháp lý.

Với sự kiên định đức tin và nền tảng giáo dục đại học cũng như tầm ảnh hưởng của bà đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp khác, khiến bà trở thành người có ấn tượng trong mắt các nhà chức trách. Họ xem bà là “kẻ cứng đầu” và tẩy não tăng cường và tra tấn bà tàn bạo hơn ở trong Nhà tù Nữ Mã Tam Gia và Liêu Ninh.

Sau cơn ác mộng kéo dài suốt một thập kỷ, bà Lưu đã được đoàn tụ với gia đình vào ngày 22 tháng 9 năm 2019.

Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Bà Lưu nhận bằng Thạc sỹ về Lý thuyết và Thực hành Giáo dục từ Khoa Toán của Đại học Sư phạm Liêu Ninh vào năm 1992, bằng cấp cao nhất có thể đạt được trong lĩnh vực này ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Sau khi tốt nghiệp, bà trở thành phó giáo sư tại Đại học Đại Dương Đại Liên (trước đây là Cao đẳng Thủy sản Đại Liên). Bà đã giành được nhiều giải thưởng và các bài luận của bà đã được xuất bản trong Bách khoa Toàn thư Trung Quốc, một tạp chí định kỳ có uy tín trong lĩnh vực giáo dục.

Mẹ của bà Lưu đã hồi phục sức khỏe sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và đã giới thiệu môn tập này cho con gái mình vào năm 1996. Bà Lưu đã ấn tượng với những Pháp lý sâu sắc được giảng dạy trong Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, và bắt đầu tu luyện bản thân chiểu theo những Pháp lý này.

Vào mùa hè năm 1998, khi lần đầu tiên luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, bà Lưu đã cảm nhận được Pháp Luân (bánh xe Pháp) đang xoay chuyển giữa hai cánh tay và giữa hai lông mày của bà. Sau khi luyện công một thời gian, chứng đau nửa đầu mà bà mắc phải từ thuở thiếu niên, cùng với các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp thấp và chóng mặt đã biến mất. Cơ thể bà được thanh lọc và cảm thấy nhẹ nhàng. Bà yêu cầu bản thân làm mọi việc đều phải chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và bà trở thành một người dễ gần hơn, điều này đem lại lợi ích rất lớn cho người thân trong gia đình bà.

Bà Lưu cũng dạy con trai nhỏ của mình sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Một ngày nọ, con bà Lưu, khi đó còn là một cậu học sinh mẫu giáo, đã nói với bà Lưu khi về nhà rằng một người bạn cùng lớp đã đánh cậu. Bà Lưu hỏi: “Con có bị đau không? Con có đánh lại bạn không?” Con trai bà trả lời: “Con không đánh trả khi bị đánh hoặc chửi lại khi bị chửi. Chỉ khi con trọng đức của mình thì công của con mới có thể tăng lên.”

Là một giáo sư, bà Lưu rất chăm chỉ và là “tài sản quý” của trường đại học. Trưởng khoa của bà đã từng nói: “Bài giảng của bà ấy là tốt nhất trong trường chúng tôi.”

Tuy nhiên, đối với hàng trăm nghìn người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, mọi thứ đã thay đổi chỉ sau một đêm khi chính quyền cộng sản phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999.

Bị đưa đến trại lao động cưỡng bức vì nói sự thật

Ngày 25 tháng 4 năm 2001, bà Lưu bị buộc phải ngừng bài giảng giữa chừng và gặp mặt cảnh sát Lâm Hải và những người khác đến từ Đồn Công an Hắc Thạch Tiều thành phố Đại Liên. Khi được hỏi bà nghĩ gì về vụ tự thiêu ở Thiên An Môn (một trong những nội dung tuyên truyền chính mà chính quyền cộng sản bịa đặt để lấy cớ bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp), bà Lưu trả lời: “Một người tu luyện chân chính chiểu theo các yêu cầu của Pháp Luân Đại Pháp sẽ không bao giờ tự thiêu.”

Tuy nhiên, các cảnh sát này không phải đang tìm kiếm sự thật. Bà Lưu bị bắt ngay tại chỗ. Mặc dù bà từ chối ký tên vào giấy tờ giam giữ, ban giám hiệu trường đại học đã hoàn thành thủ tục giấy tờ có đóng dấu chính thức của trường và đưa bà Lưu đi tạm giữ hình sự. Lúc đó, chồng bà Lưu đang đi công tác và cậu con trai 5 tuổi của họ bị bỏ lại ở nhà một mình không có ai chăm sóc.

Bà Lưu bị giam tại Trại tạm giam Diên Gia trong hai tháng trước khi bà bị lãnh án lao động cưỡng bức một năm. Bà bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng vào tháng 6 năm 2001. Trên đường đến đó, bà Lưu đã chứng kiến ​​một học viên khác bị bắt lại khi đang cố gắng trốn thoát. Lâm Hải và các cảnh sát khác đã đẩy học viên đó ngã xuống đất và giẫm lên đầu người học viên này.

Nỗ lực “chuyển hóa” bà Lưu thất bại

Ngay khi vừa đến nơi, bà Lưu đã bị liệt vào danh sách của giám đốc trại Tô Cảnh và là một trong những mục tiêu phải “chuyển hóa” hàng đầu. Trước hết họ lấy đi tất cả số tiền mặt bà mang theo. Sau đó, một vài học viên cũ đã bị “chuyển hóa” thành công, nghĩa là họ đã từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp, được chỉ định theo dõi bà Lưu cả ngày lẫn đêm. Từ lúc thức dậy lúc 5 giờ sáng cho đến nửa đêm, bà Lưu bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và nghe “các đồng tu” cũ của mình lặp lại những lời dối trá của chính quyền cộng sản phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp.

Thấy bà Lưu không chịu khuất phục sau vài tuần tẩy não cường độ cao, giám đốc Tô đã mời một chuyên gia chuyển hóa các học viên Pháp Luân Đại Pháp từ một tỉnh khác đến tham gia hỗ trợ, nhưng cũng không thành công. Lãnh đạo trại lao động sau đó đã phối hợp với một người tên Ngưu Hồng từ Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ để cố gắng chuyển hóa bà Lưu.

Khi không gì có thể lay chuyển ý chí của bà Lưu, các nhà chức trách trại lao động đã tống bà vào phòng biệt giam, một trong rất nhiều phương pháp tẩy não và tra tấn được sử dụng tại Mã Tam Gia để khiến các học viên từ bỏ đức tin của họ.

(Còn tiếp.)

Bài liên quan:

Học viên Pháp Luân Công, cô Lưu Vinh Hoa, một giáo viên ở thành phố Đại Liên, đã bị giam giữ bất hợp pháp ở trại giam Diêu Gia, thành phố Đại Liên (Ảnh)

Cô Lưu Vinh Hoa bị kết án hai năm lao động cưỡng bức (Ảnh)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/28/409455.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/22/188375.html

Đăng ngày 15-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share