[MINH HUỆ 30-11-2019] Hệ thống tư pháp của Trung Quốc gồm năm thành phần chính: cơ quan hành pháp, viện kiểm sát, tòa án, các cơ quan tư pháp và các cơ quan an ninh quốc gia. Ba thành phần đầu tiên đóng một vai trò đáng kể trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, trong đó cảnh sát tiến hành bắt giữ, viện kiểm sát lập bản cáo trạng và tòa tuyên án tù.
Các cơ quan tư pháp hiện đang tham gia nhiều hơn vào cuộc bức hại. Cơ quan tư pháp cao nhất ở Trung Quốc là Bộ Tư pháp, thực hiện giám sát đối với nhiều cơ quan tư pháp bên dưới. Một trong những chức năng chính của các cơ quan tư pháp là quản lý nghề luật. Tại Trung Quốc, tất cả các luật sư phải tuân theo một hệ thống được đổi mới hàng năm để được duy trì giấy phép hành nghề luật. Chính các cơ quan tư pháp, chứ không phải hiệp hội luật sư, được giao nhiệm vụ quyết định xem một người có đáp ứng các yêu cầu cần thiết để được cấp phép hành nghề luật sư hoặc gia hạn giấy phép hành nghề hay không.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp lý (UBCTPL), một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật được giao quyền lực vượt trên cả hệ thống tư pháp trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhiều cơ quan tư pháp đã đe dọa thu hồi hoặc không gia hạn giấy phép cho các luật sư nhân quyền dám đứng ra bảo vệ các học viên Pháp Luân Công hoặc thảo luận công khai về các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công trên các diễn đàn khác nhau, kể cả phương tiện truyền thông xã hội.
Những luật sư nào không từ bỏ việc đại diện cho các học viên Pháp Luân Công thì các quyền của họ sẽ bị xâm phạm. Một số luật sư còn bị các quan chức tư pháp đến tận nhà để đe dọa họ và các thành viên trong gia đình họ. Các quan chức tư pháp đôi khi còn gọi điện cho các thẩm phán, yêu cầu họ ngăn không cho các luật sư thay mặt thân chủ biện luận vô tội cho họ. Một số quan chức thậm chí còn tham dự các phiên tòa để theo dõi các luật sư và đe dọa sẽ thu hồi vĩnh viễn giấy phép hành nghề của họ.
Các trường hợp điển hình
Khi luật sư Vương Vĩnh Hàng bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công và thay mặt họ biện hộ vô tội, Sở Tư pháp tỉnh Liêu Ninh đã điều tra anh và tịch thu giấy phép hành nghề của anh vào tháng 5 năm 2008. Phó giám đốc Sở Tư pháp Đại Liên cũng đến gặp luật sư Vương, chỉ trích anh và đe dọa bắt giữ anh. Sau đó, các viên chức thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã bắt giữ anh Vương vào tháng 7 năm 2009 vì không từ bỏ việc đại diện cho các học viên Pháp Luân Công.
Những trường hợp như vậy không phải là cá biệt. Trước khi một luật sư khác bào chữa cho một học viên Pháp Luân Công, 14 thành viên trong gia đình của học viên này cũng muốn vào phòng xử án để dự thính. Khi các viên chức tòa án từ chối yêu cầu của họ mà không có lời giải thích, vị luật sư này đã nói: “Nếu họ không được phép vào, tôi cũng sẽ không vào”. Một viên cảnh sát đã đe dọa luật sư: “Nếu anh muốn gây phiền phức ở đây, tôi sẽ báo cáo anh cho cơ quan tư pháp và bắt anh lại.”
Sự tham gia của các cơ quan tư pháp trong cuộc bức hại Pháp Luân Công không chỉ dừng lại ở việc gây trở ngại cho các luật sư. Sau khi cô Cao Dung Dung, một học viên Pháp Luân Công tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh bị biến dạng do bị tra tấn bằng sốc điện và được đưa đến bệnh viện, một số học viên đã cố gắng giúp cô trốn thoát vào ngày 5 tháng 10 năm 2004. Tuy nhiên Sở Tư pháp Thẩm Dương sau đó đã gửi một “Thông báo yêu cầu hỗ trợ điều tra“ đến các thành phố và khu vực lân cận để tìm ra vị trí của cô Cao. Thông báo này không hề đề cập đến việc ngược đãi và làm biến dạng cô Cao và cuối cùng cô đã bị bắt lại và qua đời trong thời gian bị giam giữ vào ngày 16 tháng 6 năm 2005.
Các báo cáo Liên quan:
Cô Cao Dung Dung bị tra tấn đến chết
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/30/396457.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/26/181228.html
Đăng ngày 10-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.