Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 16-07-2020] 40 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bức hại đến chết vì đức tin của họ trong nửa đầu năm 2020
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện và thiền định cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Môn tu luyện này đã bị Chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Các học viên đã qua đời trong nửa đầu năm 2020
Hàng trên: Tiếu Vĩnh Phân, Hồ Lâm, Vu Vĩnh Mãn, Lý Vinh Phong, Lý Quốc Tuấn
Hàng dưới: Lưu Phát Đình, Phó Thụ Cần, Chu Tú Trân, Chu Thục Kiệt, Lâm Quế Chi, Cao Diễm Nhất
40 cái chết đã làm dài thêm danh sách các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của họ. Đến hôm nay, hơn 4.500 cái chết bất thường của các học viên Pháp Luân Công đã được xác nhận và báo cáo trên Minh Huệ Net. Do bị phong toả thông tin ở Trung Quốc và sự nguy hiểm mà gia đình của học viên phải đối mặt khi phơi bày cuộc bức hại, số người chết thực tế còn cao hơn nhiều.
40 học viên đã qua đời, trong đó 22 là nữ, đến từ 14 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Riêng tỉnh Liêu Ninh đã chiếm 35% (14), nhưng khu vực khác có từ 1 đến 4 trường hợp. 16 học viên chết trong khi bị giam, trong đó Liêu Ninh chiếm sáu trường hợp (37,5%).
Ba trong số 40 học viên vẫn chưa rõ độ tuổi, trong khi số còn lại là từ 46 đến 84 tuổi, đột tuổi trung bình là 64.
Tháng 1 có bốn trường hợp; tháng 2 và tháng 5 mỗi tháng có chín trường hợp; tháng 3, 4 và 6 báo cáo sáu trường hợp mỗi tháng.
40 học viên đến từ mọi giai tầng trong xã hội, gồm một kỹ sư máy bay, một kế toán, một giáo viên âm nhạc, một hiệu trưởng tiểu học về hưu và một bác sỹ.
Một số chết trong tù sau khi bị tra tấn thời gian dài; một số qua đời sau khi nhà tù từ chối chữa trị cho họ hoặc không cho họ được bảo lãnh điều trị bất chấp tình trạng sức khoẻ nguy kịch; và những người khác thiệt mạng chỉ sau vài tháng được thả để điều trị bệnh.
Đặc biệt, một phụ nữ Hà Nam bị bắt vào ngày 13 tháng 5 đã qua đời sau bốn ngày bị bắt, trong khi một phụ nữ Hà Bắc qua đời ngay trong ngày bị bắt vào ngày 18 tháng 6.
Một số người sống sót sau khi bị tra tấn lúc giam cầm, nhưng sức khoẻ của họ đã suy giảm sau khi sống trong sợ hãi nhiều năm hoặc phải liên tục chạy trốn khỏi cảnh sát.
Một số học viên không phải là thành viên duy nhất trong gia đình qua đời trong cuộc bức hại. Một người đàn ông ở Liêu Ninh đã chết sau khi vợ ông bị tra tấn đến chết trong lúc bị giam 13 ngày sau khi bị bắt giữ vào ba năm trước. Một người đàn ông ở Hắc Long Giang đã qua đời sau khi mẹ, chị và vợ ông đều mất mạng trong cuộc bức hại, để lại người cha gần 90 tuổi.
27 cái chết đã được thông báo chi tiết trong báo cáo trước. Dưới đây là chi tiết của 14 trường hợp mới được xác nhận. Danh sách đầy đủ của 40 học viên qua đời có thể được tải ở đây.
Những cái chết trong khi bị giam
Một người đàn ông ở Ninh Hạ đã qua đời sau khi bị giam năm tháng sau khi bị bắt
Ông Tạ Nam Phương ở thành phố Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ đã bị bắt cùng với 12 học viên Pháp Luân Công khác trong một đợt càn quét của cảnh sát vào ngày 19 tháng 9 năm 2019. Cảnh sát lệnh cho một thợ sửa khoá mở cửa nhà ông Tạ và phát hiện không có ai ở nhà. Họ đợi bên ngoài nhà ông và bắt giữ ông khi ông trở về nhà lúc 2 giờ chiều. Nhà ông đã bị lục soát.
