Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 07-02-2020] Từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020, chế độ cộng sản Trung Quốc đã kết án 193 học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần và thiền định đã bị bức hại từ năm 1999.
Tháng 12 năm 2019 có tổng cộng 162 bản án. Những tháng khác trong năm vừa qua, từ tháng 1 đến tháng 11, đã ghi nhận từ 41 đến 99 trường hợp, trung bình mỗi tháng là 65 trường hợp. Con số 162 trường hợp trong tháng 12 cho thấy nhiều hơn gấp đôi so với 66 trường hợp vào tháng 12 năm 2018.
Tháng 1 năm 2020 đã ghi nhận 31 trường hợp, hầu hết đều xảy ra không lâu trước khi phong toả các thành phố ở Trung Quốc trên diện rộng vì dịch virus corona.
Đặc biệt, bốn học viên ở tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch virus corona đã bị kết án vì đức tin của họ, ba người trong tháng 12 và 1 người trong tháng 1.
Đối với 193 bản án trong hai tháng qua, án tù là từ 5 tháng đến 12 năm, trung bình là 3,3 năm. Toà án đã phạt 44 học viên tổng cộng 990.000 nhân dân tệ. Tiền phạt là từ 2.000 đến 60.000 nhân dân tệ, trung bình mỗi người là 18.679 nhân dân tệ.
193 học viên gồm bốn chị em ở tỉnh An Huy, mỗi người bị kết án 7,5 năm tù là đến từ 23 tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương. Tỉnh Liêu Ninh có số bản án nhiều nhất với tháng 12 (24 trường hợp) và tháng 1 (13 trường hợp).
Minh Huệ Net đã thu thập được thông tin của các toà án đối với 135/193 (69,6%) bản án.
Ở tỉnh Liêu Ninh, 16 toà án đã được xác nhận là đã kết án 31 học viên. Tỉnh Tứ Xuyên có 9 toà án kết án 20 học viên. 17 tỉnh khác có 1-8 toà án kết án từ 1-22 học viên.
Click vào đây để tải danh sách đầy đủ các bản án.
Những bản án trong tâm chấn của vụ bùng nổ dịch bệnh chết người
Học viên Vũ Hán bị kết án tù, thẩm phán chưa từng ký vào bản án
Ông Vương Hạo, một cư dân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã đến thành phố Lợi Xuyên, một điểm đến mùa hè miền núi ở cùng tỉnh vào giữa tháng 7 năm 2019. Ông đã bị bắt vào ngày 29 tháng 8, chỉ hai ngày trước khi ông dự định quay trở về nhà.
Ông Vương Hạo
Ngày 30 tháng 8, một cảnh sát tên Triệu Ngải ở Lợi Xuyên đã gọi thông báo cho vợ ông Vương là bà Bành Thanh về vụ bắt giữ ông và hiện ông đang bị giam tại trại tạm giam Lợi Xuyên.
Triệu tuyên bố rằng ông Vương bị bắt vì nói chuyện với một người ở Lợi Xuyên về Pháp Luân Công.
Toà án Lợi Xuyên đã xét xử ông Vương vào ngày 30 tháng 12 và kết án ông 14 tháng tù vào ngày 10 tháng 1 năm 2020.
Chị gái và luật sư đã đến thăm ông tại trại tạm giam Lợi Xuyên vào ngày 15 tháng 1 năm 2020. Ông thề rằng sẽ kháng án. Ông cũng nói rằng cả công tố viên và thẩm phán đều không ký tên vào bản cáo trạng và bản án, và ông nghi ngờ rằng họ làm vậy để tránh chịu trách nhiệm cho cuộc bức hại.
Đây là lần thứ 7 ông Vương, 46 tuổi, bị bắt vì đức tin của mình. Ông từng bị hai án lao động cưỡng bức với tổng thời gian ba năm từ 2002 đến 2007.
Ông đã phải vật lộn với sức khoẻ giảm sút trong 12 năm qua do bị tra tấn trong tù và thường xuyên bị đau ngực, đau đầu và phù nề.
