Bài viết của Khinh Chu

[MINH HUỆ 21-11-2019] Gia đình luôn là một phần quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, và nhiều người mong muốn có một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều gia đình hạnh phúc như vậy ở Trung Quốc đã đổ vỡ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Kể từ khi cuộc bức hại xảy ra, rất nhiều học viên đã bị bắt, bị tạm giam, bỏ tù, tra tấn, và bị kết án chỉ vì họ không từ bỏ đức tin.

Theo thông tin tổng hợp từ trang web Minh Huệ, đã có ít nhất 389 học viên Pháp Luân Công ở 24 tỉnh thành và thành phố trực thuộc trung ương ở Trung Quốc đã bị ép phải ly hôn vì cuộc bức hại, trong đó tỉnh Hắc Long Giang (62) và tỉnh Hà Bắc (44) ghi nhận có số trường hợp nhiều nhất.

Trong một số trường hợp, chính quyền cưỡng ép chồng của các học viên nữ kết hôn với phụ nữ khác ngay sau khi họ ly dị, hay sau khi ly hôn, một số hôn thê của học viên quay lại phản đối họ và phối hợp với chính quyền trong việc bức hại.

Do bị ĐCSTQ phong toả thông tin, số học viên Pháp Luân Công bị cưỡng ép ly hôn thực thế thường không được báo cáo kịp thời, hoặc không đủ thông tin.

d41fa40092e0174c5a270a61c74fae2e.jpg

Biểu đồ số học viên bị ép ly hôn theo tỉnh

Dưới đây là một số trường hợp.

Người chồng đơn phương ly hôn cựu chủ tịch xã trái với ý muốn của bà

Bà Lữ Yến Phi là cựu chủ tịch xã Thuyền Sơn ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên. Bà là người đại diện cho người dân ở trong xã; và là đại biểu của Hội đồng Nhân dân Xã.

Bà bị buộc thôi việc ngay sau khi cuộc bức hại xảy ra vào năm 1999. Chồng bà trở nên rất thô bạo và đã đuổi bà ra khỏi nhà.

Tháng 1 năm 2000, bà Lữ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng đã bị bắt. Sau đó, bà được chồng bà đến đưa về, nhưng rồi ông đã giao bà cho cảnh sát, và họ đã tạm giam bà.

Chồng bà Lữ tìm cách ly hôn với bà vào ngày 12 tháng 2 năm 2000 nhưng bà không đồng ý.

Khoảng hơn một tháng sau, vào ngày 27 tháng 3, chính quyền thành phố đã gửi giấy chứng nhận ly hôn cho bà Lữ mà không có sự đồng ý của bà.

Cựu giám đốc kinh doanh buộc phải ký vào đơn ly hôn vì áp lực

Bà Thành Hải Yến là một giáo sư tại Đại học Dược Trung Quốc ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, trước khi bà chuyển tới sống tại thành phố Từ Châu cùng với người chồng quân nhân của bà.

Lúc đầu, bà làm ở vị trí quản lý các sản phẩm sức khoẻ tại Công ty Xuất Nhập khẩu Từ Châu và sau đó được thăng chức lên làm trưởng Ban Công nghiệp nhẹ và Sản phẩm Dệt may của Tập đoàn Vật liệu Giang Tô.

7870e2aa6655ca231e3bdf9610f9b226.jpg

Bà Thành Hải Yến

Sau khi cuộc bức hại xảy ra, Ôn Trung Nhân, bí thư quân khu Nam Kinh, đã ép chồng của bà hoặc là ly dị bà hoặc là phải đối mặt với việc giải ngũ không tự nguyện.

Vương Vinh Sinh, trưởng Phòng 610 ở tỉnh Giang Tô đã gây áp lực lên bà Thành buộc bà từ bỏ đức tin và ép gia đình bà đưa bà đến một bệnh viện tâm thần. Vương Vinh Sinh và Ôn Trung Nhân còn ép bà Thành ký vào đơn ly hôn bằng cách đe doạ về hậu quả xảy ra với chồng bà nếu bà không ký.

Để bảo vệ chồng mình, bà Thành buộc phải ký vào đơn ly dị. Sau đó, các quan chức này còn yêu cầu chồng bà cưới một người lạ trong vòng ba tháng nếu ông không muốn bị cưỡng chế giải ngũ.