Trong khi bốn học viên được thả sau đó, chín người còn lại, gồm cả ông Tạ, vẫn đang bị giam. Hồ sơ của họ đã được chuyển lên công tố viên vào ngày 11 tháng 12 năm 2019.
Công tố viên đã trả hồ sơ lại cho cảnh sát hai lần, vào ngày 22 tháng 1 và 2 tháng 4 năm 2020. Cảnh sát lại gửi hồ sơ vào ngày 20 tháng 2 và 24 tháng 4. Ông Tạ đã qua đời vào ngày 28 tháng 2 năm 2020 ở trại tạm giam Thành phố Ngân Xuyên trong khi đợi cáo trạng. Khi đó ông 64 tuổi. Chi tiết về cái chết của ông vẫn đang được điều tra.
Ngày 20 tháng 5 năm 2020, công tố viên quyết định không truy tố ông Tạ sau khi ông chết ba tháng. Vào hôm sau, công tố viên đã truy tố tám học viên khác và chuyển hồ sơ của họ đến Toà án Khu Ninh Hạ. Họ dự kiến sẽ ra Toà án Khu Ninh Hạ vào ngày 28 tháng 7 năm 2020.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 30 tháng 5 năm 2020, gia đình ông Tào Kim Hưng, 69 tuổi, tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã nhận được thông báo từ Nhà tù Ký Đông cho biết ông Tào vừa qua đời do “tim ngừng đập”, khi đó ông 69 tuổi.
Ngày 2 tháng 6, khi gia đình ông Tào vội vã đến nhà tù, quản lý nhà tù đã cho họ xem một số tài liệu liên quan đến ông Tào nhưng không cho phép họ ghi chép hay chụp hình lại. Gia đình được biết ông Tào đã được chẩn đoán mắc một loại bệnh nan y không rõ tên vào đầu năm 2018 nhưng gia đình họ chưa từng được thông báo và ông Tào cũng chưa bao giờ được điều trị y tế.
Gia đình ông Tào cũng biết rằng các lính canh tù đã bắt ông phải lao động không công bất chấp tình trạng sức khỏe của ông.
Nhà tù khăng khăng rằng ông Tào đã qua đời do “các nguyên nhân tự nhiên” và nói rằng họ đang xem xét bồi thường một chút về tài chính cho gia đình ông.
Ông Tào, một công nhân về hưu của Cục Cơ khí Nông nghiệp Thành phố Đường Sơn, đã bị bắt vào ngày 7 tháng 6 năm 2017 trong một chiến dịch sách nhiễu trên diện rộng đối với các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc. Cảnh sát đã lục soát nhà ông Tào trong ba giờ đồng hồ và tịch thu nhiều tài sản cá nhân của ông. Ông đã bị thương sau khi bị quẳng xuống sàn trong cuộc đột kích và bắt giữ tại nhà. Sau đó, ông nổi mẩn đỏ ở lưng trong thời gian bị giam giữ tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Đường Sơn.
Ông Tào đã kháng án lên Tòa án Trung cấp Đường Sơn sau khi Tòa án Khu Lộ Bắc kết án ông bảy năm tù vào ngày 26 tháng 6 năm 2018. Lý Trác, thẩm phán phụ trách vụ án, đã quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu mà không tuân thủ quy trình xét xử theo quy định.
Ông Tào bị chuyển từ trại tạm giam đến Nhà tù Ký Đông vào tháng 11 năm 2018. Gia đình chưa từng được vào thăm ông trong khi ông đang ở tù.
