[MINH HUỆ 05-10-2014] Sắc dục được xem là một vấn đề rất nghiêm trọng trong văn hóa Trung Hoa cổ. Suốt năm nghìn năm văn minh, những câu chuyện và lời răn dạy đã được truyền xuống cho từng thế hệ. Cả ba tín ngưỡng truyền thống, Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo, đều có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề đặc biệt này.

Đây là phần đầu tiên trong loạt tuyển tập về chủ đề này.

1. Phục Hy chế lễ

Trong cuốn sách “Cổ sử khảo” được ghi chép thời kỳ Tam Quốc, tác giả Tiếu Chu viết: “Phục Hy đã quy định luật kết hôn giữa một người nam và một người nữ. Tấm da hươu được dùng làm sính lễ.” Phục Hy là một nhân vật huyền thoại trong thần thoại Trung Hoa và được xem là đã tạo ra loài người.

Trong cuốn sách này, tác giả Tiếu Chu viết rằng Phục Hy đã quy định luật kết hôn của một nam và một nữ. Họ (danh tính) của người ta có thể lấy từ động vật, thực vật, nơi cư trú hay các chức danh chính thức của mình. Việc sử dụng họ như vậy đã giúp ngăn chặn một cuộc hôn nhân không thích hợp hay là cận huyết thống.

Tiếu Chu là một học giả sống ở Thục Hán (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) trong thời Tam quốc (khoảng 220 đến 280 sau Công nguyên).

Hệ thống nghi lễ của Phục Hy công nhận sự khác biệt giữa nam và nữ, kính trọng Trời, và sống theo tự nhiên. Các nghi lễ góp phần làm hài hòa giữa Âm – Dương và thành lập những giao thức vững chắc đã tồn tại trong nhiều thế hệ tại Trung Quốc.

2. Hoàng Đế lấy vợ

“Tứ đại mỹ nhân” trong lịch sử Trung Quốc thì ai cũng đều biết, nhưng ít người biết về “tứ đại xú nữ”. Người xấu nhất là Mô Mẫu, vợ của Hoàng Đế. Nhiều người Trung Quốc xem Hoàng Đế là tổ tiên của họ và tự gọi mình là “con cháu của Hoàng Đế.”

Hoàng Đế kết hôn với Mô Mẫu bởi lòng nhân ái và đức hạnh của bà. Những cuốn sách cổ đã chép lại lời của ông: “Kẻ chỉ coi trọng vẻ đẹp bên ngoài mà không coi trọng đức hạnh, không phải cái đẹp chân chính. Người trọng đức khinh sắc, thì mới là đức hạnh thực sự.” (Lã Thị Xuân Thu, chương Ngộ Hợp)

Sách cũng chép lại: “Mô Mẫu được Hoàng Đế đánh giá cao. Ông nói với bà: ‘Nàng không được quên tu dưỡng đức hạnh. Ta trao cho nàng quyền quản lý hậu cung và giữ nàng bên cạnh. Cho dù nàng không ưa nhìn thì cũng nào có mang đến mối nguy hại nào?’”

Hoàng Đế Nội Kinh viết rằng người cổ đại sống theo quy luật âm dương, ăn uống và sinh hoạt có chừng mực, nên tâm trí và thân thể của họ hài hòa và sống lâu.

Cuốn sách nói rằng người ngày nay không còn sống theo cách đó. Họ uống rượu như uống nước, xem những hành vi bất lễ là chuyện bình thường, hành động loạn tính khi say rượu và khiến cơ thể tổn hao nguyên khí.

Họ không biết cách bảo tồn năng lượng và sức sống. Họ truy cầu những phấn khích và thú vui nhất thời. Họ coi nhẹ quy luật tự nhiên của vũ trụ, không điều chỉnh lối sống, sinh hoạt hay ngủ nghỉ. Vì thế không ngạc nhiên khi họ trông già đi ở tuổi 50 và qua đời sớm.

3. Hạ Kiệt sủng ái Muội Hỷ

Hạ Kiệt, hôn quân cuối cùng của triều Hạ (1728-1675 trước Công nguyên) có ngoại hình cao ráo ưa nhìn và mạnh mẽ. Ông đắm chìm trong tửu sắc. Ông say mê phi tử Muội Hỷ và bỏ bê triều chính.

Khi có trung thần can gián rằng đam mê tửu sắc có thể mất nước, ông đáp lại: “Ta biết rằng đàn ông và phụ nữ có vai trò khác nhau trong gia đình. Vợ và chồng là bạn đời của nhau. Ta là vua một nước và sủng ái Muội Hỷ. Điều đó có gì sai?”

Ông không nhận ra sự khác biệt giữa một mối quan hệ đúng mực của nam-nữ trong cuộc sống gia đình với dục vọng và bị nó chi phối.

Sau đó ông đã bị Thành Thang đánh bại, bị lưu đày đến Nam Sào, và tự thiêu chết ở đó.

4. Trụ vương mê Đát Kỷ

Vua Thương Trụ của nhà Thương (1600-1046 trước Công nguyên) là một bạo quân vô đạo nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông ta thích xu nịnh và bỏ qua những lời can gián trung thành. Ông sủng ái Đát Kỷ và bỏ bê triều chính. Ông chỉ nghe lời Đát Kỷ và rất độc ác. Ông bị chư hầu xa lánh và nhân dân căm hận.

Để cứu nhân dân, Chu Võ Vương của nhà Chu (1046-256 trước Công nguyên) đã thống lĩnh chư hầu chống lại bạo quân. Trụ vương đã bị nhân dân bỏ mặc. Khi thấy rằng mình đã hết thời, ông ta đã tự thiêu tại Lộc Đài (tỉnh Hà Nam ngày nay).

5. Tọa hoài bất loạn

Liễu Hạ Huệ sống ở Lỗ quốc vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên). Ông nổi tiếng là người có khả năng chống lại cám dỗ về sắc dục.

Một phụ nữ vô gia cư đã tìm nơi trú ẩn trong một đêm đông lạnh. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô ấy có thể chết vì lạnh, nên ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp chặt cơ thể của cô vào mình. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn.

Nhờ điều này, ông được xem là một nam tử hán chính trực, và có một câu tục ngữ về ông: Tọa hoài bất loạn (ngồi mà trong lòng vẫn không loạn).

Đây là một câu chuyện khác cũng xảy ra tại Lỗ quốc: Có một người nam sống một mình, bên cạnh nhà là một góa phụ cũng sống một mình. Khi nhà người góa phụ bị sập trong một đêm bão tố, cô đã gõ cửa nhà người nam để xin trú ẩn.

Anh đã không cho cô vào. Người phụ nữ nói: “Sao anh không thể giống Liễu Hạ Huệ, ông ấy đã dùng thân mình sưởi ấm cho một phụ nữ bị lạnh? Không ai nghĩ rằng ông ấy đã làm sai cả.” Anh ấy đáp: “Liễu Hạ Huệ có thể mở cửa, nhưng tôi không thể. Tôi đang học theo Liễu Hạ Huệ bằng cách không mở cửa.”

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2014/10/5/298558.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/30/146617.html

Đăng ngày 21-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share