Bài viết của Tĩnh Viễn

[MINH HUỆ 12-06-2014] Yến Tử là Tể tướng của nước Tề thời Chiến Quốc (475 – 221 trước công nguyên). Sách “Yến Tử tự lục” (Những ghi chép về Yến Tử) cho chúng ta biết về sự “trực ngôn” của ông với những triều vua của nhà Tề để khiến họ làm điều đúng đắn.

Cuốn sách viết: “Yến Tử nổi tiếng học rộng uyên bác, tinh thông cổ kim, phụng sự ba đời vua nhà Tề – Linh Công, Trang Công và Cảnh Công. Ông thực thi và chủ trương thực hiện đạo đức và tiết kiệm từ vua đến các quan lại cấp cao. Ông luôn tận trung và hiến những kế sách có lợi ích cho quốc gia và trăm họ, dù là những cách đó không phù hợp với vua. Với sự giúp đỡ của ông, các vị vua đã cai trị đúng mực, được người dân kính trọng và yêu mến.”

Luôn minh tỏ thiện – ác

Khi thấy vua sống xa hoa, Yến Tử đã dùng lối sống thanh đạm của mình như một ví dụ để thuyết phục vua không lãng phí tiền của. Ông nói: “Tiết kiệm là tố chất của một vị vua và là một tiêu chuẩn đạo đức thiết yếu.”

Yến Tử xử lý vấn đề quốc gia một cách công chính và không bao giờ nhận quà – từ đất đai, nhà cửa, đến xe ngựa và quần áo. Ông từ chối tất cả. Ông ăn thức ăn đạm bạc, những loại ngũ cốc thô và rau, và mặc quần áo màu đen đơn giản. Ông ngồi trên một xe ngựa cũ kỹ khi đi hầu triều và sống trong một ngôi nhà nhỏ gần khu chợ ồn ào mà ông được thừa hưởng từ gia đình.

Khi Tề Cảnh Công lên ngôi, ông luôn sẵn lòng lắng nghe và nhận lời khuyên của Yến Tử cũng như nhiều hiền thần khác. Kết quả là chỉ trong vài năm nước Tề từ một vùng hỗn loạn đã trở thành một quốc gia vững mạnh.

Tuy nhiên sau đó, Cảnh Công bắt đầu ham vui hưởng lạc, xây dựng cung điện tráng lệ, tăng thuế và ra sắc lệnh hà khắc và trừng phạt tàn ác. Yến Tử đã tìm mọi cơ hội có thể để thuyết phục Cảnh Công điều chỉnh lại thuế và luật lệ hà khắc.

Yến Tử đã dùng nhiều quan điểm để giải thích và trình bày lý do vì sao Cảnh Công nên giảm thuế. Ông nói: “Một minh quân sẽ khen thưởng cái thiện và trừ họa cho dân, yêu dân như con, che chở cho dân như trời và hài hòa với dân như đất.”

Ông chỉ ra rằng bậc quân vương cần phải xem xét hoàn cảnh của dân để họ có thể an cư lạc nghiệp, không nên dùng luật lệ hà khắc và trừng phạt để duy trì sự an định xã hội. Thay vào đó, nếu lấy nhân đức làm chính, khiến dân hiểu lễ tuân thủ pháp quốc, thì tự nhiên tranh chấp sẽ không xảy ra nhiều, sẽ khiến xã hội an định, tường hòa.

Cảnh Công đã lên kế hoạch chinh phạt nước Lỗ láng giềng. Yến Tử tin rằng họ nên duy trì một mối quan hệ hòa bình với các nước láng giềng và không nên gây chiến tranh.

Ông khuyên Cảnh Công: “Hãy đối xử tốt với nước Lỗ để xóa bỏ những bất bình cũ và chứng minh đức hạnh của Ngài.” Cảnh Công đã theo lời khuyên của Yến Tử và không đánh nước Lỗ nữa.

Cảnh Công từng hỏi Yến Tử rằng ông có thể xưng bá thiên hạ như tổ tiên Hoàn Công trước đây không.

Yến Tử lập tức trả lời: “Lý do Tề Hoàn Công đạt được thành tựu to lớn như vậy là vì ông yêu thương muôn dân trăm họ, liêm khiết, không vì dục vọng bản thân mà đánh thuế nặng, không lãng phí nhân công để xây lâu đài, tin dùng người hiền tài, chính trực; lấy đức thu phục lòng dân. Nay Chúa công qua lại mật thiết với những kẻ tiểu nhân, xa rời người hiền lương, khiến bách tính khốn khổ, vậy làm thế nào mà gây dựng bá nghiệp như tổ tiên Hoàn Công đây?“

Cảnh Công đã cải thiện hành vi bản thân sau cuộc nói chuyện này.

Một lần khác, Cảnh Công hỏi Yến Tử: “Những người cầm quyền nên quan tâm điều gì nhất?”

Yến Tử trả lời: “Chúa công nên lo lắng khi bản thân không thể phân biệt được thiện và ác.”

Cảnh Công hỏi ông làm sao để đạt được điều đó.

Yến Tử nói: “Hãy lựa chọn cẩn thận những người thân cận. Nếu người xung quanh đều chính trực thiện lương, thì bá quan trong triều sẽ thực thi tốt nhiệm vụ, và Chúa công tự nhiên sẽ có thể phân biệt thiện và ác.”

Yến Tử cũng nói: “[Khi cai trị quốc gia], điều tốt nhất là chăm sóc cho dân; hành động tốt nhất là khiến dân hạnh phúc; điều xấu nhất là đối xử khắc nghiệt với dân. Hành động xấu nhất là làm điều gì đó khiến đạo đức suy đồi.”

