[MINH HUỆ 29-09-2013]

Tiếp theo của:

Phần 1: https://vn.minghui.org/news/47946-thi-hanh-bat-cong-he-thong-toa-an-tai-trung-quoc-ngay-nay-tong-quan.html

Phần 2: https://vn.minghui.org/news/48240-thi-hanh-bat-cong-he-thong-toa-an-tai-trung-quoc-ngay-nay-ai-la-ke-giat-day-phong-610.html

Phần 3: https://vn.minghui.org/news/48297-thi-hanh-bat-cong-he-thong-toa-an-tai-trung-quoc-ngay-nay-nhieu-tham-phan-boc-lo-ban-chat-khi-truy-to-cac-hoc-vien-tuan-thu-phap-luat.html

Loạt bài 8 phần này khám phá vai trò của hệ thống tư pháp Trung Quốc trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Thực tế cho thấy hệ thống tư pháp đã mất đi sự độc lập, và từ năm 1999, theo sau Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được tạo ra cho mục đích duy nhất là xóa sổ Pháp Luân Công.

Thay vì chỉnh lý những sai phạm chống lại các học viên vô tội, hệ thống tư pháp lại tích cực thi hành nhiều chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cố gắng bỏ tù các học viên vì những tội danh không liên quan.

Mục lục

Phần 1: Tổng quan

Phần 2: Ai là kẻ giật dây? Phòng 610

Phần 3: Nhiều Thẩm phán bộc lộ bản chất khi truy tố các học viên tuân thủ pháp luật

Phần 4: Các học viên bị buộc tội sai và không được xét xử công bằng

Phần 5: Bản án căn cứ theo quyết định của các quan chức tham nhũng

Phần 6: Nhiều luật sư bị ngược đãi vì đại diện cho thân chủ của họ

Phần 7: Nhiều gia đình bị trừng phạt vì thuê luật sư

Phần 8: Nhiều người ủng hộ bị bắt vì đứng lên đòi công lý.

Phần 4: Các học viên bị buộc tội sai và không được xét xử công bằng

Phần này cho thấy các học viên Pháp Luân Công đã trở thành bị cáo thậm chí dù họ không vi phạm bất cứ điều luật nào. Những phiên xét xử các học viên chỉ là hình thức và bản án thường được quyết định trước. Các học viên đã bị tước cơ hội để khiển trách những cáo buộc sai, triệu tập nhân chứng để làm chứng hoặc thuê luật sư để bảo vệ bản thân. Bằng chứng dựa trên thực tế mà có lợi cho họ thì không được thừa nhận, nhưng tòa án lại cho phép các bằng chứng giả được sử dụng để chống lại họ.

Các học viên tại Cát Lâm bị hành hung tại tòa vì tự làm chứng cho bản thân

Trong suốt phiên xét xử bảy học viên vào ngày 05 tháng 09 năm 2003, thẩm phán của tòa án Cửu Đài thuộc tỉnh Cát Lâm đã dùng đến tra tấn nhằm bịt miệng họ. Bất cứ khi nào các học viên lên tiếng để làm chứng cho bản thân thì sẽ bị sốc và đánh đập bằng dùi cui điện. Tất cả họ đều có nhiều vết bỏng trên khắp cơ thể. Răng của học viên Lữ Nhã Hiên thậm chí bị đánh văng ra ngoài. Cảnh sát đã dùng dùi cui điện đánh các học viên mạnh đến nỗi vài cái dùi cui đã bị gẫy.

Vào ngày 07 tháng 11 năm 2003, trung tâm giam giữ Cửu Đài đã ép 13 học viên khác đến tòa án để xét xử. Các lính canh đã còng tay các học viên ra sau lưng và trói dây thừng quanh cổ họ. Mỗi khi các học viên phát biểu tại phiên tòa, các lính canh siết chặt dây thừng để ngăn lại.

Thẩm phán Lưu Dũng nói với các công tố viên: “Không cần đọc toàn bộ bản cáo trạng”

Vào ngày 06 tháng 01 năm 2004, tòa án thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm đã xét xử bốn học viên, bao gồm Phó Hoành Vĩ, Tống Băng, Tống Ngạn Quần và Triệu Kế Nhiên.

Khi một thành viên gia đình hỏi thẩm phán Lưu Dũng rằng tại sao ông ta không tuân thủ luật pháp trong việc thông báo cho tất cả các gia đình có liên quan và dán một thông báo công khai của phiên tòa, Lưu Dũng đã thừa nhận rằng một phiên xét xử bí mật như vậy là vi phạm quy định pháp luật nhưng ông ta chỉ tuân theo lệnh của cấp trên.