Bà Hầu Quế Hoa, 68 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt vào cuối tháng 6 năm 2019 sau khi bị báo chính quyền vì đã phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công ở trong công viên. Công an lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công và giam giữ hành chính bà 15 ngày.
Bà Hầu bị ho ra máu trong lúc bị giam giữ. Sau 15 ngày bị giam giữ, thay vì thả bà ra, công an lại đưa bà vào diện giam giữ hình sự và cố gắng chuyển bà tới trại tạm giam Số 1 thành phố Vũ Hán, song cơ sở này đã từ chối tiếp nhận sau khi phát hiện bà bị huyết áp cao và tiểu đường.
Cảnh sát đã thả bà Hầu và giám sát bà tại nhà trong sáu tháng.
Cuối tháng 12 năm 2019, bà Hầu bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Vũ Xương. Thẩm phán đã kết án bà hai năm tù với cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được các tòa án Trung Quốc ‘quy chuẩn’ hòng kết án các học viên Pháp Luân Công.
Sau phiên tòa, bà Hầu đã bị bắt giam trở lại và từ đó đến nay vẫn chưa rõ tung tích của bà.
Bị kết án vì nâng cao nhận thức cho người dân về Pháp Luân Công
Giáo viên bị kết án 12 năm tù vì trò chuyện với học sinh về “Chân-Thiện-Nhẫn”
Bà Phong Bồi Dung, một giáo viên 55 tuổi ở thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu đã bị kết án 12 năm tù vì đã trò chuyện với học sinh của mình về Pháp Luân Công.
Bà Phong Bồi Dung làm việc tại trường dạy kèm của chính gia đình mình. Cháu trai của bà cũng học các lớp của bà. Bởi cháu trai sống cùng bà, bà thường trò chuyện với cháu về các Pháp lý của Pháp Luân Công và khuyên cậu bé trở thành một người tốt. Sau đó, cậu đã chia sẻ những gì mình học được với một bạn khác trong lớp.
Cha của một trong những học sinh đó là cảnh sát. Khi học sinh đó trò chuyện với cha mình về Pháp Luân Công, ông ta đã tố cáo bà Phong với cảnh sát.
Ngày 4 tháng 12 năm 2018, 18 cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Phong và trường dạy kèm nơi bà làm việc. Họ đã tịch thu máy tính và điện thoại di động của bà. Cảnh sát cũng thu giữ tất cả số tiền mặt họ tìm thấy, cũng như hồ sơ học sinh và chứng từ tài chính của trường. Ngôi trường cũng bị cảnh sát đóng cửa.
Chồng và con trai của bà Phong đã bị giam giữ trong một ngày và được thả vào ngày 5 tháng 12. Cùng ngày hôm đó, bà Phong xuất hiện bệnh phổi và được đưa tới bệnh viện cảnh sát.
Cảnh sát đã ép 26 học sinh của bà Phong phải cung cấp lời khai chống lại bà, cáo buộc bà sử dụng trường dạy kèm để “tẩy não” và “đầu độc” học sinh. Sau đó tất cả thông tin đã được dùng để làm bằng chứng chống lại bà.
Các luật sư của bà đề nghị tất cả 26 học sinh phải có mặt tại tòa để đối chất, nhưng công tố viên đã từ chối đề xuất này. Cuối cùng, thẩm phán đã ra lệnh cho một số học sinh xuất hiện trước tòa để làm chứng.
Bà Phong đã bị Tòa án Quận Tây Tú xét xử vào tháng 11 năm 2019. Mấy học sinh của bà có mặt tại tòa sợ hãi tới nỗi không nói được gì mà người cứ run lên.
Ngày 17 tháng 12 năm 2019, thẩm phán đã tuyên án bà Phong 12 năm tù. Bà đang kháng án lên Tòa Trung cấp Thành phố An Thuận.
Năm cư dân Liêu Ninh bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công
Năm cư dân huyện Khang Bình, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án tù vì nâng cao nhận thức của người dân về cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công.
