Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-06-2020] Sau khi mất vợ, con gái và con dâu trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông lão gần 90 tuổi lại bị giáng một đòn nặng khi con trai là Vạn Vân Long qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 2020, sau nhiều thập niên bị cầm tù và tra tấn vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cổ xưa dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Do quá phổ biến nên nó đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Hàng trăm ngàn học viên đã bị sách nhiễu, bắt giữ, cầm tù và tra tấn vì kiên định đức tin của họ.

Vì tu luyện Pháp Luân Công mà ông Vạn Vân Long ở thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang đã liên tục bị bắt và ba lần bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức với tổng thời gian ba năm. Sau khi được thả trong tình trạng nguy kịch sau lần bắt giữ năm 2016, ông đã nhiều lần chuyển chỗ ở để trốn khỏi bàn tay công an. Sức khoẻ của ông đã xấu đi trong những năm qua, và trong những ngày cuối đời, người ông chỉ còn da bọc xương.

Năm 2006, vợ ông Vạn là bà Vương Lệ Quần đã qua đời trong chỉ vài giờ sau khi bị bắt giam. Em gái là cô Vạn Vân Phượng, người bị bắt vào tháng 11 năm 2011 và bị tra tấn trong Trại Lao động Cưỡng bức Tiền Tiến, đã qua đời vào năm 2016, bốn tháng sau ông Vạn và con trai là Củng Tôn bị bắt.

Mẹ của ông Vạn, bà Trương Quý Cầm, đã qua đời do bị áp lực tinh thần vì lo lắng cho các con đang bị bức hại.

Chi tiết về khổ nạn của ông Vạn:

Cuộc sống hồi sinh sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Từng tuyệt vọng do bị bệnh tim nặng và bệnh bao tử khiến không thể ăn uống được, ông Vạn, khi đó 37 tuổi, rất vui mừng khi biết về Pháp Luân Công từ một người họ hàng xa vào năm 1994. Ông đã mua một vé máy bay và bay hơn 2.000 dặm đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông để tham gia khoá giảng chín ngày do ông Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công, tổ chức ở Trung Quốc.

Khi ông Vạn quay trở về nhà hai tuần sau đó, gia đình rất ngạc nhiên khi phát hiện ông đã hoàn toàn khỏi bệnh – mặt sáng lên, môi không còn tái nhợt và ông ngừng nôn sau khi ăn. Anh không còn bị đau thắt ngực hay đau bụng nữa. Ông tăng cân và quay trở lại làm việc. Những người biết ông rất ngạc nhiên sau sự hồi phục kỳ diệu của ông.

Hai năm trong một trại lao động cưỡng bức từ năm 1999

Ngay khi chính quyền cộng sản tuyên bố đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 22 tháng 7 năm 1999, ông Vạn và nhiều học viên địa phương đã đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện đức tin của họ.

Vì ông là một tình nguyện viên địa phương nên chính quyền địa phương đã xem ông là mục tiêu chính. Ông đã bị bắt sau khi trở về từ một lần thỉnh nguyện và bị giam sáu tháng trong một Trại tạm giam trước khi bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Nhất Diện Ba trong hai năm.

Tại trại lao động mỏ đá, tất cả tù nhân và học viên Pháp Luân Công phải tải những hòn đá lên xe lửa. Mỗi lần tải nặng gần 50kg. Chẳng bao lâu, da và thịt trên hai vai của ông Vạn đã bị teo đi và xương lộ ra. Nhưng lính canh vẫn đánh đập và đá ông nếu ông làm việc chậm.

Không được vào thăm ông Vạn, gia đình đã nhờ một người bạn thay mặt họ vào thăm ông. Một lính canh nói với người bạn rằng: “Ông ấy thật sự rất cứng đầu. Chúng tôi đã tra tấn ông ấy bằng mọi cách và ông ấy vẫn nói sẽ tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.”

Ngày 29 tháng 4 năm 2000, hai tù nhân đã ném hai giỏ đầy đá vào lưng ông Vạn. Ông ngã gục xuống. Các lính canh đã đe doạ rằng ông không được gây ra tiếng động nếu không họ sẽ đánh ông. Họ cũng nói: “Ông ngã xuống không phải là lỗi của họ mà là lỗi của ông, vì không thể bắt được những tảng đá này.”

Mỗi ngày sau khi khiêng đá, lính canh lệnh cho ông Vạn phải lau sàn và đứng quay mặt vào tường trong nhiều giờ. Vì không đủ ăn nên ông hốc hác và xương lồng ngực lộ rõ ra.