Công tố viên Dương Quang Hữu đã được yêu cầu đọc toàn bộ bản cáo trạng, nhưng Lưu Dũng đã hướng dẫn anh ta chọn vài câu để đọc nhằm tiết kiệm thời gian.

Cái gọi là bằng chứng mà Dương Quang Hữu đưa ra để chống lại các học viên thực chất là “lời thú tội” có được thông qua tra tấn. Tuy nhiên, Lưu Dũng đã từ chối lắng nghe khi các nạn nhân làm chứng việc họ bị hành hung ra sao trong quá trình thẩm vấn.

Một trong những cảnh sát viên có mặt tại phiên tòa đã từng làm nhục và tra tấn học viên Triệu Kế Nhiên trầm trọng đến nỗi khiến ông bị chấn thương. Khi ông Triệu chỉ ra người cảnh sát này, anh ta đã chạy ra khỏi phòng xử án.

Các mật vụ được điều đến để la ó các luật sư biện hộ; thư ký tòa án viết biên bản sai sự thật

Khi tòa án quận Cam Tỉnh Tử ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh xét xử học viên Diêm Kim Hoa vào ngày 24 tháng 05 năm 2013 thì thẩm phán không làm việc gì hết ngoại trừ đứng về phía bên công tố viên trong suốt phiên tòa.

Khi gia đình học viên Diêm Kim Hoa hoặc luật sư phát biểu, thẩm phán cố sức ngăn họ lại. Có mật vụ thậm chí còn cải trang làm khán giả để la ó mỗi khi luật sư biện hộ cho thân chủ của mình.

Gia đình học viên Diêm Kim Hoa đã làm chứng rằng bà đã bị thương khi nhảy ra ngoài cửa sổ để thoát khỏi sự tra khảo bằng cực hình của cảnh sát. Tuy nhiên, công tố viên đã cắt ngang và tuyên bố rằng tình huống đó không cần phải xử lý.

Trước sự ngỡ ngàng của gia đình, thư ký tòa án thậm chí còn viết sai biên bản so với những gì nghe được. Ông ta viết rằng tòa án đã kết án Diêm Kim Hoa từ 3 đến 5 năm tù và gia đình của bà đồng ý với phán quyết này. Khi gia đình phát hiện ra, họ đã rất giận giữ: “Chúng tôi đang bào chữa cho bà ấy là vô tội. Tại sao ông lại nói rằng bà ấy bị tuyên bố có tội và chịu kết án?”

Thư ký của tòa án đã không hề xấu hổ và còn rất nóng nảy với gia đình. Cuối cùng ông ta cũng phải sửa lại các biên bản do sự kiên quyết của gia đình.

Thẩm phán ngăn cấm nhân chứng làm chứng tại phiên tòa

Tòa án thành phố Quảng An thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã mở phiên xét xử lần hai đối với học viên Trâu Vân Trúc vào ngày 02 tháng 07 năm 2013 và luật sư của ông đến từ tỉnh Quảng Đông đã bào chữa cho ông là vô tội.

Một nhân chứng, con dâu của ông Trâu đã đề nghị được phát biểu nhiều lần nhưng đều bị từ chối. Thẩm phán luôn đáp lại: “Chờ một chút.”

Cô ấy đã không thể làm chứng cho bố chồng mình thậm chí đến khi phiên tòa kết thúc.

Thẩm phán đã gạt bỏ trái phép các chứng cứ

Tòa án khu Phát triển Công nghệ tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mở một phiên tòa xét xử học viên Chu Quảng Trân, Dư Mỹ Tú và Vương Kiện vào ngày 19 tháng 07 năm 2002.

Công tố viên đã có một chút lo lắng và vấp váp vài lần khi đọc bản cáo trạng đầy những chứng cứ giả chống lại các học viên.

Học viên Dư Mỹ Tú đã không thể nhịn cười khi nghe phần cáo buộc cho rằng bà đã làm một việc nào đó vào một thời điểm nhất định. Bà nói: “Tôi đã đang bị giam giữ trong trung tâm giam giữ tại thời điểm đó. Làm sao tôi có thể xuất hiện tại một vị trí khác trong cùng thời điểm đó? Sự bịa đặt của ông đã đi khá xa rồi!”

Các khán giả bật cười nhưng thẩm phán đã bác bỏ các bằng chứng sai bằng cách nói rằng công tố viên đọc nhầm thời gian.

Công tố viên áp đặt các học viên còn thẩm phán làm ngơ trước sự việc

Sau khi học viên Thương Tích Bình và vợ ông là Trình Thục Kiệt bị bắt vào ngày 30 tháng 09 năm 2004, tòa án địa phương đã sớm mở phiên tòa xét xử họ.