Bà Cao Lệ Hoa, ông Đái Minh Minh, ông Củng Bảo Quân cùng vợ là bà Lương Tú Hoa, mỗi người bị kết án năm năm. Bà Hàn Quân, vợ của ông Đái, bị kết án 4,5 năm tù.
Năm học viên này bị bắt vào ngày 11 tháng 5 năm 2019 sau khi bị báo chính quyền vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công ở thị trấn Cam Kỳ Tạp, Nội Mông Cổ (cách Khang Bình khoảng 113 km).
Bảy ngày sau, bà Hàn được bảo lãnh tại ngoại, còn bốn học viên khác vẫn bị giam trong trại tạm giam Cam Kỳ Tạp.
Năm học viên đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Cam Kỳ Tạp vào ngày 11 tháng 12 năm 2019. Bốn luật sư đã biện hộ vô tội cho họ. Thẩm phán chủ tọa liên tục ngắt lời của các luật sư và nói: “Các vị không được phép đề cập đề Pháp Luân Công, làm vậy chính là đang tuyên truyền cho Pháp Luân Công.”
Con gái cả của ông Củng và bà Lương là sinh viên đại học, cô đã khóc trong toàn bộ phiên xét xử và gần như ngất xỉu. Con gái thứ hai của họ đã phải thôi việc để chăm sóc gia đình, đặc biệt là chăm sóc cho đứa em trai 14 tuổi của mình.
Con gái của ông Đái và bà Hàn, một sinh viên đại học, cũng bị giáng một đòn mạnh bởi cha mẹ bị bức hại.
Bà Cao là người chăm sóc chính cho mẹ chồng, người đang tìm cách đối phó sau vụ bắt giữ bà.
Quảng Đông: Một người đàn ông bị kết án bốn năm tù vì truyền rộng thông tin về Pháp Luân Công
Ông Ngô Kiện Minh, 60 tuổi, bị bắt khi đang làm việc tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vào ngày 7 tháng 11 năm 2018. Công an nghi ngờ ông dùng những chiếc điện thoại của mình để làm trạm phát sóng Wi-Fi thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Họ đã theo dõi ông hơn một năm trước khi tiến hành bắt giữ.
Ông Ngô Kiện Minh
Trong khi công an không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về các trạm phát sóng Wi-Fi tại nhà ông, họ lại giam ông vì ông sở hữu các sách và tài liệu Pháp Luân Công.
Viện Kiểm sát Khu Việt Tú đã phê chuẩn việc bắt giữ ông vào ngày 14 tháng 12 năm 2018 và truy tố ông vào ngày 29 tháng 5 năm 2019 với cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được chính quyền Trung Quốc ‘quy chuẩn’ hòng kết án các học viên Pháp Luân Công.
Bằng chứng truy tố chống lại ông bao gồm tiền mặt có in các thông điệp Pháp Luân Công trên đó, hai máy tính xách tay, một máy tính bảng và các tệp tin trong điện thoại di động của ông.
Toà án Khu Lệ Loan đã xét xử ông Ngô vào ngày 30 tháng 8 năm 2019. Thẩm phán đã kết án ông bốn năm tù cùng mức phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 26 tháng 12 năm 2019. Ông Ngô đã kháng án.
Vì không chịu từ bỏ đức tin mà ông cho rằng đã chữa khỏi bệnh dạ dày và da của mình nên ông Ngô đã bị bắt nhiều lần và trải qua sáu năm bị giam giữ. Ông phải chịu nhiều hình thức tra tấn trong khi bị giam ở các trại tạm giam, trại lao động và nhà tù. Vợ ông đã ly dị ông vào năm 2005 do cuộc bức hại.
Vi phạm quy trình pháp luật
Vân Nam: Một người đàn ông bị kết án thêm sáu năm tù trong khi kháng án lại bản án năm năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Ông Lý Văn Ba ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị kết án sáu năm tù vì tập Pháp Luân Công ở nơi công cộng. Ông đã đệ một đơn kháng án khác đối với bản án cuối cùng của ông, vốn do Toà án Khu Tây Sơn ban hành không lâu sau phiên toà của ông vào ngày 18 tháng 12 năm 2019.
