Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-06-2015] Gần đây, một gia đình ba người đã gửi đơn khiếu nại hình sự tới Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Bắc Kinh để khởi kiện Giang Trạch Dân. Ba học viên Pháp Luân Công này đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), buộc ông ta phải chịu trách nhiệm về những tổn hại về thể chất, tinh thần và tài chính mà họ đã phải gánh chịu trong cuộc bức hại.
Trong suốt 16 năm bức hại Pháp Luân Công, chính quyền đã ba lần lục soát nhà của vợ chồng ông Hoàng Chí Tùng và bà Trần Linh Hà mà không hề có giấy phép.
Ông Hoàng đã bị giam giữ năm lần, bị đưa tới trung tâm tẩy não và tra tấn ba lần, từng bị cầm tù bốn năm và bị đuổi việc theo lệnh của chính quyền.
Bà Trần từng bị bắt cóc và tra tấn trong một trung tâm tẩy não. Lãnh đạo của bà bị ép phải sa thải bà.
Cha bà Trần đã qua đời trong cuộc bức hại, bỏ lại mẹ bà là bà Lý Tú Vân với nỗi sợ hãi và đau đớn khôn nguôi.
Trước cuộc bức hại
Ông Hoàng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, khi đó ông đang là phó giám đốc của một công ty con trực thuộc Công ty Hóa dầu An Khánh. Sức khỏe và đạo đức nghề nghiệp của ông được cải thiện to lớn nhờ ông chiểu theo các nguyên lý của môn tu luyện, ông có thể xoay chuyển tình thế công ty từ thua lỗ sang có lãi. Cùng năm đó, ông đã được trao giải thưởng “nhân viên xuất sắc nhất”.
Chứng kiến những thay đổi của ông Hoàng, bà Trần cùng bố mẹ của bà cũng bước vào tu luyện. Gần như ngay lập tức, bệnh viêm xoang mãn tính và thoát vị đĩa đệm thắt lưng của bà Trần đã hoàn toàn biến mất không một vết tích. Mẹ của bà cũng thoát khỏi bệnh tim mạch vành nhờ môn tu luyện, trong khi cha của bà cũng đã khỏi căn bệnh loét dạ dày và viêm khớp dạng thấp.
Hồ sơ bức hại của ông Hoàng, bà Trần và gia đình
Cha mẹ bà Trần đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999 bởi cuộc bức hại. Sức khỏe của cha bà sau đó đã nhanh chóng xấu đi, ông đã qua đời vào năm 2002.
Ông Hoàng bị bắt khi đang đi đến Bắc Kinh để phản đối cuộc bức hại vào cuối năm 1999. Ông bị đánh đập và giam giữ trong một tháng. Khi ông trở về, công ty ông làm việc đã giáng chức ông từ phó giám đốc xuống nhân viên kỹ thuật.
Tháng 3 năm 2001, ông Hoàng bị tra tấn trong một trung tâm tẩy não trong vòng một tuần. Tháng 11 cùng năm, ông bị công an bắt giữ và truy tố sau khi đã được trả tự do. Khi ông rời khỏi thị trấn cùng cha mẹ mình, chính quyền nghĩ rằng họ đang tới Bắc Kinh để biểu tình phản đối cuộc bức hại và công an khu vực đã bắt giữ họ.
Cha mẹ ông Hoàng bị giam giữ, trong khi ông được thả ra. Công an đã ban hành lệnh bắt giữ ông và ông phải sống lang bạt vô gia cư trong một năm.
Tháng 1 năm 2003, công an một lần nữa phát hiện và bắt giữ ông Hoàng. Ông được đưa tới bệnh viện sau khi tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ phi pháp. Ông trốn thoát khỏi bệnh viện và bị bắt một lần nữa vào tháng 3. Sau đó, ông bị kết án bốn năm tù giam và bị sa thải.
Cùng khoảng thời gian ông Hoàng ở trong bệnh viện, vợ của ông bị đưa đến một trung tâm tẩy não vào bị tra tấn trong một tháng.
Ông Hoàng bị giam tại Nhà tù Túc Châu vào tháng 10 năm 2003. Ông không được phép có người thăm nom hay nhận thư từ. Do ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên các lính canh và tù nhân đã luân phiên đánh đập và sốc điện ông bằng dùi cui điện. Việc đánh đập diễn ra liên tục trong vài tuần lễ.
Các lính canh cũng cấm ông ngủ. Khi ông ngủ gật, tù nhân sẽ còng hai tay ông ra sau lưng, treo người ông vào một thanh kim loại bằng còng tay, và đánh đập ông.
Tái hiện cảnh tra tấn: Treo người bằng còng tay. Hình thức tra tấn này sẽ kéo căng cực độ và gây tổn thương vai.
Năm 2008, ông Hoàng và bà Trần cùng bị bắt giữ. Cùng ngày hôm đó, bà Trần được thả ra, nhưng ông Hoàng vẫn bị giam giữ. Công an đã lục soát nhà của họ, lấy đi đồ đạc có giá trị cùng những thứ có thể dùng làm bằng chứng. Ông Hoàng bị giam giữ ở trại cưỡng bức trong một năm, sau đó bị chuyển tới một trung tâm tẩy não thêm hai tháng.
Năm 2010, các nhân viên của Phòng 610 đã tống ông Hoàng vào một trung tâm tẩy não trong gần một tháng.
Lãnh đạo của bà Trần cố gắng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà đã từ chối. Bà bị sa thải vào năm 2012.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài Giang.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/6/1/310292.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/11/151016.html
Đăng ngày 12-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.