Bài viết của Angie, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố New York

[MINH HUỆ 05 – 06 – 2013] Vào ngày 06 tháng 02 năm 2012, Vương Lập Quân, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh, đã chạy trốn sang lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô và tiết lộ những chi tiết về vụ ám sát và che giấu doanh nhân người Anh Neil Heywood, người có liên đới với Bạc Hy Lai. Vụ việc này khiến ông ta và cấp trên của ông ta, Bạc Hy Lai – nguyên Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh và ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, người đã bắt một vài đồng minh và phụ tá của Vương trước vụ việc, sụp đổ.

Vương Lập Quân nguyên là Giám đốc Sở Cảnh sát Trùng Khánh. Ông ta được cho là có chứng cứ chống lại Bạc, người lãnh đạo cuộc bức hại tàn bạo lên Pháp Luân Công và bị buộc tội mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công còn sống.

Sau sự kiện của Vương Lập Quân, các học viên Pháp Luân Công ở New York và Washington DC đã nhanh chóng tổ chức thỉnh nguyện để kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ công khai tất cả các chứng cứ mà Vương Lập Quân tiết lộ về Bạc Hy Lai, cũng như tất cả các chứng cứ liên quan đến việc chế độ Trung Quốc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công vô tội.

Các học viên ở thành phố New York rất bận rộn, vì vậy chúng tôi không có đủ nhân lực để dựng một bàn kí tên thỉnh nguyện trên các con phố cho người dân. Mỗi học viên sẽ tự tìm thời gian phù hợp để thu thập chữ kí. Manhattan là trung tâm của thành phố New York, vì vậy tôi quyết định đi đến Manhattan.

Ban đầu tôi hoàn toàn không biết phải bắt đầu từ đâu. Có rất nhiều người đi lại trên đường phố, nhưng trông họ đều rất bận rộn. Làm sao để tôi có thể tiếp cận họ đây? Tôi nhớ lại việc tổ chức trưng bày cảnh tra tấn các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trên đường phố Manhanttan cách đây vài năm. Chỉ có một số người dừng lại và bày tỏ sự thông cảm, trong khi nhiều người đã lạnh lùng và thờ ơ lướt qua. Chỉ mới nghĩ về điều đó đã khiến tôi cảm thấy chán nản. Trải nghiệm đó đã để lại trong tôi ấn tượng rằng người dân ở New York lạnh lùng và ích kỷ. Nhưng ngay lập tức tôi nhắc nhở bản thân rằng không phải tôi đang cầu xin sự giúp đỡ của họ như trong các chương trình từ thiện bình thường. Tôi đang cứu người và cho họ một cơ hội để được cứu. Tôi tự nhủ rằng mình phải trợ Sư Chính Pháp và cứu độ thế nhân.

Có bốn người ăn mặc lịch sự đang nói chuyện gần đó. Tôi tiếp cận họ bằng cách nói: “Xin lỗi, các bạn có thể vui lòng kí tên thỉnh nguyện để ngăn chặn việc Trung Quốc mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công được không?”

Họ chỉ nhìn tôi chằm chằm.

Tôi nói thêm: “Chỉ với một chữ ký, các bạn sẽ cứu được nhiều mạng sống. Mời các bạn đọc bản thỉnh nguyện.”

Tôi vừa nhìn họ vừa phát chính niệm. Một người cầm lấy bản thỉnh nguyện. Anh đọc phần tóm tắt và kêu lên: “Ôi chao! Tôi không thể tin được!” Anh ấy đã kí tên vào đơn thỉnh nguyện kèm với tên và địa chỉ của mình. Kí xong, anh chuyển bản thỉnh nguyện cho những người bạn còn lại, tất cả họ đã cùng kí tên.

“Không khó”, tôi tự nhủ. “Mình có thể làm được và mình phải làm được.”

Sau đó tôi thấy ba người khác đang trò chuyện với nhau. Tôi cũng tiếp cận họ với dòng mở đầu như vậy. Một phụ nữ nói với tôi rằng cô không quan tâm. Sự từ chối đột ngột khiến tôi cảm thấy tổn thương, nhưng tôi đã nhớ tới những lời dạy của Sư phụ. Tôi không được để bản thân mình bị ảnh hưởng. Tôi chuyển sang người bạn của cô: “Bạn có thể vui lòng kí tên thỉnh nguyện được không?” Một người đàn ông nhìn tôi và nói: “Tôi rất vui lòng.” Cuối cùng, cả hai đều đã kí tên thỉnh nguyện.