Một phụ nữ 76 tuổi qua đời trong khi đang thụ án tù 3,5 năm vì kiên định đức tin
Khoảng ngày 13 tháng 6, gia đình bà Mạnh Khánh Mai nhận được điện thoại của Nhà tù Nữ Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông, thông báo rằng bà đang trong tình trạng nguy kịch. Khi họ tức tốc tới Bệnh viện Quân đội Tỉnh Sơn Đông, bà Mạnh đã qua đời. Trên giấy chứng tử của bà ghi rằng bà qua đời lúc 6 giờ sáng ngày 14 tháng 6 vì suy đa tạng do mất điện giải. Bà hưởng dương 76 tuổi.
Gia đình bà Mạnh yêu cầu được đưa thi thể bà trở lại huyện Đan, tỉnh Sơn Đông nơi bà sinh sống để hỏa táng, nhưng lãnh đạo nhà tù từ chối. Họ buộc phải hỏa táng bà Mạnh ở Tế Nam và đưa tro cốt của bà về nhà vào ngày 16 tháng 6.
Bà bị bắt giữ lần cuối cùng vào ngày 20 tháng 5 năm 2017 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị kết án 3,5 năm tại Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông, chưa đầy một năm sau khi bà mãn hạn một án tù ba năm ở cùng nhà tù này trước đây.
Tháng 3 năm 2018, bà Mạnh tuyệt thực để phản đối bức hại và bà đã bị bức thực và tra tấn. Gia đình nghi ngờ rằng trước khi qua đời bà cũng bị bức thực trong lần tuyệt thực gần đây nhất, và việc bà đột ngột qua đời có thể là do bà bị bức thực và tra tấn.
Liêu Ninh: Một người đàn ông qua đời trong tù sau khi vợ ông chết trong một trại tạm giam ba năm
Ông Vương Điện Quốc, 67 tuổi, một cư dân ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án bốn năm tại Nhà tù Liêu Nam ở thành phố Đại Liên vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Ông đã qua đời vào lúc 4 giờ chiều ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoảng hai năm sau khi bị cầm tù.
Ngày hôm sau, khi gia đình ông đến nhà tù, họ được thông báo rằng ông qua đời do bị ung thư dạ dày. Họ không được trả lời khi tra hỏi tại sao ông không được chữa trị hay được bảo lãnh điều trị. Khi họ liên tục yêu cầu, các lính canh đã cho họ xem một đoạn video trích từ camera an ninh, qua đó gia đình biết rằng ông đã mất khả năng chăm sóc bản thân từ tháng 4 năm 2020.
Tại nhà tang lễ, gia đình ông Vương không được đến gần thi thể của ông. Khi thấy có vết bầm trên hai khoé miệng của ông, họ đã hỏi về những vết thương và biết rằng đó là do ông bị bức thực. Gia đình đã xác nhận lại với các bác sỹ tham gia điều trị cho ông, và biết rằng bức thực không gây ra những vết thương như vậy. Một bác sỹ nói: “Bụng của ông Vương đã đầy căng và nó không thể bức thực thêm được nữa. Ngoài ra ông quá yếu để bức thực.”
Sau khi vợ ông là bà Vu Bảo Phương và con trai là anh Vương Vũ bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, ông Vương cũng bị bắt tại nhà vào tháng 7 năm 2017. Mười ba ngày sau, bà Vu đã qua đời trại trại tạm giam Nữ An Sơn.
Một nữ học viên Hà Bắc chết sau vài giờ bị bắt
Một phụ nữ 68 tuổi ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã qua đời chỉ sau vài giờ bị bắt trong một cuộc càn quét của cảnh sát bắt giữ 36 học viên Pháp Luân Công địa phương.
Một nhóm cảnh sát của Đồn Công an Đoan Minh Lộ ở quận Phong Nhuận đã đột nhập vào nhà bà Hàn vào khoảng 5 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020. Cảnh sát đã đưa bà Hàn về đồn và cưỡng chế bà ngồi trên một chiếc ghế sắt, và yêu cầu bà điền thông tin vào một văn bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công nhưng bà đã từ chối làm theo.
