Bài viết của Hà Vũ và Mục Văn Thanh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-01-2015] Khác với các nước khác, ở Trung Quốc, quân đội hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của các quan chức cao nhất của Đảng chứ không phải là Nhà nước. Đó là lý do vì sao quân đội có vai trò then chốt khi Giang Trạch Dân, bấy giờ là lãnh đạo Đảng, quyết định bức hại Pháp Luân Công năm 1999.

Ông ta lợi dụng quyền lực với tư cách là người đứng đầu quân đội để thực hiện chính sách bức hại với ba chỉ thị: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể của các học viên Pháp Luân Công.

Chính sự tham gia của quân đội khiến cuộc bức hại trở nên tàn khốc và bí mật hơn. Như thông tin trong báo cáo dưới đây, các lực lượng quân đội Trung Quốc tham gia chặt chẽ vào việc mở đường cho cuộc bức hại, gia tăng đàn áp, tiến hành khủng bố và các cuộc tấn công mạng ở bên ngoài Trung Quốc.

Vai trò chính yếu của quân đội trong việc phát động cuộc bức hại

Pháp Luân Công trở nên phổ biến ở Trung Quốc ngay sau khi được hồng truyền vào năm 1992. Khi số học viên vượt quá số đảng viên Đảng cộng sản, chủ tịch Giang Trạch Dân và La Cán, lúc đó là Bí thư Ủy ban Chính trị và Lập pháp, đã tiến hành vài cuộc điều tra bí mật vào năm 1997-1998 nhằm tìm đủ chứng cớ để cấm Pháp Luân Công đang ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy các học viên Pháp Luân Công vi phạm pháp luật. Thay vào đó, các báo cáo kết luận rằng Pháp Luân Công “cải thiện sức khỏe và có tác dụng chữa bệnh, khỏe người.”

Ngày 23 tháng 04 năm 1999, hàng chục học viên đã bị bắt giữ phi pháp ở Thiên Tân, một thành phố trực thuộc và cách Bắc Kinh khoảng 100 dặm. Để phản đối việc bắt giữ phi pháp đó bằng hình thức ôn hòa, ngày 25 tháng 04, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tới thỉnh nguyện tại Văn phòng Kháng cáo thuộc Hội đồng Nhà nước tại Bắc Kinh.

Thủ tướng Chu Dung Cơ lúc bấy giờ đã gặp mặt các đại diện của các học viên và yêu cầu chính quyền Thiên Tân lập tức thả những học viên đang bị giam giữ. Sau đó, các học viên đã lặng lẽ ra về. Giải pháp ôn hòa này đã được Văn phòng Kháng cáo ghi lại thành văn bản vào ngày 14 tháng 06.

Mặc dù ngạc nhiên trước sự ôn hòa và tính kỷ luật của các học viên, song Giang vẫn viết thư gửi Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị vào tối ngày 25 tháng 04 tuyên bố Pháp Luân Công là kẻ thù của nhà nước. Ông ta ra lệnh cho Trương Vạn Niên, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, lập tức chuẩn bị quân đội và lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc để phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công.

Dưới sự chỉ đạo của Giang, Tổng Cục Tham mưu và Tổng Cục Chính trị đã ban bố một lệnh khẩn cấm các cán bộ đương nhiệm, cán bộ quân đội về hưu và người nhà không được tập Pháp Luân Công. Giang còn liên tục nhấn mạnh lệnh xóa bỏ Pháp Luân Công khỏi hệ thống Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Tuy nhiên, hầu hết các quan chức trong Đảng đã biết bản chất ôn hòa, phi chính trị của Pháp Luân Công. Khi Giang trao đổi với sáu ủy viên thường trực khác của Bộ Chính trị về đề xuất bức hại Pháp Luân Công, thì tất cả họ đều không đồng ý.

Sau đó Giang quay sang Liệu Tích Long, Tư lệnh Quân khu Thành Đô kiêm Phó Bí thư Quân ủy. Liệu đã làm việc với Cục Tình báo ở Quân khu Thành Đô và bịa đặt thông tin, thêu dệt rằng Pháp Luân Công sẽ lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giang đã lợi dụng thông tin này để ép các ủy viên thường trực Bộ Chính trị ủng hộ quyết định đàn áp Pháp Luân Công của mình.

Huy động quân đội trong cuộc đàn áp

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ước tính mỗi tháng có hàng triệu học viên đã tới Bắc Kinh. Họ đến thỉnh nguyện đòi công lý cho Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã giúp hàng triệu công dân Trung Quốc hồi phục sức khỏe và thể chất.