Tôi ngộ ra rằng miễn là mình giữ không bị ảnh hưởng, sự từ chối của một người sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của những người khác.

Trước khi nhận ra điều này, tôi đã thu thập được chữ kí từ hàng chục người. Một vài người kí tên, còn những người khác thì không. Tôi ghi nhớ trong tâm mình rằng tôi sẽ cho tất cả những người mà tôi gặp biết ý định của chúng tôi vì tôi chân thành muốn cứu mọi người. Còn việc có quyết định kí tên thỉnh nguyện hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân đó.

Ngày tiếp theo, tôi thu thập chữ kí ở một trạm tàu điện ngầm trong khi các hành khách đang chờ tàu. Tôi tiếp cận họ từ đầu sân ga này đến đầu sân ga khác. Tàu điện đã đến trễ, điều đó cho phép mọi người có cơ hội biết về ý định của chúng tôi.

Tôi tiếp cận một cặp vợ chồng ở trạm tàu điện ngầm. Người vợ vội xua tay. “Chúng tôi không quan tâm”, cô nói. Thường thì bạn sẽ nghĩ rằng người chồng cũng từ chối. Nhưng tôi đã không để cô ấy làm mình nản lòng. Tôi biết rằng cô ấy không đại diện cho người chồng về vấn đề này. Tôi tiếp cận người chồng và đưa cho anh tờ đơn thỉnh nguyện. “Tôi thật sự muốn cứu anh”, tôi tự nhủ. Kết quả là anh ấy đã kí tên thỉnh nguyện sau khi đọc đơn. Trong khi anh điền tên và địa chỉ, tôi nói thêm cho anh về những tội ác của chế độ Trung Cộng. Vợ của anh cũng lắng nghe. Khi anh kí tên xong, vợ anh nói: “Tôi nghĩ rằng tôi cũng nên kí.” Tôi mỉm cười với cô.

Thật tốt vì tôi đã không nghĩ xấu về cô khi cô từ chối kí tên lúc đầu.

Vào ngày thứ ba, tôi đang nói chuyện với một người đàn ông Mỹ gốc Phi gần Quảng trường Thống nhất thì một người Mỹ gốc Phi khác hét lên từ bên kia đường. “Có phải bạn đang thu thập chữ kí cho Pháp Luân Công không?” “Vâng”, tôi đáp. Anh ấy bước nhanh đến chỗ tôi. Anh trông giống như đang chạy bộ. “Tôi rất thích kí tên cho Pháp Luân Công. Lần này là cho việc gì?” Có vẻ như anh đã được các học viên Pháp Luân Công tiếp cận trước đó. Sau khi tôi giải thích lý do, anh lập tức nói: “Vâng! Tôi chắc chắn sẽ kí!” Anh lấy bản thỉnh nguyện từ tôi và kí. Nhưng người đàn ông mà tôi nói chuyện thì lưỡng lự. Người chạy bộ nói với tôi: “Đừng lo. Anh ấy là bạn của tôi. Tôi sẽ giúp anh ấy kí.” Anh vòng một tay qua người bạn và nói, “Anh bạn, điều này rất quan trọng. Anh phải kí.” Người đàn ông cười với người chạy bộ, nhưng anh ấy không kí. Rồi người chạy bộ cao giọng: “Này! Anh có kí hay không? Nếu anh không kí, anh sẽ không còn là bạn của tôi nữa.” Người đàn ông lại cười. Anh ấy nói: “Tôi sẽ kí. Tôi chỉ đang nghĩ xem nên dùng địa chỉ nào.” Tôi gợi ý anh dùng địa chỉ nơi làm việc. Anh ấy đã lập tức kí tên thỉnh nguyện và điền tên và địa chỉ nơi làm việc của mình vào đó.