Báo cáo liên quan:

Sau 10 năm bị giam giữ, bà Thành Hải Yến ở Nam Kinh lại bị bắt cóc (Ảnh)

Bà Thành Hải Yến bị bắt giữ phi pháp sau tám năm trong tù (Ảnh)

Cựu giáo sư và chuyên viên kinh doan qua đời sau nhiều lần bị bắt và giam cầm

Cựu cảnh sát bị ép phải ly dị

Bà Lý Hy Vân từng là quản lý cảnh sát cấp cao tại Nhà tù Duy Bắc ở tỉnh Sơn Đông trước khi nghỉ hưu.

Vì thiếu nữ cảnh sát ở trong tù, nên bà đã phụ trách các buổi thăm thân của gia đình của hơn 350 tù nhân nữ. Bà được biết là một người trung thực và công bằng.

Bà Lý từng có một gia đình hạnh phúc. Chồng bà cũng là một cảnh sát tại Nhà tù Duy Bắc. Con gái bà, Khổng Thiến, tốt nghiệp trường điều dưỡng. Cô gái trẻ này bị nhiễm trùng huyết từ bé và sức khoẻ rất yếu. Sau khi cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng bà Lý, tất cả bệnh của cô đều được chữa khỏi.

Vì hai mẹ con bà Lý không từ bỏ Pháp Luân Công bất chấp cuộc bức hại, họ đã bị bắt giam nhiều lần. Họ bị mất việc làm và tiền lương bị tịch thu. Chồng bà Lý cũng bị đình chỉ việc. Ông buộc phải ly hôn với bà Lý dưới áp lực quá lớn.

Báo cáo liên quan:

Một cảnh sát về hưu ở Duy Phường không thể ăn uống vì bức hại

Cảnh sát từ chối can ngăn bạo lực gia đình

Bà Mạnh Phàm Quang ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, đã hai lần bị đưa tới trại lao động cưỡng bức. Bà bị tra tấn chỉ vì không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

Trương Lạc Phương, phó Phòng Cảnh sát Đồ Cường, đã gây áp lực cho chồng bà Mạnh, nhân viên cấp dưới của Trương, để bắt bà Mạnh ký vào bản cam kết nếu không chồng bà Mạnh sẽ bị tạm giam vào ngày hôm sau. Phó phòng Trương còn đe dọa đuổi việc chồng bà Mạnh.

Gia đình bà Mạnh từng ủng hộ bà tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, dưới áp lực to lớn từ cuộc bức hại, chồng bà đã đánh đập bà thậm tệ. Tuyệt vọng, bà đã gọi cảnh sát.

Khi bốn cảnh sát tới và biết được tình hình, họ đã nói với bà: “Chúng tôi sẽ không can thiệp nếu bà không viết cam kết từ bỏ tu luyện,” và để chồng bà Mạnh tiếp tục đánh bà.

Phòng Công an Đồ Cường còn ra lệnh cho chồng bà Mạnh giám sát và ngăn không cho bà luyện các bài công pháp Pháp Luân Công hoặc liên hệ với các học viên khác.

Sau đó, bà Mạnh bị ép phải ly hôn với chồng bà.

Ông Lưu Thành Quân bị ép buộc ly hôn

Ông Lưu Thành Quân ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1999. Ông bị bắt và bị kết án một năm lao động cưỡng bức, sau đó còn bị kéo dài thêm mười tháng.

6b4294bc8f0f2d7fa1caad2c911d4f7a.jpg

Ông Lưu Thành Quân

Trong lúc ông Lưu bị giam cầm, vợ ông đã ly hôn với ông.

Sau đó, ông Lưu bị bức hại đến chết vì đã chèn sóng truyền hình để phát các video về Pháp Luân Công. Việc phát sóng kéo dài hơn 20 phút trên một kênh và 30 phút trên một kênh khác. Nhiều người dân địa phương tưởng Pháp Luân Công đã được phép thực hành trở lại.

Báo cáo liên quan:

Kỷ niệm 14 năm ngày chèn sóng truyền hình nhà nước để phát sự thật về Pháp Luân Công: Tưởng nhớ một hành động dũng cảm

Một cư dân Trường Xuân bị doạ kết án tù nếu từ chối ly hôn

Bà Tôn Thục Hương, một học viên khác ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt 19 lần, bị đưa đến trại lao động năm lần và liên tục bị tra tấn chỉ bởi không từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị bức hại đến chết.

Vào năm 2001, cảnh sát tới nhà bà Tôn và ra lệnh cho chồng bà ly hôn bà. Sau đó, họ đưa bà tới đồn công an, trói bà vào ghế và bốn cảnh sát đã đánh bà. Một cảnh sát cầm cuốn Chuyển Pháp Luân lên rồi đập tới tấp vào đầu bà đến mức bà bị choáng và nhìn không rõ.