Họ đến Quảng trường Thiên An Môn, can đảm giương biểu ngữ Pháp Luân Công và hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân – Thiện – Nhẫn hảo!” (Chân – Thiện – Nhẫn là giáo lý căn bản của Pháp Luân Công). Tuy nhiên, ở Thiên An Môn, cảnh sát và quân đội đứng trực khắp nơi, nhiệm vụ của họ là phải nhanh chóng dập tắt các học viên Pháp Luân Công, bao vây và hầu hết các trường hợp bị áp giải về cho chính quyền địa phương xử lý, thường là bằng những hình thức rất hà khắc và tàn nhẫn.

Các lực lượng quân đội và cảnh sát vũ trang được phái đi để phong tỏa và bắt giữ những học viên đến Bắc Kinh. Quân lính được trang bị vũ trang toàn diện được phái đến Thiên An Môn và cả các khu vực của chính phủ ở các thành phố lớn và các tuyến đường chính dẫn đến Bắc Kinh.

Cuộc bức hại nhanh chóng leo thang. Đầu tiên là vụ tự thiêu giả mạo trên Quảng trường Thiên An Môn được dàn dựng nhằm kích động dư luận phản đối Pháp Luân Công hồi tháng 01 năm 2001.

Vào năm sau đó, tháng 03 năm 2002, các học viên ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, chèn sóng vào đài truyền hình cáp địa phương. Tại sao? Để họ có thể phát sóng về các tài liệu nhằm vạch trần chiến dịch tuyên truyền thù hận Pháp Luân Công của Đảng đang tràn ngập khắp nơi. Bản tin được phát trực tiếp trên hơn tám kênh truyền hình cáp trong vòng 45 phút trước khi bị đánh sập bởi các cơ quan có thẩm quyền đang bối rối và sôi trào giận giữ.

Giang Trạch Dân điên tiết và ra lệnh cho Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương phải sẵn sàng chiến đấu cấp độ hai. Cả Tư lệnh tiểu Quân khu Trường Xuân và Cảnh sát Vũ trang Cát Lâm được lệnh sẵn sàng chiến đấu cấp độ một, truy lùng bắt giữ bất cứ học viên nào liên quan đến việc chèn sóng truyền hình.

Giang và La Cán ra lệnh cho cảnh sát của cả thành phố Trường Xuân và tỉnh Cát Lâm giải quyết vụ việc này trong một tuần.

“Nếu không, cảnh sát trưởng của tất cả các cấp cũng như Bí thư Đảng thành phố Trường Xuân đều sẽ bị bãi nhiệm”, đó là lệnh của Giang và La Cán đưa ra.

Họ cho phép cảnh sát nổ súng và giết bất cứ học viên nào mà bị nghi ngờ là đã tham gia vào việc chèn sóng – “Cứ giết hết bọn chúng,” là lệnh của Giang và La Cán.

Lưu Cạnh, Trưởng Phòng 610 kiêm Thứ trưởng Bộ Công an của Trung Quốc, đã tới Trường Xuân để đích thân giám sát vụ việc này. Khoảng 5.000 học viên bị bắt giữ trong vòng vài ngày, trong đó bảy người đã bị tra tấn đến chết.

Trừ khử Pháp Luân Công khỏi hệ thống quân đội

Vài ngày sau khi cuộc bức hại được phát động, một chính sách được Tổng Cục Chính trị công bố trên toàn quốc yêu cầu tất cả các cán bộ quân đội cũng như các lực lượng vũ trang phải nhớ rõ rằng “cuộc chiến với Pháp Luân Công là cuộc chiến bảo vệ niềm tin căn bản vào chế độ cộng sản và lãnh đạo của Đảng.”

Quân nhân và cảnh sát bị bắt xem và nghe hàng loạt tài liệu tẩy não, bao gồm các tài liệu nghe-nhìn. Mọi nhân viên trong ngành đều bị bắt phải từ bỏ Pháp Luân Công.

Theo chính sách này, “Ai đi theo Pháp Luân Công sẽ bị khai trừ khỏi quân đội và bị buộc phải nghỉ việc. Nếu ai hoặc người nhà ai tu luyện Pháp Luân Công thì người đó sẽ không được công tác trong quân đội và các viện quân sự. Người nào không chịu từ bỏ Pháp Luân Công sẽ bị đưa ra tòa án quân đội.”

Ngày 10 tháng 06 năm 1999, Phòng 610 được thành lập với chức năng chỉ huy cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Phòng 610 được thiết lập trên toàn hệ thống quân đội, bao gồm Tổng Cục Chính trị, quân đội, hải quân, không quân, pháo binh và các lực lượng cảnh sát vũ trang.

