[MINH HUỆ 06-10-2014]

(Tiếp theo Phần 1)

6. Người vợ già của Yến Tử

Yến Anh, còn gọi là Yến Tử, là một nhà tư tưởng và ngoại giao nổi tiếng trong thời Xuân Thu. Ông được Tề Cảnh Công đặc biệt trọng dụng.

Một ngày kia, Tề Cảnh Công đến thăm nhà Yến Tử. Khi họ đang uống rượu, Tề Cảnh Công thấy một người phụ nữ và hỏi: “Người mà ta vừa thấy là thê tử của khanh à?” Khi Yến Tử trả lời “Thưa, đúng vậy.” Tề Cảnh Công đùa rằng: “Bà ấy vừa già vừa xấu. Ta có một người con gái còn trẻ và đẹp. Khanh có muốn nhận nó làm thê tử không?”

Yến Tử nghe xong liền đứng dậy, đứng trước Tề Cảnh Công, cúi đầu cung kính mà nói rằng: “Thưa quân thượng, dù vợ thần già và xấu, nhưng chúng tôi đã chung sống với nhau một thời gian dài, và thần quen nàng khi nàng còn trẻ đẹp. Khi một phụ nữ trở thành thê tử của một người đàn ông, nàng đã phó thác tuổi thanh xuân và sắc đẹp của mình cho đến khi trở nên già xấu. Khi nàng còn trẻ, nàng đã đem sinh mệnh phó thác cho thần và thần đã chấp nhận cưới nàng làm vợ. Nàng đã sống với thần suốt những năm qua. Bây giờ, dù ngài đã ban cho thần vinh hoa phú quý, nhưng sao thần có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?” Yến Tử cúi đầu trước Cảnh Công một lần nữa, bái lạy cảm tạ và từ chối đề nghị của Cảnh Công. Thấy Yến Tử nặng tình nặng nghĩa với vợ như thế, Cảnh Công cũng không đề cập đến chuyện đó nữa.

Một lần khác, Điền Vô Vũ (một nhân vật danh tiếng có ảnh hưởng vào thời đó) đã cố khuyên Yến Tử bỏ người vợ già của ông. Yến Tử nói với Điền: “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là xa rời đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?”

Có lời về Yến Tử rằng: “Yến Tử làm bề tôi, trung quân ái dân. Là một nam tử hán, ông được ngưỡng một bởi đạo đức cao thượng, cần kiệm liêm khiết, nhân nghĩa lễ tín.” Khổng Tử còn phải tán thưởng hành vi của Yến Tử cung kính và thông tuệ.(Lời bình của tác giả)

7. Lời răn của Khổng Tử về chống lại sắc dục

Khổng Tử nói: “Vào thời trẻ, khí huyết chưa đủ, thì phải giới cấm sắc dục.”

Hoàng Hiếu Trực đã nhận xét về câu nói này: “Theo quan điểm của nhà hiền triết, ta nên luôn luôn kiềm chế ham muốn. Sách ‘Lễ’ cho rằng một người đàn ông bình thường không nên có thêm thê thiếp, trừ khi ông ấy vẫn không có con ở tuổi năm mươi. Rõ ràng là con người phải cố gắng kiềm chế bản thân khỏi những ham muốn dục vọng. Khổng Tử không nói nhiều về điều này, như ông ấy nhấn mạnh nó, ‘Vào thời trẻ, khí huyết chưa đủ, thì phải chống lại sắc dục.’ Rõ ràng, đây là một vấn đề quan trọng và con người nên hạn chế những ham muốn dục vọng.

“Đây là vì khi còn trẻ, họ đang trong giai đoạn chớm nở, giống như cây nẩy mầm hay côn trùng ngủ đông. Nếu mầm bị hư hại, cây sẽ bị héo đi. Đối với côn trùng ngủ đông, nếu bị đào lên và tiếp xúc với bên ngoài, nó chắc chắn sẽ chết. Khổng Tử đã cảnh báo người trẻ tuổi chống lại dục vọng để họ tự kiềm chế và chăm sóc bản thân, do đó giữ được tuổi trẻ của mình.