Viên cảnh sát đánh bà còn hỏi bà có đồng ý ly hôn với chồng bà không và đe doạ sẽ đưa bà vào tù nếu bà từ chối.

Sau đó, họ đưa bà tới một trại tạm giam. Chồng bà cuối cùng đã ly hôn bà sau khi liên tục bị cảnh sát đe doạ. Sau khi ly hôn, bà Tôn trở thành vô gia cư, rồi bà lại bị bắt và bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức.

Bà Tôn qua đời vào ngày 10 tháng 10 năm 2010, ở tuổi 53.

Báo cáo liên quan:

Các học viên Pháp Luân Công trải qua những tra tấn khủng khiếp liên quan đến đôi mắt của họ (ảnh)

“Chúng tôi sẽ ra lệnh cho vợ ông ly dị ông”

Ông Vương Vỹ Năng ở huyện Du, tỉnh Hồ Nam khi đó đang lên kế hoạch sẽ kết hôn vào ngày 1 tháng 1 năm 2001. Nhân viên Phòng 610 đã bắt ông vào đêm hôm trước rồi giam ông tại phòng công an, và ép gia đình ông huỷ bỏ đám cưới.

Sau đó, các viên chức này còn nhiều lần gây áp lực buộc vợ ông phải ly hôn với ông.

Ngày 8 tháng 2 năm 2001, ông Vương tiếp tục bị bắt giam trong 15 ngày. Sau khi được thả, viên chức Phòng 610 nói với vợ ông rằng họ đã lên kế hoạch đưa ông đến một trại lao động cưỡng bức. Họ cũng ra lệnh cho cấp quản lý nơi làm việc của vợ ông Vương cho bà thôi việc và ngăn không cho bà tiếp tục tham gia các khóa đào tạo.

Trưởng Phòng 610 còn nói với ông Vương: “Chúng tôi sẽ ra lệnh cho vợ ông ly hôn ông”.

Cuối cùng, hai vợ chồng ông cũng bị ép phải ly hôn.

“Ông nhất định phải ký vào đơn ly hôn”

Ông Khúc Đức Hồng, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Kê Đông, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị giam cầm và tra tấn ở trong tù.

Tháng 10 năm 2005, nhân viên toà án đã đến văn phòng nhà tù để ép ông Khúc ký vào đơn ly hôn. Vì ông rất yêu vợ và có một con trai, nên ông Khúc đã từ chối.

Một lính canh đã nói: “Ông nhất định phải ký!”

Cuối cùng, ông đã bị ép phải ly hôn.

Báo cáo liên quan:

Học viên Pháp Luân Công là Khúc Đức Hồng nhớ lại những năm tháng tra tấn và bức hại tàn bạo của ĐCSTQ

Chồng một cư dân Hà Bắc bị ép ly hôn và cưới lại

Bà Hoắc Quế Lan ở tỉnh Hà Bắc bị kết án chín năm tù vào năm 2005. Chính quyền đã treo lương của chồng bà trong nhiều tháng để bắt ông phải ly dị bà Hoắc. Cuối cùng, sau khi ly dị, chính quyền vẫn giữ khoản tiền lương của chồng bà và tuyên bố đơn ly hôn của họ là giả. Chồng bà buộc phải cưới một phụ nữ khác để được trả lại tiền.

Báo cáo liên quan:

Sau chín năm chịu án oan trong tù, một phụ nữ ở tỉnh Hà Bắc lại bị đưa đến trung tâm tẩy não

Một giáo viên bị ảnh hưởng thần kinh vì thuốc, người chồng đòi ly hôn

Bà Lưu Đông Mai, một giáo viên ở huyện Vũ Ấp, tỉnh Hà Bắc, đã hai lần bị đưa tới trung tâm tẩy não vào năm 2002. Sau đó, bà bị đưa đến một bệnh viện tâm thần, nơi bà bị tiêm và ép uống một lượng lớn thuốc gây tổn thương hệ thần kinh. Theo đó, bà bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần, khiến bà trở nên chậm chạp và đần độn. Chồng bà sau đó đã ly hôn bà.

Báo cáo liên quan:

Tra tấn tàn bạo trong một nhà tù riêng biệt ở thành phố Hành Thuỷ, tỉnh Hà Bắc

Một phụ nữ qua đời sau khi được thả khỏi nhà tù, chồng kết hôn với tình nhân

Bà Trần Bội Bội từng là kỹ sư cấp cao thuộc phòng vận chuyển của Công ty Sắt thép Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc. Chồng bà là bí thư của một công ty, ông ta rất tham nhũng và có quan hệ với nhiều phụ nữ.

