Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 08-10-2014] Ông Huyền Thành Hỷ, 61 tuổi, là một nông dân ở Sơn Đông, bị đánh đập đến chết chỉ vài giờ sau khi công an bắt ông vào ngày 12 tháng 10 năm 2000. Tại tòa nhà huyện ủy Vu Hà, nhân viên Phòng 610 và công an thay phiên nhau đánh đập ông Huyền. Khi ông ngất xỉu, họ dội nước lạnh lên người ông để cho ông tỉnh rồi tiếp tục đánh ông đến chết.
Ông Huyền Thành Hỷ
Công an đã hỏa thiêu thi thể ông mà không hề thông báo cho gia đình ông biết, thậm chí sau đó nói với gia đình ông Huyền rằng ông đã chết vì đau tim và buộc tội ông “cấu kết với các thế lực bên ngoài để lật đổ chính quyền”.
Cô Triệu Tĩnh, 19 tuổi, là một học viên ở Cát Lâm. Cô bị bắt vào ngày 23 tháng 11 năm 2000 khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện lên chính phủ nhằm chấm dứt bức hại Pháp Luân Công. Cô qua đời sau khi bị đánh đập tại trại tạm giam.
Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự do, cha cô Triệu đã thấy “nhiều thương tích ở trên người cô. Công an địa phương đã nhanh chóng hỏa táng thi thể của cô ngay trong ngày và không cho ông thời gian chụp ảnh lại thi thể của cô.” Sau đó gia đình cô đã kể lại với Minh Huệ Net rằng, họ tìm thấy hai mẩu dây kim loại ở trong tro hỏa táng của cô Triệu.
Cô Triệu Tĩnh
Một học viên khác cũng bị đánh đến chết lúc 19 tuổi là cô Sơ Tùng Duệ. Công an bắt cô vào ngày 01 tháng 12 năm 2000 tại Quảng trường Thiên An Môn khi cô đi kháng nghị phản đối cuộc bức hại. Cô qua đời sau đó 12 ngày tại Nhà tù Hải Điến, Bắc Kinh. Khuôn mặt của cô lúc đó bị biến dạng, và toàn thân đẫm máu.
Cô Sơ Tùng Duệ
Trên đây là ba trong số 445 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị đánh đập đến chết vì đức tin của họ trong suốt 15 năm qua. Những trường hợp chết vì bị đánh chiếm 11,7% trong tổng số 3.795 trường hợp bức hại được xác nhận đã chết .
Tháng nào cũng xảy ra việc các học viên Pháp Luân Công bị giết hại, kể từ khi chính quyền cộng sản bắt đầu cuộc bức hại vào ngày 20 tháng 07 năm 1999.
Để ép buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền thường áp dụng nhiều hình thức tra tấn ở cùng thời điểm, như đánh đập, sốc điện bằng dùi cui điện, bức thực, dùng dây để treo lên, cấm ngủ, và nhiều hình thức khác. Tuy nhiên, trọng tâm của bài viết này là tập trung vào các học viên bị đánh đập đến chết, không chỉ [đánh] bằng tay không hay các dụng cụ chuyên dụng, mà bao gồm cả những vật dụng hàng ngày.
Ngoài ba trong số 445 học viên, chúng tôi đã có bằng chứng chính xác về những nơi diễn ra việc đánh đập.
Trong số 442 trường hợp có thông tin địa điểm chính xác, có 419 học viên bị đánh trong lúc bị bắt hoặc thẩm vấn tại đồn công an, trại tạm giam, trại lao động, nhà tù, trại tẩy não, và những trung tâm giam giữ nằm ngoài vòng pháp luật khác.
Nhiều học viên đã chết trong lúc bị giam cầm. Ví dụ, trong 109 học viên bị đánh ở đồn công an, có 77 người (70,6%) đã chết trước khi được thả.
Có năm học viên bị đánh trong lúc được chuyển từ nơi này đến nơi khác. Có 18 học viên khác bị đánh trong lúc bị bắt, bao gồm 11 người bị đánh đập tàn bạo ngay tại nhà họ. Tổng cộng có 23 học viên đã chết trong lúc bị đưa đi hay bị bắt.
Tính chung lại, có đến 51% trên tổng số 445 học viên bị chết trong khi bị công an bắt giữ.