Tôi cũng gặp một người phụ nữ từ New Jersey ở Quảng trường Thống nhất. Sau khi tôi nói cho cô về ý định của chúng tôi, cô kêu lên: “Ôi chao! Làm sao việc này có thể xảy ra được? Tôi sẽ kí tên thỉnh nguyện.” Sau khi tôi tạm biệt cô, cô bắt kịp tôi và dừng tôi lại: “Bạn có thể vui lòng đợi một giây được không? Con trai của tôi và bạn gái của nó đang ở đó. Tôi sẽ đưa cô đến chỗ của chúng. Chúng cũng nên kí tên thỉnh nguyện.” Cô ấy bảo con trai: “Đây là một vấn đề rất quan trọng. Mẹ nghĩ rằng cả hai con nên kí tên.” Khi con trai của cô và bạn gái của cậu ấy đọc bản thỉnh nguyện, cả hai đều kêu lên: “Ôi chao! Điều này thật kinh khủng! Điều này không thể xảy ra!” Cả hai đều kí tên thỉnh nguyện.

Tôi rất cảm động bởi những người tử tế mà tôi đã gặp. Có hai sinh viên cao đẳng đang ngồi ở Quảng trường Thống nhất. Một người nói với tôi: “Tôi cần phải suy nghĩ.” Nhưng người kia đã lấy đơn thỉnh nguyện và kí ngay lập tức. Rồi anh hỏi người bạn: “Tại sao bạn cần phải suy nghĩ? Đó là điều đúng.” Bạn của anh nói: “Đó là tên của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ phải suy nghĩ trước khi tôi kí.” Anh có vẻ khó chịu. “Vậy sao? Bạn có vấn đề với việc dùng tên cho lý do chính đáng à?” Tôi vội hòa giải: “Không sao đâu. Tôi sẽ đợi.” Tôi vẫn phát chính niệm trong khi anh đang suy xét. Sau khoảng một phút, anh nói, “Tôi sẽ kí tên thỉnh nguyện.” Bạn của anh mừng đến nỗi anh ấy đã vỗ tay tán thưởng.

Tôi rất cảm động bởi người thanh niên không chỉ kí tên thỉnh nguyện mà còn vỗ tay tán thưởng khi bạn của anh có quyết định đúng đắn. Tôi đã làm việc không mệt mỏi và chịu đựng thời tiết khắc nghiệt khi chúng tôi tổ chức trưng bày tra tấn ở Manhattan vài năm trước đây. Tôi đã từng bực bội về những người thờ ơ với việc làm của chúng tôi, nhưng giờ tôi cảm thấy được động viên bởi sự tử tế và chính nghĩa của người thanh niên này.

Tôi cũng phát hiện ra rằng cựu thế lực không còn đủ quyền lực để điều khiển con người như trước nữa. Có vẻ như phần tốt, phần biết của người ta đã thức tỉnh. Thật ra, tôi thấy mình có rất ít quan niệm tiêu cực về người khác. Tôi từng nghĩ rằng người dân Manhattan thờ ơ với việc làm của chúng tôi vì họ ích kỷ. Người ta không tiếp thu lắm vì tôi đã có định kiến. Giờ khi tôi có ít quan niệm tiêu cực về người ta, tôi có thể thấy rõ sự khác biệt trong cách người ta phản ứng lại với tôi. Thân thể tôi không còn thấy nặng nề và trường năng lượng của tôi trở nên thuần tịnh.

Có tám thiếu niên người Mỹ gốc Phi đang ngồi ở Quảng trường Thống nhất. Cách ăn mặc của họ khiến họ trông có vẻ ngổ ngáo và khó gần, nhưng tôi quyết định không định kiến với họ. Tôi lại gần họ và giải thích việc làm của mình. Một thiếu niên chế nhạo: “Tôi là người da đen.” Những người bạn của cậu cười. Ý cậu là cậu không quan tâm vì cậu không phải là người Trung Quốc. Tôi giữ không để bị ảnh hưởng. Tôi mỉm cười và nhìn vào mắt cậu. “Cậu biết gì không? Tôi giống hệt cậu vậy.”

Tất cả ngừng cười.

“Tôi giống hệt cậu. Tôi không thể chọn màu da của mình, nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là trái tim của chúng ta. Cậu có nghĩ vậy không? Đừng đánh giá thấp khả năng của những chữ kí của các cậu trên tờ đơn thỉnh nguyện này. Nó có thể cứu được nhiều mạng người.” Tôi đã nói điều đó từ trái tim mình.