Luật sư của cặp vợ chồng đã chỉ ra rằng hai thân chủ của mình bị giam giữ quá khung thời gian theo quy định pháp luật và những điều gọi là bằng chứng thu thập được trong suốt thời gian giam giữ quá hạn không được phép chấp nhận tại phiên tòa.

Công tố viên đã tuyên bố rằng các trường hợp Pháp Luân Công là đặc biệt và do vậy cảnh sát có quyền bắt giữ các học viên lâu hơn thời gian theo luật định. Tuy nhiên, ông ta không thể đưa ra bất cứ văn bản hợp pháp nào chứng minh cho tuyên bố này.

Không thể đáp ứng được luật sư, công tố viên đã yêu cầu thẩm phán hoãn phiên xử và sắp xếp một phiên tòa thứ hai.

Một tuần sau tại lần xét xử thứ hai, công tố viên đã chuẩn bị trước và đọc các giải thích pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Luật sư đã phản đối: “Tôi cũng có các giải thích pháp luật như thế ở đây. Tại sao tôi không thấy phần nào chỉ ra rằng các trường hợp Pháp Luân Công là đặc biệt?”

Công tố viên đã không thể đáp lại. Khi luật sư hỏi rằng liệu ông ấy có thể xác minh những điều gọi là bằng chứng được cảnh sát đưa ra, ông ta lại lần nữa im lặng.

Vị luật sư cũng không chấp nhận rằng các thân chủ của mình đã phạm bất kỳ lỗi gì chỉ vì họ có các sách và tài liệu Pháp Luân Công tại nhà.

Cho đến khi kết thúc phiên tòa, luật sư đã nhấn mạnh như sau: không chấp nhận bất cứ bằng chứng nào thu thập được trong suốt thời gian giam giữ quá hạn; không có đủ bằng chứng chống lại các thân chủ của ông; họ không bao giờ gây ra bất kỳ nguy hại nào cho xã hội.

Thẩm phán đã kết thúc phiên tòa thứ hai mà không đưa ra phán quyết nào. Tuy nhiên vào ngày 28 tháng 03 năm 2005, thẩm phán đã kết án ông Thương Tích Bình bốn năm tù và vợ của ông một năm tù trong phiên xét xử thứ ba.

Thẩm phánTừ Thiên Bằng thể hiện sự coi thường pháp luật

Trong khi chủ trì phiên tòa xét xử học viên Lệ Ngọc Thư vào ngày 28 tháng 08 năm 2012, thẩm phán Từ Thiên Bằng thuộc tòa án quận Phong Nhuận ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã không hề quan tâm đến pháp luật.

Thậm chí trước khi phiên tòa bắt đầu, Từ Thiên Bằng đã yêu cầu đuổi đi một khán giả, người này sau đó đã xác nhận rằng cảnh sát đã cố tống giam bà nhưng đành bỏ cuộc sau khi bà phản kháng dữ dội.

Sau khi các nhân viên đọc to các quy định tòa án, Từ Thiên Bằng đã lặp lại chúng một lần nữa trước khi thông báo rằng bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt 1.000 nhân dân tệ và bị giam trong vòng 15 ngày.

Hai vị luật sư của cô Lệ Ngọc Thư đã kiên quyết yêu cầu tháo còng tay và cùm chân của thân chủ họ ra nhưng Từ Thiên Bằng đã từ chối và còn mắng nhiếc họ.

Luật sư Giang Thiên Dũng đọc to điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phụng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.”

Từ Thiên Bằng đã cắt ngang và nói một cách mỉa mai: “Không cần phải đọc cái gọi là tuyên bố chung ở đây. Hãy tới nơi nó được viết ra mà thảo luận về nó.”

Bất cứ khi nào các luật sư chỉ ra rằng việc cấm Pháp Luân Công là phạm pháp, Từ Thiên Bằng đã ngăn họ ngay tức khắc.

Thẩm phán cho phép công tố viên nổi giận nhưng lại ngắt lời các luật sư bào chữa

Tòa án huyện Dịch ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã mở phiên xét xử lần hai với bảy học viên bao gồm Vương Đức Khiêm, Lý Bảo Kim, Vương Á Quần, Vương Tĩnh Hoa, Chung Thục Hoa, Ngôi Hữu Quý và Hứa Quế Phân.

Diêu Sĩ Xuân và Tôn Xuân Mai là hai thẩm phán chủ trì phiên tòa và các trợ lý của họ là Thôi Tiểu Quyên và Diệp Thanh Ba. Công tố viên là Cao Kiến Thắng và trợ lý của ông ấy là Triệu Bảo Đức.

