Bài viết của Mục Văn Thanh và Thi Tuệ, phóng viên báo Minh Huệ ở Canberra, Australia

[MINH HUỆ 18-11-2014] Một số Nghị sỹ Australia đã tham gia một cuộc kháng nghị bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, nơi diễn ra cuộc đối thoại mậu dịch tự do Trung Quốc- Australia, một ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G20 kết thúc.

Cuộc kháng nghị kêu gọi ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại, đặc biệt là tội ác thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, được nhà nước bảo hộ.

f843b8673c4bca67fc42e6794ba7c78a.jpg

0077d2b95552b030b672ccbb5fdb5311.jpg

Các học viên Pháp Luân Công kháng nghị tại trụ sở Tòa nhà Quốc hội vào ngày 17 tháng 11 năm 2014

bc9aacd85c762f55e9f4d3234518316a.jpg

Ông John Madigan, Thượng nghị sỹ độc lập, phát biểu tại buổi kháng nghị ở khu vực Tòa nhà Quốc hội vào ngày 17 tháng 11 năm 2014

1088884de04862ff7770ec9479b9b95d.jpg

Bà Alannah Mac Tiernan, Hạ nghị sỹ, phát biểu tại buổi kháng nghị ở khu vực Tòa nhà Quốc hội vào ngày 17 tháng 11 năm 2014

Thương mại phải đặt trên nền tảng lương tâm và đạo đức

Ông John Madigan, Thượng nghị sỹ độc lập, chỉ ra rằng thương mại phải đặt trên nền tảng đạo đức và lương tâm để có thể tác động tích cực đến xã hội. Ông nói rằng kinh tế tồn tại vì con người, nên thương mại trước hết phải đáp ứng quyền cơ bản của con người.

Khi nói về cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc, bao gồm nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ông Madigan chất vấn Thủ tướng Tony Abbott: “Tại sao vấn đề này không nằm trong nội dung thảo luận giữa chúng ta với Trung Quốc?”

Ông Madigan phát biểu trong bài diễn văn của mình: “Tôi hoan nghênh các học viên Pháp Luân Công. Trên khắp thế giới, các bạn đang tiếp tục chiến dịch chống lại cuộc bức hại tôn giáo và thông lệ cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.”

Ông nhớ lại rằng năm ngoái, Thượng viện đã thông qua một dự luật hối thúc Bắc Kinh chấm dứt thu hoạch nội tạng sống nhưng tội ác vẫn không hề suy giảm, và phần lớn các nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công.

“Nhưng mỗi sinh mệnh đều có ý nghĩa. Mỗi sinh mệnh đều có giá trị. Tôi chào đón tất cả các bạn có mặt ở đây hôm nay. Chúc cho cuộc kháng nghị của các bạn thành công. Tôi kêu gọi các bạn tiếp tục cuộc đấu tranh của mình,” ông Madigan nói.

“Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ”

Ông Madigan tin rằng chính phủ Australia coi trọng giao thương với Bắc Kinh hơn là sinh mệnh con người và gọi đó là hành động mù quáng.

“Làm sao các vị có thể nhượng bộ khi có những người bị giam giữ chỉ bởi vì chính phủ không đồng ý với họ hoặc tín ngưỡng của họ, và sau đó nói rằng họ có thể đưa ra lý lẽ ủng hộ hoặc biện minh cho việc lấy đi thận, phổi của một người, hay biến nội tạng và con người thành một thứ hàng hóa.”

“Một số người nói nhắm mắt làm ngơ điều gì đó thì vẫn ổn, nhưng điều gì xảy ra nếu đó là anh chị em, cha, chú, họ hàng hay là người bạn thân thiết của bạn? Nếu thế giới này suy đồi đến mức mà chúng ta chỉ có thể đưa ra lý lẽ là ‘xa mặt thì cách lòng’, cho dù nếu người ấy là một tù nhân, thì mỗi người cũng đều có phẩm giá riêng.”

“Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ. Bởi vì làm thế, bạn sẽ trở thành kẻ đồng lõa. Và xin nói lại rằng, có một món tiền khổng lồ liên quan đến [thu hoạch nội tạng]. Nếu đó là cách để kiếm tiền, tôi không muốn là một phần của nó” ông Madigan nói.

Pháp Luân Công mang lại lợi ích cho xã hội Trung Quốc

Bà Alannah Mac Tiernan là một Nghị sỹ đại diện cho Perth. Bà chỉ ra rằng Pháp Luân Công mang đến hòa bình và phúc lành cho xã hội, và rằng gỡ bỏ việc cấm Pháp Luân Công sẽ mang lại lợi ích cho xã hội Trung Quốc.