Toàn bộ không gian lúc đó dường như trở nên bất động. Không ai nói lời nào. Cậu thiếu niên lấy tờ đơn thỉnh nguyện và liếc nhanh về phía tôi.  Vài người bạn của cậu cũng phản ứng giống hệt như vậy. Cả tám người đã kí tên thỉnh nguyện. Một người hỏi liệu cậu có thể kí tên thay cho bạn gái của cậu được không. Tôi gợi ý rằng cô ấy nên tìm hiểu về đơn thỉnh nguyện trước. “Cô ấy cũng ở đây. Cháu sẽ đưa cô ấy đến.” Cậu nhanh chóng trở lại với bạn gái của mình và hai thiếu nữ khác. Tất cả đều kí tên thỉnh nguyện.

Một cậu bé người Mỹ gốc Phi khoảng 12 tuổi tiến lại chỗ tôi và hỏi tôi đang làm gì. Cậu xin kí tên thỉnh nguyện. Tôi không chắc liệu có ổn không khi để cậu kí tên mà không có cha mẹ của cậu, nhưng cậu đã kéo bản thỉnh nguyện về phía mình. “Cô phải hạ thấp nó xuống thì cháu mới có thể kí.” Tôi quyết định mình nên tôn trọng quyết định của cậu bé cho dù cậu còn nhỏ tuổi.

Sau đó cậu bé hỏi: “Cô có thể ở lại đây một lúc được không? Cháu sẽ kêu em trai của cháu kí tên.” Cậu nhanh chóng quay trở lại với một cậu bé khoảng bảy tuổi. Tôi hỏi em trai của cậu: “Cháu có biết thỉnh nguyện này là để làm gì không?” Cậu nói: “Vâng. Anh của cháu đã nói cho cháu về nó.” “Cháu có chắc là muốn kí không?” Cậu gật đầu. “Cháu chắc chắn.” Cậu bé rất cố gắng để “vẽ” tên của mình, nhưng nó vẫn nguệch ngoạc. Anh trai của cậu nhìn chữ kí của cậu và xóa nó đi. Cậu bé phản đối. Cậu nắm lấy tay của anh mình và hét lên: “Đó là chữ kí của em! Đừng xóa nó đi.” Anh của cậu nói, “Chữ viết tay của em xấu tệ. Không ai hiểu được đâu. Anh sẽ làm cho nó dễ nhìn hơn.” Cậu bé không biết phải làm gì và ngước nhìn tôi. Tôi vỗ vai cậu và nói: “Đừng lo. Chúng tôi biết rằng cháu đã kí tên. Cháu đã có lựa chọn rất đúng đắn.” Cậu bé cười hạnh phúc. Tôi rất cảm động khi những cậu bé này xin kí tên thỉnh nguyện mà không cần phụ huynh hướng dẫn.

Vào ngày thứ tư, tôi thu thập chữ kí gần Thư viện Công cộng New York trên đường số 42. Có bàn ghế ngoài trời trong công viên đằng sau thư viện. Có nhiều người đang nghỉ trưa ở đó. Hầu hết mọi người đều ăn mặc lịch sự. Tôi có thể đoán rằng họ là những vị lãnh đạo trong lĩnh vực công hoặc tư. Giờ nghỉ trưa là một cơ hội hoàn hảo để tôi tiếp cận họ, nhưng tim tôi bắt đầu đập nhanh khi tôi chuẩn bị đến gần họ. Tôi cảm thấy nhỏ bé trước những người có vẻ quan trọng này. Nhưng tôi tự nhủ phải vượt qua cảm giác sợ hãi vì đó là một hình thức can nhiễu.

Ngay đúng lúc đó một người đàn ông Mỹ gốc Phi ăn mặc lịch sự bước lại chỗ tôi và chào tôi một cách lịch sự.

“Tôi muốn nói xin chào. Tôi rất vui được gặp bạn.” Tôi giải thích cho ông ấy bản thỉnh nguyện để làm gì và ông ấy ngay lập tức kí. “Sẽ không lâu đâu. Xin hãy đợi ở đây”, ông ấy nói trước khi rời đi.

Tôi tiến đến từng bàn trong công viên. Nhiều người đã nghe nói về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của chế độ Trung Cộng lên Pháp Luân Công, nhưng họ không biết đầy đủ về sự suy đồi của chế độ Trung Cộng.