Án tù sáu năm này đến trong khi ông vẫn đang đợi phán quyết về việc kháng cáo đối với bản án năm năm tù vào tháng 5 năm 2019 vì đã viết thư gửi cho chính quyền.
Trong những lá thư, ông yêu cầu gỡ bỏ các áp phích tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công được trưng trong khu phố nơi ông sinh sống và các quan chức trong thôn ông phải trả lại số tiền 10.000 nhân dân tệ mà họ đã giữ của ông một cách phi pháp chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công.
Thay vì các yêu cầu của ông Lý được giải quyết, thì ông lại bị bắt vào ngày 17 tháng 5 năm 2018 và bị đưa đến Trạm tạm giam Tấn Ninh. Ông bị xuất huyết tiêu hóa, thủng các cơ quan rỗng, tắc ruột và thiếu máu nặng sau gần sáu tháng bị giam giữ. Ông được bảo lãnh chữa trị vào ngày 2 tháng 11 năm 2018.
Toà án Khu Tây Sơn đã xét xử ông vào ngày 23 tháng 5 năm 2019 và kết tội ông sau đó. Ông đã kháng án lên Toà án Trung cấp Thành phố Côn Minh, nơi chưa có phán quyết cho vụ án.
Ông Lý lại bị bắt vào ngày 23 tháng 8 năm 2019 và từ đó bị giam tại trại tạm giam Tấn Ninh
Vì giữ vững đức tin của mình, ông Lý đã liên tục bị giam trong hai thập kỷ qua.
Ông đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào năm 2005. Ông bị giảm thị lực, mất sáu cái răng và có vết thương dài 20cm trên chân trái do bị ngược đãi tại Trại Lao động Cưỡng bức Số 2 Tỉnh Vân Nam. Thời hạn giam của ông kéo dài thêm ba tháng vì ông vẫn từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Chỉ một năm sau khi được thả, ông lại bị bắt và bị kết án năm năm tù vào năm 2009. Các lính canh đã đánh đập, lăng mạ và treo ông lên. Ông bị viêm và loét ở thực quản, cũng như một vấn đề nghiêm trọng về dạ dày.
Bà Lý Tiểu Xuân 59 tuổi và bà Tăng Dẫn Lang 57 tuổi, đã bị kết án tù vì phổ biến thông tin về cuộc bức hại nhắm vào đức tin của họ. Chánh án đã ngăn cản một luật sư nhân quyền nổi tiếng đại diện cho một trong hai học viên và nỗ lực ép buộc họ chấp thuận luật sư do tòa chỉ định, dù không thành công.
Hai cư dân ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây này bị bắt vào ngày 11 tháng 9 năm 2019 khi đang phát tặng các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại huyện Túc Tùng, tỉnh An Huy (cách thành phố Cửu Giang khoảng 72 km).
Cảnh sát đã đệ trình hồ sơ vụ việc của họ tới Viện Kiểm sát Huyện Túc Tùng, sau đó Viện Kiểm sát đã chuyển các vụ việc này tới Tòa án Huyện Túc Tùng.
Bà Tăng đã thuê luật sư Tạ Yến Ích đại diện cho mình trước tòa. Ông Tạ là một luật sư nhân quyền nổi tiếng mà bản thân ông đã liên tục bị chính quyền cộng sản Trung Quốc nhắm tới trong vài năm qua vì đã đại diện cho các học viên Pháp Luân Công cũng như những nhóm người dễ bị tổn thương khác.
Ông Tạ đã đệ trình giấy ủy quyền của bà Tăng và những văn bản được yêu cầu khác tới chánh án Trương Tiểu Mẫn vào ngày 21 tháng 11 năm 2019. Bà Trương đã không chấp thuận đơn đăng kí của luật sư để đại diện cho bà Tăng.