Các đội mấu chốt được thành lập ở các cấp quân đội, phân khu và trung đoàn. Các cơ quan mật có cảnh sát trực 24/24, bất kể thông tin nào liên quan đến Pháp Luân Công đều phải xử lý tức thì. Ai không thực thi đúng sẽ bị kỷ luật hoặc các hình thức tệ hơn nữa.

Theo một sắc lệnh ban bố cho Quân đội Giải phóng Nhân dân: “Nếu ai bị khai trừ khỏi hệ thống quân đội và chuyển ngành trong vòng hai năm mà vẫn tin vào Pháp Luân Công thì lãnh đạo trong quân đội của người đó sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Ông Vu Trường Tân, từng là giáo sư cấp sỹ quan của Trường Tư lệnh Không quân, một chuyên gia nổi tiếng, tác giả của một số sách giáo khoa chính về hàng không. Ông cũng tu luyện Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân đã đích thân ra lệnh bức hại ông Vu vào tháng 05 năm 1999, hai tháng trước khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu.

Ông Vu nói với đội điều tra: “Tôi nay đã 74 tuổi rồi. Tôi là thế hệ phi công đầu tiên và từng viết mấy cuốn sách giáo khoa về hàng không. Làm sao tôi có thể mù quáng đi theo cái gì mà không suy nghĩ thấu đáo chứ?”

Ông nói ông thu được lợi ích từ môn tu luyện này bằng chính sự trải nghiệm của mình.

Sau mấy phiên tòa ở tòa án quân sự, ông Vu bị kết án 17 năm tù. Vợ ông, cũng đang ở độ tuổi 70, bị cấm vào khu chung cư hàng không và sau đó bị bí mật kết án 10 năm tù.

2015-1-4-minghui-persecution-yuchangxin--ss.jpg

Ông Vu Trường Tân, một giáo sư cấp sỹ quan của Trường Tư lệnh Không quân, bị kết án 17 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Những cuộc mưu sát bên ngoài Trung Quốc

Nhiều cơ quan tham gia vào công tác thu thập thông tin về Pháp Luân Công, bao gồm quân đội, Cục An ninh Quốc gia, ngoại giao, và mặt trận thống nhất. Đặc biệt, Phân cục II thuộc Tổng Cục Tham mưu phụ trách việc điều động các cán bộ ngoại giao và phái đoàn tùy tùng.

Sau thất bại trong đàm phán dẫn độ Ông Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, từ Hoa Kỳ [về Trung Quốc] bằng trao đổi giảm trừ một khoản lớn thặng dư thương mại, Giang đã ra lệnh ám sát ông Lý. Dưới sự chỉ huy của Tăng Khánh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức ĐCSTQ, cả Cục An ninh Quốc gia và Tổng Cục Tham mưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã phối hợp triển khai kế hoạch ám sát thông qua một đội đặc vụ.

Sau khi biết tin ông Lý dự định tham gia Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) tại Đài Loan vào tháng 12 năm 2000, đội đặc vụ đã phái các đặc vụ tới Đài Loan để phối hợp với băng nhóm xã hội đen tại đây để thực hiện cuộc ám sát. Ông Lý đã hủy chuyến đi này khiến vụ mưu sát bất thành.

Một vụ mưu sát nữa lại được triển khai sau khi Giang nghe tin ông Lý sẽ tới Pháp hội Hồng Kông vào ngày 14 tháng 01 năm 2001. “Đề án 114” được thành lập với sự trợ giúp của Tổng Cục Tham mưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, Cục An ninh Quốc gia, và Bộ Công an.

Các cơ quan tình báo của ĐCSTQ trên cả khu vực Đông Nam Á và Bắc Mỹ đều được thông báo kế hoạch này. Do Hồng Kông thuộc chế độ cai trị của Bắc Kinh, các nhóm xã hội đen ở Hồng Kông và Ma Cao được lệnh trực tiếp phải thực thi vụ ám sát. Song kế hoạch tỉ mỉ này một lần nữa lại thất bại khi chủ trì Pháp hội thông báo ông Lý gửi lời chúc mừng tới Pháp hội chứ không đến tham dự.

Một vụ mưu sát khác được lên kế hoạch ở Canada vào năm 2002, song cũng lại bất thành.

Bạo lực cũng nhắm vào cả các học viên.

Anh David Lương và anh Lý Kỳ Trung, hai học viên người Úc, tới Nam Phi để thỉnh nguyện vào tháng 06 năm 2004, khi Tăng Khánh Hồng và Bạc Hy Lai thực hiện chuyến công du tại đây.

