Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-10-2014] Bà Lê Đức Xuân, 70 tuổi, từng là một sỹ quan quân đội. Bà bị đuổi khỏi ngành và bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Bây giờ bà không có nguồn thu nhập nào.

Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 07 năm 1999, việc sa thải các học viên Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc, Giang Trạch Dân, đã lập ra hệ thống Phòng 610 để thực thi chính sách của ông ta là “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thể xác,” để diệt tận gốc Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bà Lê Đức Xuân chỉ là một trong số các nạn nhân.

Giáo viên mỹ thuật bị sa thải, phải đi làm việc vặt

Ông Tần Úy, 50 tuổi, tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh. Ông từng là một giáo viên mỹ thuật tại trường Trung học Bát Nhất Bắc Kinh. Từ năm 2000, ông đã bị bắt nhiều lần, và bị kết án tổng cộng chín năm rưỡi.

5ee216be85b770e2c2627f9a49e03c81.jpg

Ông Tần Úy

Năm 2006, khi đang bị giam giữ trong nhà tù Trà Điếm Thiên Tân, ông Tần nhận được thông báo bị sa thải. Sau khi được thả, ông nhận được thư của Tòa thị chính quận Hải Điến, thông báo việc ông bị cắt bảo hiểm y tế, lương hưu, việc làm và phúc lợi nhà ở. Bây giờ ông phải làm các công việc vặt để kiếm sống.

Lương công chức bị cắt

Bà Điền Quyên, 55 tuổi, là cựu công chức của Ủy ban khu phố Kiến Quốc Môn.

372008495c2fcd09b65620968b300676.jpg

Bà Điền Quyên

Lẽ ra bà Điền sẽ nhận được khoản lương hưu 3.000 tệ mỗi tháng khi về hưu vào tháng 01 năm 2014, nhưng lại chỉ nhận được 1.050 tệ, bởi bà đã bị kết án bốn năm tù vào tháng 08 năm 2007, và đã bị cơ quan sa thải. Sau khi được thả vào năm 2011, chính quyền địa phương đã thông báo rằng bà không được hưởng chế độ công chức khi về hưu, cấp bậc của bà bị hạ xuống mức công nhân bình thường. Bà cũng bị yêu cầu thanh toán thêm 30.000 tệ phí bảo hiểm y tế.

Trưởng phòng Hành chính Báo Mỹ thuật bị đuổi việc

Ông Đàm Thủ Lễ, 60 tuổi, là Trưởng phòng Hành chính của một tờ báo về mỹ thuật, một đơn vị thuộc Viện Văn học Trung Quốc. Năm 2001, ông bị kết án 10 năm tù và công ty đã sa thải ông. Sau khi được thả vào năm 2011, ông phát hiện mình đã bị mất việc, lương hưu, bảo hiểm y tế và phúc lợi nhà ở.

ddf163865b15b8ec790eaeeb2a2dd422.jpg

Ông Đàm Thủ Lễ

Giảng viên bị buộc ra khỏi nhà

Cô Lương Ba, 45 tuổi, tốt nghiệp Đại học Truyền thông Trung Quốc, nơi cô theo học bằng Thạc sỹ. Cô là giảng viên khoa Văn, Báo chí và Truyền thông của Đại học Quốc gia Trung Quốc.

d2f01834dd660b4ad21450316a674e7a.jpg

Cô Lương Ba

Vào tháng 09 năm 1999, cô Lương được thông báo không được phép tiếp tục giảng dạy, vì không chịu từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

Kể từ tháng 08 năm 2004, trường đại học đã không thanh toán tiền lương hoặc các khoản phúc lợi khác cho cô. Năm 2009, một cán bộ trường đã đến nhà cô lúc nửa đêm và yêu cầu cô phải rời đi. Khi hỏi lý do tại sao, cô được thông báo là cô bị đuổi khỏi trường.

Khi cô Lương đến trường vào ngày 18 tháng 5 năm 2009 để hỏi về việc bị sa thải, lãnh đạo trường đã gọi cho công an và nói rằng cô Lương đã đến phân phát đĩa DVD Pháp Luân Công.

Cô nhanh chóng bị bắt. Cô Lương đã nói với công an rằng mình không phân phát đĩa DVD, nhưng công an nói rằng trường đại học muốn dùng nó làm cái cớ để bắt cô.

Nhà của bà Trương Tấn Phượng bị lục soát

Bà Trương Tấn Phượng, 76 tuổi, đã từng công tác tại một công ty nhà nước, bị bắt vào năm 2004 vì đã gửi cho mọi người tài liệu Pháp Luân Công qua bưu điện. Các quan chức từ Phòng An ninh nội địa địa phương đã lục soát nhà bà.

Các phong bì và tem thư của bà, một bức hình Sư phụ Lý Hồng Chí, các đĩa DVD, 1700 tệ tiền mặt, và các đồ dùng cá nhân khác đã bị lấy đi. Năm 2006, bà bị kết án năm năm tù.

Ông Từ Hóa Toàn trở thành người vô gia cư

Ông Từ Hóa Toàn, 50 tuổi, có bằng Thạc sỹ tại Đại học Bắc Kinh. Năm 2002, ông bị kết án tám năm tù. Ông bị giam giữ hai lần trong trại cưỡng bức lao động với tổng thời gian ba năm.

Ngày 07 tháng 11 năm 2002, nhân viên đồn Công an Thái Dương Cung đã đột nhập vào nhà, bắt giữ ông, vợ và con trai ông. Họ bị đưa tới Trại tạm giam Triều Dương. Trong lúc không có ai ở nhà, công an đã lấy đi 5.000 tệ tiền mặt, tem thư trị giá 150 tệ, máy tính, máy in và những thứ khác.

Không chịu được áp lực và sự quấy rối của chính quyền, vợ ông đã ly dị ông sau đó. Ông Từ không có bất cứ nguồn thu nhập nào và không có chốn nương thân sau khi được thả. Hiện không rõ nơi ở của ông.

Bác sỹ bị giáng xuống làm công việc dọn dẹp

Bà Ngu Bồi Linh, khoảng 50 tuổi, là một bác sỹ tại Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh. Bà bị kết án ba năm rưỡi tù giam và bị giam giữ trong Nhà tù Nam Thông ở tỉnh Giang Tô.

Sau khi được thả vào năm 2003, bà quay lại bệnh viện làm việc, và được thông báo phải làm công việc dọn vệ sinh, mặc dù bà có bằng Thạc sỹ Y khoa. Bà bị cắt lương và ngay sau đó, bệnh viện cho bà thôi việc. Bà phải dựa vào gia đình mà sống sau khi được thả lần thứ hai.

Nhà cửa bị lục soát, 25.000 tệ bị lấy đi

Ông Bào Thủ Trí, 60 tuổi, từng làm việc cho một công ty nhà nước. Năm 2002, ông bị kết án 10 năm tù.

24dc93d0630c814116be488b1e6029c4.jpg

Ông Bào Thủ Trí

Các nhân viên Phòng An ninh Nội địa địa phương đã không đưa ra lệnh khám nhà khi họ đến nhà ông lục soát. Họ lấy đi 25.000 tệ tiền mặt, một đài catset trị giá 400 tệ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/25/299419.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/1/146646.html

Đăng ngày 03-03-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share