Vào khoảng 10 giờ sáng, con gái bà Hàn tới đồn công an để thăm mẹ, nhưng cảnh sát đã từ chối cho cô gặp bà. Đến buổi trưa, chồng bà Hàn đã tới đồn công an để mang bữa trưa cho bà. Bà không có cảm giác thèm ăn và không ngừng khóc. Chồng bà để ý thấy chân bà sưng vù sau khi bà ngồi trên chiếc ghế kim loại đó vài giờ đồng hồ.
Khoảng 4 giờ chiều, bà Hàn đi vệ sinh và cảnh sát đợi bà ở bên ngoài. Một lát sau, khi không thấy bà trở ra, họ đi vào kiểm tra bên trong thì thấy bà đã ngã và ngất xỉu trên sàn.
Sau khi cơ sở cấp cứu bênh cạnh đồn công an từ chối tiếp nhận, cảnh sát đã đưa bà tới Bệnh viện Trung Y Quận Phong Nhuận để cấp cứu. Ngay sau đó bệnh viện thông báo bà đã tử vong.
Khoảng 6 giờ chiều, gia đình bà Hàn được thông báo về cái chết của bà. Họ đến xem di thể của bà ở trong bệnh viện. Tóc bà rối bù và trong mũi có vết máu.
Gia đình bà Hàn nói rằng bà luôn khỏe mạnh kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Không rõ là họ có yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong của bà hay không.
Người đàn ông 74 tuổi tử vong trong thời gian bị giam giữ vì kiên định đức tin của mình
Ông Lý Vinh Phong, ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt vào ngày 8 tháng 7 năm 2019. Một nhóm gồm 14 cảnh sát đã lục soát nhà của ông Lý và con gái ông. Một số tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công của ông bị tịch thu. Sau đó ông bị đưa tới trại tạm giam Quận Triều Dương. Tòa án Quận Triều Dương đã kết án ông 1,5 năm tù vào cuối năm 2019.
Ông Lý bắt đầu tuyện thực ở trong trại tạm giam từ đầu tháng 6 năm 2020. Trại tạm gia chỉ đạo con trai, vợ và các thành viên khác trong gia đình ông thuyết phục ông ăn uống. Ông đã từ chối. Một lính canh tuyên bố rằng ông Lý “đã ký tên vào bản miễn trừ trách nhiệm” và rằng trại tạm giam sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với ông. Hiện chưa rõ giấy “miễn trừ trách nhiệm pháp lý” đó có thật hay không.
Ngày 17 tháng 6 ông Lý được đưa tới bệnh viện để hồi sức. Khoảng 6 giờ tối ngày 20 tháng 6, trại tạm giam thông báo gia đình ông đến bệnh viện. Khi họ tới bệnh viện vào khoảng 7 giờ tối, họ được thông báo rằng ông Lý đã trút hơi thở cuối cùng trước đó một tiếng.
Những cái chết do bị tra tấn trong lúc giam giữ hoặc bị sách nhiễu
Cựu chiến binh 74 tuổi qua đời sau khi liên tục bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân CôngÔng Trần Ân Tài, một cựu chiến binh ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông vừa qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2020, sau nhiều năm bị chính quyền bức hại vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Ông hưởng thọ 74 tuổi.
Ông Trần Ân Tài bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1995 và tin rằng pháp môn này đã giúp ông cải thiện sức khỏe.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày Chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc, ông đã bị bắt giữ. Vào ngày 7 tháng 8 năm 2000, ông bị bắt một lần nữa và bị giam 15 ngày. Chỉ hai ngày sau khi được thả, ông lại bị bắt trở lại vào ngày 25 tháng 8 và một lần nữa bị giam 15 ngày vì giảng chân tướng Pháp Luân Công cho cảnh sát.