Bà Trương cũng liên tục gây áp lực lên gia đình bà Tăng và nỗ lực ép họ phải chấp thuận những luật sư do bà chỉ định. Thậm chí, bà còn yêu cầu những luật sư do tòa chỉ định tới gặp bà Tăng tại trại giam địa phương mà không được sự cho phép của gia đình bà. Bản thân bà Trương cũng tới gặp bà Tăng và cố thuyết phục bà Tăng chỉ sử dụng luật sư do tòa chỉ định.
Không thông báo cho Luật sư Tạ, bà Trương đã lên lịch cho một phiên xét xử vào ngày 3 tháng 12 năm 2019. Sau khi gia đình bà Tăng phát hiện ra sự việc này, họ đã thuê một luật sư khác là Lý Tĩnh Lâm vào phút chót để đại diện cho bà Tăng.
Luật sư Lý đã yêu cầu Thẩm phán Trương hoãn lại phiên xử nhưng bà Trương đã bác bỏ yêu cầu.
Bà Tăng và bà Lý ra hầu tòa tại Tòa án Huyện Túc Tùng vào ngày 3 tháng 12. Luật sư Lý đã bào chữa vô tội cho bà Tăng. Luật sư Lý lập luận rằng hai học viên không vi phạm bất cứ điều luật nào khi thực hành đức tin của mình hay lên tiếng về điều đó. Bà cũng bổ sung thêm rằng cảnh sát đã vi phạm các thủ tục pháp lý khi bắt giữ hai học viên và lục soát nhà họ.
Con trai bà Lý cũng đã bào chữa cho sự vô tội của mẹ mình. Anh đã kể về việc mẹ mình đã trở thành người tốt hơn như thế nào sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công.
Ngày 11 tháng 12 năm 2019, Thẩm phán Trương kết án bà Tăng bốn năm tù, bà Lý ba năm 10 tháng tù và phạt mỗi học viên 10.000 Nhân dân tệ. Cả hai học viên tuyên bố sẽ kháng án.
Ngày 18 tháng 12, khi gia đình bà Tăng gọi điện tới tòa án, trợ lý của bà Trương đã thông báo với họ rằng đơn kháng án của hai học viên đã được đệ trình lên tòa trung cấp và đang chờ phiên tòa phúc thẩm.
Nhưng ngày hôm sau khi bà Trương gọi điện cho gia đình bà Lý, bà cho biết cả hai học viên đã quyết định từ bỏ quyền kháng án của mình. Gia đình bà Lý nghi ngờ rằng thẩm phán Trương đã cố găng ngăn chặn việc kháng án của họ.
Sau hơn hai năm bị giam giữ bất công, một người đàn ông ở huyện Hán Âm, tỉnh Thiểm Tây đã bị kết án bí mật năm năm tù vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Ông Quảng Đông Lượng, 45 tuổi, đã liên tục bị chính quyền nhắm đến vì đức tin của ông trong suốt hơn 20 năm qua. Ông đã bị kết án 2,5 năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vào tháng 1 năm 2000 vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Chính quyền đã liên tục sách nhiễu ông sau khi ông được thả. Ông buộc phải rời khỏi nhà vào năm 2005 và di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong nhiều năm sau đó.
Ngày 26 tháng 9 năm 2017, ông Quảng đã trở về Hán Âm để thăm cha mẹ. Ông đã bị bắt vào ngày hôm sau khi đang cố lấy căn cước và sổ hộ khẩu tại đồn công an địa phương. Ông đã lên kế hoạch lấy thẻ căn cước và đăng ký hộ khẩu để con trai ông có thể ghi danh vào trường học địa phương.
Toà án Huyện Hán Âm đã xét xử ông hai lần, vào ngày 27 tháng 9 năm 2018 và 6 tháng 5 năm 2019. Ông đã tự biện hộ cho mình và lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công và không bằng chứng nào cho thấy ông đã “phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được quy chuẩn nhằm buộc tội các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 10 tháng 6 năm 2019, Lý Tiểu Kiệt, thẩm phán của Toà án Huyện Hán Âm phụ trách vụ án, đã nói với ông Quảng rằng họ đã chuyển hồ sơ của ông đến toà phúc thẩm địa phương vì ông ta “không thể đưa ra quyết định”.