Học viên Vương Đức Khiêm đã thuê luật sư Vương Nhã Quân và một luật sư khác từ công ty luật Cao Bác Long Hoa tại Bắc Kinh, học viên Lý Bảo Kim đã thuê luật sư Lý đến từ thành phố Bảo Định.

Ba vị luật sư đã tranh luận mạnh mẽ để chống lại lời cáo buộc của công tố viên. Công tố viên thường không đáp lại được và kết quả là ông ta trở nên thất vọng, nổi khùng. Ông ta đã mỉm cười một lúc để che đậy sự sợ hãi và sau đó thì đập bàn để cho thấy sự tức giận của mình. Trong suốt phiên tòa, ông ta ra ra vào vào phòng xử án hơn chục lần.

Bất chấp sự diễn kịch này, các thẩm phán đã làm ngơ trước hành vi của công tố viên.

Để khơi dậy thiện tâm trong các thẩm phán, luật sư Vương Nhã Quân đã đọc một đoạn sám hối từ vị mục sư người Đức, Martin Niemöller:

“Đầu tiên họ đối phó với những người Cộng sản, tôi không nói vì tôi không phải một người Cộng sản.

Rồi họ đối phó với những người Do Thái, tôi không nói vì tôi không phải là người Do Thái.

Rồi họ đối phó với những người Thiên Chúa giáo, tôi không nói vì tôi là người Cơ Đốc giáo.

Rồi họ đối phó với những người thuộc phong trào Công nhân, tôi không nói vì tôi không phải là người thuộc phong trào Công nhân.

Rồi họ đối phó với tôi, và không còn ai để nói cho tôi nữa.”

Nhưng các thẩm phán đã không động tâm và vẫn ngắt lời các luật sư trong khi họ biện hộ.

Bất chấp sự biện hộ vững chắc, tòa án Liêu Ninh vẫn giữ nguyên lời tuyên án ban đầu

Khi tòa án thành phố Bàn Cẩm tại tỉnh Liêu Ninh mở phiên tòa thứ hai để xét xử học viên Tân Mẫn Đạt vào ngày 12 thánh 12 năm 2005, chín vị luật sư đến từ công ty luật địa phương đã đến để nghe trường hợp này.

Luật sư riêng bào chữa cho học viên Tân Mẫn Đạt đã đưa những lập luận biện hộ mạnh mẽ khiến chín vị đồng nghiệp của ông và các khán giả khác thấy đầy cảm hứng và ấn tượng. Họ đã cho ông một tràng pháo tay sau đó.

Thẩm phán đã kết thúc phiên tòa vội vã mà không đưa ra lời tuyên án nào. Tuy nhiên, vài người đã nghe cảnh sát nói với nhau rằng lời tuyên án đã được quyết định từ trước đó 20 ngày sẽ giữ nguyên .

Không lâu sau đó, tòa án đã thực sự thông báo rằng sẽ duy trì bản án ban đầu là kết án học viên Tân Mẫn Đạt tới 13 năm tù.

Các quan chức tòa án Hà Bắc thừa nhận các vụ xét xử chỉ là hình thức

Khi tòa án huyện Vạn Toàn tại thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc xét xử học viên Nhạc Ngọc Kỳ và Tòa Phong Anh vào đầu tháng 06 năm 2007, ông Nhạc đã cận kề cái chết. Ông ấy không thể nói hoặc đi lại. Ông nặng khoảng 36 kg và gia đình đã phải cõng ông.

Một quan chức tòa án thừa nhận: “Chúng tôi không thể làm gì. Không ai dám chịu trách nhiệm về các vấn đề Pháp Luân Công. Chúng tôi phải tìm kiếm sự chấp thuận từ tòa án trung thẩm. Các vụ xét xử đều là hình thức và tất cả bản án đã được quyết định từ trước.”

Tòa án Hắc Long Giang từ chối thả các học viên dù các bằng chứng hoàn toàn bị bác bỏ

Tòa án Kim Sơn Truân tại thành phố Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang đã mở phiên tòa xét xử học viên Trương Bồi Huấn, Bao Vĩnh Thắng và Lý Tùng Phú vào ngày 01 tháng 06 năm 2009, ba học viên đã có tổng cộng sáu luật sư đến từ Bắc Kinh để biện hộ cho họ.

Bí thư Đảng ủy Kim Sơn Truân là Lý Hoằng, thị trưởng thành phố Y Xuân và vài quan chức cao cấp khác đã có mặt để nghe xét xử.