Năm 2002, chồng bà đã đuổi bà ra khỏi nhà ngay trước mặt hai con trai và nói với bà rằng ngôi nhà này thuộc tài sản của ông.

Bà Trần phải về sống với mẹ đẻ sau khi chồng bà ly hôn bà. Trước Đại hội Toàn quốc lần thứ 16 vào tháng 10 năm 2002, công an đã xông vào nhà mẹ bà Trần và bắt giữ cả hai người.

Sau đó, bà Trần đã qua đời ngay sau khi được thả khỏi nhà tù. Chồng cũ của bà lúc đó đang đi nghỉ tuần trăng mật với tình nhân của ông ta.

Một người xấu thay đổi trở thành người tốt, vì áp lực bức hại mà vợ ông đã ly hôn ông

Ông Mạnh Phàm Thanh ở huyện Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, từng là một kẻ bất lương. Người vợ đầu của ông vì không chịu nổi ông nên đã ly hôn. Vào năm 1998, ông Mạnh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Ông hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và hành xử theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Ông đã trở thành một người hoàn toàn mới. Cha của ông Mạnh rất ngạc nhiên khi biết Pháp Luân Công đã giúp cải biến con trai mình trở nên tốt hơn, và ông thực sự cảm kích môn tu luyện này.

Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông Mạnh bị kết án tù hai lần và bị tra tấn tàn bạo. Người vợ thứ hai của ông vì không chịu nổi áp lực từ chính quyền nên cũng đã ly dị ông.

Báo cáo liên quan:

Ngược đãi và cưỡng ép trở thành vô gia cư chỉ bởi tu luyện Pháp Luân Công

Một phụ nữ ở Hà Bắc bị ly hôn và mất quyền nuôi con mà không hay biết

Bà Lý Mai ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, bị ĐCSTQ bức hại vì bà không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Lần đầu khi bà bị đưa tới trại lao động cưỡng bức, bà đã bị đánh đập, còng tay, cấm ngủ, không được dùng nhà vệ sinh, đe dọa, bắt đứng trong thời gian dài. Bà được trả tự do vào ngày 3 tháng 8 năm 2010.

Bà Lý không hề hay biết, hai tháng trước khi bà được tự do, chồng bà đã bị chính quyền sách nhiễu và đe doạ. Ngay cả khi bà Lý không ký vào đơn ly hôn, toà án vẫn công bố hai vợ chồng bà Lý đã ly hôn. Khi bà Lý trở về nhà, bà phát hiện ra bà đã mất quyền nuôi con và quyền sở hữu căn nhà. Chồng bà còn đuổi bà ra khỏi nhà.

Vợ một thiếu tá quân đội ly hôn chồng, ông qua đời trong tù

Ông Vương Hữu Giang là từng là sỹ quan quân đội ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Ông bị kết án sáu năm tù vào ngày 24 tháng 9 năm 2013.

a5f05abba1d2a8403a233a9be5828a4c.jpg

Ông Vương Hữu Giang

Vợ ông Vương, cũng trong quân ngũ, ủng hộ ông tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sau khi ông Vương bị kết án mười năm tù, bà không thể chịu được áp lực từ chính quyền nên đã ly hôn ông.

Một cựu quản lý công ty xe hơi bị ép buộc ly hôn và mất quyền nuôi con

Ông Lâm Thế Hùng từng là quản lý Bộ phận Sửa chữa Xe Mitsubishi ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm. Ông bị giam tại một trại lao động cưỡng bức trong một năm chỉ bởi viết thư ngỏ về Pháp Luân Công cho chủ tịch thành phố Diên Cát.

Năm 2002, ông bị kết án 13 năm tù chỉ bởi ông không từ bỏ đức tin của mình. Bị giam cầm tại Nhà tù Cát Lâm, ông buộc phải từ bỏ công việc quản lý nhà máy mà ông gây dựng từ đầu. Chính quyền cũng bắt ông ly hôn vợ và tước quyền nuôi con của ông.

Ông Lâm đã phải chịu nhiều áp lực to lớn và thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu. Ông qua đời vào ngày 29 tháng 8 năm 2006.

Báo cáo liên quan:

Học viên Lâm Thế Hùng ở thành phố Diên Cát tỉnh Cát Lâm qua đời vì bức hại

Thông tin đầy đủ về các học viên bị bức hại (bản PDF)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/21/396040.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/3/180947.html

Đăng ngày 05-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share