Ngày 26 tháng 9 năm 2017, khi đi qua cửa an ninh của Nhà ga xe lửa Duy Phường, ông Trần lại bị bắt một lần nữa. Cảnh sát lục soát nhà ông và tịch thu các tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công. Ngày hôm sau ông bị đưa tới trại tạm giam Duy Phường và bị giam ở đó một tháng. Ông được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 25 tháng 10 năm 2017.
Từ ngày 20 tháng 10 năm 2018 đến ngày 21 tháng 3 năm 2019, cảnh sát đã hai lần giam giữ ông Trần tại nơi cư trú.
Ngày 18 tháng 6 năm 2019, Viện Kiểm sát Quận Khuê Văn đã cáo buộc ông Trần “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được quy chuẩn nhằm buộc tội các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 30 tháng 8 năm 2019, Tòa án Quận Khuê Văn đã xét xử và kết án ông Trần 10 tháng và phạt 4.000 nhân dân tệ vào ngày hôm sau. Ông thụ án bên ngoài nhà tù.
Sách nhiễu, giam giữ tại nơi cư trú, và án tù từ năm 2017 đã khiến sức khỏe của ông Trần bị tổn hại nghiêm trọng. Chỉ vài ngày trước khi ông qua đời, nhân viên tòa án vẫn kéo đến nhà sách nhiễu ông.
Bà Lý Quốc Tuấn, một cư dân thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2020, sáu tháng sau khi được bảo lãnh tại ngoại để điều trị ung thư. Bà bị phát bệnh trong thời gian thụ án 11 năm vì kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc, kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà hưởng dương 53 tuổi.
Bà Lý Quốc Tuấn làm việc tại Phòng tuyên truyền của chính quyền huyện Triều Dương. Bà từng một lần từ bỏ Pháp Luân Công khi thụ án tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Nhưng khi cuộc sống trở nên trống rỗng, bà quyết định trở lại với đức tin của mình.
Vào ngày 9 tháng 11 năm 2015, bà Lý bị bắt vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, kẻ đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công Vào khoảng tháng 3 năm 2016, Tòa án Song Tháp đã kết án bà Lý 11 năm tù và phạt 1.000 nhân dân tệ. Bà cũng bị đơn vị công tác sa thải.
Khi bà Lý bị giam trong trại tạm giam Thành phố Triều Dương vào mùa Đông năm 2015, quản giáo chỉ cho phép bà mặc áo ngắn tay mỏng tang, và để cửa sổ mở hòng khiến bà lạnh cóng. Bởi bị tra tấn về thể xác, bà Lý bắt đầu bị chảy máu âm đạo.
Ngày 16 tháng 8 năm 2016, bà Lý bị đưa tới Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Mặc dù sức khỏe bà không tốt, quản giáo vẫn tra tấn bà nhằm cố gắng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công.
Sức khỏe của bà tiếp tục suy giảm. Vào ngày 8 tháng 2 năm 2018, bà Lý phải nhập viện và phẫu thuật. Sau đó, gia đình đã nộp đơn xin bảo lãnh điều trị y tế cho bà, nhưng Cục Quản lý Nhà tù Liêu Ninh vẫn tiếp tục trì hoãn giải quyết và không cho phép bà được tạm tha y tế.
Ngày 18 tháng 7 năm 2018, bà Lý đã được đưa đến bệnh viện để thực hiện một ca phẫu thuật khác. Bà nằm viện 23 ngày trước khi bị đưa trở lại nhà tù. Trong thời gian này bà trải qua bốn đợt hóa trị. Gia đình bà bị ép trả 30.000 nhân dân tệ chi phí y tế.
Mặc dù gia đình vẫn kiên trì yêu cầu bảo lãnh y tế cho bà, nhưng mãi đến tháng 11 năm 2019, nhà tù mới đồng ý. Ngày 5 tháng 11, thời điểm bà Lý được tạm tha, lính canh tù đã hộ tống bà và vẫn còng tay bà cho tới khi bà về đến nhà.