Các luật sư đã phát hiện ra rằng không một tài liệu nào đưa cho họ là nguyên bản và không có chữ ký từ thân chủ của họ cũng như những người thẩm vấn.

Một biên bản thậm chí có ý rằng cùng một người đã bị thẩm vấn tại hai địa điểm khác nhau cùng một lúc. Khi câu hỏi được đưa ra tại sao việc này có thể xảy ra, công tố viên Thân Tương Phúc đã không có câu trả lời.

Thân Tương Phúc đã cáo buộc rằng các học viên sở hữu các đồ cấm và ông ta đưa ra cho các luật sư xem những đĩa DVD Biểu diễn Nghệ thuật Thần Vận cùng vài thứ khác như là bằng chứng. Nhưng ông ta thừa nhận rằng chưa bao giờ xem các đĩa DVD bị tịch thu.

Các luật sư đã đề nghị thẩm phán mở các đĩa DVD ngay tại tòa án để mọi người có thể quyết định xem liệu chúng có chứa bất cứ nội dung gì phạm pháp hay không.

Thẩm phán đương nhiên không dám mở các đĩa DVD và hoãn phiên tòa sau khi đồng ý với yêu cầu của các luật sư về việc thả thân chủ của họ ra.

Nhưng khi gia đình của các học viên đến để đón họ, thẩm phán đã từ chối để họ đi. Ông ta nói: “Những gì chúng tôi đã nói không được tính. Chúng tôi phải xin phê chuẩn từ cấp trên.”

Thẩm phán Lương Khánh Dong tuyên bố ‘cảnh sát có quyền tiêu hủy bằng chứng’

Sau khi bị giam giữ trái phép một năm, ông Diệp Xảo Minh đến từ trường Đại học Sư phạm tỉnh Phúc Kiến đã bị kết án ba năm cùng với bốn năm quản thúc vào ngày 15 tháng 09 năm 2010.

Khi trở về nhà để thi hành bản án quản thúc, ông Diệp đã thuê một luật sư từ Bắc Kinh để kháng cáo. Luật sư của ông đã lưu ý rằng ông đã bị từ chối quyền thuê luật sư biện hộ trong phiên tòa đầu tiên và các bằng chứng được sử dụng để chống lại ông chưa bao giờ được kiểm chứng bởi bất cứ cơ quan độc lập nào.

Vị luật sư đã đệ đơn lên tòa án trung thẩm thành phố Phúc Châu vào ngày 08 tháng 11 yêu cầu tòa án điều tra về những gì gọi là bằng chứng được sử dụng trong phiên tòa đầu tiên, mở phiên xét xử lần thứ hai một cách công khai và gọi những nhân chứng tới làm chứng tại phiên tòa lần hai này.

Đáp lại vị luật sư, thẩm phán Lương Khánh Dong viết: “Cảnh sát không bị buộc phải cung cấp bất kỳ bằng chứng nào trước đó và thậm chí nếu phải làm thì họ cũng có toàn quyền tiêu hủy các bằng chứng như thế.”

Thẩm phán Vương Tử Lương đuổi nhân chứng của bị cáo ra khỏi phòng xét xử

Tòa án thành phố Thiên An tại tỉnh Hà Bắc đã mở một phiên tòa vào ngày 10 tháng 08 năm 2010 để xét xử 4 học viên Lý Diễm Khuê, Triệu Minh Hoa, Lý Thanh Tùng và Trương Hạ Văn.

Trước đó các bằng chứng được công tố viên đưa ra đều là giả, thẩm phán Vương Tử Lương biết rõ rằng ông ta không có người để làm chứng cho họ.

Tuy nhiên, ông ta nhận thức được sự hiện diện của một nhân chứng của bị cáo, đó là một học viên Pháp Luân Công có tên Bạch Tuyết Sương. Ông ta cố tình từ chối gọi bà ấy phát biểu, nhưng đã mất cảnh giác khi bà ấy đứng lên để bác bỏ những cáo buộc của công tố viên Chu Văn Khánh chống lại học viên Lý Diễm Khuê.

Chu Văn Khánh tuyên bố rằng bà Bạch cung cấp một số tài liệu về Pháp Luân Công cho học viên Lý Diễm Khuê. Bà Bạch đáp lại ngay lập tức: “Tôi tên là Bạch Tuyết Sương và tôi xác nhận rằng tôi chưa bao giờ đưa bất cứ thứ gì cho Lý Diễm Khuê.”

Thẩm phán Vương Tử Lương ngay lập tức yêu cầu bà rời khỏi phòng xử án.