Cha mẹ và vợ ông liên tục yêu cầu được thăm ông tại trại tạm giam Huyện Hán Âm nhưng đều bị từ chối. Trong khi đó, nhiều người được thả ra khỏi trại tạm giam đã đến thăm cha mẹ ông và nói rằng ông là người thật sự tốt và họ đều kính trọng ông.
Ngày 4 tháng 1 năm 2020, khi cha mẹ ông hơn 70 tuổi đến thăm để gửi sinh hoạt phí cho ông, họ biết rằng ông đã bị kết án năm năm. Cuối cùng trại tạm giam cũng để họ được thăm ông một tuần sau đó.
Cha mẹ ông cũng gọi cho thẩm phán Lý và hỏi tại sao họ không được thông báo về phiên toà của ông hoặc cơ sở pháp lý đối với bản án của ông. Lý trả lời rằng toà án phúc thẩm đã chỉ đạo phiên toà của ông để ra bản án dựa trên lệnh của Đội An ninh Nội địa và Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập để bức hại Pháp Luân Công.
Những học viên lớn tuổi bị nhắm đến vì đức tin của họ
Hai người phụ nữ Cam Túc 81 và 66 tuổi bị kết án tù vì kiên định đức tin của mình
Ngày 23 tháng 7 năm 2019, bà Lý Quế Anh, 81 tuổi, và bà Chu Lan Tú, 66 tuổi, ở thành phố Kim Xương, tỉnh Cam Túc, đã bị bắt tại nhà và các tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công của họ bị tịch thu.
Hai ngày trước vụ bắt giữ, Đội An ninh Nội địa đã nhận được tin báo rằng có hai phụ nữ đang nói chuyện với hơn chục người tại những nơi công cộng. Sau khi xem các đoạn video được ghi lại từ các máy quay nhận dạng khuôn mặt trên khắp thành phố, cảnh sát đã xác định rằng hai phụ nữ đó là bà Lý và bà Chu.
Ban đầu, vụ án được chuyển tới Tòa án Quận Kim Xuyên, cơ quan này đã từ chối tiếp nhận và chuyển vụ án tới Tòa án Huyện Vĩnh Xương.
Hai học viên đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án huyện Vĩnh Xương vào ngày 5 tháng 12 năm 2019 và mỗi người bị kết án sáu tháng tù vào ngày 26 tháng 12.
Trước bản án lần này, bà Lý từng bị kết án 13 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2004, khi bà 63 tuổi. Năm 2008, con trai bà, anh Thái Dũng, cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì kiên định đức tin của mình.
Bà Chu từng bị kết án bốn năm tù vào năm 2004.
Ba cư dân Tứ Xuyên, trong đó có cả cụ bà đã 90 tuổi, bị kết án vì tu luyện Pháp Luân Công
Gần đây, ba cư dân huyện Uy Viễn, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Bà Bành Quế Dung 90 tuổi cùng con rể là ông Lưu Vượng Tuyền 66 tuổi và bà Phó Thục Quần 83 tuổi đã bị bắt giữ vào ngày 19 tháng 6 năm 2019.
Cả ba học viên bị đưa ra xét xử tại Toà án huyện Uy Viễn lần lượt vào các ngày 10 tháng 10, 22 tháng 10 và 19 tháng 12 năm 2019. Toà án đã chỉ định luật sư cho từng học viên để biện hộ họ có tội.
Ông Lưu đã tự biện hộ cho bản thân mình. Bà Phó và bà Bành cũng chia sẻ về việc họ đã được thụ ích như thế nào từ việc tu luyện Pháp Luân Công và kêu gọi thẩm phán không tham gia vào cuộc bức hại.
Thẩm phán đã kết án ba học viên vào cuối tháng 12: Ông Lưu bị kết án bốn năm tù cùng mức phạt 3.000 Nhân dân tệ, bà Phó bị kết án hai năm quản thúc, bà Bành bị kết án nhưng được miễn xử phạt hình sự do tuổi cao.
Gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc bức hại
Người mẹ đơn thân ở Hà Bắc bị kết án 3,5 năm tù vì đức tin của mình
Bà Trương Học Mai, gần 50 tuổi, ở huyện Nam Bì, tỉnh Hà Bắc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào khoảng năm 2012 và bà tin rằng việc tu luyện đã cải thiện sức khỏe của bà và giúp bà trở nên cởi mở và tích cực hơn. Lo sợ áp lực từ cuộc bức hại, chồng bà đã ly dị bà. Bà Trương được trao quyền nuôi dưỡng con gái của họ.
Sau khi bà Trương bị bắt vào ngày 28 tháng 3 năm 2019, con gái bà, hiện đang là học sinh trung học, đã bị chấn thương tâm lý và điểm số ở trường của cô sụt giảm. Hiện cô đang được vợ chồng người dì ruột chăm sóc. Dì cô và chồng cũng đang phải chịu áp lực căng thẳng rất lớn từ cuộc bức hại.
Được biết, bà Trương đã bị cảnh sát nhắm đến sau khi bị nghi ngờ đã dán áp phích với thông tin về Pháp Luân Công tại một khu dân cư ở Nam Bì.
Bà Trương đã có lịch ra tòa vào ngày 22 tháng 10. Nhưng một thành viên của bồi thẩm đoàn bị ốm và phiên tòa đã bị hủy chỉ 13 phút trước giờ bắt đầu chính thức.
Ngày 7 tháng 11, luật sư của bà đến Trại giam Thành phố Thương Châu để thảo luận với bà nhưng không được phép gặp bà. Các lính canh khăng khăng rằng bà Trương đang chịu sự quản chế chặt chẽ và từ chối mọi yêu cầu viếng thăm bà, bởi vì bà không từ bỏ đức tin của mình.
Luật sư của bà đã khiếu nại lên giám đốc trại tạm giam, nhưng không có kết quả.
Ngày 24 tháng 12 năm 2019, bà Trương bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Vận Hà. Phiên tòa chỉ kéo dài 40 phút. Thẩm phán đã kết án bà 3,5 năm tù vào đầu tháng 1 năm 2020. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Thương Châu.
Do điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong trại tạm giam, bà Trương đã bị ghẻ ngứa khắp người. Luật sư của bà đã nộp đơn lên tòa án để yêu cầu cho bà được tại ngoại để điều trị y tế. Thẩm phán Lưu Trung Thành nói với luật sư rằng ông không thể tự ra quyết định mà phải xin chỉ thị từ cấp trên.
Năm cư dân tỉnh An Huy, trong đó bốn người là chị em, bị kết án 4,5 đến 7,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Năm cư dân thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy đã bị kết án tù vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Bốn chị em, bao gồm bà Mục Mẫn, bà Mục Bồng Quyên, bà Mục Hà và bà Mục Lệ Phương, mỗi người bị kết án 7,5 năm tù với án phạt 50.000 nhân dân tệ.
Bà Khương Kiện Mỹ bị kết án 4,5 năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ.
Năm học viên đã bị bắt vào ngày 17 tháng 4 năm 2019. Sáu thành viên khác của gia đình chị em họ Mục, gồm mẹ họ là bà Vương Ngọc Lan, gần 80 tuổi, cũng bị bắt và bị giam trong thời gian ngắn.
Toà án Khu Tiếu Thành đã xét xử năm học viên vào ngày 5 tháng 12 năm 2019. Luật sư của họ đã biện hộ vô tội cho họ. Các nữ học viên cũng tự biện hộ cho mình.
Gần đây thẩm phán đã ra bản án chống lại các học viên. Họ đã kháng án lên Toà án Trung cấp Thành phố Bạc Châu.
Bài liên quan:
774 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án vì đức tin của họ trong năm 2019
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/7/400852.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/16/183268.html
Đăng ngày 08-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.