Nếu một người bị vây quanh bởi những kẻ xấu, thì những lời đúng đắn sẽ không đến tai người đó. Nó giống như tai và mắt bị che đi, và họ không thể thấy sự thật. Điều đó sẽ đẩy họ vào một tình huống nguy hiểm. Tương tự như vậy, nếu con người trong xã hội muốn nâng cao giá trị đạo đức và giảm đi hành vi sai trái, họ cần phải ở gần thầy của họ và tránh xa kẻ xấu.

Thuyết phục vua bày tỏ sự quan tâm đối với người dân phải di dời do lũ lụt

Một trận mưa kéo dài 17 ngày đã khiến nhiều ngôi nhà ở nước Tề bị ngập. Có nơi thiếu lương thực và rất lạnh. Nhiều người đã phải di dời và nạn đói diễn ra. Tuy nhiên, thay vì đưa người và lương thực đi tiếp tế, Cảnh Công lại tiếp tục tự thỏa mãn bản thân, thưởng thức những bữa ăn xa hoa và uống rượu suốt ngày đêm.

Yến Tử rất lo lắng cho những người dân phải di dời. Ông liên tục thỉnh cầu Cảnh Công chuyển kê dự trữ đến nhân dân. Cảnh Công đã từ chối.

Sau đó, Yến Tử đã đưa lúa của mình cho người dân bị lũ lụt. Ông cũng đưa cho họ những vật dụng của mình và cố hết sức giúp đỡ họ.

Sau đó, ông đến cung điện và thưa với Cảnh Công: “Trời mưa đã 17 ngày. Mỗi thành phố có hàng chục ngôi nhà bị sập. Mỗi làng có nhiều gia đình bị đói. Người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em ở trong tình trạng nguy hiểm, không có đủ thức ăn và không đủ quần áo ấm. Thậm chí giờ đây họ không có một mái nhà trên đầu. Họ đang tuyệt vọng và cần sự giúp đỡ ngay lập tức.

“Nhưng Chúa công, Ngài đã không cảm thông, từ chối giúp họ và lại tiếp tục uống rượu và lãng phí lương thực.

“Trong cung điện của Ngài, ngựa ăn lương thực mà người ăn, chó ăn thịt cừu và thịt bò. Vợ và thê thiếp của Ngài tận hưởng mọi thứ xa xỉ nhất. Chúa công, Ngài không nghĩ rằng mình quá hào phóng đối với ngựa, chó và thê thiếp nhưng rất khắc nghiệt với dân chúng sao?

“Hãy tự hỏi bản thân, khi vương quốc của Ngài đầy những nạn nhân chịu đói và lạnh, và họ rất tuyệt vọng khi không có sự giúp đỡ, làm sao một vị vua vẫn có tâm trạng chè chén say sưa và vui chơi? Chúng thần quan chức phục vụ Ngài. Công việc của chúng thần là thảo luận về các vấn đề quốc gia với Ngài, giúp Ngài đưa ra quyết định đúng đắn có lợi cho đất nước và dân tộc.

“Người dân đang trong cảnh nghèo khổ, họ đang đói và lạnh, và họ không có ai để nương tựa! Nhưng vua của họ thì đã nhắm mắt làm ngơ trước trạng tuyệt vọng của họ. Thần đã không làm tốt chức trách của mình! Thần đã phạm tội rồi!”

Sau đó Yến Tử xin Cảnh Công cho ông được từ quan rồi rời đi.

Cảnh Công rất xấu hổ sau khi nghe những lời thật lòng của Yến Tử. Nhà vua đã đuổi theo Yến Tử và đề nghị ông không từ quan.

Vì trời vẫn còn mưa và đường rất trơn nên Cảnh Công không thể đuổi kịp Yến Tử. Sau đó ông bảo tùy tùng chuẩn bị xe ngựa và chạy đến nhà Yến Tử. Cảnh Công thấy Yến Tử đang đưa ngũ cốc và gạo của ông cho người dân. Những vật dụng giúp đỡ dân vẫn đang nằm trên nền đất, và Yến Tử đã rời nhà.

Cảnh Công chạy ra ngoài và cuối cùng đã đuổi kịp Yến Tử.

“Ta sai rồi. Khanh đã quyết định không phụng sự ta nữa. Có thể ta không xứng đáng với sự phục vụ của khanh, nhưng hãy nghĩ cho nhân dân. Hãy ở lại bên ta. Ta sẵn lòng đưa lương thực và các vật dụng khác trong cung điện cho người dân. Khanh có thể quyết định lấy bao nhiêu tùy ý,” Cảnh Công gấp gáp nói.

Ngay khi trở về vị trí của mình, Yến Tử lập tức gửi người đi thăm người dân bị di dời để phân phát lương thực cho họ. Cảnh Công cũng thúc giục các quan lại giúp đỡ cứu trợ thiên tai. Nhà vua đã giảm lượng thức ăn vào mỗi bữa ăn và ngừng uống rượu. Ông ra lệnh không cho ngựa ăn kê và chó ăn cháo thịt nữa. Ông cũng giảm các món quà tặng cho vợ và quý phi của mình.

Cuối cùng, cơn mưa cũng chấm dứt. Toàn bộ nước Tề, từ vua đến quan lại và dân chúng, đã cùng nhau vượt qua thiên tai.

“Trung Dung” của Khổng Tử viết: “Trí, nhân và dũng là ba phẩm chất đạo đức bắt buộc.” Ngoài việc có trí khôn và lòng tốt, một người đạo đức cũng cần có lòng can đảm, Yến Tử là một ví dụ điển hình.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2014/6/12/293352.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/7/6/1924.html

Đăng ngày 13-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share