Bà Lý vẫn ở trong trạng thái sợ hãi sau khi về nhà. Bà từ chối nói về những ngược đãi mà bà phải chịu đựng trong thời gian ở trong tù và không muốn gặp bất kỳ ai khác ngoại trừ những người ruột thịt nhất. Nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà tại nhà hoặc qua điện thoại.
Ngày 28 tháng 3 năm 2020, bà Lý tới thăm mẹ, người mà bà đã không được gặp suốt nhiều năm qua. Không lâu sau khi bà tới nhà mẹ, cảnh sát đã hai lần gọi điện cho bà và nói rằng bà đã đi ra khỏi khu vực mà bà được phép đi. Bà Lý phải chia tay mẹ trở về nhà.
Sau đó, bà Lý đã nằm liệt giường. Khi các nhà chức trách đến gây áp lực ép bà từ bỏ Pháp Luân Công, gia đình bà thay bà viết một tuyên bố từ bỏ và nhấn ngón tay của bà điểm chỉ lên tờ giấy.
Bà Lý qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2020.
Cựu kế toán qua đời sau khi sống trong sợ hãi suốt hai thập niên
Ngày 9 tháng 5 năm 2020, bà Chu Thục Kiệt, một cựu kế toán ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, đã qua đời sau hai thập niên bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà hưởng dương 66 tuổi.
Bà Chu bị bắt lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 7 năm 1999 khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đưa bà quay trở lại Giai Mộc Tư và giam giữ bà 45 ngày. Gia đình đã trả 2.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh và 730 nhân dân tệ tiền thức ăn cho bà trong trại tạm giam.
Chính quyền đã giám sát cuộc sống hàng ngày của bà Chu sau khi bà được thả. Cảnh sát theo dõi bà khi bà đi ra ngoài và nghe lén điện thoại của bà. Người của uỷ ban khu phố cũng thường xuyên sách nhiễu bà tại nhà.
Ngày 23 tháng 8 năm 2001, bà Chu bị bắt lần thứ hai trong khi đang treo thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát muốn đưa bà vào một trại lao động cưỡng bức trong ba năm nhưng thất bại sau khi em trai tìm kiếm công lý cho bà. Dù được thả vài ngày sau đó, gia đình bà đã bị cảnh sát tống tiền 3.000 nhân dân tệ.
Bà Chu đã trốn thoát được trong một cuộc bắt giữ quy mô lớn ở Giai Mộc Tư vào ngày 20 tháng 4 năm 2002 và phải đi lẩn trốn sau đó. Cảnh sát đã sách nhiễu chồng và con gái bà vì không tìm thấy bà. Khi chồng bà phản ứng với cảnh sát vì sự bức hại, họ đã bắt ông và trói vào một cái ghế thẩm vấn kim loại hơn 10 tiếng. Chỉ sau khi ông phát triệu chứng về tim thì họ mới thả ông. Cảnh sát tiếp tục giám sát ông để tìm bà Chu. Họ cũng sách nhiễu em gái và cha bà vốn đã ngoài 80 tuổi.
Em gái bà Chu chỉ là một học sinh lớp ba vào năm 2002 và đã phải vật lộn để chăm sóc bản thân khi cha đi ra ngoài làm việc. Vì bị cảnh sát sách nhiễu nên những thành viên khác trong gia đình không dám nhận cháu.
Sau đó chồng bà Chu bị ông chủ sa thải. Phòng An sinh Xã hội đã từ chối đơn xin trợ cấp thu nhập thấp của ông trừ khi ông cho họ biết nơi ở của bà Chu.
Sau khi bà Chu trở về nhà, Phòng An sinh Xã hội đã đình chỉ lương hưu của bà từ tháng 4 năm 2011 với cái cớ là bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 17 tháng 12 năm 2014, bà Chu bị bắt lần thứ ba khi đang trên đường tham gia một phiên toà của các học viên Pháp Luân Công khác. Cảnh sát đã lục soát người bà và kiểm tra thẻ căn cước của bà.
Nhiều năm bị bức hại đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà Chu. Bà đã phát bệnh nặng vào năm 2020 và qua đời vào ngày 9 tháng 5.