Bà MacTiernan phát biểu tại cuộc kháng nghị: “Chúng tôi sẽ đồng hành với lời kêu gọi của các bạn để chắc chắn rằng lòng bao dung đang ngày càng gia tăng vốn xuất phát từ Trung Quốc sẽ lan đến các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng các học viên Pháp Luân Công chỉ mong ước điều tốt nhất cho xã hội Trung Quốc. Môn tu luyện của các bạn là tích cực đối với Trung Quốc, như chúng ta đã thấy ở Australia. Chúng ta học được bài học này, thực ra chúng ta biết rằng, trân trọng sự đa dạng chính là làm cho đất nước mình giàu mạnh hơn. Khi chúng ta đảm bảo được tính dân tộc này, bản sắc dân tộc của chúng ta sẽ được đề cao.”

“Chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi thấu hiểu quan điểm của Pháp Luân Công, và hiểu nỗi quan ngại của các bạn rằng các bạn đã trường kỳ bị bức hại, nhưng chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng chế độ mới của Trung Quốc sẽ trân trọng sự đa dạng này, đảm bảo sự phát triển của môn tu luyện và mang đến điều tốt đẹp cho xã hội Trung Quốc.”

Ông Joe Bullock, Thượng nghị sỹ Đảng Lao động của khu vực Tây Úc, đã viết một lá thư tới Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp. Thượng nghị sỹ Bullock bày tỏ quan ngại của mình về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống ở Trung Quốc và nói ông hy vọng rằng các học viên có thể nhân cơ hội này phơi bày tội ác ra công chúng.

Đảng Xanh tổ chức diễn đàn nhân quyền về cuộc bức hại

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trước Quốc hội Australia, Đảng Xanh cũng đồng thời tổ chức một diễn đàn về nhân quyền ở Trung Quốc. Các đại diện của Pháp Luân Công, người Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ, và khu Tự trị Tân Cương đều được mời tới diễn đàn.

Bà Christine Milne, Thượng nghị sỹ và lãnh đạo Đảng Xanh, nói: “Đảng Xanh Australia vẫn vô cùng quan ngại về sự vi phạm nhân quyền vẫn đang diễn ra và tiến trình cải cách dân chủ chậm chạp ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

“Cụ thể, chúng tôi lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn, cuộc bức hại mà chính phủ Australia cũng nên thừa nhận và lên án.”

Tại sao cần lên tiếng?

Tại buổi kháng nghị, Thượng nghị sỹ Madigan đã được chất vấn tại sao ông quyết định tham dự cuộc kháng nghị và lên án. Ông đáp lại rằng: “Bạn không thể trở thành kẻ đồng lõa bởi sự im lặng của mình. Mọi người thường nói với tôi ‘bây giờ không phải là thời điểm thích hợp’. Vậy thì, khì nào là thích hợp? Trong suốt lịch sử, luôn có những người tự đi bằng đôi chân của mình, những người tốt là người tự lập.”

”’Tất cả những gì cái ác cần để thắng thế là khiến người tốt lùi lại và không làm gì cả, và lịch sử sẽ phán xét bạn’… Rốt cuộc thì, tôi muốn có thể về nhà khi đêm xuống mà lương tâm rất trong sáng. Tôi không muốn phải chứng kiến cảnh bất kỳ ai, từ những người chưa sinh ra tới những người đang còn sống, từ người già đến trẻ nhỏ, bị vi phạm nhân quyền. Tôi trân quý từng sinh mệnh. Mỗi sinh mệnh đều quý giá, và mỗi sinh mệnh đều nên được bảo vệ.”

Tôi nhớ một lần khi đang làm việc ở Melbourne, và Lãnh sự quán Trung Quốc ở ngay trên đường đó. Tôi nhớ đã nhìn thấy hai người phụ nữ lớn tuổi ở đó, ngay trước mặt tôi. Tôi để ý thấy họ thật an hòa và tĩnh tại.”

“Họ đang trình bày ý kiến, và tôi có thể thấy các viên chức lãnh sự đã khó chịu như thế nào vì họ đang ở ngoài đó, trên phố ở Australia, nhưng mọi người đều có quyền được bày tỏ quan điểm của mình, dù họ thích hay không.”

“Những người đó có quyền bày tỏ quan điểm của họ, và tôi sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ mà không sợ bị bức hại.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/18/300463.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/19/146937.html

Đăng ngày 28-11-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share