Tôi lại gần hai người đàn ông đang ngồi ở một chiếc bàn gần đó. Một người là một doanh nhân và người kia là bạn của anh. Vị doanh nhân hoài nghi: “Họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) thật sự làm việc này (mổ cướp nội tạng) à? Chẳng phải nước Trung Quốc đang cải thiện sao?” Bạn của anh giải thích: “Anh ấy đang dự tính kinh doanh với Trung Quốc.” Ngay lập tức tôi cảm thấy buộc phải nói cho anh thêm về Trung Quốc.

“Anh nghĩ anh sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ một chế độ mổ cướp nội tạng những người còn sống?”

Trông anh ấy có vẻ bị sốc.

“Sau khi anh đưa tiền của anh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), anh có nghĩ rằng họ sẽ nghe lời anh không?” Anh nhìn vào bạn của mình.

Tôi tiếp tục: “Anh nghĩ rằng liệu ĐCSTQ sẽ nói cho anh cách họ dùng tiền của anh sao? Nhằm bảo vệ khoản đầu tư của mình, anh sẽ phải làm theo bất cứ điều gì Đảng Cộng sản yêu cầu anh sao? Luật pháp không có quyền ở Trung Quốc. Anh nghĩ rằng liệu ĐCSTQ có nói cho anh sự thật không?”

“Xin đừng để tiền của anh khóc vì anh. Tôi tin rằng nó thà ở nhà với anh còn hơn là ở với ĐCSTQ.” Cả hai đều cười.

Vị doanh nhân nhận đơn thỉnh nguyện, nhưng anh vẫn lưỡng lự kí tên.

Tôi nói: “Kí tên thỉnh nguyện có vẻ rất dễ dàng, nhưng ngày nào đó anh sẽ thấy may mắn khi đã lựa chọn đúng.” Họ lại cười. Vị doanh nhân vừa kí vừa nói: “Tôi bắt đầu thấy may mắn rồi.” Bạn của anh cũng kí. “Làm sao tôi có thể lỡ mất điều có thể làm tôi may mắn kia chứ?”

Khi tôi chuẩn bị rời đi, vị doanh nhân nói: “Cảm ơn bạn! Cảm ơn bạn vì mọi thứ mà bạn đã nói cho tôi!”

Cần rất nhiều kỹ năng để giảng chân tướng cho tầng lớp ưu tú của xã hội. Đừng khiến họ cảm thấy ngạo mạo, cũng đừng khiến họ thấy bạn đang “lên lớp”, “dạy bảo” hay “giảng giải” cho họ. Hãy dẫn dắt để họ suy nghĩ và tìm cách để kích thích và thu hút họ. Mỗi đối tượng khán giả cần một cách tiếp cận riêng; quan trọng hơn là chúng ta phải suy nghĩ thật nhanh.

Tôi thường phải nghĩ ra một vấn đề để nói chuyện trong vòng vài giây. Đó thật sự là một bài tập não mệt mỏi. Tôi thấy mình có thể suy nghĩ và phản ứng rất nhanh khi tôi thu thập chữ kí. Tôi có thể nghĩ ra vài vấn đề để nói ngay lập tức và chọn cái tốt nhất cho người nghe mặc dù tôi thường thấy mình ướt đẫm mồ hôi sau khi chỉ mới nói chuyện với một người.

Một luật sư ở công viên nói rằng ông biết về cuộc bức hại của chế độ Trung Cộng lên Pháp Luân Công. Nhưng ông hỏi: “Bạn có thật sự nghĩ rằng nó (thỉnh nguyện) có thể tạo ra khác biệt gì không?” Tôi trả lời: “Nó giống như một vụ kiện. Cần có thời gian, nhưng chắc chắn sẽ kết thúc với kết quả chính đáng. Chỉ cần bạn nỗ lực, đúng không?” Trông ông có vẻ như đang hiểu lời tôi nói. Ông gật đầu: “Đúng vậy.”

Sau khi kí tên thỉnh nguyện, ông hỏi xin đường dẫn của trang web thỉnh nguyện và nói rằng ông cũng sẽ cho bạn mình kí tên.

Có hai người đàn ông mặc đồ công sở sang trọng trong công viên. Tôi lập tức biết rằng họ là những người quan trọng qua cách họ thể hiện bản thân. Họ nhìn các tài liệu trên bàn trong khi tôi nói.

“Bạn thật sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ kí? Chúng tôi hiện đang rất bận.”

“Tôi nghĩ rằng các ông sẽ kí”, tôi trả lời.

“Tại sao bạn nghĩ thế?”