Thẩm phán bác bỏ lời khai của nhân chứng

Tòa án quận Tương Dương tại thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã xét xử trái phép học viên Lý Thiểu Trí vào ngày 11 tháng 04 năm 2007 và kết án ông 5 năm tù bất chấp lời khai của nhân chứng quan trọng rất thuyết phục.

Nhân chứng quan trọng này tên là Lưu Dương, 35 tuổi. Anh đã bị cưỡng ép giúp cảnh sát bắt giữ ông Lý Thiểu Trí và ngụy tạo bằng chứng chống lại ông. Sau lúc đầu làm nhân chứng cho công tố viên, Lưu Dương cảm thấy rất tệ về hành xử của mình và đã quyết định nói sự thật trong một lời tuyên bố được ghi hình.

Dưới đây là những điểm chính trong lời khai của Lưu Dương.

Lưu Dương đã có lần bị giam tại trại lao động cưỡng bức Tây Cách Mộc thuộc thành phố Giai Mộc Tư vì niềm tin vào Pháp Luân Công. Những tra tấn tàn bạo mà anh phải chịu trong trại giam đã khiến anh bị liệt và chấn thương một phần. Một thời gian ngắn sau khi được thả, anh đã từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công vì lo sợ bị bắt lại.

Cảnh sát viên Trần Vạn Hữu đã đến thăm Lưu Dương vào ngày 12 tháng 07 năm 2006 và yêu cầu anh hợp tác để khiến học viên Lý Thiểu Trí bị bắt. Trần đã hứa hẹn rằng anh Lưu sẽ có 1.000 nhân dân tệ một tháng nếu chịu hợp tác với họ. Dưới áp lực, Lưu Dương đã chấp thuận phản bội lương tâm mình.

Trên thực tế, Lưu Dương chỉ từng liên lạc qua với ông Lý Thiểu Trí khi họ luyện công tại cùng điểm luyện công vài năm trước và anh đã không nói chuyện với ông Lý trong một thời gian dài.

Lưu Dương dàn xếp để khiến ông Lý Thiểu Trí tới thăm mình vào ngày 31 tháng 08 năm 2006 và đã thông báo cho Trần Vạn Hữu về chuyến thăm vào tối hôm trước. Cảnh sát đã bắt ông Lý tại nhà Lưu vào ngày hôm sau.

Trần Vạn Hữu đã làm giả nhiều tài liệu để chống lại ông Lý Thiểu Trí và đe dọa Lưu Dương ký tên với tư cách là nhân chứng. Một lần nữa, Lưu đã ký mọi thứ mà thậm chí không đọc những thông tin bịa đặt.

Đáng buồn thay, tòa án vẫn tiếp tục với phán quyết có tội thậm chí sau khi luật sư của ông Lý Thiểu Trí đã mở lời tuyên bố ghi hình của Lưu Dương.

Tòa ánThẩm Dương hủy bỏ phiên tòa khi biết tin nhân chứng có mặt

Tòa án Tân Dân tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã xét xử ông Phan Hữu Phát vào lúc 9 giờ sáng ngày 18 tháng 03 năm 2013, nhưng phiên tòa đã bị hủy chỉ vài phút trước khi nó sắp bắt đầu.

Lý do là luật sư của ông Phan Hữu Phát đã thông báo cho thẩm phán rằng họ có nhiều nhân chứng sẵn sàng làm chứng chống lại các bằng chứng ngụy tạo trong bản cáo trạng.

Thẩm phán đã rất sốc: “Tại sao ông không nói với chúng tôi về những nhân chứng từ trước?” Ông ta ngay lập tức quyết định hủy phiên tòa.

Cảnh sát Tứ Xuyên giữ các nhân chứng tại đồn cảnh sát trong suốt phiên tòa

Tòa án thành phố Quảng Hán tại tỉnh Tứ Xuyên đã mở một phiên xét xử vào ngày 05 tháng 07 năm 2000 đối với các học viên Trang Khanh, Trần Thác Vũ và Dư Ngọc Phương.

Công tố viên được phép sử dụng bằng chứng được cảnh sát cung cấp trong bản án của họ, tuy vậy các nhân chứng của ba học viên không thấy có mặt tại phiên tòa.

Hóa ra cảnh sát đã đưa toàn bộ nhân chứng tới đồn cảnh sát, do vậy họ không có cơ hội nào để làm chứng.

Cuối cùng, tòa án đã kết án học viên Trang Khanh bốn năm tù, Trần Thác Vũ ba năm rưỡi tù và Dư Ngọc Phương ba năm tù.