Sau khi bị mất vợ, con gái và con dâu, ông lão 90 tuổi suy sụp khi con trai qua đời vì bị bức hại
Sau khi mất vợ, con gái và con dâu trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông lão gần 90 tuổi lại bị giáng một đòn nặng khi con trai là Vạn Vân Long qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 2020 ở tuổi 63 sau nhiều thập niên bị cầm tù và tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Vì tu luyện Pháp Luân Công mà ông Vạn Vân Long ở thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang không có được một ngày bình yên. Ông đã liên tục bị bắt và ba lần bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức với tổng thời gian bảy năm. Sau khi được thả trong tình trạng nguy kịch sau lần bắt giữ năm 2016, ông đã nhiều lần chuyển chỗ ở để trốn chạy công an. Sức khoẻ của ông đã xấu đi trong những năm qua, và trong những ngày cuối đời, người ông chỉ còn da bọc xương.
Năm 2006, vợ ông Vạn là bà Vương Lệ Quần đã qua đời trong chỉ vài giờ sau khi bị bắt giam. Em gái là cô Vạn Vân Phượng, người bị bắt vào tháng 11 năm 2011 và bị tra tấn trong Trại Lao động Cưỡng bức Tiền Tiến, đã qua đời vào năm 2016, bốn tháng sau ông Vạn và con trai là Củng Tôn bị bắt.
Mẹ của ông Vạn, bà Trương Quý Cầm, đã qua đời do bị áp lực tinh thần vì lo lắng cho các con đang bị bức hại.
Người phụ nữ Liêu Ninh qua đời sau năm tháng được trả tự do
Bà Tống Thục Xuân, một cư dân thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời ở tuổi 71, sau chưa đầy sáu tháng được trả tự do sau khi bị giam giữ 13 tháng vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Tống Thục Xuân đã bị bắt giữ tại nhà vào ngày 12 tháng 11 năm 2018. Tòa án Quận Sa Hà Khẩu đã kết án bà Tống ba năm tù với bốn năm thử thách.
Tháng 11 năm 2019, bà Tống bắt đầu không ăn uống được gì. Thậm chí tình trạng này kéo dài đến cả sau khi bà được thả khỏi trại tạm giam Diêu Gia vào ngày 11 tháng 12 năm 2019. Trong dạ dày bà có một khối u không ngừng lớn lên và bụng bà phình ra. Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn tiếp tục giám sát bà tại nhà.
Sức khỏe của bà Tống nhanh chóng suy giảm trong vài tháng kế tiếp. Bà qua đời vào khoảng 11 giờ đêm ngày 30 tháng 5 năm 2020.
Trong khi con trai đang thụ án năm năm vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Phó Thụ Cần, 84 tuổi, sống một mình đã qua đời sau hai tháng bị cảnh sát sách nhiễu, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Phó Thụ Cần
Tháng 4 năm 2020, ba cảnh sát sách nhiễu bà Phó ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh. Bà Phó nói với họ rằng bà tu luyện Pháp Luân Công từ trước khi cuộc bức hại bắt đầu và rất nhiều bệnh của bà đã được chữa khỏi, bao gồm có bệnh tim, bệnh tiểu đường và bệnh cao huyết áp. Cảnh sát nỗ lực cưỡng bức bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công và lừa ký vào ba biên bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công đã được chuẩn bị trước, nhưng bà từ chối.
Trước khi bị sách nhiễu vào tháng 4, cảnh sát và thậm chí cả gia đình bà đã cố gây áp lực lên bà Phó để bà khuyên con trai bà là ông Cận Phó Chương từ bỏ Pháp Luân Công. Ngày 28 tháng 6 năm 2016, ông Cận bị bắt giữ và sau đó ông bị kết án năm năm tù giam. Bà Phó ủng hộ con trai và khẳng định con trai bà không hề sai khi kiên định tu luyện Pháp Luân Công.