“Nếu người nào thoát khỏi sự khống chế của dục vọng khi còn trẻ, tinh huyết của người này sẽ được bảo quản tốt và cơ thể tràn đầy năng lượng. Khi đi đến công đường xử lý việc nước, tinh thần và năng lượng sẽ cho phép anh ta đạt được những thành tích tuyệt vời. Nhân phẩm và học vấn chân chính của một người đều bắt đầu từ đây. Thậm chí một người dù không giàu có, anh ta vẫn sẽ có thể sống lâu dài và không gặp trường hợp bất đắc kỳ tử. Đây là điều mà người trẻ nên chú tâm.

“Có lời tán thưởng rằng: Những lời dạy của Khổng Tử quy định về những tiêu chuẩn đạo đức nhân luân; trung hiếu liêm sỉ, nhân nghĩa lễ tín; nam nữ là khác biệt nên phải thụ thụ bất thân. Đây là một lời răn dạy chân thành cho những người trẻ tuổi.”(Lời bình của tác giả)

8. Mạnh Tử quả dục

Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả, mạc thiện vu quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn yên giả quả hỹ.” (Để dưỡng tâm, không gì tốt hơn là giảm đi ham muốn. Nếu có ít ham muốn, dù là đôi khi bị mất kiểm soát, nhưng xảy ra cũng ít lần thôi. Nếu có nhiều ham muốn, dù là đôi khi có thể kiểm soát ham muốn, nhưng sự kiểm soát cũng chỉ xảy ra ít lần thôi.)

Tiên sinh Ấn Quang đã giải thích điều này bằng cách đưa ra một ví dụ: “Con người nên kiềm chế ham muốn dục vọng dù là họ khỏe mạnh, đặc biệt là họ cần ở một mình khi vừa mới khỏi bệnh. Mười năm trước, con trai của một doanh nhân giàu có đang học nghiên cứu y học Tây phương tại Nhật Bản và đứng đầu lớp. Một ngày nọ khi đang đi trên xe điện, anh ấy đã nhảy ra khỏi xe trước khi nó dừng lại và đã bị gãy tay.

“Vì là một bác sỹ đặc biệt trong lĩnh vực này, anh đã sớm hồi phục. Xương cần khoảng 100 ngày để hồi phục hoàn toàn, và các hoạt động tình dục nên được tránh trong thời gian này. Anh đã quay về Trung Quốc trước khi 100 ngày trôi qua vì mẹ của anh qua đời. Anh đã qua đêm với một phụ nữ và đã chết vào ngày hôm sau. Anh rất thông minh và cho dù là bác sỹ, anh không biết rằng mình nên kiêng khem những hành động như vậy. Chỉ vì một chút khoái cảm dục vọng, anh đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Thật là đáng tiếc!”

“… … Tôi thường nói rằng 40% nguyên nhân tử vong là do chìm đắm vào ham muốn dục vọng. Dù những cái chết là không liên quan trực tiếp đến ham muốn dục vọng, nhưng sức khỏe của họ đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi những ham muốn như thế, và họ chết một cách gián tiếp. Chỉ có 20% cái chết là do những nguyên nhân tự nhiên. Một thế giới rộng lớn với nhiều người như vậy, mà có đến 8 hay 9 trong số 10 người bị chết vì đắm chìm vào ham muốn dục vọng. Thật chẳng đáng buồn sao?…”

Người ta đã tán dương Mạnh Tử rằng: Kế tục sự đóng góp của các bậc tiền bối và phát huy tấm lòng của một thánh nhân, ông lấy nhân từ làm căn bản, thanh tâm quả dục. Ông được xem là một Khổng Tử thứ hai, và ông được người đời kính trọng. Mẹ ông vì con mà đã chuyển nhà ba lần để tìm được láng giềng tốt. (Lời bình của tác giả)

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/6/298583.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/31/146624.html

Đăng ngày 24-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share