Cảnh sát Liêu Ninh gửi mật vụ làm giả bằng chứng chống lại các học viên

Khi tòa án quận Khê Hồ thuộc thành phố Bàn Khê, tỉnh Liêu Ninh mở một phiên tòa xét xử chín học viên vào ngày 19 tháng 12 năm 2012, công tố viên đã dựa trên lời khai của một nhân chứng quan trọng để chống lại các học viên.

Một người có tên là Trương Sấm (biệt hiệu là Trương Sảng), người này thực ra là một mật vụ được cảnh sát gửi đi nhằm thu thập thông tin. Ông ta đã trà trộn vào trong các học viên và giành được sự tin tưởng của họ. Ông ta đã hỏi các học viên Pháp Luân Công về tài liệu và giúp cảnh sát tạo cái gọi là bằng chứng rằng các học viên tàng trữ “đồ cấm.”

Dù luật sư của bị cáo yêu cầu tòa án gọi Trương Sấm để làm chứng, thẩm phán đã không bao giờ đồng ý.

Các thẩm phán làm ngơ trước chấn thương của học viên do bị tra tấn gây ra

Nhiều học viên đã bị tra tấn trong tù nhưng các thẩm phán không hề quan tâm đến vết thương của họ và từ chối điều tra. Dưới đây là một vài ví dụ:

1. Anh Lý Thiên Dân từ tỉnh Sơn Đông

Học viên Lý Thiên Dân, 30 tuổi, là một điều phối viên của Pháp Luân Đại Pháp tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Tòa án trung thẩm thành phố Duy Phường đã xét xử anh vào ngày 02 tháng 02 năm 2000 và kết án anh bốn năm tù.

Khi thẩm phán hỏi tại sao anh lại ký tên của mình vào biên bản thẩm vấn, anh Lý đã xắn tay áo và gấu quần của mình làm lộ ra những vết sẹo còn nhìn thấy được do chấn thương.

Anh nói: “Đây là kết quả sự tra tấn của họ.” Tất cả khán giả đã bị sốc.

Thẩm phán đã không nói lên lời nhưng ông ta cũng không điều tra thêm.

2. Ông Khương Đức Tân từ tỉnh Liêu Ninh

Sau khi bị giam tám tháng, các học viên Khương Đức Tân, Mạnh Khánh Khiết, và Địch Huy đã bị tòa án quận Trầm Hà thuộc thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh xét xử vào ngày 25 tháng 12 năm 2012.

Suốt phiên tòa, Khương Đức Tân đã làm chứng việc ông bị cảnh sát đánh đập như thế nào. Vào ngày ông bị bắt, cảnh sát đã trùm kín đầu và đánh đập ông cả ngày. Ông đã bị rụng vài cái răng và những chiếc còn lại thì lung lay. Ông thậm chí đã cho mọi người xem một chiếc răng gãy nhưng thẩm phán đã từ chối cho ông chỉ ra các thương tích của mình.

3. Cô Triệu Quế Linh đến từ tỉnh Hắc Long Giang

Vào ngày 12 tháng 12 năm 2001, tòa án Dương Minh thuộc thành phố Mẫu Đan Giang, tỉnh Hắc Long Giang đã mở phiên tòa xét xử các học viên Triệu Quân, Triệu Quế Linh, Hoàng Quốc Đống và hai học viên khác.

Học viên Triệu Quế Linh đã chịu nhiều cuộc tra tấn. Một lần, các lính canh đã chùm chặt đầu cô trong hơn 10 ngày liên tiếp và cô gần như chết ngạt. Ngoài ra, họ đã treo cô lên bằng dây thừng và vẫn còn các dấu dây thừng trên vai và cánh tay cô.

Thẩm phán đã bắt một nữ cảnh sát kiểm tra cô Triệu và người cảnh sát xác nhận rằng cô Triệu thực sự có những dấu hiệu chấn thương trên cơ thể mình.

Nhưng thẩm phán đã không làm gì cả.

Công tố viên không bận tâm khi chứng cớ giả bị phát hiện

Khi tòa án Lai Nguyên tại tỉnh Hà Bắc xét xử bà Lý Diễm Bình vào ngày 25 tháng 01 năm 2007, toàn bộ bằng chứng được công tố viên Vương Ngạn Dân đưa ra đều là giả mạo.

Lời dối trá vô lý nhất là về việc chồng bà Lý Diễm Bình đã làm chứng chống lại bà. Tuy nhiên, ông ấy đã ở ngay trong phòng xử án và không thể tin vào tai mình. Ông đứng dậy để nói sự thật nhưng đã bị ngăn không cho nói thêm.

Lý Diễm Bình đã làm chứng rằng bà đã bị thẩm vấn kèm theo tra tấn nhưng thẩm phán đã từ chối lắng nghe và nói rằng ông ta sẽ điều tra trường hợp này của bà sau.