Sau hai năm bị ngược đãi khủng khiếp như trong địa ngục, ông Vạn đã trở về nhà vào tháng 5 năm 2001. Ông quay trở lại tu luyện Pháp Luân Công và dần dần hồi phục sức khoẻ.

Ba năm lao động cưỡng bức từ năm 2001

Ông Vạn đã bị lục soát trên một xe lửa vào tháng 10 năm 2001. Ông lại bị bắt sau khi nhân viên an ninh phát hiện ông có mang trên người các bài giảng của Pháp Luân Công, và khoản tiền 5.000 nhân dân tệ ông mang theo cũng bị tịch thu.

Vì ông từ chối cho biết tên và địa chỉ và cũng tuyệt thực để phản đối bức hại nên bị lính canh ở Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Trường Xuân bức thực bằng nước muối đậm đặc, đánh đập, không cho dùng nhà vệ sinh và trói vào giường với tư thế đại bàng sải cánh. Ông bị mất kiểm soát đại tiểu tiện.

fe2ba46ca03068fad27970249fc4321d.jpg

Min hoạ tra tấn: Bị trói vào giường

Sau đó chính quyền đã kết án ông ba năm lao động cưỡng bức. Ông bị đánh đập thường xuyên và bị thương nặng. Những đau đớn thể xác cùng cực đã đẩy ông đến bước đường cùng và ông đã suýt tự sát. Chỉ khi ông nhớ ra trong Pháp lý của Pháp Luân Công có dạy rằng tự sát là một tội vô cùng nghiêm trọng, ông mới từ bỏ ý định.

Nhưng khi ông phải vật lộn để sống sót, lính canh đã tiếp tục tra tấn ông và ép ông lao động cường độ cao. Tháng 5 năm 2002, ông nôn ra máu sau khi bị ra lệnh phải vác một bao đất rất nặng.

Đầu tháng 3 năm 2003, ông lâm vào tình trạng nguy kịch. Ông khó thở và nói năng khó khăn. Nhịp tim của ông lên đến hơn 140 nhịp mỗi phút.

Một lính canh gọi cho gia đình ông và lệnh cho họ đưa ông về nhà trong hai giờ và nói rằng trại lao động không chịu trách nhiệm nếu ông qua đời. Khi gia đình ông vội vã đến trại lao động, bộ phận an ninh trước cửa nói với họ: “Đừng cố cứu ông ấy. Một người được thả trước đây đã chết sau khi gia đình chi 20.000 nhân dân tệ để hồi sức cho ông ta. Chỉ tổ phí tiền mà thôi.”

Để tránh bị công an sách nhiễu, ông Vạn đã ở tại nhà một người thân. Ban đầu, ông thậm chí không thể cử động và chỉ nằm trên giường. Sau vài ngày nghe các bài giảng của Pháp Luân Công, ông có thể ngồi dựa vào tường trong vài phút và uống nước bằng muỗng. Vài tuần sau, ông ra khỏi giường và tự mình luyện các bài động công của Pháp Luân Công. Sau đó ông có thể ăn thức ăn cứng hơn. Ba tuần sau, ông gần như đã hồi phục.

Vợ qua đời sau vài giờ bị bắt, con gái bị hăm doạ

Công an ở thành phố Song Thành đã tiến hành một đợt bức hại mới vào năm 2006. Các xe công an đỗ ở bên ngoài nhà ông Vạn cả ngày. Không thể về nhà, ông đành phải liên tục thay đổi chỗ ở và làm công việc vặt để kiếm sống.

2b657a0391c4835e220b6fe964ab9dd2.jpg

Bà Vương Lệ Quần

Ngày 28 tháng 9 năm 2006, khi bà Vương Lệ Quần vợ ông Vạn cùng con gái là cô Vạn Mỹ Giai đang thăm một học viên khác là bà Giả Tuấn Kiệt, thì bị công an xông vào nhà bắt giữ. Để tránh bị bắt, bà Giả đã nhảy ra khỏi cửa sổ từ tầng hai và bị thương.

Tại trại tạm giam Số 2 Song Thành, công an giam cô Vạn ở một phòng riêng không có cửa sổ và thẩm vấn cô. Họ không bật đèn mà chỉ thắp bốn cây nến trong phòng tối. Họ cố ép cô làm chứng rằng bà Giả không tự nhảy ra khỏi cửa sổ mà bị người khác đẩy. Họ đe doạ buộc tội cô vì quảng bá Pháp Luân Công nếu cô không hợp tác.