Trên đường tới Phủ Tổng thống để kiện Tăng và Bạc, họ đã bị các tay súng AK47 tấn công trên đường cao tốc từ phía sau. Anh Lương đang lái xe, bị bắn vào chân khiến xương bị vỡ vụn. Vụ nổ súng làm hỏng lốp ô tô và khiến hai học viên suýt mất mạng trên đường cao tốc.

3cf39c462ac22557ba547d4728155d6d.jpg

Anh David Lương, học viên người Úc, bị bắn vào chân ở Nam Phi vào tháng 06 năm 2004

Ngay cả các học viên ở Hoa Kỳ cũng không được an toàn. Ông Lý Uyên, Tổng biên tập Thời Báo Đại Kỷ Nguyên, bị tấn công ngày 08 tháng 02 năm 2006 sau khi tạp chí Forbes đưa tin một số học viên đã đột phá thành công phong tỏa internet của Trung Quốc.

Ba người Châu Á đã đột nhập vào nhà ông Lý Uyên tại Atlanta, bịt mắt ông bằng dải băng và đánh đập. Chúng còn lấy đi hai máy tính laptop và một số tài liệu trong tủ đựng tài liệu. Sau khi ông Lý Uyên được đưa đến bệnh viện, ông đã phải phẫu thuật khâu 15 mũi trên đầu.

954260c69726611a639a1f59fee9bdcb.jpg

Ông Lý Uyên, Tổng biên tập Thời Báo Đại Kỷ Nguyên, bị tấn công tại nhà vào tháng 02 năm 2006

Theo ông Trần Dụng Lâm, nguyên Bí thư thứ nhất của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Úc đã từ chức vào năm 2005, chỉ tính riêng ở Úc, ĐCSTQ đã có gần 1.000 đặc vụ. Thông tin này sau đó được ông Hác Phượng Quân, một cựu quan chức Phòng 610 xác nhận khi trốn thoát sang Úc cùng năm đó.

Gián điệp mạng và tấn công mạng bên ngoài Trung Quốc

Trong khi Phân cục II của Tổng Cục Tham mưu phụ trách điều động cán bộ ngoại giao thì Phân cục III và IV của cơ quan này ứng dụng công nghệ gián điệp quân sự mới nhất ở các nước mục tiêu.

Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu Số 54 thuộc Phân cục IV phát triển một hệ thống nhận dạng qua giọng nói để phát hiện giọng nói của các học viên Pháp Luân Công. Phân cục III phụ trách thu thập, theo dõi và xử lý thông tin. Phân cục này đã bố trí khoảng 100.000 cán bộ để giám sát các cuộc điện đàm quốc tế và xử lý thông tin liên quan đến Pháp Luân Công.

Các công nghệ này thường được sử dụng đi đôi với cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Theo thông tin của Minh Huệ tháng 11 năm 2006, Hạm đội Biển Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã triển khai hệ thống thông tin tình báo để giám sát các cuộc điện đàm di động trên toàn quốc.

Bằng cách rà soát nội dung các cuộc điện đàm, hệ thống này có thể phát hiện thông tin liên quan đến các chủ đề nhạy cảm – đặc biệt là Pháp Luân Công – và sau đó tiếp tục theo dõi bằng định vị và truy tìm đối tượng.

Theo một chương trình phát sóng trên CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc), Viện Kỹ thuật Điện tử thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân đã triển khai các cuộc tấn công mạng vào trang Minghui.org, Falundafa.org, và các trang mạng khác liên quan đến Pháp Luân Công.

a4c0290d7e04c404c8506e24dca67558.jpg

Một chương trình được phát sóng trên Đài CCTV vào tháng 07 năm 2011 cho thấy cuộc tấn công mạng vào các trang của Pháp Luân Công như trang Minghui.org

Ngay cả những trang mạng cung cấp các báo cáo độc lập, không kiểm duyệt về Trung Quốc như Thời báo Đại Kỷ Nguyên cũng bị tấn công. Chẳng hạn, trang web của Thời báo Đại Kỷ Nguyên bị tấn công vào tháng 08 năm 2012 khi phơi bày hoạt động thu hoạch tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Vào tháng 05 năm 2013, trang mạng này lại bị tấn công một lần nữa khi đưa tin về các hình thức bạo lực tàn khốc đối với học viên Pháp Luân Công tại Trại Lao động Mã Tam Gia.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/5/302767.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/14/147969.html

Đăng ngày 27-02-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share