Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-06-2015] Mười chín học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm đã gửi đơn kiện đến Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, kiện cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân vì đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.
Trong đơn khiếu nại, các học viên, hầu hết đều từ khoảng 50 đến 70 tuổi, cho biết tu luyện Pháp Luân Công mang lại những lợi ích to lớn cả về thể xác và tinh thần. Pháp Luân Công đã chữa khỏi nhiều căn bệnh cho họ, bao gồm chứng đau dây thần kinh, bệnh tim, và bệnh bạch cầu. Một số người bày tỏ rằng họ đã tìm thấy sự yên bình trong cuộc sống và trải nghiệm một mối quan hệ hài hoà với người thân và gia đình sau khi tu luyện.
Tuy nhiên, khi cuộc bức hại xảy ra, họ đã mất đi môi trường tự do tu luyện Pháp Luân Công, bị đuổi việc, bỏ tù và tra tấn vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.
“Những tuyên truyền giả dối mà chính quyền Giang phát động để phỉ báng Pháp Luân Công đã khiến nhiều người Trung Quốc bị lừa dối. Chúng tôi hy vọng thông qua các vụ kiện, những vị lãnh đạo Đảng hiện tại sẽ thực sự suy nghĩ về vấn đề này, kết thúc cuộc đàn áp, và trả tự do cho những học viên vô tội vẫn đang bị giam cầm,” đó là lời của các học viên trong đơn khiếu nại của họ.
Dưới đây là những trích đoạn trong đơn khiếu nại của họ.
Một phụ nữ mang thai bị nhốt trong lồng sắt
Cô Từ Mẫn bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 10 năm 2000 khi đã mang thai vào tháng cuối. Công an đã nhốt cô bốn ngày tới khi họ đưa cô vào trại lao động.
Cô Từ bị bắt lại vào năm 2009 khi nói cho mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Toà kết án cô Từ một năm lao động cưỡng bức sau 15 ngày bị giam cầm.
Ở trong trại lao động, lính canh đã sắp xếp để bóc lột sức lao động của cô toàn bộ thời gian trong ngày, bắt cô phải ngồi trên một “cái ghế nhỏ” trong nhiều đêm. Lính canh còn dùng dùi cui điện để sốc điện và đánh vào mặt cô nhiều lần trong nửa tiếng khi cô cự tuyệt từ bỏ đức tin của mình.
Một phụ nữ 58 tuổi bị treo lên và đánh đập tàn bạo
Công an đã bắt bà Lý Tái Sinh 58 tuổi ngay tại nhà bà, giam bà trong phòng tối ở đồn công an, treo lên, và đánh đập bà tàn nhẫn vào tháng 3 năm 2002. Việc bị tra tấn đã khiến cho cơ thể bà có đầy những vết thương và vết bầm tím.
Công an cũng không cung cấp thức ăn và nước uống cho bà trong hai ngày, với âm mưu bắt bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Lý từ chối hợp tác và họ đưa bà đến một trại tạm giam, tra tấn bà trong 40 ngày. Sau đó họ đưa bà đến Trại lao động cưỡng bức Hắc Chuỷ Tử và giam bà trong một năm.
Năm 2012, bà Lý lại một lần nữa bị bắt và đưa đến trại tẩy não.
Người chồng nằm liệt giường qua đời sau khi vợ bị bắt
Nhiều công an đã xông vào nhà bà Khương Thuỵ Hoa và bắt bà vào tháng 7 năm 2002. Ngay cả khi bà nói với công an rằng bà đang phải chăm sóc cho người chồng nằm liệt giường và đứa con nhỏ, công an vẫn giam bà ở trại tạm giam trong 40 ngày và chuyển bà đến Trại lao động Hắc Chuỷ Tử vì bà cự tuyệt từ bỏ tu luyện.
Trong ba năm bị giam cầm và tra tấn ở trại lao động, chồng bà đã qua đời vì không có ai chăm sóc. Con của bà Khương cũng phải nghỉ học vì thiếu thốn tài chính.
Danh sách 19 học viên nộp đơn khiếu nại
Ông Lưu Hữu Nguyên (刘有元), 79 tuổi
Bà Đậu Ngọc Hương (窦玉香), 75 tuổi
Bà Vương Thục Phân (王淑芬), 73 tuổi
Bà Lý Tái Sinh (李再生), 71 tuổi
Bà Lý Phượng Trân (李凤珍), 71 tuổi
Bà Tôn Lập Hoàn (孙立环), 65 tuổi
Bà Triệu Phượng Hoa (赵凤华), 63 tuổi
Bà Khương Thuỵ Hoa (姜瑞华), 61 tuổi
Bà Lưu Hương Thuỵ (刘香瑞), 60 tuổi
Bà Hầu Tú Hương (侯秀香), 57 tuổi
Bà Vương Ngọc Cần (王玉芹), 55 tuổi
Bà Lưu Tú Chi (刘秀之), 53 tuổi
Bà Diêu Yến (姚燕), 52 tuổi
Bà Lưu Tú Anh (刘秀英), 51 tuổi
Bà Chu Phượng Hà (周凤霞), 50 tuổi
Bà Lương Ngọc Linh (梁玉玲), 50 tuổi
Bà Trương Hồng Kiệt (张红杰), 48 tuổi
Bà Từ Mẫn (徐敏), 45 tuổi
Bà Cù Khánh Anh (瞿庆英)
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc bức hại đã dẫn đến cái chết của rất nhiều học viên Pháp Luân Công trong suốt 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/6/18/311040.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/25/151241.html
Đăng ngày 08-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.