“Có hai lý do. Đầu tiên, các ông sống ở Hoa Kỳ. ĐCSTQ sẽ không thể cho các ông vào trại lao động cưỡng bức nếu các ông kí tên. Thứ hai các ông hẳn là nhớ bộ phim ‘Danh sách của Schindler’. Ở cuối bộ phim, Schindler tiếc vì đã không bán cái ghim màu vàng để cứu thêm nhiều người Do Thái khỏi bị chết. Các ông không cần phải bán gì cả. Các ông chỉ cần kí tên thỉnh nguyện này để cứu nhiều mạng người.”

Cả hai đều ngạc nhiên. Họ đã kí tên thỉnh nguyện mà không hề từ chối.

Có sáu người đang nói chuyện ở một bàn khác. Một người hỏi: “Chúng tôi sẽ được gì nếu chúng tôi kí tên thỉnh nguyện?” Tôi trả lời: “Các bạn sẽ cứu được nhiều mạng người. Lịch sử sẽ ghi nhớ các bạn. Đó là một phần thưởng mà không tiền nào có thể mua được.” Tất cả họ đều vui vẻ kí tên thỉnh nguyện.

Hai phụ nữ đang nói chuyện điện thoại thì tôi đến bàn của họ. “Chúng tôi không rảnh”, họ nói. Tôi đến một bàn gần đó để họ có thể nghe được tôi. Khi họ nói chuyện điện thoại xong, họ bảo tôi trở lại và kí tên thỉnh nguyện. Họ cũng hỏi địa chỉ trang web thỉnh nguyện để họ có thể để các nhân viên của họ cùng kí tên.

Mặc dù tôi đã dốc hết tâm huyết, nhưng không phải ai cũng kí tên.

Một doanh nhân nói với tôi rằng anh sẽ không kí tên thỉnh nguyện vì anh sợ rằng ĐCSTQ sẽ gây rắc rối cho anh. Những người vừa mới kí tên thỉnh nguyện nhìn anh với ánh mắt coi thường. Anh để ý thấy họ đang nhìn và trông có vẻ không thoải mái. Tôi nhìn anh một cách buồn bã. Trước đây, tôi sẽ chỉ rời đi và nghĩ một cách tiêu cực, “Tôi không thể làm gì nếu bạn không muốn được cứu.” Nhưng giờ thì tôi nghĩ khác. Anh ấy vẫn có cơ hội miễn là cuộc bức hại chưa chấm dứt. Tôi không nên nghĩ rằng anh ấy đã hết hi vọng.

Tôi nói với anh với tất cả lòng chân thành: “Anh sẽ không mất gì khi kí tên thỉnh nguyện. Thậm chí anh có thể còn được ban phúc. Có lẽ anh cần thời gian để suy nghĩ. Có thể là lần tới. Tôi hy vọng rằng lần tới anh sẽ kí.”

Anh ấy đã cảm động bởi lòng tốt của tôi. “Lần tới tôi sẽ kí”, anh nói.

Có một bác sĩ người Do Thái ở công viên. Anh nói: “Tôi biết tất cả những việc này. Tôi chắc chắn sẽ kí!” Tôi cũng cho anh địa chỉ trang web thỉnh nguyện và nhờ anh chuyển nó đến những đồng nghiệp của anh. Anh hứa sẽ thực hiện điều đó.

1.200 người đã kí tên thỉnh nguyện trong vòng bốn ngày. Tôi chỉ mất khoảng hai giờ mỗi ngày. Có rất nhiều câu chuyện về những người không mong đợi nhất cuối cùng cũng đã kí tên thỉnh nguyện.

Tôi cảm động sâu sắc bởi những cuộc gặp gỡ với tất cả những người có chính nghĩa như vậy. Tôi thấy xấu hổ vì trước đó đã nghĩ về một kết quả tiêu cực từ những người dân ở Manhattan. Trải nghiệm này đã giúp tôi tu luyện tinh tấn hơn vì chúng ta là hy vọng được cứu của họ. Chúng ta sẽ chỉ có thể cứu người khi chúng ta suy nghĩ một cách vị tha và hoàn toàn vì để cứu độ họ.

Trên đây là thiển ngộ của tôi về vấn đề này. Xin từ bi chỉ ra bất kỳ điều gì còn thiếu sót.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/5/在征签中放下观念、救度众

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/5/140879.html

Đăng ngày 21-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share