Đồng thời, công an liên tục đe doạ bà Vương và nói rằng tương lai con gái bà sẽ bị phá huỷ. Trong suốt bốn tiếng thẩm vấn của con gái, bà rất lo lắng và hồi hộp. Khi bà đột nhiên bất tỉnh, công an vẫn kiên quyết đợi bác sỹ nhà tù đến trước khi đưa bà đi viện. Một tiếng sau, khi bác sỹ nhà tù đến, ông ta lại đợi thêm 20 phút nữa trước khi kiểm tra cho bà, rồi mới đồng ý đưa bà đến bệnh viện. Nhưng đã quá trễ, bà Vương đã qua đời vào hôm sau.

Ngày hôm sau, công an đã thẩm vấn con gái bà và cố ép cô ký vào một biên bản đã chuẩn bị sẵn với nội dung là công an đã xử lý tình huống tốt và bác sỹ đã đến ngay sau khi bà Vương bất tỉnh. Khi cô từ chối hợp tác, công an đã giữ tay cô và ép cô điểm chỉ lên biên bản. Trước khi thả cô, họ nói: “Chúng tôi có thể thả cô hôm nay, và cũng có thể bắt cô vào ngày mai.”

Công an cũng gây áp lực lên gia đình bà Vương để họ mau chóng hoả táng thi thể của bà. Tại đám tang, bốn xe van nhỏ chở đầy công an đến giám sát gia đình bà. Một công an ở sát gần thi thể của bà cho đến khi thi thể bà bị đưa vào lò thiêu. Công an này tiết lộ với một người xem rằng cô ta làm vậy để ngăn các học viên Pháp Luân Công đưa thi thể của bà Vương đi.

Theo một nhân chứng, mặt bà Vương xanh xao và có vết thương ở phía bên phải của cổ. Sau đó một công an liên quan đến vụ án tiết lộ rằng kế hoạch của họ đã thất bại, nếu bà Giả không nhảy ra khỏi cửa sổ và bà Vương không chết thì họ sẽ được thưởng 10.000 nhân dân tệ.

Án lao động cưỡng bức lần thứ ba của ông Vạn

Ngày 13 tháng 11 năm 2011, ông Vạn lại bị bắt. Lính canh và tù nhân tại trại tạm giam Số 1 Cáp Nhĩ Tân đã đánh đập ông, dùng giầy đánh vào đầu ông và không cho ông ngủ nhằm ép ông khai tên của mình. Sau đó công an đã đưa ông đến Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hoá và giam ông ở đó hai năm.

Khi gia đình đến thăm ông, hai mắt ông bầm tím và hầu như không thể đi lại. Sau đó họ biết được rằng lính canh đã sốc điện ông bằng dùi cui điện, treo ông lên bằng còng tay và đá ông.

Nhiều tháng sau, ông bị chẩn đoán có dịch trong phổi và được thả vào ngày 25 tháng 4 năm 2013.

Bị ép phải sống xa nhà

Ông Vạn lại bị bắt tại một căn hộ ở thuê trong một cuộc bắt giữ nhóm vào ngày 6 tháng 5 năm 2016. Các sách Pháp Luân Công, máy tính và nhiều tài sản cá nhân khác của ông đã bị tịch thu.

Công an đã trùm một chiếc mũ màu đen lên đầu ông và đưa ông đến trại tạm giam Khu Song Thành. Gia đình không biết ông ở đâu và bị chỉ đi lòng vòng khi họ đến đồn công an và trại tạm giam để tìm ông.

Ở trong trại giam, ông Vạn đã bị suy tim và ngực và phổi tích nước và được nhập viện vào ngày 20 tháng 5 năm 2016. Công an vẫn không thông báo cho gia đình về tình trạng của ông. Chỉ khi luật sư yêu cầu được gặp ông thì trưởng đồn công an nói rằng ông Vạn “suýt nữa đã chết”.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của gia đình, cuối cùng ông Vạn đã được thả khi đang ở trên bờ vực cái chết. Dù trong tình trạng nguy kịch, ông phải sống xa nhà để trốn công an, sợ rằng sẽ lại bị bắt.

Trong hai thập niên bức hại, ông Vạn không có được một ngày yên ổn. Sau khi chịu đựng sự dày vò về thể xác và tinh thần không thể tưởng, ông đã qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 2020 ở tuổi 63.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/12/407591.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/14/185513.html

Đăng ngày 09-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share