Vụ việc sách nhiễu gần đây khiến bà Phó bị tổn thương. Bà luôn đóng rèm cửa và yêu cầu bạn bè không đến thăm bà trong thời gian tới. Bà mất cảm giác thèm ăn và gặp khó khăn khi đi bộ. Sức khỏe của bà ngày càng suy giảm và bà đã qua đời vào ngày 6 tháng 6 năm 2020.
Trong thời gian đó, con dâu của bà đã nhiều lần gọi điện thoại tới Nhà tù Đại Liên để yêu cầu lãnh đạo nhà tù cho phép ông Cận về thăm mẹ đang bị ốm nặng, nhưng không được chấp thuận.
Một người đàn ông ở Hà Bắc qua đời sau khi bị sách nhiễu thường xuyên và trốn chạy nhiều năm
Ngày 9 tháng 6 năm 2020, ông Lộ Tiến Hữu, một cư dân ở thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, đã qua đời sau hai thập niên bị sách nhiễu và nhiều năm trốn chạy cảnh sát. Ông hưởng thọ 68 tuổi.
Ông Lộ tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998 và tin rằng môn này đã chữa khỏi chứng đau thần kinh tọa, tăng sản xương và bệnh lao của ông. Sau khi thoát khỏi một vụ bắt giữ vào ngày 27 tháng 12 năm 2006, ông Lộ buộc phải rời khỏi nhà trong nhiều năm. Cha mẹ ông hơn 80 tuổi phải vật lộn để tự chăm sóc bản thân và cũng thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu.
Ngày 8 tháng 5 năm 2010, cảnh sát bắt giữ ông Lộ tại nhà. Họ tịch thu tài liệu và sách Pháp Luân Công của ông. Sau khi ông Lộ từ chối ký vào biên bản chấp thuận việc bắt giữ ông, cảnh sát đã ép con gái ông ký và tống tiền cô 500 nhân dân tệ. Lính canh của trại tạm giam không cho gia đình ông vào thăm và đánh đập luật sư của ông khi ông này đến gặp ông Lộ. Sau đó ông Lộ đã bị kết án ba năm tù.
Ngày 26 tháng 9 năm 2017, cảnh sát lại lục soát nhà ông Lộ và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng những tài sản cá nhân khác của ông. Dù ông không có ở nhà vào thời điểm đó, cảnh sát đã bắt giữ ông hai ngày sau đó khi ông quay về nhà. Sau khi trại tạm giam từ chối nhận ông vì huyết áp cao, cảnh sát đã thả ông và họ vẫn tiếp tục sách nhiễu ông và gia đình trong năm sau đó, khiến họ không thể sống một cuộc sống bình thường.
Ngày 20 tháng 2 năm 2019, ông Lộ đã nhận một thông báo điều trần và ông lại đi trốn để tránh bị kết án. Cảnh sát đã liên tục sách nhiễu gia đình ông.
Ông Lộ sống dưới áp lực to lớn và không thể ăn. Ông quyết định trở về nhà trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Sau khi cảnh sát phát hiện ra ông tại nhà trong một cuộc sách nhiễu vào ngày 18 tháng 3 năm 2020, họ đã bắt ông và đưa đi khám sức khoẻ. trại tạm giam đã từ chối nhận ông sau khi xem kết quả chụp CT của ông. Sau khi ông trở về nhà, Toà án Thành phố Trác Châu đã hăm doạ rằng ông sẽ phải tham gia một phiên điều trần trong vài ngày tới.
Ông Lộ đã bị tổn thương bởi sự sách nhiễu không ngừng và sau nhiều năm trốn chạy. Sức khoẻ của ông nhanh chóng suy sụp và ông đã qua đời vào ngày 9 tháng 6.
Bài liên quan:
Cuộc bức hại Pháp Luân Công tiếp tục cướp đi sinh mạng của 17 học viên trong quý I năm 2020
27 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/16/409079.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/20/185953.html
Đăng ngày 12-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.