Khi chồng của bà Lý Diễm Bình tới viện kiểm sát vào ngày 01 tháng 02 để hỏi về kết quả điều tra việc tra tấn đối với vợ mình, Vương Ngạn Dân nói với ông: “Chúng tôi đã hoàn thành điều tra và không tìm thấy bằng chứng nào về bạo lực của cảnh sát.” Khi được hỏi rằng ông ta đã nói chuyện với Lý Diễm Bình về những gì tự bà ấy trải qua chưa, ông ta trả lời: “Không, không cần thiết.”

Chồng của bà Lý đã nói với Vương: “Tại phiên tòa hôm đó, ông đã tuyên bố rằng chồng của Lý Diễm Bình đã nói những điều chống lại bà ấy. Ông có biết rằng tôi là chồng bà ấy và tôi chưa bao giờ nói bất cứ điều nào xấu về vợ mình không?”

Vương đã đáp lại: “Đó không phải việc của ông.”

Thẩm phán Hồ Xuân Vĩ ra lệnh tịch thu chứng cứ tra tấn, một chiếc áo đẫm máu

Tòa án Thuyền Doanh thuộc thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã xét xử các học viên Lưu Ngọc Hà, Triệu Quốc Hưng, Triệu Anh Kiệt, Vương Lập Thu, và Mục Xuân Hồng vào ngày 10 tháng 07 năm 2007.

Suốt phiên tòa, học viên Triệu Anh Kiệt đã làm chứng rằng cảnh sát đã dùng một cây gậy gỗ phủ đinh để đâm vào vùng kín của cô nhưng thẩm phán Hồ Xuân Vĩ đã ngăn cô tiết lộ thêm về sự tàn bạo của các cảnh sát viên.

Khi ở trong tù, học viên Triệu Quốc Hưng đã bị đánh rất tàn khốc khiến áo sơ mi của ông thấm đẫm máu. Ông đã giữ chiếc áo sơ mi đẫm máu của mình trong bốn tháng, nhưng ông đã bị sốc khi thẩm phán bắt các thi hành án viên giật lấy nó trong lúc ông đang giơ ra cho mọi người xem.

Tòa án Tứ Xuyên đã từ chối mở video thẩm vấn của cảnh sát và kết án ông Chu Ngọc Bảo ba năm tù

Khi tòa án thành phố Thập Phương tại tỉnh Tứ Xuyên xét xử ông Chu Ngọc Bảo vào ngày 06 tháng 12 năm 2012, ông đã làm chứng rằng bản thân bị cảnh sát đánh vào đầu nhiều lần.

Luật sư của ông cũng cho thấy kết quả của một tấm ảnh chụp CT vào ngày 15 tháng 05 năm 2012, ngày mà ông Chu Ngọc Bảo bị bắt giam. Cảnh sát đã đánh đập ông tồi tệ đến nỗi ông phải chịu một chấn thương não nghiêm trọng.

Khi luật sư yêu cầu tòa án mở video thẩm vấn của cảnh sát, thẩm phán Đường Tân thay vào đó đã thông báo mười phút nghỉ giải lao.

Khi mọi người trở lại sau giờ giải lao, Đường Tân đã tuyên bố rằng video quá dài để mở tại phiên tòa rồi sau đó tiếp tục và kết án ông Chu Ngọc Bảo ba năm tù. Theo lời ông ta nói, bất kể ai chống lại Đảng Cộng sản đều vi phạm pháp luật.

Thẩm phán Ngô Kiến Huy đã yêu cầu bị cáo gọi nhân chứng một cách phi lý

Tòa án trung tâm Trịnh Trang Tử thuộc quận Khai Bình, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc đã mở phiên tòa xét xử bốn học viên Lý Văn Đông, Nhạc Trường Tồn, Trương Quốc Thần và Dương Chính vào ngày 10 tháng 08 năm 2012.

Khi ông Trương Quốc Thần làm chứng rằng mình đã từng bị đánh đập tại trung tâm giam giữ, thẩm phán Ngô Kiến Huy đã yêu cầu ông gọi nhân chứng.

Luật sư biện hộ Vương đã trả lời thay thân chủ của mình: “Bị giam giữ liên tục, thân chủ của tôi chỉ có thể cho thấy thực tế việc ông đã bị đánh như thế nào và không có cơ hội để tìm kiếm nhân chứng.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/9/29/是庭审还是演戏–280434.html
& https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/4/拒绝真证据-纵容伪证和刑讯-282216.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/1/17/144439.html

Đăng ngày 10-04-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share