Trong số 445 học viên bị đánh đến chết, độ tuổi trung bình của họ là 48 tuổi
Có năm tỉnh thành có số tỷ lệ bức hại cao gồm: Sơn Đông, Hà Bắc, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, và Cát Lâm, tất cả đều ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Một số trường hợp riêng lẻ
Nhãn cầu của ông Lý Tái Cức rơi ra ngoài sau khi bị đánh đập tàn bạo
Ông Lý Tái Cức, 44 tuổi, là học viên đầu tiên bị đánh đến chết ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Họ bắt giữ ông khi ông đang trên đường đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính phủ vào năm 1999. Không tuân theo quy trình [xét xử], họ kết án ông một năm lao động cưỡng bức. Ông qua đời vào ngày 08 tháng 07 năm 2000. Theo thông tin từ người nhà ông Lý, có nhiều vết thâm tím ở trên lưng của ông, và thái dương bên trái của ông bị hõm xuống. Một bên nhãn cầu của ông có vẻ như bị ai đó ấn vào vị trí cũ và cố định bằng băng gạc
Ông Lý Tái Cức
Ông Vương Bân bị đứt mạch máu
Ông Vương Bân, 47 tuổi, là một kỹ sư máy tính. Ngày 27 tháng 09 năm 2000, bốn tù nhân đã đánh ông trong gần một tiếng ở Trại lao động cưỡng bức Đông Phong ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 27 tháng 09 năm 2000. Mạch máu trên cổ ông Vương đã bị đứt. Ngoài ra ông còn bị gãy xương ở nhiều chỗ, cơ thể ông có đầy vết thâm tím. Ông qua đời vào ngày 04 tháng 10 sau khi bị suy tim.
Xương sống của ông Trâu Văn Chí bị gãy, nội tạng bị thương tổn
Ông Trâu Văn Chí qua đời ở tuổi 54 sau khi bị công an và nhân viên an ninh đánh đập ngay tại nơi làm việc của ông vào ngày 16 tháng 10 năm 2000. Thi thể ông Trâu có đầy vết thâm tím và thương tích. Bác sỹ khám nghiệm đã xác nhận xương sống của ông bị gãy và nội tạng bên trong, kể cả tim của ông đã bị thương tổn.
Ông Trâu Văn Chí
Nhân viên bảo vệ ném anh Trần Quế Bân vào tuyết sau khi đánh đập anh tàn bạo
Tháng 01 năm 2001, anh Trần Quế Bân, 35 tuổi, bị đưa vào phòng bảo vệ của công ty anh đang làm và bốn nhân viên bảo vệ đã đánh đập anh dã man ngay tại đó. Kết quả là hai xương cổ của anh bị gãy và người ông bị tê liệt. Sau khi đánh đập, nhân viên bảo vệ đã ném anh ra ngoài trời tuyết trong hơn một tiếng.
Khi anh được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn: anh thở rất khó khăn, cơ thể mất nước và không đi tiểu được. Trong đau đớn cùng cực, anh qua đời vào ngày 07 tháng 02 năm 2001.
Anh Trần Quế Bân và vợ con
Ông Hà Hành Tông bị đánh đến chết ở trên phố
Trong lúc phát các tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 08 tháng 12 năm 2001, ông Hà Hành Tông, 55 tuổi đã gặp công an ở trên phố. Khi ông từ chối tuân theo những yêu cầu của họ, công an đã đánh ông đến chết ngay tại chỗ. Bác sỹ khám nghiệm đã kết luật cái chết của ông là kết quả của một “tai nạn”. Tuy nhiên, trong lúc chuẩn bị cho tang lễ của ông, gia đình ông đã phát hiện có hai dấu bàn tay hằn sâu trên cổ, và ở phần sau đầu ông bị chấn thương nghiêm trọng, phần hạ bộ của ông cũng bị thương tổn.
Ông Hà Hành Tông
Một học viên lớn tuổi qua đời sau khi bị lính canh ném xuống đất và dẫm đạp
Tại trại lao động cưỡng bức Song Khẩu ở Thiên Tân, ông Trần Bảo Lượng, 66 tuổi, bị đánh đến chết do can ngăn lính canh tra tấn các học viên khác. Lính canh đã ném ông xuống đất, nhảy và dẫm đạp lên người ông. Sau nửa tiếng bị ngược đãi, ông Trần ngã quỵ và qua đời sau đó ít phút.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/9/30/15年至少445位法轮功学员被中共毒打致死-298363.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/8/146290.html
Đăng ngày 14-11-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.